ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Tình hình thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường ở Việt Nam

Ngày đăng: 22 | 05 | 2023

Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, kêu gọi sự chung tay hành động xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo đến năm 2030 tất cả cư dân toàn cầu đều được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Chương trình đưa ra 17 mục tiêu PTBV (SDG), 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai.

    Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 thành 17 mục tiêu chung (VSDG) và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở 17/115 mục tiêu cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 13/12/2018, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến 2030 của ngành TN&MT tại Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT với 40 chỉ tiêu PTBV. Bài viết giới thiệu kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu PTBV về môi trường ở Việt Nam đến năm 2020.

    1. Tổng quan tình hình thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu PTBV về môi trường trên thế giới

    Trong các năm 2020, 2025, 2030 là những năm cơ sở để toàn bộ thế giới nhìn lại các kết quả đã thực hiện, xác định các khó khăn, thách thức phải đối mặt, từ đó đề ra các định hướng trong thời gian tiếp theo. Việc đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia được dựa trên chỉ số SDG (SDG index). Theo đó, các quốc gia được xếp hạng tương ứng với số điểm đạt được của chỉ số SDG. Năm 2021, có 165 quốc gia được xếp hạng [3]. 20 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số SDG chính là 20 quốc gia đi đầu trong tiến trình triển khai các mục tiêu PTBV, ngoại trừ Croatia đều là các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ba quốc gia tại châu Phi đang xếp cuối Bảng xếp hạng (Chad, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi). Nhật Bản là quốc gia đi đầu tại Châu Á trong tiến trình thực hiện mục tiêu SDG (xếp thứ 18/165). Đông và Nam Á có nhiều tiến bộ về SDGs kể từ khi thông qua các mục tiêu vào năm 2015.

    Các quốc gia có thu nhập thấp đạt chỉ số SDG thấp hơn, có nghĩa là con đường tiến tới PTBV đến năm 2030 sẽ bị chậm hơn. Điều này một phần là do bản chất của các mục tiêu PTBV, tập trung phần lớn vào việc chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và cung cấp cho tất cả mọi người khả năng tiếp cận các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cơ bản (SDG 1-9). Bên cạnh đó, là do thiếu cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách phù hợp để có thể xử lý hiệu quả các thách thức về môi trường (SDG 12-15). Đặc biệt, đại dịch Covid đã làm đảo ngược các tiến bộ đạt được trong thực hiện các mục tiêu PTBV tại các quốc gia này, nhất là tiến bộ trong việc chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cơ bản liên quan đến việc thực hiện SDG 3 (sức khỏe tốt và hạnh phúc) và SDG 8 (việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế). Tuy nhiên, ngay cả với các nước OECD cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được một số SDG. Thậm chí trước đại dịch, các nước thu nhập cao cũng chưa đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất bền vững, hành động khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học (SDGs 12-15). [3]

    Môi trường là một trong các trụ cột quan trọng của PTBV. Lĩnh vực môi trường trong các mục tiêu PTBV bao gồm 15/17 mục tiêu SDGs (ngoại trừ SDG 10 về giảm bất bình đẳng và SDG 16 về hòa bình và công lý) đi cùng với 93 chỉ tiêu giám sát được đưa ra bởi Ban Thư ký UNEP vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, sau quá trình đánh giá năm 2020 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc, số lượng các chỉ tiêu SDG môi trường giảm xuống còn 92 [5]. UNEP đã có đánh giá kết quả thực hiện các SDGs môi trường tại từng khu vực trên thế giới bao gồm: châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Năm 2018 chỉ có 30/93 chỉ tiêu có đủ dữ liệu đánh giá (chiếm tỉ lệ 32%) bao gồm 22 chỉ tiêu có sự cải thiện theo xu hướng tích cực (đạt 73%) và 8 chỉ tiêu chỉ có thay đổi nhỏ hoặc có xu hướng tiêu cực (chiếm 27%) [4]. Năm 2020, tỷ lệ số lượng các chỉ tiêu không có dữ liệu đánh giá đã giảm xuống còn 58%. Trong 39/92 chỉ tiêu có đủ dữ liệu đánh giá (tăng 10% so với năm 2018), số lượng chỉ tiêu có xu hướng tích cực là 26 (đạt 67%) và xu hướng tiêu cực là 13 (chiếm 33%) [5].

    2. Tình hình thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu PTBV về môi trường tại Việt Nam

    Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các mục tiêu PTBV. Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 51/165 [7] quốc gia về điểm chỉ số SDG. Thứ hạng này đã được cải thiện liên tục qua các năm, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 88/149 quốc gia, năm 2017 xếp thứ 68/157 quốc gia, năm 2019 xếp thứ 54/162 quốc gia và năm 2020 xếp thứ 49/166 nước. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 chỉ sau Thái Lan (năm 2020). [1]

    Trong 17 mục tiêu VSDG, 115 mục tiêu cụ thể theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, lĩnh vực môi trường có 6/17 mục tiêu VSDG với 17/115 mục tiêu cụ thể (3.8.a, 6.1.d, 6.3.b, 6.4, 6.5, 6.6, 12.2.a, 12.4.b, 12.5.a, 13.1.a, 13.3.a, 14.1, 14.3, 15.1, 15.5, 15.6, 15.8). Các mục tiêu cụ thể này được Bộ TNMT cụ thể hóa thành 40 chỉ tiêu PTBV tại Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến 2030 của ngành TN&MT ban hành ban hành theo Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT ngày 13/12/2018.

    Kết quả đánh giá thực hiện đến năm 2020 cho thấy, trong 17 mục tiêu cụ thể, có 3 mục tiêu cơ bản đạt được lộ trình đề ra, bao gồm mục tiêu 4 (6.1d) về đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người có 1/1 chỉ tiêu đạt được lộ trình 2020; mục tiêu 5 (6.3b) về cải thiện chất lượng nước có 2/3 chỉ tiêu đạt được, 1/3 chỉ tiêu không đạt; mục tiêu 7 (6.5) về thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông có 2/2 chỉ tiêu đạt được.

    Trong khi đó, có 2 mục tiêu cụ thể không đạt lộ trình đề ra đến năm 2020 bao gồm mục tiêu 9 (12.2a) về cơ bản hoàn thành công tác điều tra, đánh giá và quy hoạch nhằm đạt được khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản có 5/6 chỉ tiêu không đạt lộ trình 2020, 1/6 chỉ tiêu không có lộ trình 2020 và mục tiêu 14 (15.1) về đảm bảo sự bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng, các dịch vụ hệ sinh thái có 1/1 chỉ tiêu không đạt.

    Kết quả đánh giá cũng cho thấ,  3/17 mục tiêu cụ thể mới hoàn thành lộ trình 2020 đối với 50% chỉ tiêu, 50% chỉ tiêu còn lại không có số liệu (bao gồm mục tiêu 2 (12.4b) về quản lý tốt chất thải nguy hại, cải thiện và phục hồi môi trường, mục tiêu 15 (15.5) về tiếp tục thực hiện những hành động cấp thiết để ngăn chặn và tiến đến chấm dứt sự suy thoái nơi cư trú tự nhiên các hệ sinh thái, bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài động, thực vật nguy cấp, mục tiêu 17 (15.8) về tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và phòng trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đối với các hệ sinh thái đất và nước; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; riêng mục tiêu 2 bao gồm 1/2 chỉ tiêu đạt lộ trình 2020, 1/2 chỉ tiêu không đạt).

    Bên cạnh đó, có 4/17 mục tiêu cụ thể có 50% chỉ tiêu không đạt lộ trình 2020, 50% chỉ tiêu không có số liệu (bao gồm mục tiêu 1 (3.8a) về đẩy mạnh phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, mục tiêu 3 (12.5a) về giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh, tăng cường giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên chất thải, mục tiêu 6 (6.4) bảo đảm việc khai thác nước không vượt qua ngưỡng giới hạn khai thác đối với sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước, mục tiêu 8 (6.6) bảo vệ và phục hồi các nguồn nước và hệ sinh thái liên quan đến nước). Ngoài ra, 2 mục tiêu chưa có số liệu đầy đủ (bao gồm mục tiêu 11 (13.3a) về giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế trong cảnh báo sớm, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai với 3/3 chỉ tiêu chưa có số liệu thống kê đầy đủ, mục tiêu 16 (15.6) về đảm bảo chia sẻ công bằng và bình đẳng lợi ích từ việc sử dụng các nguồn gen và tăng cường tiếp cận hợp lý các nguồn gen theo cam kết quốc tế với 2/2 chỉ tiêu chưa có số liệu).

    Đối với 3 mục tiêu còn lại, chưa đánh giá chính xác được do một số chỉ tiêu không quy định lộ trình cho năm 2020 (bao gồm mục tiêu 10 (13.1a) về tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác với 1 chỉ tiêu đạt lộ trình 2020, 1 chỉ tiêu không đạt, 1 chỉ tiêu ko có lộ trình, mục tiêu 12 (14.1) về ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển với 1 chỉ tiêu không đạt, 2 chỉ tiêu không có lộ trình; mục tiêu 13 (14.3) về giảm thiểu và xử lý tác động của axít hóa đại dương, ưu tiên việc tăng cường hợp tác khoa học ở tất cả các cấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu có 1 chỉ tiêu không đạt, 1 chỉ tiêu không có lộ trình).

    Như vậy, trong số 35/40 chỉ tiêu có quy định lộ trình cho năm 2020, 11 chỉ tiêu đã hoàn thành lộ trình (chiếm tỉ lệ 27,5%), 14 chỉ tiêu chưa hoàn thành lộ trình đến năm 2020 (chiếm tỉ lệ 35%), có 10 chỉ tiêu chưa có số liệu thống kê (chiếm tỉ lệ 25%) (Hình 1). Trong số 14 chỉ tiêu chưa đạt lộ trình 2020, có 9 chỉ tiêu có thể cải thiện theo xu hướng tích cực (Chỉ tiêu 2.2; 6.1; 8.1; 9.1; 9.3; 9.4; 10.2; 12.1; 14.1) và có triển vọng hoàn thành lộ trình 2025 và 2030. Trong 10 chỉ tiêu chưa có số liệu thống kê, có một số chỉ tiêu là chưa được triển khai do không có quy định thực hiện (13.1, 15.2, 16.1, 17.2). [6]

Hình 1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu PTBV ngành TN&MT đến năm 2020 [6]

    3. Một số khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp

    Tuy đạt kết quả khả quan trong thực hiện các mục tiêu PTBV nói chung, song Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ở phía trước để hoàn thành các mục tiêu PTBV đặt ra đến năm 2030 trong đó có các mục tiêu PTBV về môi trường. Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, làm thay đổi mọi dự báo và đặt ra những thách thức và nguy cơ khiến thế giới sẽ khó hoàn thành các mục tiêu PTBV đến năm 2030 và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Lần đầu tiên kể từ khi áp dụng SDGs vào năm 2015, điểm chỉ số SDG trung bình toàn cầu năm 2020 đã giảm so với các năm trước: sự sụt giảm trên diện rộng do tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp gia tăng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát [1]. Đại dịch đã tác động đến cả ba khía cạnh của PTBV: kinh tế - xã hội và môi trường. Không thể có sự PTBV và phục hồi kinh tế trong khi đại dịch đang hoành hành. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, việc thực thi các chính sách đã ban hành chưa hiệu quả, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính, về cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ cũng sẽ là những thách thức đối với Việt Nam. Ngoài ra, khoảng trống về dữ liệu và độ trễ thời gian của dữ liệu cũng cho thấy sự cần thiết phải đầu tư hơn nữa vào năng lực thống kê để có đủ dữ liệu đánh giá tiến trình thực hiện SDG. Trong 40 chỉ tiêu PTBV về môi trường ở Việt Nam, có đến 25% chỉ tiêu chưa có số liệu thống kê [6].

    Để tiếp tục gặt hái thành công và tiến tới đạt được những mục tiêu PTBV nói chung, mục tiêu PTBV về môi trường nói riêng, Việt Nam cần quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt, biến thách thức thành cơ hội, huy động sức mạnh của toàn xã hội, trong đó tập trung vào các giải pháp: (i) Xây dựng đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch để quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên cho phát triển, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. (ii) Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tài nguyên và môi trường. (iii) Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả. (iv) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, hợp tác hội nhập quốc tế sâu rộng.

ThS. Hoàng Thị Hiền, ThS. Nguyễn Thế Thông, ThS. Dương Thị Phương Anh

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Tài liệu tham khảo

  1. Chính phủ, 2021, Báo cáo quốc gia năm 2020-Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu PTBV
  2. Chính phủ, 2021, Báo cáo số 83/BC-CP về công tác bảo vệ môi trường năm 2020
  3. Jeffrey Sachs et. al, 2021, Sustainable Development 2021-The Decade of Action for the Sustainable Development Goals
  4. UNEP (2019), Measuring progress: Towards achieving the environmental dimension of the SDGs, ISBN: 978-807-3750-9
  5. UNEP (2021), Measuring progress environment and the SDGs, ISBN No: 978-92-807-3855-1
  6. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 2021, Báo cáo Tổng kết Nghiên cứu, phân tích việc thực hiện các mục tiêu PTBV (SDGs) của Liên hợp quốc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 và đề xuất giải pháp cho Việt Nam
  7. https://dashboards.sdgindex.org/rankings

NỘI DUNG KHÁC

Một số cơ sở lý luận về thiết lập tài khoản đại dương

23-5-2023

Đại dương là nguồn sinh kế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần điều hòa khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG14 (Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững) của các nước trên thế giới.

Vai trò, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và khuyến nghị cho Việt Nam

24-5-2023

 Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cách tiếp cận chính sách giúp các nhà hoạch định, nhà quản lý nhìn nhận sự vận hành của nền kinh tế và tìm ra giải pháp hoàn thiện thúc đẩy xã hội áp dụng KTTH. Có nhiều công cụ chính sách khác nhau đang được bàn luận và áp dụng tại các quốc gia trên thế giới như mua sắm công xanh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility-EPRs), tài chính xanh, nhãn sinh thái, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về thuế/phí… Một trong những công cụ có vai trò quan trọng để thúc đẩy áp dụng KTTH là “tiêu chuẩn, quy chuẩn”. Bài viết phân tích vai trò, ý nghĩa trong tiếp cận về tiêu chuẩn, quy chuẩn, xu hướng phát triển tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH và khuyến nghị cho Việt Nam.

Một cách tiếp cận đánh giá kết quả thực hiện chiến lược trong khu vực công tại Việt Nam

24-5-2023

 Hoạt động đánh giá chiến lược sau khi ban hành tại Việt Nam dần nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hoạt động này đa phần tập trung vào sơ kết hoặc tổng kết kết quả khi chuẩn bị xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới. Hoạt động đánh giá kết quả chiến lược cũng chưa có hướng dẫn thống nhất nào về phương pháp, công cụ cũng như quy trình đánh giá.

Đề xuất một số tiêu chí đánh giá mức độ suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước ở Việt Nam

25-5-2023

Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước (ĐNN), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái (HST) ĐNN tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, các khu rừng ngập mặn, các vùng ĐNN ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, chất lượng ĐDSH các HST ĐNN của nước ta đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là các HST vùng triều, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cùng các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm đang bị giảm sút nhanh chóng cả về số lượng và quy mô diện tích phân bố. Bài viết phân tích cơ sở lý luận về việc đánh giá suy thoái HST ĐNN, từ đó đề xuất một số tiêu chí đánh giá mức độ suy thoái HST ĐNN có thể áp dụng tại Việt Nam.

Đánh giá tổn thất và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng - kinh nghiệm một số nước và hướng áp dụng cho Việt Nam

29-5-2023

 “Tổn thất và thiệt hại” là một chủ đề mới nổi trong đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH), trong các nghiên cứu, chính sách thực hiện hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, kết nối các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đánh giá tổn thất và thiệt hại bao gồm phân tích, lượng giá các tổn thất đã xảy ra trong quá khứ hoặc dự báo, ước tính các thiệt hại liên quan đến biến đổi xảy ra trong tương lai. Ngoài việc đánh giá định lượng các tổn thất và thiệt hại (TT&TH), có thể thực hiện đánh giá định tính dựa vào cộng đồng. Bài viết giới thiệu phương pháp này từ thực tiễn áp dụng một số nước và đề xuất hướng áp dụng cho Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề cần cân nhắc trong đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư phát triển tới hệ sinh thái rừng

30-5-2023

Trước sự gia tăng dân số, nhu cầu phát triển, tiêu thụ... ngày càng cao của con người đã gây sức ép lớn lên tài nguyên thiên nhiên. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là các dự án thủy điện, đường giao thông, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... khó tránh khỏi tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, do cần sử dụng đất rừng, kể cả rừng đặc dụng. Vì vậy, một số tổ chức uy tín trên thế giới đã xây dựng những hướng dẫn về đánh giá tác động của một số dự án đầu tư phát triển tới hệ sinh thái (HST) tự nhiên nói chung từ rất sớm.

Cơ chế bồi hoàn và giao dịch tín chỉ đa dạng sinh học, xu hướng mở rộng trên thế giới và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

31-5-2023

Đa dạng sinh học (ĐDSH) là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái (HST) trong tự nhiên [1]. ĐDSH có giá trị vô cùng to lớn đối với hệ thống tự nhiên và đời sống của con người bao gồm cả những giá trị có thể sử dụng và cả những giá trị phi sử dụng. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là có ĐDSH cao của thế giới, với sự đa dạng về các kiểu HST, các loài, sự phong phú và tính đặc hữu về nguồn gen. Tuy nhiên, ĐDSH của Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng, diện tích, chất lượng của các HST đang bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của quá trình phát triển, thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiết lập kênh tài chính bền vững cho ĐDSH đang là bài toán khó đặt ra cho mỗi quốc gia trên thế giới và Việt Nam [2].

Đánh giá tính khả thi và mức độ sẵn sàng tham gia Chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam

1-6-2023

EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn chất thải trong vòng đời sản phẩm. Trên thực tế, EPR liên quan đến việc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong quản lý sản phẩm sau khi trở thành chất thải, bao gồm: thu thập chất thải, xử lý trước (như phân loại, chuẩn bị cho tái sử dụng, thu hồi hoặc thải bỏ giai đoạn cuối). Các hệ thống EPR cho phép các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình, thông qua nguồn lực tài chính cần thiết hoặc thực hiện các khía cạnh vận hành quá trình từ cộng đồng (municipalities). Trách nhiệm có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc. EPR có thể thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp.

Nhân rộng và phát triển mô hình Reuse-Refill nhằm góp phần thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam

2-6-2023

Mô hình tái sử dụng-tái nạp đầy (Reuse-Refill) đang trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp hạn chế lượng rác thải nhựa phát sinh thông qua việc thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng, tái sử dụng hàng hóa và nguyên liệu rất quan trọng đối với một nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) bền vững, nơi các sản phẩm và nguyên liệu vẫn được lưu thông, giảm áp lực lên tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Tái sử dụng, tái nạp là một dạng của mô hình kinh doanh tuần hoàn và đang ngày càng được đón nhận phổ biến trong lĩnh vực về bao bì, đóng gói thực phẩm…

Kinh tế tuần hoàn: Bài toán cho xử lý chất thải ở Việt Nam

5-6-2023

Xử lý chất thải ở Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn. Sau nhiều nỗ lực tìm phương án phù hợp để xử lý chất thải, đến nay, chôn lấp chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác. Bài toán đặt ra cho thời gian tới là sử dụng chính sách nào và cơ chế gì để chất thải không còn là nỗi ám ảnh đối với chiếm dụng diện tích đất, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội?

Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, hướng đến thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

6-6-2023

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Kinh nghiệm của Đài Loan trong công tác quản lý môi trường và bài học cho Việt Nam

7-6-2023

Tăng cường  BVMT theo phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là các quan điểm, mục tiêu quan trọng và xuyên suốt đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, một trong các nhiệm vụ cấp bách hiện nay là “đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp”.