ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Kinh tế tuần hoàn: Bài toán cho xử lý chất thải ở Việt Nam

Ngày đăng: 05 | 06 | 2023

Xử lý chất thải ở Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn. Sau nhiều nỗ lực tìm phương án phù hợp để xử lý chất thải, đến nay, chôn lấp chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác. Bài toán đặt ra cho thời gian tới là sử dụng chính sách nào và cơ chế gì để chất thải không còn là nỗi ám ảnh đối với chiếm dụng diện tích đất, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội?

       Mục tiêu hướng đến cần phải đạt là CTR trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, cách tiếp cận hiệu quả nhất là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) thay thế cho mô hình “kinh tế đường thẳng” đối với giải quyết vấn đề chất thải.

Chất thải phát sinh trong hệ thống kinh tế

    Xem xét về dạng vật chất, hệ thống kinh tế tiếp nhận đầu vào từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong môi trường tự nhiên thông qua sản xuất trở thành hàng hóa cho tiêu dùng. Như vậy, chất thải được phát sinh cơ bản ở 2 công đoạn: sau sản xuất và sau tiêu dùng. Với mô hình “kinh tế đường thẳng”, chất thải sau sản xuất và sau tiêu dùng cuối cùng đều thải ra môi trường tự nhiên. Đây chính là mô hình kinh tế đã lỗi thời, gây ra những tổn thất cho tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Mô hình KTTH hướng đến chất thải sau sản xuất và tiêu dùng sẽ được thu hồi, đưa trở lại đầu vào cho hoạt động kinh tế.

    Với mô hình KTTH, chất thải sẽ được tái sử dụng, tái chế không thải ra môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện tái sử dụng và tái chế chất thải cần phải chuẩn bị từ, khâu thiết kế sản xuất đến tiêu dùng nhằm sử dụng lại chất thải, nhưng lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm căn cứ chính dựa trên những nguyên lý cơ bản của thị trường.

    Nhìn từ góc độ của hoạt động kinh tế dựa trên nguyên lý cân bằng vật chất, dòng di chuyển của chất thải trong hệ thống kinh tế được thể hiện trong Hình 1.

5 6 23 1

Hình 1: Dòng di chuyển của chất thải trong hoạt động kinh tế

(Nguồn: Barry C. Field, 1994)

    Từ khái quát hóa phiên bản của Barry C.Field cho thấy, để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động kinh tế đối với môi trường tự nhiên, trong hệ thống kinh tế phải khai thác, sử dụng  hiệu quả tài nguyên thô đầu vào từ môi trường tự nhiên và giảm thiểu tối đa chất thải từ hoạt động kinh tế ra môi trường. Muốn vậy, phải thu hồi chất thải để tái sử dụng, tái chế. Việc này có thể thực hiện được dựa trên nguyên lý động lực học, định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, tính thực tiễn của hoạt động kinh tế. Để thấy rõ hơn, lập luận thông qua phương trình cân bằng sau:

    M = Rpd + Rcd (theo các ký hiệu Hình 1)

    Thay thế M theo dòng di chuyển vật chất như sau:

     Rp+ Rcd = M = G + Rp - Rpr - Rcr

    Nghĩa là số lượng nguyên liệu thô từ môi trường thiên nhiên (M) bằng đầu ra hàng hóa (G) cộng với chất thải sau sản xuất (Rp) trừ đi tổng lượng được tái tuần hoàn của hoạt động sản xuất (Rpr) và tiêu dùng (Rcr).

     Có 3 cách chủ yếu để giảm M gồm:

    Thứ nhất, giảm G nghĩa là giảm số lượng hàng hóa sản xuất ra, điều này không thể thực hiện vì sẽ giảm tăng trưởng kinh tế.

   Thứ hai, giảm Rp nghĩa là giảm chất thải sau sản xuất. Về cơ bản, chỉ có 2 cách để thực hiện điều này là nghiên cứu, chế tạo và áp dụng các công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất nhằm tạo ra lượng chất thải ít hơn trên một đơn vị thành phẩm. Có thể gọi đó là giảm "cường độ chất thải" của sản xuất. Thực tế, nhiều điều có thể làm được để giảm cường độ CO2 trong quá trình sản xuất năng lượng đầu vào để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm… Cách thứ hai là thay đổi thành phần bên trong của sản phẩm. Sản phẩm G hiện bao gồm một số lớn các hàng hóa và dịch vụ khác nhau, giữa chúng có sự khác biệt lớn về chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất. Do đó, muốn giảm tổng lượng chất thải phải thay đổi thành phần và cách thức dịch vụ của G theo hướng tăng tuổi thọ của G, thiết kế chất thải giảm tối đa sau sản xuất. Sự chuyển dịch từ kinh tế sản xuất chế tạo sang kinh tế dịch vụ là bước đi theo hướng này.

    Thứ ba, tăng (Rpr + Rcr) có nghĩa là thay vì thải chất thải sản xuất và tiêu dùng ra môi trường, chất thải được tái tuần hoàn, đưa trở lại quy trình sản xuất. Nhờ có tái tuần hoàn mà chúng ta có thể thay thế một phần dòng khởi nguyên của các nguyên vật liệu chưa khai thác (M), do đó, giảm bớt lượng chất thải, đồng thời duy trì được lượng hàng hóa và dịch vụ (G). Trong nền kinh tế hiện đại, tái tuần hoàn tạo cơ hội lớn để giảm dòng thải, muốn vậy, phải đổi mới quy trình công nghệ không có, hoặc có ít chất thải trong quá trình sản xuất và công nghệ tái chế chất thải. KTTH là cách tiếp cận để giảm M và tăng (Rpr + Rcr), nhưng vẫn đảm bảo tăng G trong nền kinh tế. Vì bản chất của KTTH là giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng tái sử dụng, tái chế chất thải nhờ thiết kế từ khâu bắt đầu quá trình sản xuất đến khâu cuối cùng và không đưa chất thải ra môi trường.

 Chính sách khuyến khích thực hiện KTTH, cơ hội giải quyết vấn đề CTR ở Viêt Nam

    Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 10 năm 2021 - 2030 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH, trong nội dung thứ bảy: “quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai” đã chỉ rõ “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Đối với CTR, nhiệm vụ đặt ra cụ thể là“tỷ lệ tái sử dụng, tái chế CTR sinh hoạt đạt trên 65%”. Như vậy, so với báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2019 về đánh giá tình hình nguồn thải, phát sinh chất thải và công tác kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải cho thấy, tỷ lệ xử lý chất thải theo phương pháp chôn lấp là 71%, bằng thiêu đốt khoảng 13%, sản xuất phân compost và phương pháp khác là 16%. Đến năm 2030, Việt Nam cần tăng cường thu hồi, tái sử dụng và tái chế CTR tối thiểu 49% mới đạt được mục tiêu đặt ra. Với chủ trương của Đảng, để triển khai thực hiện tốt nội dung KTTH, đến năm 2030, việc chỉ tiêu 65% CTR sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế sẽ đạt được.

     Ngoài ra, trong Luật BVMT năm 2020, Điều 142 về KTTH, khoản 2, 3 quy định, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm thiểu chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng, tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện KH - XH của đất nước.

    Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 (Dự thảo Nghị định) để trình Chính phủ. Như vậy, từ chủ trương của Đảng đến Luật BVMT năm 2020, việc khuyến khích thực hiện KTTH nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường đã rõ đối với các Bộ ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đề xuất giải pháp thực hiện giảm thiểu CTR thông qua triển khai thực hiện nội dung KTTH

    Để triển khai chủ trương của Đảng và quy định pháp luật về KTTH đối với giảm thiểu CTR, cần thực hiện những giải pháp cơ bản như:

   Thứ nhất, về nhận thức, mặc dù, Văn kiện Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã ban hành và triển khai đến từng Chi bộ, các đảng viên đã được quán triệt các nội dung cơ bản trong Chiến lược Phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030. Tuy nhiên, để hiểu rõ bản chất của KTTH, nhất là vai trò của nó đối với giảm thiểu chất thải, cần tiếp tục triển khai phổ biến theo chuyên đề trong nhiệm vụ thứ bảy của Chiến lược lãnh đạo và các đảng viên. Đặc biệt, đối với toàn xã hội, việc truyền tải chủ trương của Đảng và Luật BVMT năm 2020 về KTTH là giải pháp cơ bản để tái sử dụng, tái chế chất thải. Vấn đề này cần được thực hiện ngay trước khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực vào tháng 1/2022. Vai trò của báo chí và các kênh truyền thông phải được đẩy mạnh hơn nữa, những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, địa phương tiên phong đã và đang thực hiện mô hình KTTH cần được phổ biến, khuyến khích nhân rộng.

    Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện các nội dung quy định trong khoản 2 và 3 của Điều 142, Luật BVMT năm 2020 để đưa vào Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Cụ thể, đối với những quy định tại khoản 2, cần rà soát, xem xét những quy định đã có liên quan đến nội dung của khoản này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo. Mặt khác, đối với quy định về yêu cầu triển khai đến các kế hoạch, chương trình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh, đây là nội dung rất quan trọng, cần có hướng dẫn cụ thể trong Nghị định về cơ chế thực hiện lồng ghép sao cho có tính khả thi.

    Đối với quy định tại khoản 3, cần chi tiết hóa trong các điều khoản của Nghị định để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thực hiện mô hình KTTH thay thế mô hình “kinh tế đường thẳng” hiện nay. Các điều khoản liên quan đến khoản 3 cần có sự kết nối liên quan đến các điều khoản khác đã được khuyến khích trong một số luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp... Vì vậy, việc rà soát các quy định trong những luật này là rất quan trọng để tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, với nội dung KTTH ở khoản 3 chú trọng tới giảm thiểu, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải, cần tăng cường quy định mới thông qua việc khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thực hiện.

    Đối với khoản 4, quy định về tiêu chí, lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của đất nước, trong đó, cần có quy định tiêu chí chung để xác định những mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thuộc KTTH làm căn cứ khuyến khích ưu tiên phát triển. Trên cơ sở tiêu chí chung, đối với lĩnh vực cụ thể, nên có tiêu chí riêng theo nhóm chất thải phù hợp với những quy định về chất thải ở các điều khoản khác trong Luật BVMT năm 2020.

    Bên cạnh đó, trong Dự thảo Nghị định, việc quy định lộ trình thực hiện cần đưa ra cụ thể đối với các loại CTR dựa trên danh mục phân loại CTR, đối chiếu với cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát sinh loại chất thải đó để xác định loại nào cần thực hiện mô hình KTTH ngay, loại nào cần có thời gian (Ví dự, đối với chất thải hữu cơ của các trang trại chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà... có thể thực hiện ngay mô hình KTTH; hoặc các cơ sở phát sinh chất thải kim loại, chất thải nhựa, chất thải thủy tinh... cũng cần thực hiện luôn, để chuyển dần sang mô hình KTTH trước năm 2025). Đối với những chất thải như chất thải điện tử, chất thải độc hại... đòi hỏi phải có thời gian, chuẩn bị vốn đầu tư công nghệ mới, nên việc thực hiện mô hình KTTH cần lộ trình dài hơn để các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chuyển đổi.

   Thứ ba, để thực hiện các quy định của Điều 142, Luật BVMT năm 2020 về chuyển đổi và phát triển mô hình KTTH trong giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, ngay từ bây giờ, cần có sự chuẩn bị về đội ngũ chuyên gia có kiến thức, chuyên môn, am hiểu nội hàm của KTTH, cũng như việc triển khai mô hình KTTH. Cụ thể, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, những người thực hiện xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải phải có kiến thức đầy đủ về KTTH. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cần có các cán bộ kỹ thuật được đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, cập nhật kiến thức về KTTH để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đối với những cơ sở sản xuất đã thực hiện nội dung sản xuất sạch hơn trước đây, tiếp tục phát triển lên mô hình KTTH tại cơ sở mình.

    Thứ tư, KTTH bắt đầu được luật hóa và triển khai ở Việt Nam, do vậy, rất cần sự hỗ trợ của quốc tế, bước đầu là về chuyên gia, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng Nghị định, các quy định, chính sách, pháp luật liên quan. Đặc biệt là, tiếp cận với những bài học thành công của các quốc gia đã thực hiện mô hình KTTH có khả năng áp dụng ở Việt Nam để nghiên cứu, học tập và làm theo trong thời gian tới.

     Trong điều kiện hiện nay, để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải thông qua việc thực hiện mô hình KTTH, đòi hỏi phải cụ thể hóa thành các điều khoản trong Nghị định do Chính phủ ban hành, để hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ triển khai thực hiện. Cùng với đó là sự chuẩn bị nội lực về kiến thức, năng lực, nguồn lực tài chính và kêu gọi hỗ trợ của quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Thế ChinhNguyên Viện trưởng

ThS. Nguyễn Thế Thông

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường. “Báo cáo nhiệm vụ: Đánh giá tình hình nguồn thải, phát sinh chất thải và công tác kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải”. Hà Nội, tháng 12/2019.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I. “Chiến lược Phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030”. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật. Hà Nội, 2021. 
  3. Nguyễn Thế Chinh. Tạp chí Kinh tế môi trường ISSN 1859 - 1906, số 171, tháng 12/2020. “Phát triển KTTH ở Việt Nam cơ hội, thách thức và kiến nghị”.

NỘI DUNG KHÁC

Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, hướng đến thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

6-6-2023

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Kinh nghiệm của Đài Loan trong công tác quản lý môi trường và bài học cho Việt Nam

7-6-2023

Tăng cường  BVMT theo phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là các quan điểm, mục tiêu quan trọng và xuyên suốt đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, một trong các nhiệm vụ cấp bách hiện nay là “đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp”.

Lộ trình của Liên hợp quốc đề xuất các giải pháp cắt giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu 

12-6-2023

(Theo UNEP) Ô nhiễm nhựa có thể giảm 80% vào năm 2040 nếu các quốc gia và công ty thực hiện những thay đổi sâu sắc về chính sách và thị trường bằng cách sử dụng các công nghệ hiện có, theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Báo cáo được công bố trước vòng đàm phán thứ hai tại Paris về một thỏa thuận toàn cầu nhằm đánh bại ô nhiễm nhựa, đồng thời phác thảo mức độ và bản chất của những thay đổi cần thiết để chấm dứt ô nhiễm nhựa và tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn.

Lồng ghép giảm phát thải khí nhà kính vào quy trình quản lý các dự án đầu tư

13-6-2023

Các dự án đầu tư (DAĐT) có đóng góp lớn đối với tiến trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, quy trình quản lý các dự án mới chỉ đề cập đến các vấn đề môi trường tự nhiên và xã hội mà chưa quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Kể từ năm 2021, Việt Nam bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK với cam kết đến năm 2030, sẽ giảm 9% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Vì vậy, việc lồng ghép các biện pháp giảm phát thải KNK trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như trong toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành DAĐT là rất cần thiếtt, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải KNK , phát triển bền vững đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế về chỉ số đổi mới sinh thái và bài học khuyến nghị cho Việt Nam

15-6-2023

Công tác BVMT thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và xác định là một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, suy thoái tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển đất nước. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước ta thời gian qua là do quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với trình độ công nghệ và quản lý lạc hậu, còn chưa thân thiện với môi trường, tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng, làm phát sinh nhiều chất thải. Đổi mới sinh thái (ĐMST) chính là một trong các hoạt động để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Đánh giá các mối nguy hại tác động đến chất lượng môi trường sống và đa dạng sinh học Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An

19-6-2023

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường là một trong những phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong định hướng của Đảng, Nhà nước về BVMT với quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Chất lượng môi trường sống là nền tảng quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), duy trì các chức năng và giá trị của hệ sinh thái tự nhiên trong việc đáp ứng điều kiện sinh tồn cho các loài, duy trì sự cân bằng của các hệ sinh thái (HST). Nằm trên dải đất miền Trung, Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát được đánh giá là trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An với các giá trị dịch vụ HST có quy mô rộng lớn, nơi cung cấp nhiều dịch vụ HST quan trọng như: các dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết và văn hóa.

Đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam thông qua Chỉ số hoạt động bảo vệ môi trường - EPI

19-6-2023

Chỉ số hoạt động môi trường (EPI) do trường Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) xây dựng năm 2006 và được áp dụng chính thức từ năm 2008 đến nay. Chỉ số EPI là tập hợp các chỉ số trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích đánh giá nỗ lực thực hiện mục tiêu về môi trường của các quốc gia, được công bố định kỳ 2 năm một lần. Bài viết tập trung đánh giá nỗ lực BVMT của Việt Nam thông qua EPI trong năm 2020.

Thực hành giảm rác thải nhựa cho công ty du lịch

20-6-2023

​​​​​​​Nhựa là một loại vật liệu hữu ích đã đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện và thay đổi nhiều lĩnh vực, xuất hiện trong những vật dụng hàng ngày, từ bao bì bao gói sản phẩm, đồ bảo hộ lao động, đến những ứng dụng ít được biết đến hơn như các thiết bị công nghệ, điện tử, dụng cụ phòng thí nghiệm, dụng cụ y tế và các ứng dụng kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nhựa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy nặng nề cho môi trường và sức khỏe con người khi không được sử dụng đúng, thải bỏ không kiểm soát và xử lý không hợp vệ sinh.

Chỉ số Đổi mới sinh thái và đề xuất áp dụng ở Việt Nam

21-6-2023

Chỉ số Đổi mới sinh thái (ĐMST) là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến ở châu Âu và từng bước được giới thiệu áp dụng tại các nước đang phát triển ở châu Á những năm gần đây. Bài viết đề cập đến sự cần thiết của chỉ số ĐMST; các tiêu chí, các trụ cột, khung bộ chỉ số và phương pháp tính toán bộ chỉ số ĐMST cho các tỉnh, thành phố ở Việt Nam để bạn đọc tham khảo.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi (trade-offs analysis) trong xây dựng chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên

22-6-2023

 Bài viết trình bày về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, bài học cho Việt Nam về áp dụng công cụ InVEST trong phân tích đánh đổi (trade-offs analysis) phục vụ xây dựng chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cơ sở khoa học, xu hướng thế giới và bối cảnh của Việt Nam về thuế các bon

23-6-2023

Định giá các bon đang được xem là cách tiếp cận dựa vào thị trường hứa hẹn nhất thông qua một trong hai công cụ là thị trường giảm phát thải và thuế các bon. Thuế các bon là một loại thuế áp dụng đối với lượng khí các bon phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí CO2 - một trong những tác nhân gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

Thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net zero emission): Kinh nghiệm của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

26-6-2023

Trong những năm gần đây, cụm từ “phát thải ròng bằng không” hay “net zero emission - NZE” đã trở thành chủ đề quen thuộc tại nhiều diễn đàn về biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững. Năm 2015, Thỏa thuận Paris về BĐKH được 192 quốc gia thông qua, tại điểm 4.1 nhấn mạnh “các bên tham gia hướng đến đỉnh phát thải khí nhà kính (KNK) càng sớm càng tốt… như vậy sẽ đạt được cân bằng giữa các nguồn phát thải và loại bỏ bởi các bể hấp thụ KNK vào giữa thế kỷ 21”.