ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Vai trò, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng: 24 | 05 | 2023

 Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cách tiếp cận chính sách giúp các nhà hoạch định, nhà quản lý nhìn nhận sự vận hành của nền kinh tế và tìm ra giải pháp hoàn thiện thúc đẩy xã hội áp dụng KTTH. Có nhiều công cụ chính sách khác nhau đang được bàn luận và áp dụng tại các quốc gia trên thế giới như mua sắm công xanh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility-EPRs), tài chính xanh, nhãn sinh thái, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về thuế/phí… Một trong những công cụ có vai trò quan trọng để thúc đẩy áp dụng KTTH là “tiêu chuẩn, quy chuẩn”. Bài viết phân tích vai trò, ý nghĩa trong tiếp cận về tiêu chuẩn, quy chuẩn, xu hướng phát triển tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH và khuyến nghị cho Việt Nam.

    1. Một số vấn đề chung về kinh tế tuần hoàn

    KTTH thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính - chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, hệ quả là tạo ra một lượng phế thải khổng lồ sang mô hình chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, giảm tác động xấu đến môi trường.

    KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính là duy trì và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các cấp độ nỗ lực khác nhau. Theo đó, trong KTTH giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và tạo ra chất thải tối thiểu”.

Các biện pháp thực hiện KTTH rất đa dạng thông qua các hình thức khác nhau như từ chối sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường, áp dụng các biện pháp sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế, cộng sinh công nghiệp để đạt được mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tối đa lượng chất thải thải ra môi trường.

Hình 1. Sơ đồ cánh bướm mô phỏng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn

    KTTH vận hành theo cách tiếp cận hệ thống với đầy đủ 5 khâu gồm thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và chuyển chất thải thành tài nguyên. KTTH không chỉ là quản lý chất thải, tận dụng chất thải nhưng quản lý chất thải là trọng tâm của KTTH.

    KTTH có thể nhận diện, đánh giá ở nhiều cấp độ khác nhau gồm cấp vĩ mô (một quốc gia, một vùng), cấp độ trung gian theo không gian của một khu đô thị để hình thành ra khu đô thị tuần hoàn, cấp độ vi mô theo từng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cụ thể hoặc cấp độ từng sản phẩm.

    KTTH tạo ra cơ hội mới và yêu cầu mới cho doanh nghiệp. Thông qua việc đổi mới, sáng tạo , áp dụng các nguyên tắc, biện pháp của KTTH, tận dụng các công nghệ, thiết bị và số hóa sẽ tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp để hình thành ra các mô hình kinh doanh tuần hoàn (OECD, 2003): (i) Hình thành mối quan hệ với khách hàng thông qua việc cung cấp các dịch vụ thay vì bán sản phẩm; (ii) thiết kế sản phẩm hoặc quy trình sản xuất kinh doanh theo nguyên lý tuần hoàn; (iii) hình thành chuỗi giá trị tuần hoàn; (iv) bản sắc bền vững thông qua việc xem xét bán hàng theo nguyên lý tuần hoàn là cách tiếp cận độc đáo và hấp dẫn.

    KTTH đôi khi được coi là một cách để bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự khan hiếm tài nguyên và biến động giá cả liên quan. KTTH tạo ra nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, nhận diện và đánh giá các nguyên liệu và sản phẩm. Những nhu cầu chính như: công nghệ thu gom, phân loại và tái chế tiên tiến; công nghệ xử lý vật liệu hiệu quả; công nghệ sản xuất hỗ trợ thiết kế để lưu thông sản phẩm; nền tảng tương tác để tăng cường kết nối, chia sẻ. Dựa trên các nguyên tắc đó, các doanh nghiệp vận dụng các chiến lược tuần hoàn nguyên liệu, vật liệu có thể được áp dụng gồm: (i) Đóng các vòng lặp thông qua thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm, loại bỏ việc khai thác, sử dụng các vật liệu; (ii) làm chậm vòng lặp nguyên vật liệu: giữ cho các vật liệu được sử dụng lâu dài; (iii) thu hẹp vòng lặp thông qua việc sử dụng ít hơn nguyên liệu, vật liệu nhưng cho nhiều mục đích hơn.

Bảng 1. Các động lực giá trị của kinh tế tuần hoàn và các lợi ích liên quan đến người tiêu dùng

24 5 23 2

Nguồn: Anbu, 2018

    2. Vai trò của tiêu chuẩn cho kinh tế tuần hoàn

    Theo Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính là [5] duy trì và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các cấp độ nỗ lực khác nhau. Theo đó, trong KTTH giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và tạo ra chất thải tối thiểu” [6].

    Các biện pháp thực hiện KTTH bao gồm, chiến lược tuần hoàn nguyên liệu, vật liệu có thể được áp dụng gồm: (i) đóng các vòng lặp thông qua thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm, loại bỏ việc khai thác, sử dụng các vật liệu; (ii) làm chậm vòng lặp nguyên vật liệu để giữ cho các vật liệu được sử dụng lâu dài; (iii) thu hẹp vòng lặp thông qua việc sử dụng ít hơn nguyên liệu, vật liệu nhưng cho nhiều mục đích hơn.

    Trong KTTH, hiệu quả nguyên vật liệu là một phần quan trọng, bao gồm bảo tồn các nguyên vật liệu thông qua việc tạo ra các sản phẩm bền hơn và có thể sửa chữa thuận tiện hơn và đồng thời hỗ trợ việc phục hồi và tái chế nguyên liệu ở cuối vòng đời sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng của hiệu quả nguyên liệu là giữ cho các dòng nguyên vật liệ được sử dụng càng lâu càng tốt. Các chiến lược thuận lợi nhất yêu cầu thiết kế các sản phẩm gắn với tuổi thọ sản phẩm lâu hơn bằng cách sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, trong khi các chiến lược ít thuận lợi thể hiện sự tổn thất tài nguyên do đốt vật liệu và thu hồi năng lượng. Trong KTTH, các bãi chôn lấp không phải là lựa chọn tối ưu.

Hình 2. Chu trình kỹ thuật của kinh tế tuần hoàn

    Để tạo cho các sản phẩm được lâu bền hơn, các tiêu chuẩn là cần thiết để đảm bảo tính an toàn, hiệu suất và độ tin cậy của sản phẩm được xem xét đầy đủ. Thậm chí các vấn đề dữ liệu và bảo mật cũng cần phải được xem xét khi các sản phẩm được tái sử dụng hoặc thay đổi quyền sở hữu sản phẩm.

    Cùng với đó, cần có cách tiếp cận tổng thể để đảm bảo rằng việc thực hiện giải pháp KTTH, bảo vệ môi trường nhưng không gây phương hại đến các mục tiêu khác như mục tiêu về an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.

    Hệ thống pháp lý được mong muốn yêu cầu gia tăng sử dụng các cấu kiện sản phẩm cũng như các sản phẩm mà có thể dễ dàng sửa chữa hoặc tái sản xuất. Phương pháp tiêu chuẩn và các công cụ sẽ là cần thiết để đánh giá các khía cạnh như tỷ lệ thành phần được tái sử dụng hoặc hàm lượng tái chế trong một sản phẩm và cách đánh giá mức độ dễ dàng, khó khăn của một sản phẩm khi được sửa chữa hoặc tái sản xuất.

    Các tiêu chuẩn giúp thực hiện việc sử dụng các tài nguyên và năng lượng bền vững trong khi bảo vệ người tiêu dùng, lao động và môi trường. Ngoài ra, các tiêu chuẩn cũng cần thiết để đảm bảo các đặc tính của vật liệu được sử dụng, cũng như xác định các yêu cầu về mức độ tin cậy của các linh kiện, cấu kiện sản phẩm.

    Thông qua tiêu chuẩn sẽ giúp thực hiện thuận lợi các công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn như EPR, thiết kế sinh thái, nhãn sinh thái, mua sắm công xanh, tài chính xanh… Tiêu chuẩn cũng giúp thúc đẩy mở cửa thị trường và thuận lợi hóa thương mại đối với các sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến kinh tế tuần hoàn như nguyên liệu thứ cấp, sản phẩm cũ, sửa chữa, sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế (Bảng 2) …

    Bảng 2. Sản phẩm dựa vào tiêu chuẩn cho kinh tế tuần hoàn

24 5 23 4

 

Nguồn: Nhóm tác giả, 2022

    3. Hiện trạng và xu hướng áp dụng tiêu chuẩn hóa cho kinh tế tuần hoàn

    Với những lợi ích của việc tiếp cận tiêu chuẩn cho khuyến khích áp dụng các mô hình KTTH, trong những năm gần đây việc tiếp cận và ban hành các tiêu chuẩn ngày càng được chú ý, năm 2018, tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn (ISO) đã thành lập ủy ban tiêu chuẩn ISO KTTH (ISO/TC 323) với mục tiêu chung là tăng trương và thúc đẩy các hoạt động cho phát triển bền vững. Năm 2019, Ủy ban Châu Âu cũng có nhiều hoạt động để thúc đẩy tiêu chuẩn hóa liên quan đến KTTH. Năm 2021, tổ chức OECD đã dựa trên cách tiếp cận chuối giá trị của KTTH để rà soát các tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy KTTH như mô tả tại Bảng 3. Tổ chức OECD cũng đang yêu cầu các tiêu chuẩn để hỗ trợ thuận lợi cho tiến trình hướng đến KTTH, OECD nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng bộ hóa các tiêu chuẩn về chất lượng cho các nguyên vật liệu đối với các sản phẩm có thể sửa chữa, tái sử dụng và áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng cho các nguyên liệu thô đầu vào. Qua đó cho thấy, xu hướng tiếp cận về tiêu chuẩn đang nhận được sự ủng hộ và vào cuộc của rất nhiều các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan.

    Bảng 3. Ví dụ về tiêu chuẩn thúc đẩy KTTH

24 5 23 5

Nguồn: OECD 2021

    4. Hiện trạng tiêu chuẩn liên quan đến KTTH ở Việt Nam

    Phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất là một trong những nhiệm vụ được chỉ ra nhằm thực hiện định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 [3]. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về KTTH trong Luật BVMT năm 2020 với 1 quy định riêng về KTTH (Điều 142) và các quy định khác có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH [4]. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đã hướng dẫn chi tiết hơn về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH ở Việt Nam.

    Như vậy, đối chiếu chính sách, pháp luật có liên quan đến KTTH của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới tiêu biểu trên thế giới và trong khu vực cho thấy, đến nay Việt Nam đã khẳng định rõ định hướng áp dụng KTTH, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khuyến khích áp dụng KTTH. Các biện pháp, chính sách đầu tư của Nhà nước, ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích áp dụng KTTH được xem là mở và tạo cơ hội cho tất cả các tổ chức, cá nhân áp dụng.

    Đối chiếu với các nguyên tắc, biện pháp của KTTH cho thấy, Việt Nam cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan để thúc đẩy KTTH như: TCVN ISO 26000: 2013 hướng dẫn về trách nhiệm xã hội; ISO 14001: 2015 cho hệ thống quản lý môi trường; TCVN 8000: 2008 (ISO 15270: 2006) - hướng dẫn thu hồi và tái chế chất thải nhựa; TCVN 12049: 2017 (ISO 13686: 2013) về khí thiên nhiên đưa ra yêu cầu chung về chất lượng; ISO 14067: 2020 về khí nhà kính. Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia này chỉ xuất phát từ nhu cầu của từng lĩnh vực, chưa theo định hướng và quy hoạch tổng thể để phát triển mô hình kinh tế chuyển đổi.

    Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra nhiều quy định có tính định hướng liên quan đến tiêu chuẩn nhằm góp phần thực hiện KTTH như: quy định về tiêu chuẩn môi trường; quy định để phân định giữa chất thải và nguyên liệu tại Điểm d Khoản 1 Điều 72, cụ thể:  “chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất”; hoặc các quy định tại Điều 61 của Luật về BVMT trong sản xuất nông nghiệp “phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định…”. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để ban hành và sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy áp dụng KTTH, góp phần thực hiện mục tiêu BVMT. Tuy nhiên, những quy định này mới mang tính định hướng và giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan.

    5. Kết luận và kiến nghị

    Sử dụng cách tiếp cận từ tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH là một xu hướng đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới vì những lợi ích, hiệu quả và chi phí. Đặc biệt, tiếp cận thúc đẩy KTTH dựa vào việc ban hành các tiêu chuẩn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về phát huy vai trò “kiến tạo” của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và cộng đồng dân cư áp dụng KTTH. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã từng bước tiếp cận, ban hành các tiêu chuẩn có vai trò thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng chất thải; đưa ra những quy định mang tính định hướng và giao trách nhiệm cho các Bộ/ngành có liên quan trong việc ban hành tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH trong Luật BVMT năm 2020. Tuy nhiên, để ban hành được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gắn với mục tiêu thúc đẩy thực hiện KTTH đòi hỏi sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương; giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Trên cơ sở kinh nghiệm và xu hướng chung của thế giới, để tạo cơ hội cho việc áp dụng kinh tế tuần hoàn rộng rãi đòi hỏi phải sớm tổ chức nghiên cứu, ban hành ra các tiêu chuẩn gắn với các mục tiêu, chiến lược của KTTH. Đặc biệt, việc xây dựng lộ trình và thành lập cơ quan điều phối liên ngành để lồng ghép các mục tiêu, giải pháp và chiến lược có liên quan của KTTH vào hệ thống tiêu chuẩn của các ngành, lĩnh vực là hết sức cần thiết.

    ​Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thúc đẩy áp dụng mô hình KTTH cho một số lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam”, mã số TNMT.2019.04.04 do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.

Nguyễn Trọng Hạnh, TS. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Thị Thanh Huyền

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

TS. Dương Thanh An

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)

 Tài liệu tham khảo

    1. CENELEC (2020). Standardization in a Circular Economy – Closing the Loop A closer look into the standards for batteries and plastics,  https://www.cencenelec.eu/media/CEN-CENELEC/News/Publications/standardization_circular_economy_closing_the_loop.pdf

    2. OECD (2018). International Trade and the Transition to a Circular Economy

    3. Christophe Bellmann (2021). The circular economy and international trade, the World Trade Organization.

 4. Mạng lưới KTTH Việt Nam, Circular economy and the role of standards, https://vietnamcirculareconomy.vn/en/circular-economy-and-the-role-of-standards/

    5. Luật BVMT năm 2020

    6. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

    

NỘI DUNG KHÁC

Một cách tiếp cận đánh giá kết quả thực hiện chiến lược trong khu vực công tại Việt Nam

24-5-2023

 Hoạt động đánh giá chiến lược sau khi ban hành tại Việt Nam dần nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hoạt động này đa phần tập trung vào sơ kết hoặc tổng kết kết quả khi chuẩn bị xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới. Hoạt động đánh giá kết quả chiến lược cũng chưa có hướng dẫn thống nhất nào về phương pháp, công cụ cũng như quy trình đánh giá.

Đề xuất một số tiêu chí đánh giá mức độ suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước ở Việt Nam

25-5-2023

Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước (ĐNN), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái (HST) ĐNN tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, các khu rừng ngập mặn, các vùng ĐNN ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, chất lượng ĐDSH các HST ĐNN của nước ta đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là các HST vùng triều, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cùng các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm đang bị giảm sút nhanh chóng cả về số lượng và quy mô diện tích phân bố. Bài viết phân tích cơ sở lý luận về việc đánh giá suy thoái HST ĐNN, từ đó đề xuất một số tiêu chí đánh giá mức độ suy thoái HST ĐNN có thể áp dụng tại Việt Nam.

Đánh giá tổn thất và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng - kinh nghiệm một số nước và hướng áp dụng cho Việt Nam

29-5-2023

 “Tổn thất và thiệt hại” là một chủ đề mới nổi trong đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH), trong các nghiên cứu, chính sách thực hiện hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, kết nối các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đánh giá tổn thất và thiệt hại bao gồm phân tích, lượng giá các tổn thất đã xảy ra trong quá khứ hoặc dự báo, ước tính các thiệt hại liên quan đến biến đổi xảy ra trong tương lai. Ngoài việc đánh giá định lượng các tổn thất và thiệt hại (TT&TH), có thể thực hiện đánh giá định tính dựa vào cộng đồng. Bài viết giới thiệu phương pháp này từ thực tiễn áp dụng một số nước và đề xuất hướng áp dụng cho Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề cần cân nhắc trong đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư phát triển tới hệ sinh thái rừng

30-5-2023

Trước sự gia tăng dân số, nhu cầu phát triển, tiêu thụ... ngày càng cao của con người đã gây sức ép lớn lên tài nguyên thiên nhiên. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là các dự án thủy điện, đường giao thông, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... khó tránh khỏi tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, do cần sử dụng đất rừng, kể cả rừng đặc dụng. Vì vậy, một số tổ chức uy tín trên thế giới đã xây dựng những hướng dẫn về đánh giá tác động của một số dự án đầu tư phát triển tới hệ sinh thái (HST) tự nhiên nói chung từ rất sớm.

Cơ chế bồi hoàn và giao dịch tín chỉ đa dạng sinh học, xu hướng mở rộng trên thế giới và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

31-5-2023

Đa dạng sinh học (ĐDSH) là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái (HST) trong tự nhiên [1]. ĐDSH có giá trị vô cùng to lớn đối với hệ thống tự nhiên và đời sống của con người bao gồm cả những giá trị có thể sử dụng và cả những giá trị phi sử dụng. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là có ĐDSH cao của thế giới, với sự đa dạng về các kiểu HST, các loài, sự phong phú và tính đặc hữu về nguồn gen. Tuy nhiên, ĐDSH của Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng, diện tích, chất lượng của các HST đang bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của quá trình phát triển, thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiết lập kênh tài chính bền vững cho ĐDSH đang là bài toán khó đặt ra cho mỗi quốc gia trên thế giới và Việt Nam [2].

Đánh giá tính khả thi và mức độ sẵn sàng tham gia Chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam

1-6-2023

EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn chất thải trong vòng đời sản phẩm. Trên thực tế, EPR liên quan đến việc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong quản lý sản phẩm sau khi trở thành chất thải, bao gồm: thu thập chất thải, xử lý trước (như phân loại, chuẩn bị cho tái sử dụng, thu hồi hoặc thải bỏ giai đoạn cuối). Các hệ thống EPR cho phép các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình, thông qua nguồn lực tài chính cần thiết hoặc thực hiện các khía cạnh vận hành quá trình từ cộng đồng (municipalities). Trách nhiệm có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc. EPR có thể thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp.

Nhân rộng và phát triển mô hình Reuse-Refill nhằm góp phần thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam

2-6-2023

Mô hình tái sử dụng-tái nạp đầy (Reuse-Refill) đang trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp hạn chế lượng rác thải nhựa phát sinh thông qua việc thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng, tái sử dụng hàng hóa và nguyên liệu rất quan trọng đối với một nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) bền vững, nơi các sản phẩm và nguyên liệu vẫn được lưu thông, giảm áp lực lên tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Tái sử dụng, tái nạp là một dạng của mô hình kinh doanh tuần hoàn và đang ngày càng được đón nhận phổ biến trong lĩnh vực về bao bì, đóng gói thực phẩm…

Kinh tế tuần hoàn: Bài toán cho xử lý chất thải ở Việt Nam

5-6-2023

Xử lý chất thải ở Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn. Sau nhiều nỗ lực tìm phương án phù hợp để xử lý chất thải, đến nay, chôn lấp chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác. Bài toán đặt ra cho thời gian tới là sử dụng chính sách nào và cơ chế gì để chất thải không còn là nỗi ám ảnh đối với chiếm dụng diện tích đất, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội?

Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, hướng đến thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

6-6-2023

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Kinh nghiệm của Đài Loan trong công tác quản lý môi trường và bài học cho Việt Nam

7-6-2023

Tăng cường  BVMT theo phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là các quan điểm, mục tiêu quan trọng và xuyên suốt đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, một trong các nhiệm vụ cấp bách hiện nay là “đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp”.

Lộ trình của Liên hợp quốc đề xuất các giải pháp cắt giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu 

12-6-2023

(Theo UNEP) Ô nhiễm nhựa có thể giảm 80% vào năm 2040 nếu các quốc gia và công ty thực hiện những thay đổi sâu sắc về chính sách và thị trường bằng cách sử dụng các công nghệ hiện có, theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Báo cáo được công bố trước vòng đàm phán thứ hai tại Paris về một thỏa thuận toàn cầu nhằm đánh bại ô nhiễm nhựa, đồng thời phác thảo mức độ và bản chất của những thay đổi cần thiết để chấm dứt ô nhiễm nhựa và tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn.

Lồng ghép giảm phát thải khí nhà kính vào quy trình quản lý các dự án đầu tư

13-6-2023

Các dự án đầu tư (DAĐT) có đóng góp lớn đối với tiến trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, quy trình quản lý các dự án mới chỉ đề cập đến các vấn đề môi trường tự nhiên và xã hội mà chưa quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Kể từ năm 2021, Việt Nam bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK với cam kết đến năm 2030, sẽ giảm 9% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Vì vậy, việc lồng ghép các biện pháp giảm phát thải KNK trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như trong toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành DAĐT là rất cần thiếtt, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải KNK , phát triển bền vững đất nước.