TIN TỨC-SỰ KIỆN

Phải có “tai mắt” tinh nhuệ

Ngày đăng: 17 | 11 | 2008

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm về những yếu kém trong công tác dự báo sản xuất lúa gạo. Vì sao có tình trạng này và làm thế nào khắc phục? TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách chiến lược NN-PTNT (Bộ NN-PTNT - IPSARD) - đã có bài viết trả lời câu hỏi này.

Chưa đầu tư đúng mức cho công tác dự báo

Không riêng với lúa, tình trạng chặt cây nọ, bỏ con kia; hiện tượng sản xuất lúc thừa, lúc thiếu diễn ra kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Trong cơ chế thị trường, hàng triệu nông dân và người buôn bán thường xuyên phải có thông tin để ra những quyết định sống còn như chọn ngành sản xuất, quy mô, công nghệ, địa bàn. Thương trường cũng như chiến trường, muốn chắc thắng phải biết mình biết người.

Muốn xây dựng lực lượng thu thập, xử lý, cung cấp thông tin cần đầu tư về tài chính, tổ chức, con người... phải vượt qua rất nhiều rào cản cơ chế. Khó nhất là thay đổi chính mình, không phải ai cũng đủ quyết tâm và dũng cảm nói trước toàn dân: “Trách nhiệm thuộc về tôi, nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ thì sẵn sàng chịu kỷ luật”. Quyết tâm hành động còn khó hơn.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo hoạt động này sớm. 5-6 năm trước, một nhóm chuyên gia đã nghiên cứu 10 ngành hàng chính và thông tin trên trang web. Viện chúng tôi đã hợp tác với một số tổ chức dự báo hàng đầu thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Bộ Nông nghiệp Úc, Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp quốc tế... tổ chức nhiều nghiên cứu ngành hàng (chăn nuôi, rau quả, hạt điều, cà phê...). Đã xuất bản định kỳ bản tin, tổ chức hội thảo viễn cảnh thị trường cà phê hằng năm và đang xây dựng mô hình phân tích cung cầu 16 mặt hàng chính.

Tuy vậy, công tác này chưa được chú ý đầu tư đúng mức. Dự báo thị trường rất khó, trên thế giới chỉ có tổ chức nghiên cứu có trình độ cao làm được. Đây là bài toán nhiều ẩn số về cung cầu và các yếu tố phi thị trường. Chúng ta thiếu các nguồn thông tin tin cậy: số thống kê thường chậm, không đáp ứng yêu cầu để chạy mô hình. Số báo cáo của địa phương có thể lạc quan khi báo cáo thành tích và bi quan khi xin trợ cấp thiên tai. Số liệu khách quan như ảnh vệ tinh thì chưa có tiền đầu tư.

Để xây dựng mô hình toán kinh tế phức tạp phải có chuyên gia giỏi, hiểu biết sản xuất (địa bàn, thời tiết, nông dân...), về thị trường trong và ngoài nước (nhu cầu, thị hiếu, chính sách...). Dựa vào kinh phí dự án hiện nay, viện mới trả cho chuyên gia tối đa hơn 10 triệu đồng/tháng. So với mức lương nhà nước là cao, nhưng mới bằng 50-70% mức lương thị trường trả cho thạc sĩ hoặc tiến sĩ có kinh nghiệm, tốt nghiệp các trường quốc tế danh tiếng.

Vấn đề không phải là Nhà nước thiếu tiền. So với thiệt hại mà xã hội phải trả vì không có dự báo tốt thì chi phí này không đáng kể. Nhưng cơ chế hiện nay chỉ chi tiền cho cơ quan nghiên cứu làm đề tài hằng năm (trong đó không thể có lương chuyên gia). Các hoạt động dự báo chưa được giao như nhiệm vụ thường xuyên và càng khó nếu tính đến chi phí chuyên gia, mua ảnh vệ tinh...

Để đẩy nhanh năng lực nghiên cứu ngành hàng, hiện nay viện chúng tôi phải dựa vào các dự án quốc tế. Tuy nhiên, sau hai năm chuẩn bị và được quốc tế hỗ trợ một dự án để tăng cường năng lực xây dựng chính sách ngành hàng, đề án này tắc lại trong khâu xét duyệt. Thật ngạc nhiên và bực bội trong lúc vấn đề rõ ràng như thế mà một số chuyên viên Bộ Kế hoạch - đầu tư bỏ qua đề nghị của Bộ NN-PTNT, khẳng định các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu chính sách ngành hàng không đáng làm? Chúng tôi đang lo ngại dự án này có thể mất viện trợ vì thủ tục chậm trễ.

Để giành thắng lợi trên thị trường

Để thực hiện được ý kiến của bộ trưởng trước Quốc hội, trước mắt Viện Chiến lược chính sách sẽ phối hợp với Trung tâm Tin học thống kê xây dựng một chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ phân tích thị trường. Trước hết sẽ tập trung vào dự báo tình hình sản xuất.

Ngay tháng 3-2009, IPSARD sẽ phối hợp với Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) tổ chức một hội nghị dự báo thị trường nông sản tại TP.HCM với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế hàng đầu về thị trường nông sản của FAO, Viện Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), Tổ chức Cà phê thế giới (ICO)... Hội nghị này sẽ có báo cáo tác động về biến động kinh tế trong nước, quốc tế và diễn biến khí hậu thời tiết với nông nghiệp.

Về lâu dài, để vượt qua những khó khăn về đầu tư, cơ chế cần lãnh đạo chỉ đạo kiên quyết; bộ, ngành, địa phương phối hợp; các tổ chức quốc tế và các thành phần kinh tế hỗ trợ. Bây giờ đã là cuối năm, phải chuẩn bị gấp để được đầu tư sang năm. Dự báo là lĩnh vực nhạy cảm, khó có tổ chức quốc tế hỗ trợ mình chiếm lĩnh thị trường. Chuyên gia thị trường là lực lượng trí thức rất khó tìm, phải áp dụng cơ chế đặc biệt để thu hút.

Từ xưa đến nay, trong chiến tranh VN luôn có tai mắt đáng tin cậy để dự báo đúng và tay không xây dựng lực lượng tinh nhuệ đánh thắng quân thù hùng mạnh. Ngày nay trong cơ chế thị trường, đã đến lúc phải quyết tâm xây dựng hệ thống thông tin và đội ngũ tham mưu tin cậy để giành thắng lợi trên thị trường cạnh tranh quyết liệt. Đó là mong đợi của nông dân và là trách nhiệm của Nhà nước.

TS Đặng Kim Sơn

NỘI DUNG KHÁC

Giá cao su thế giới năm 2009 sẽ thấp hơn năm 2008

17-11-2008

Giá cao su sẽ bình ổn trở lại sau cơn chấn động của suy thoái tài chính và rút tiền đầu tư của giới đầu cơ ở trên thị trường giao sau, tuy nhiên khó có thể trở lại mức cao như trước đây, giá cao su năm 2009 sẽ giảm so với năm 2008

AGROINFO công bố báo cáo “Phân tích hiện trạng và triển vọng tiêu dùng thực phẩm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”

13-11-2008

Năm 2008 thị trường thực phẩm trong nước chứng kiến nhiều biến động phức tạp. Tình hình dịch bệnh và đợt rét kéo dài hồi đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung thực phẩm trong ngắn hạn. Lạm phát kéo dài và tăng giá xăng dầu là những nguyên nhân chính đẩy giá thực phẩm lên cao, cùng với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có những tác động không nhỏ đến tiêu dùng thực phẩm trong nước. Bước sang năm 2009, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh theo những nội dung của cam kết gia nhập WTO. Nếu các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không thoả mãn được nhu cầu của người tiêu dùng thì nguy cơ sẽ bị các nhà kinh doanh bán lẻ thế giới chi phối thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Năm 2008, chi tiêu dùng thực phẩm ở thành thị tăng mạnh bất chấp những tín hiệu xấu của thị trường

12-11-2008

Kết quả Điều tra Người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh năm 2008 của Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) cho thấy mức chi tiêu cho thực phẩm của các hộ thành thị tăng đáng kể bất chấp những thời điểm giá thực phẩm tăng cao trong năm nay. Điều này thể hiện rõ trong mức chi và cơ cấu mức chi so với thu nhập cá nhân.

Hợp tác giữa IPSARD/CAP và NAFRI/AFPRC

10-11-2008

Sáng ngày 10/11/2008, Viện nghiên cứu Nông Lâm nghiệp quốc gia Lào (NAFRI) đã có chuyến thăm và làm việc tại Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD). Buổi viếng thăm và làm việc đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương cho cả hai bên.

Văn kiện Trung ương Đảng Trung Quốc năm 2004 (kỳ III)

7-11-2008

Đẩy mạnh xây dựng cơ cở hạ tầng nông nghiệp, giải quyết vấn đề “Tam nông”, nhất thiết phải thêm một bước điều chỉnh kết cấu phân phối thu nhập quốc dân và kết cấu chi tài chính. Chính phủ các cấp phải dựa vào pháp luật và dự toán chắc chắn chi phí đối với nông nghiệp và nông thôn, tiến hành dự toán nghiêm túc, xây dựng kiện toàn cơ chế tăng trưởng ổn định kinh phí tài chính khuyến nông.

Bản tin Thị trường và Thương mại Thịt & Thực phẩm (tuần 27/10-2/11)

6-11-2008

Sau hơn 2 tuần tăng thuế suất thuế nhập khẩu, giá thịt vẫn tiếp tục giảm, đặc biệt là giá gà làm sẵn tại Hà Nội tuần qua giảm đến mức chóng mặt, chỉ hồi phục trở lại sau trận mưa lịch sử trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc

Khủng hoảng tài chính lan sang thị trường nông sản

4-11-2008

Thị trường nông sản năm 2008 biến động rất lớn. Có thể nói, kể từ khi đổi mới và hội nhập chưa năm nào thị trường biến động lại khó lường như năm nay.

Thị trường sữa hậu “melamine”

3-11-2008

Thông tin về sữa và các sản phẩm từ sữa tại Trung Quốc bị nhiễm chất melamine đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng Trung Quốc và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Khủng hoảng tài chính thế giới, nông dân Việt Nam vạ lây

30-10-2008

Trong vài tháng qua, trùng lặp với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là sự sụt giảm mạnh mẽ của giá nông sản thế giới. Các ngành hàng của Việt Nam, từ gạo, cà phê, đến cao su, điều… đồng loạt rơi vào cảnh điêu đứng.

Bản tin Thị trường và Thương mại Thịt và Thực phẩm Việt Nam (tuần 20/10- 26/10)

30-10-2008

Sau cơn sốt giá của mặt hàng thịt những tháng đầu năm, đến nay giá hầu hết các mặt hàng đều đã giảm xuống. Giá bán của lợn hơi hiện đã giảm khoảng 10 – 20%, giá gà làm sẵn cũng giảm từ 2.500 – 5.000 đồng/kg. Giá thịt giảm trong khi giá các chí phí đầu vào cho chăn nuôi vẫn cao nguyên nhân chính là do thịt nhập khẩu giá rẻ vẫn đang gây áp lực cho các sản phẩm thịt trong nước vì lượng tồn kho còn khá nhiều.

Văn kiện Trung ương Đảng Trung Quốc năm 2004 (kỳ II)

28-10-2008

Điều chỉnh kết cấu ngành NN đã có những bước tiến dài, đúng phương hướng, hiệu quả rõ rệt, phải kiên định không thay đổi và tiếp tục thúc đẩy phát triển đi lên. Dưới tiền đề bảo vệ và nâng cao năng lực sản xuất NN tổng hợp, dựa vào yêu cầu cao sản chất lượng tốt, hiệu quả cao, sinh thái, an toàn, đi theo hướng tinh tế, tỉ mỉ hoá, chuyên môn hoá, sản nghiệp hoá, hướng tới phát triển nông nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu tiến quân, không ngừng khai thác không gian tăng hiệu quả tăng thu nhập NN