Dưới tác động của sự sụt giảm mạnh giá dầu thế giới, giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi như khô đậu tương đã giảm từ ngưỡng 580 USD/tấn xuống dưới 300 USD/tấn, giá ngô tại thị trường Chicago (Mỹ) cũng giảm gần 50% so với thời điểm tháng 6, tháng 7. Những nguyên liệu này được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học, hiện giá dầu thế giới đang giảm do nhu cầu thế giới giảm nên giá của các nguyên liệu này cũng giảm theo. Ở trong nước, giá bán nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng giảm, giá khoai mỳ và giá bắp trong nước giảm khoảng 500 – 1.000 đồng/kg, giá đậu tương giảm 750 - 1.250 đồng/kg.
Nguồn: www.agro.gov.vn
Theo ông Phạm Đức Bình- phó chủ tịch hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, với việc đa số các nguyên liệu đều đã giảm, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã giảm khoảng 20%, nhưng hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi chỉ giảm nhẹ 5-10%. Một số doanh nghiệp giải thích là do giá nguyên liệu trong những tháng trước tăng cao, chăn nuôi trong nước đi xuống khiến doanh số bán ra giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Hiện doanh nghiệp đang phải giữ giá để bù lỗ nên chưa thể giảm mạnh giá bán... Ngoài sức ép về giá thức ăn chăn nuôi, các chi phí khác cũng tăng (thuốc thú y, chi phí nhân công, lãi suất ngân hàng)… , đang gây khó khăn cho chăn nuôi quy mô nhỏ và trang trại lớn. Vì đến nay đa số các trang trại đã cạn vốn, bán ra thì lỗ, mà nuôi tiếp cũng lỗ từ 2.000-5.000 đồng/kg. Chăn nuôi không còn có lãi, nguy cơ về dịch bệnh lại luôn đe doạ khiến người chăn nuôi không còn muốn đầu tư tái đàn.
Hiện đang là thời điểm để các hộ chăn nuôi tái đàn, chuẩn bị cho nhu cầu dịp tết nhưng chưa năm nào thị trường con giống lại ảm đạm như hiện nay. Giá lợn giống 10kg/con tại Tiền Giang đã giảm 20.000 đồng/kg chỉ trong vòng tháng rưỡi mà vẫn chưa có người mua, tương tự giá lợn giống trại Thân Cửu Nghĩa cũng giảm 14.000 đồng/kg xuống còn 64.000 đồng/kg trong vòng 2 tháng. Do hầu hết người dân hiện vẫn đang có tâm lý chờ giá thức ăn chăn nuôi giảm thêm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho hay, nhanh nhất thì cũng phải đến khoảng giữa tháng 11 giá thức ăn chăn nuôi mới thực sự giảm, thậm chí có thể lâu hơn vì đa số các doanh nghiệp đã chủ động ký hợp đồng mua và trữ nguyên liệu từ 1-4 tháng. Nếu các doanh nghiệp không có chiến lược bù lỗ hợp lý, giảm giá sớm để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi thì chính bản thân doanh nghiệp sẽ người đầu tiên chịu thiệt hại từ việc người dân bỏ chăn nuôi.
----------------------------------------------------------
Để biết thêm thông tin chi tiết về diễn biến giá cả thực phẩm trong nước và quốc tế, cũng như những phân tích, bình luận, dự báo thị trường thực phẩm hàng tuần, mời quý vị đăng ký đặt mua Bản tin thị trường thực phẩm tuần theo mẫu dưới đây.