Vì sao khủng hoảng tài chính bắt đầu ở Mỹ?
 |
Quang cảnh phố Wall |
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bắt đầu từ nợ xấu của dòng tín dụng đã đổ ra thị trường địa ốc của Mỹ. Cái biểu hiện dễ thấy đấy bắt nguồn từ việc dân chúng Mỹ thuộc loại “bóc ngắn cắn dài”, điều mà Báo NNVN đã từng cảnh báo từ đầu năm 2008 khi tổng mức bán lẻ năm 2007 của VN đạt 45 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2006, nếu trừ đi hệ số trượt giá thì vẫn còn gấp 1,6 lần mức tăng trưởng GDP. Nếu nền kinh tế VN có được dòng vốn đầu tư FDI thì trong 10 năm qua, nền kinh tế của Mỹ cũng có được nguồn vốn khổng lồ từ các châu lục đổ vào.
Sau biến cố tài chính những năm 90, các nước châu Á và Mỹ La tinh đã biết dè sẻn hơn, để dành nhiều hơn và họ rất tin tưởng khi dùng để đầu tư vào Mỹ làm cho cán cân thanh toán với nước ngoài của Mỹ thâm hụt nghiêm trọng, lên tới 6% GDP. Việc quá dư thừa tiền lưu thông đã kích thích tiêu dùng, của để dành của dân chúng Mỹ năm 2006 chỉ 34 tỷ USD, gần như bằng 0. Dư tiền đã khiến cho giá cổ phiếu và các tài sản khác đều tăng trên mức giá trị thật. Trong 5 năm qua giá nhà khắp nước Mỹ đều tăng, thấp nhất ở các bang hẻo lánh cũng tăng 17%, và ở nơi có nhiều đầu cơ tăng hơn gấp đôi. Nếu kể từ năm 1980, giá nhà ở những bang như New York, California, Massachussets tăng 5- 6 lần.
Cả thế giới đang chung tay giữ thị trường tài chính không bị hoảng loạn và sự khủng hoảng kinh tế ít có khả năng xảy ra hơn so với cuộc đại khủng hoảng 1029 - 1933, tất nhiên việc suy thoái kinh tế toàn cầu là đương nhiên. Ngày 11/10, IMF dự báo năm 2009 sẽ là “năm đen tối”, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3% chứ không phải 3,9% như đã tính toán, trong đó các nước phát triển bị giảm phát nghiêm trọng, nền kinh tế của Mỹ, Anh, Ý, Tây Ban Nha là âm; Đức, Pháp bằng 0… |
Cơn say về lợi nhuận đã làm u mê, việc cho vay tiền từ các ngân hàng không những trở nên dễ dàng và bỏ qua một số nguyên tắc cơ bản (dưới chuẩn) mà còn đẻ ra kiểu kiếm tiền siêu việt mà bắt đầu từ sáng kiến diệu kỳ của Michael Milken, một ông trùm tài chính, trở nên giàu sụ. Cách làm này là tập hợp những khoản vay, trái phiếu lại thành các dự án và bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ dưới dạng chứng khoán. Các ngân hàng và tổ chức tài chính lập tức nhân rộng mô hình này vì chúng vừa giảm thiểu rủi ro lại được lợi lớn từ việc thu phí nhiều chặng. Chỉ tính đến 5/2006, đã có 6,1 ngàn tỷ USD tiền vay kinh doanh địa ốc đã được tung ra thị trường chứng khoán.
Điều tệ hại là không những chỉ có người đầu tư nhỏ mua các cổ phiếu loại này mà ngay cả các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng nhảy vào kinh doanh kiếm lời. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, dù gì đi nữa thì cái gốc vẫn là khả năng chi trả của người vay tiền, khi thị trường địa ốc đã tăng quá mức bị đóng băng, người vay không có khả năng đóng lãi suất thì mớ cổ phiếu trên dần biến thành giấy lộn. Hiệu ứng Domino xảy ra lập tức thành khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 |
Tương lai nông sản Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng, tuy nhiên có thể sẽ không quá nặng nề |
Tương lai nông sản VN sẽ thế nào?
Nền kinh tế VN là nền kinh tế xuất khẩu nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mặc dù chỉ là gián tiếp. Tuy nhiên các dự báo đều cho rằng sẽ nhẹ hơn nhờ vai trò của nông nghiệp.
Cao su sẽ xuống dốc không phanh: 60% thị trường xuất khẩu cao su của VN là Trung Quốc, hơn 15% là Nhật Bản… đều nằm ngoài “tâm bão”. Tuy nhiên, những nước này nhập cao su chủ yều để sản xuất lốp xe bán vào Mỹ và EU nên cao su sẽ là nông sản chịu ảnh hưởng mạnh nhất, sớm nhất. Chỉ trong vòng 2 tháng từ 12/8 đến 12/10 (hôm qua) giá mủ cao su tiểu điền chưa chế biến đã giảm từ 50 triệu đồng/T xuống còn 19,3 triệu/T, đặc biệt trong 2 tuần nay từ 28/9 đến 12/10 giá giảm từ 38 triệu xuống còn 19,3 triệu. Hiện vẫn chưa có tín hiệu nào hỗ trợ để cuộc rớt giá theo chiều thẳng đứng này dừng lại. Cũng rất có thể xuống tận cái đáy 600 USD/T của năm 2000, vì sản lượng cao su thiên nhiên đang trên đường tăng vượt quá nhu cầu.
Cà phê sẽ xuống chậm: Cà phê được xếp là “nông sản mềm”, không thật sự thiết yếu với đời sống con người nên dự báo sẽ xuống, nhưng không nhanh và nhiều như cao su. Hiện đang có những thông tin làm giảm giá cà phê như là các quỹ đầu tư không những không mua vào mà còn đang bán ra để thu hồi tiền mặt và sản lượng cà phê của Brazin, Pêru đều tăng trên dưới 5% so với năm trước.
Hồ tiêu sẽ xuống: Giá cả hồ tiêu chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu mà ít bị biến động vào khủng hoảng kinh tế. Việc tiêu đen xuống giá từ 55.000đ/kg xuống 38.000đ/kg ở thị trường nội địa vừa qua do giá tiêu đen thế giới sút giảm và tác động của đầu cơ trong nước. Tuy nhiên, với mặt bằng xuống giá của nông sản thì việc duy trì giá 3.250 USD/T với tiêu đen và 5.200 USD/T với tiêu trắng như vừa qua sẽ là khó khăn.
Lúa gạo cũng sẽ xuống: Dù sao con người cũng phải ăn cho dù khủng hoảng hay không. Giá lúa gạo lại được hỗ trợ thông tin về sự thiếu hụt dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên giá lúa gạo không thể đứng ở mức cao 500 – 600 USD/T như một số dự báo trước đây bởi khi giá dầu đang tụt xuống gần mốc 60 USD/thùng như hiện nay thì sẽ kéo theo giá phân bón, thuốc BVTV giảm xuống theo. Tuần qua cũng ghi nhận tình hình giao dịch trầm lắng trên tất cả các thị trường, gạo Thái Lan đã giảm qua mốc kỳ vọng của Chính phủ 700 USD/T chỉ còn 680 USD/T, và gạo VN chỉ còn 500 USD/T với gạo 5% tấm và 400 USD/T với gạo 25% tấm.
Nguồn: nongnghiep.vn