ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Doanh nghiệp tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu chất thải

Ngày đăng: 04 | 05 | 2023

   Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) dựa vào lợi ích kinh tế để giải quyết ba vấn đề chính đối với chất thải, đó là: (i) Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên đầu vào; (ii) kéo dài vòng đời sản phẩm; (iii) giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường. Như vậy, đối với chất thải nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu thô từ tài nguyên thiên nhiên đầu vào và thải trực tiếp ra môi trường theo mô hình kinh tế tuyến tính (KTTT) (line economy-LE) trước đây chuyển sang mô hình KTTH (circular economy-CE) sẽ đạt hiệu quả cao không chỉ về kinh tế mà còn BVMT thông qua giảm khai thác tài nguyên đầu vào và hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ mô hình KTTT sang mô hình KTTH, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp (DN) sẽ gặp những khó khăn nhất định.

    Nhận thức của DN về KTTH

    Hiện nay, nhận thức của DN về KTTH vẫn còn chung chung và là vấn đề mới. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó trong từng lĩnh vực cụ thể có những DN đã tiếp cận theo hướng KTTH dựa trên những lợi ích mang lại thông qua đổi mới công nghệ, tái sử dụng, tái chế chất thải. Vì vậy, khi có chủ trương chuyển đổi từ mô hình KTTT sang mô hình KTTH, các DN sẵn sàng thực hiện như Công ty sữa Vinamilk, TH, TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, Bia Heniken… Một điều tra khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương về nhận thức KTTH nói chung và một số tiêu chí cần có về KTTH cho thấy, tỷ lệ nhận thức của DN còn thấp chưa vượt quá 50%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình KTTH, DN sẽ gặp phải những yếu tố tác động bên trong như: Kết quả hoạt động của DN (lợi nhuận), chiến lược kinh doanh của DN, công nghệ, sản phẩm đầu ra, đặc trưng ngành/lĩnh vực, nguyên tắc bền vững. Cùng với đó là những yếu tố tác động đến từ bên ngoài như: Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, truyền thông, khan hiếm nguồn tài nguyên đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm năng khách hàng, giáo dục thay đổi hành vi, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước, những quy định của Nhà nước liên quan như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và BVMT, nhận thức của các nhà hoạch định chính sách.

    Như vậy, để chuyển đổi sang mô hình KTTH, đối với các DN cùng với nhận thức các yếu tố tác động từ bên trong và bên ngoài, DN cũng phải xác định được những thuận lợi và khó khăn để đạt được mong muốn của DN khi tiếp cận mô hình KTTH nhằm đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất. 

    Những thuận lợi và khó khăn khi DN chuyển đổi từ mô hình KTTT sang mô hình KTTH

    Những thuận lợi

    Thứ nhất, từ chủ trương lớn của Đảng thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030. KTTH đã được cụ thể hóa trong Luật BVMT tạo hành lang pháp lý cho DN thực hiện mô hình KTTH.

    Tại khoản 3, Điều 142, Luật BVMT năm 2020 quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối”. Trên cơ sở quy định của Luật BVMT đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 thể hiện chi tiết trong mục 3 Điều 138,139 và 140 của Nghị định này. Đáng chú ý tại khoản b) mục 3 Điều 140 về cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH nêu rõ “Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của KTTH”. Như vậy, đây là căn cứ pháp lý cơ bản để DN thực hiện mô hình KTTH.

    Thứ hai, xu thế chung toàn cầu đã và đang chuyển đổi từ KTTT sang KTTH, mô hình KTTH được nhiều quốc gia lựa chọn như vậy DN có cơ hội trao đổi, học tập về kinh nghiệm, thiết kế, chuyển giao công nghệ… trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của DN đã và đang thực hiện.

    Thứ ba, áp dụng mô hình KTTH, DN sẽ thu được nhiều lợi ích bao gồm: Cơ chế hỗ trợ đã được quy định trong Luật BVMT và các Luật liên quan khác, tránh được các xử lý vi phạm liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên và BVMT, lợi nhuận của DN gia tăng, chuyển đổi và giải quyết lao động việc làm.

    Thứ tư, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình đổi mới chuyển đổi sang mô hình KTTH phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0… và sự phát triển của khoa học công nghệ.

    Thứ năm, các cơ chế ưu đãi từ chính sách của Nhà nước liên quan đến thực hiện mô hình KTTH nhằm khuyến khích DN chuyển đổi từ KTTT sang KTTH dựa trên quy định của pháp luật.

    Thứ sáu, một số loại hình DN đã có sự tiếp cận mô hình KTTH trước đây do hiệu quả kinh tế mang lại là những ví dụ điển hình cho tiếp cận mô hình KTTH trong việc giảm chất thải và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Những mô hình tiếp cận KTTH đã có trong nông nghiệp như: Vườn - Ao - Chuồng, Vườn - Ruộng - Ao - Chuồng, mô hình khép kín nông nghiệp và chế biến như Công ty sữa Vinamilk, TH; mô hình công nghiệp sinh thái; mô hình trong dịch vụ phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải, từ đó phát triển thành mô hình KTTH.

    Một số khó khăn

    Về nhận thức: Hiện nay, nhận thức về KTTH nói chung và mô hình KTTH nói riêng vẫn là vấn đề mới của DN, nhất là áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình DN thế nào được gọi là KTTH vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, những DN được chủ DN nhận thức tốt về KTTH sẽ chủ động chuyển đổi sang mô hình KTTH, DN đổi mới nhanh chóng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngược lại chủ DN thiếu hiểu biết và nhận thức không đầy đủ về KTTH là một cản trở cho DN.

    Về cơ chế chính sách: Sự bất cập giữa các luật, nhất là giữa Luật BVMT với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật DN… Lý do là nội dung KTTH mới đưa vào Luật BVMT, trong khi các Luật khác đã ban hành trước đây và nay đang trong quá trình bổ sung hoàn thiện, do vậy, việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình KTTH của DN gặp phải những khó khăn nhất định do vướng mắc với các Luật khác. Sau Luật, việc triển khai thực hiện đã có Nghị định, Thông tư, Đề án triển khai nhưng Kế hoạch hành động thực hiện KTTH mà Bộ TN&MT đang xây dựng trình Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương cũng đang quá trình triển khai những cơ chế chính sách và kế hoạch hành động tiếp theo, do vậy, DN vẫn gặp phải những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH. Mặt khác, để DN được chứng nhận là DN đã chuyển đổi sang mô hình KTTH làm căn cứ cho hưởng lợi những chính sách ưu đãi theo quy định của Luật cần có Bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá và xác nhận, tuy nhiên, hiện nay chưa có Bộ tiêu chí cụ thể. Trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, tiêu chí vẫn ở dạng chung chung, khó lượng hóa để khẳng định áp dụng cho DN thực hiện mô hình KTTH.

    Tồn tại cũ từ thiết kế mô hình KTTH: Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi các DN đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ khâu đầu vào nguyên liệu, thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với các DN trong một chu trình khép kín, do vậy, gây ra những khó khăn nhất định cho DN muốn chuyển đổi sang mô hình KTTH, đòi hỏi phải nghiên cứu và thiết kế lại. Những DN đầu tư mới theo mô hình KTTH khâu thiết kế ban đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn sâu và thiết kế phù hợp. Hiện nay, chưa có đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình KTTH, đòi hỏi sự nỗ lực của DN và sớm hình thành đào tạo chuyên môn cho lĩnh vực thiết kế mô hình KTTH đối với DN, cụm công nghiệp hay ở mức độ khác.

    Về nguốn vốn đầu tư: Chuyển sang mô hình KTTH đỏi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải…, như vậy, đặt ra yêu cầu cần phải có nguồn vốn đầu tư phù hợp cho sự chuyển đôi mô hình này của DN.

    Nguồn nhân lực: Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi bổ sung kiến thức và con người, do vậy, DN sẽ gặp những trở ngại nhất định buộc phải đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới phù hợp.

    Công nghệ: Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi phải có những sự đổi mới về quy trình công nghệ, nhất là trong sản xuất và thu hồi chất thải. Như vậy DN sẽ có những sự thay đổi và tìm kiếm công nghệ mới phù hợp, hiệu quả.

    Sản phẩm chấp nhận của thị trường: Bên cạnh những sản phẩm dễ được sự chấp nhận của thị trường, sản phẩm đầu ra của mô hình KTTH cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, vì thế, đòi hỏi DN cần phải có những cách thức tiếp cận mới, công tác truyền thông và tìm kiếm thị trường là những khó khăn và thách thức của DN…

    Chuyển đổi sang mô hình KTTH đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực chất thải

    DN hoạt động trong lĩnh vực chất thải được hiểu đó là những DN chỉ giải quyết chất thải đầu ra của quá trình sản xuất, tiêu dùng và hoạt động kinh tế - xã hội từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, và xử lý chất thải. Về cơ bản, hoạt động của các DN ở Việt Nam chủ yếu là chất thải rắn, một số DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước thải, còn khí thải cơ bản vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Tiếp cận mô hình KTTH của các DN trong lĩnh vực chất thải chính là hạn chế tối đa chất thải đưa ra môi trường dựa vào hiệu quả kinh tế khi thiết kế mô hình KTTH, biến chất thải trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, tận dụng tối đa chất thải hướng đến phát thải ra môi trường bằng không. Ví dụ ở Nhật Bản có mô hình mỏ đô thị (Urban Mining), thực chất là khu vực phân loại, làm sạch chất thải rắn sinh hoạt để biến các chất thải đó thành nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở sản xuất cần các loại nguyên liệu đã phân loại và làm sạch. Với cách làm này, các chất thải rắn sinh hoạt đưa về khu vực phân loại, làm sạch sẽ được tận dụng tối đa vật chất có ích cho tái sử dụng, tái chế và cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

    Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH của lĩnh vực chất thải sẽ đạt được mục tiêu tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đầu vào và hạn chế tối đa chất thải đưa ra môi trường gây ô nhiễm. Vì hiệu quả của mô hình KTTH trong chất thải nên tạo ra thị trường tiêu thụ chất thải rất lớn, từ đó hình thành các khâu, quy trình có tính tuần hoàn từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Trong thực tế, nếu chúng ta phát triển tốt mô hình KTTH của các DN hoạt động trong lĩnh vực chất thải là yếu tố gần như có tính quyết định thu hút toàn bộ lượng chất thải ra môi trường, biến chúng thành vật chất có ích và mang lại hiệu quả có tính bền vững cho DN và xã hội. Các DN này sẽ tạo ra thị trường có nhu cầu chất thải lớn giống như các nước Bắc Âu, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch đã làm, từ đó sẽ thu hút nguồn chất thải về DN.

    Một số khuyến nghị cho DN

    Thứ nhất, DN cần tận dụng cơ hội mới để đổi mới hoạt động kinh doanh của DN dựa trên những lợi thế của DN và những khó khăn cần khắc phục, chỉ DN mới hiểu để chủ động chuyển đổi sang mô hình KTTH. Phát huy thế mạnh nội sinh và tận dụng ngoại sinh như hôm nay trao đổi với chuyên gia Hà Lan. Trong đó, vai trò của chủ DN là quan trọng nhất.

    Thứ hai, chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi DN phải phân tích chi phí - lợi ích (CBA) của mô hình trước và sau khi chuyển đổi để có quyết định xem việc chuyển đổi đó sinh lời cho DN bao nhiêu? Từ đó có phương án quyết định phù hợp.

    Thứ ba, cần tư vấn chuyên gia giúp DN chuyển đổi sang mô hình KTTH: Từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ…, tùy thuộc vào mỗi loại hình DN.

    Thứ tư, vấn đề truyền thông chuyển đổi sang mô hình KTTH của DN để xã hội hiểu và ủng hộ DN, nhất là đối với những DN trước đây gây ra nhiều bức xúc cho xã hội, tạo nên hình ảnh mới của DN từ nâu sang xanh dựa trên lợi ích tổng thể mang lại Kinh tế, xã hội và môi trường của DN từ mô hình KTTH.

    Thứ năm, sự kết nối DN và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN khác, nhất là đối với các DN có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

    Thứ sáu, tạo lập và tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm của DN thực hiện mô hình KTTH gồm thi trường trong nước và thị trường ngoài nước.

    Thứ bảy, chuyển đổi các mô hình kinh doanh của DN trong lĩnh vực chất thải hiện nay sang tiếp cận mô hình KTTH để tạo lập thị trường phân loại, làm sạch các chất thải, nhất là chất thải sinh hoạt biến các chất thải thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như tái sử dụng và tái chế.

    Chuyển đổi mô hình KTTT sang mô hình KTTH tự bản thân nó đã giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, lấy động lực kinh tế là mục tiêu cơ bản cho DN. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH bên cạnh những thuận lợi DN cũng gặp phải những khó khăn nhất định, cùng với đó phải xác định được các yếu tố tác động bên trong và bên ngoài. Để thực hiện tiếp cận mô hình KTTH DN cần có những tính toán và mở rộng kết nối để thực hiện mô hình KTTH hiệu quả, nhất là CBA và tiêu thụ sản phẩm của mô hình KTTTH, cùng với đó là truyền thông và nâng cao hình ảnh của DN. Việc DN hoạt động trong lĩnh vực chất thải, nhất là chất thải sinh hoạt tiếp cận mô hình KTTH đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo ra thị trường thu hút chất thải vì lợi ích kinh tế và đạt mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải môi trường.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2022)

    Tài liệu tham khảo

  1. PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh. Một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình áp dụng mô hình KTTH tại Việt Nam. Bài giảng được tài trợ bởi UNEP, Đại học Saxion-Hà Lan. 31/6-2/7/2022. Hà Nội.
  2. Chính phủ. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Ngày 10/1/2022 về “Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT”.
  3. Quốc hội. Luật số: 72/2020/QH14. “Luật BVMT”
  4. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Một số kết quả khảo sát DN về kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam. Bài trình bày tại buổi tập huấn ngày 7/7/2022. CIEM, Hà Nội.

NỘI DUNG KHÁC

Các vấn đề môi trường của Việt Nam trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022

8-5-2023

Trong kết quả công bố Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) năm 2022, Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia và được ghi nhận trong nhóm các quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng các vấn đề về môi trường trong GII lại xếp trong nhóm các quốc gia đạt kết quả thấp so với trình độ phát triển của đất nước. Bài viết này phân tích phương pháp tính toán và kết quả đánh giá của GII cho Việt Nam về các vấn đề môi trường. Từ đó nhằm đưa ra một số đề xuất để cải thiện chỉ số trong thời gian tới.

Khung pháp lý thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh trong pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam

10-5-2023

 Phát triển thị trường tín dụng xanh (TDX), trái phiếu xanh (TPX) đang là xu hướng nổi lên mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu, với sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia phát triển cũng như tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... [1] Hai kênh huy động vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường, khí hậu.

Áp dụng các công cụ hỗ trợ phân tích đánh đổi trong xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường

11-5-2023

 Trong bối cảnh hiện nay, khi những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bài toán đặt ra đối với mỗi một quốc gia là cần có những quyết định phù hợp, bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững. Đối mặt với những thách thức đó, trong quá trình lập quy hoạch, việc tìm kiếm một giải pháp tối ưu tuyệt đối là không thực tế, đặc biệt là khi các tiêu chí về ưu tiên kinh tế hay môi trường có sự mâu thuẫn với nhau.

Kinh nghiệm quốc tế về thống kê giá trị của tài nguyên đất vào hệ thống tài khoản quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

12-5-2023

Bài viết trình bày kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới xây dựng khung hạch toán tích hợp kinh tế - môi trường (EEA) cho những loại tài nguyên chính, trong đó có đất đai nhằm thống kê đầy đủ các giá trị của đất về mặt không gian, chất lượng và giá trị về mặt tiền tệ. Từ đó, bài báo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam về thống kê giá trị của tài nguyên đất vào hệ thống tài khoản quốc gia (SNA).

Một số vấn đề lý luận về xây dựng định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành tài nguyên và môi trường của Việt Nam

15-5-2023

Việt Nam vừa ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Trước khi ban hành Chiến lược, việc tổng kết và đánh giá kết quả Chiến lược khoa học và công nghệ giai đoạn trước được thực hiện và rút kinh nghiệm, đồng thời đưa ra định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia vừa là định hướng vừa là tổng hợp từ các chiến lược khoa học và công nghệ ngành, lĩnh vực. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ trong ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2020 và xây dựng định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành giai đoạn 2021-2030.

Đề xuất Bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả môi trường của việc sử dụng đất ven biển theo hướng phát triển bền vững

16-5-2023

Trên thế giới, bền vững môi trường ngày càng được chú trọng trong chính sách phát triển của các nước. Các mục tiêu bền vững chỉ đạt được khi có những chính sách phát triển phù hợp và việc thực hiện hiệu quả các chính sách quản lý môi trường và tài nguyên. Tuy nhiên công tác hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách này trong phạm vi một quốc gia, hay so sánh trong khu vực, hay hẹp hơn như so sánh giữa các vùng, tỉnh trong một quốc gia, đòi hỏi cách thức tiếp cận khoa học, có căn cứ, là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý gặp khó khăn.

Thực trạng và chính sách phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện tử

19-5-2023

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đi cùng với sự đổi mới sáng tạo công nghệ đã khiến việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội giúp cho đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tầng lớp trung lưu, thượng lưu cũng gia tăng dẫn đến nhu cầu thay đổi các sản phẩm điện, điện tử ngày càng lớn. Điều này dẫn đến tuổi đời ngày càng ngắn của các sản phẩm điện, điện tử, có nghĩa là có nhiều rác thải điện tử được sinh ra hơn trong nền văn hóa “nâng cấp và thải bỏ” ngày nay. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này. Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ trong đó có rác thải điện tử. Bài viết sau đây tổng quan thực trạng về rác thải điện tử ở Việt Nam, đánh giá các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý từ đó đưa ra các đề xuất để thúc đẩy phát triển mô hình KTTH trong lĩnh vực rác thải điện tử.

Huy động nguồn lực thực hiện NDC: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

19-5-2023

Biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành thách thức chung của toàn nhân loại. Nỗ lực để hạn chế các nguyên nhân gây ra BĐKH là trách nhiệm của mỗi quốc gia, lĩnh vực và cá nhân. Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để chủ động ứng phó với BĐKH thông qua việc triển khai đồng thời hoạt động thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Quyết tâm, cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế chống lại BĐKH được thể hiện thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020 và đệ trình Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC).

Thực trạng và chính sách thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải ở Việt Nam

19-5-2023

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Với những thay đổi thể chế, chính sách đã tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017 đã chỉ rõ quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta".

Tình hình thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường ở Việt Nam

22-5-2023

Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, kêu gọi sự chung tay hành động xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo đến năm 2030 tất cả cư dân toàn cầu đều được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Chương trình đưa ra 17 mục tiêu PTBV (SDG), 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai.

Một số cơ sở lý luận về thiết lập tài khoản đại dương

23-5-2023

Đại dương là nguồn sinh kế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần điều hòa khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG14 (Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững) của các nước trên thế giới.

Vai trò, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và khuyến nghị cho Việt Nam

24-5-2023

 Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cách tiếp cận chính sách giúp các nhà hoạch định, nhà quản lý nhìn nhận sự vận hành của nền kinh tế và tìm ra giải pháp hoàn thiện thúc đẩy xã hội áp dụng KTTH. Có nhiều công cụ chính sách khác nhau đang được bàn luận và áp dụng tại các quốc gia trên thế giới như mua sắm công xanh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility-EPRs), tài chính xanh, nhãn sinh thái, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về thuế/phí… Một trong những công cụ có vai trò quan trọng để thúc đẩy áp dụng KTTH là “tiêu chuẩn, quy chuẩn”. Bài viết phân tích vai trò, ý nghĩa trong tiếp cận về tiêu chuẩn, quy chuẩn, xu hướng phát triển tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH và khuyến nghị cho Việt Nam.