Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu - GII được đưa ra năm 2007 bởi Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization viết tắt là WIPO). Chỉ số này nhằm mục đích nắm bắt các khía cạnh đa chiều của đổi mới, sáng tạo của các nền kinh tế, trong đó, mức độ đổi mới, sáng tạo được đánh giá dựa trên hai chỉ số thành phần (sub-index): chỉ số thành phần đầu vào gắn chặt với các yếu tố kinh tế xã hội làm nền tảng và tiền đề cho các hoạt động đổi mới/sáng tạo gồm 5 chỉ số trụ cột (Pillars) và 36 chỉ tiêu (indicators); Và Chỉ số thành phần đầu ra biểu thị cho kết quả của quá trình đổi mới/sáng tạo gồm 2 chỉ số trụ cột và 18 chỉ tiêu. Trong cấu trúc của GII, các vấn đề về môi trường được đánh giá thông qua chỉ số “Bền vững sinh thái” – là một trong các chỉ số đầu vào nằm trong trụ cột về Cơ sở hạ tầng. Chỉ số này bao gồm 3 chỉ tiêu gồm: (1) Chỉ tiêu GDP/đơn vị năng lượng sử dụng; (2) Chỉ tiêu Kết quả bảo vệ môi trường và (3) Chỉ tiêu số chứng nhận môi trường ISO 14001/GDP.
Trong báo cáo GII 2022, trong 132 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 48/132. Hơn nữa, trong 36 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 2, sau Ấn Độ. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Trong khi chỉ số GII tổng hợp đạt kết quả khả quan như trên, chỉ số “Bền vững sinh thái” lại được đánh giá là một trong những điểm yếu trong kết quả đánh giá chung, chỉ đạt mức điểm đánh giá 17/100 và xếp hạng thứ 113/132 nền kinh tế được đánh giá, giảm 18 bậc so với năm 2021.
Trong 3 chỉ tiêu đóng góp điểm số cho chỉ số “Bền vững sinh thái”, chỉ tiêu Kết quả bảo vệ môi trường là chỉ tiêu có kết quả đánh giá yếu nhất, xếp hạng ở vị trí 128/129 quốc gia và giảm 18 bậc so với năm 2021. Thực tế, chỉ tiêu này được trích nguồn đánh giá trực tiếp từ Chỉ số Hoạt động môi trường (EPI-Environmental Performance Index) do Đại học Yale (Mỹ) xây dựng và công bố 2 năm. Kết quả báo cáo EPI năm 2022 đánh giá cho 180 quốc gia trên thế giới, trong đó, Việt Nam xếp hạng thứ 178/180 (chỉ trên Myanmar ở bậc thứ 179/180 quốc gia) với điểm số tổng hợp là 20,1/100. So với năm 2020, thứ hạng xếp hạng của Việt Nam đã giảm 37 bậc, từ bậc 141/180 quốc gia năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi điểm và thứ bậc đánh giá xếp hạng của EPI là do sự thay đổi chỉ tiêu đánh giá, phương pháp tính toán và nguồn số liệu đánh giá của EPI. Trong đó, năm 2022, EPI bổ sung trọng số cho nhóm vấn đề về Chính sách khí hậu và bổ sung 8 chỉ tiêu đánh giá so với năm 2020. Do sự thay đổi về phương pháp, EPI khuyến nghị không nên nhìn nhận xu hướng chất lượng môi trường quốc gia thông qua vị trí xếp hạng của các năm khác nhau. Ngược lại, cần đánh giá xu hướng chất lượng môi trường bằng cách so sánh kết quả năm đánh giá với năm cơ sở (chủ yếu là sử dụng dữ liệu 10 năm trước, từ 2010-2012). Theo kết quả đánh giá xu hướng, điểm số đánh giá của Việt Nam chỉ giảm 0,6 điểm so với tham chiếu 10 năm trước. Điều này cho thấy xu hướng các vấn đề môi trường Việt Nam không suy giảm đáng kể.
Đối với chỉ tiêu GDP/đơn vị năng lượng sử dụng, Việt Nam được xếp hạng ở vị trí số 91/128 quốc gia, giảm 1 bậc so với năm 2021. Thực tế, kết quả GDP trên mỗi đơn vị năng lượng sử dụng của Việt Nam có chiều hướng tăng dần từ năm 2018 là 6,99 đôla Mỹ/1 kg dầu đến 2022 đạt cao nhất là 8,1 đô la Mỹ/1 kg dầu. Mặc dù có giá trị tăng dần song khi so sánh với mức thay đổi của các quốc gia khác thì Việt Nam có những tiến bộ chậm hơn, do đó vị trí xếp hạng của Việt Nam vẫn giảm bậc từ mức 85/118 nền kinh tế năm 2018 đến mức 91/128 năm 2022.
Chỉ tiêu về số chứng chỉ ISO 14001 trên tổng GDP quốc gia được đánh giá là một mặt mạnh của Việt Nam trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Năm 2022, chỉ tiêu đạt kết quả 1,8 chứng chỉ trên 1 tỷ đô GĐP, tăng 0,3 so với năm 2021 (đạt kết quả 1,5 chứng chỉ trên 1 tỷ đô GDP). Vị trí xếp hạng của Việt Nam cho chỉ tiêu này cũng có sự cải thiện từ vị trí 55/129 quốc gia năm 2021 lên vị trí 54/132 quốc gia năm 2022.
Đề xuất định hướng cải thiện điểm số đánh giá về môi trường của Việt Nam trong GII
Kết quả của GII về chỉ số “Bền vững sinh thái” năm 2022 chỉ đạt mức điểm đánh giá 17/100, xếp hạng thứ 113/132 nền kinh tế và giảm 18 bậc so với năm 2021. Với kết quả như trên, GII đánh giá vấn đề Bền vững sinh thái của Việt Nam là đạt kết quả thấp so với trình độ phát triển của nước ta. Do đó, cần có các giải pháp nhằm cải thiện điểm số xếp hạng của chỉ số. Trong đó, trước hết là chỉ tiêu về kết quả bảo vệ môi trường. Chỉ tiêu này đang ở vị trí xếp hạng 128/129 quốc gia được đánh giá. Thực tế như phân tích ở trên, việc tụt bậc xếp hạng của chỉ tiêu này chủ yếu là do sự thay đổi các khía cạnh kỹ thuật trong phương pháp tính và đánh giá chỉ tiêu. Tuy nhiên, để giảm bất lợi khi so sánh với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần cân nhắc đẩy mạnh việc thực hiện một số vấn đề môi trường hiện nay đang được đánh giá với điểm số thấp, còn yếu kém của Việt Nam. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về Biến đổi khí hậu như giảm cường độ phát thải và xu hướng phát thải các khí nhà kính quan trọng (CO2, NH4, N2O) và các chất ô nhiễm khí hậu (bụi các bon và khí Flo hóa).
Thứ hai; Các vấn đề về bảo vệ sức sống các hệ sinh thái cần cải thiện các chỉ tiêu về axit hóa (Cường độ phát thải Sulfur Dioxide (SO2) và Nitrogen Oxides- NOx) và tập trung nâng cao các chỉ tiêu về độ che phủ cây xanh, tỷ lệ xử lý nước thải. Về đa dạng sinh học, cần chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ các loại hình hệ sinh thái có tính tiêu biểu, các khu vực đa dạng sinh học cao, các khu vực là nơi cư trú của các loài hoang dã, quý hiếm.
Thứ ba: Về vấn đề bảo vệ sức khỏe con người trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, cần cải thiện các vấn đề về chất lượng không khí như phơi nhiễm bụi lơ lửng PM2,5 và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; Sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong hộ gia đình; Cường độ phát thải sulfur dioxide (SO2) và nitơ oxit (NOX).
Đây là vấn đề môi trường quan trọng được đánh trọng số cao, do đó, cải thiện được điểm số của các chỉ tiêu trên có tiềm năng nâng cao điểm số chỉ số tổng hợp và vị trí xếp hạng.
Vũ Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường