Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực. Với nhiều nội dung đột phá, Luật Tài nguyên nước được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai, là quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” của sự sống. Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều. Với rất nhiều điểm mới, Luật đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về một “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước - một trong những loại tài nguyên đặc biệt quý giá của nhân loại. Theo các chuyên gia đánh giá, Luật mới thể hiện sự đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ. Đầu tiên phải kể đến việc Luật quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ “quản cái gì, quản như thế nào và ai quản”. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.