TIN TỨC-SỰ KIỆN

Doanh nghiệp đầu tư cho khí hậu là khoản đầu tư xanh

Ngày đăng: 08 | 07 | 2024

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hành động bảo vệ khí hậu là việc làm "từ thiện", thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Vì vậy, quá trình triển khai họ không tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn báo cáo cần thiết bởi nó sẽ trở thành chi phí của doanh nghiệp. Trong khi thực tế, đây hoàn toàn có thể trở thành một khoản đầu tư và được thu hồi thông qua tín chỉ các-bon. Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khi chia sẻ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông xung quanh vấn đề này. PV: Thưa ông, vì sao có thể nói chuyển đổi xanh đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp?PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng hành tinh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Trong suốt 50 năm vừa qua, các thể chế thương mại toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đang thiết kế để hình thành quy định thương mại và đầu tư toàn cầu theo định hướng giảm phát thải khí nhà kính. Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác đã cam kết sẽ phát thải ròng bằng “0” (Net Zero). Kể từ đây, cộng đồng toàn cầu đã đưa ra rất nhiều quy định mới để thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu.

Từ tháng 1/2023, Liên minh châu Âu (EU) chính thức bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố Báo cáo phát triển bền vững. Từ tháng 6/2024, các nước châu Âu sẽ phải lồng ghép Báo cáo phát triển bền vững vào trong luật để tổ chức triển khai thực hiện. Chính vì vậy, các định chế tài chính toàn cầu cung cấp tài chính khí hậu, tài chính xanh cũng đã đưa ra yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải đưa ra Báo cáo phát triển bền vững, trong đó có Báo cáo kinh tế - xã hội - môi trường (ESG). Đáp ứng điều kiện này, Việt Nam mới có thể xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.

Từ tháng 10/2023, 4 mặt hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), bao gồm thép, xi măng, nhôm, phân bón. Khi xuất khẩu những hàng hóa này vào EU, doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Từ tháng 1/2026, nếu không đáp ứng mức phát thải theo yêu cầu của EU thì doanh nghiệp sẽ phải mua tín chỉ các-bon để bù trừ theo giá của thị trường các-bon EU. Mức giá cao nhất hiện nay khoảng 100 - 150 EUR/tín chỉ. Thị phần các mặt hàng này của Việt Nam không đáng kể và các nước trên thế giới sẵn sàng bỏ qua để bảo vệ thị trường của họ.

Sắp tới, từ 1/1/2025, tất cả các cái mặt hàng nông sản xuất khẩu sang châu Âu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 sẽ không được thông quan. Mỹ cũng đã đưa ra Dự thảo về Luật Cạnh tranh và dự kiến áp dụng quy định tương tự CBAM ở châu Âu. Anh cũng đã thông qua quy định về CBAM riêng. Thời gian không còn và doanh nghiệp Việt phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững để có thể giữ thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

pgs ts nguyen dinh tho
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyênvà môi trường (Bộ TN&MT)

PV: Quy định trong nước về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định xuyên suốt tất cả yêu cầu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, trong đó có mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, gắn dán nhãn thân thiện môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu phí rác thải theo thải lượng. Bên cạnh đó, quy định về sử dụng các công cụ kinh tế và tiếp cận thị trường như chi trả dịch vụ hệ sinh thái, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh. Thực hiện các quy định này, doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị những thông tin cần thiết đưa vào báo cáo phát triển bền vững của mình.

Nếu không kịp tuân thủ, bất kỳ ngành hàng nào cũng có thể gặp phải trường hợp như ngành dệt may vào thời điểm cuối năm 2022. Khi đó, châu Âu đã đặt tiêu chuẩn xanh lên hàng đầu, chất lượng đứng thứ hai và giá đứng thứ ba. Ngay lập tức, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mất đơn hàng, không hề có thời gian chuẩn bị.

Theo các định chế tài chính, rủi ro liên quan đến khí hậu được xếp hạng lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh nghiệp có thể dừng sản xuất. Đặc điểm của Việt Nam là phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. So với các nước khác, ví dụ ở Bangladesh, họ có 180 doanh nghiệp dệt may thì Việt Nam có tới 3.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, Bangladesh đã áp dụng tiêu chuẩn về xây dựng và phát thải đối với xí nghiệp sản xuất may ngang với Mỹ, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy. Xuất khẩu dệt may của họ đã tăng 10% và xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm 10%. Điều đó cho thấy, việc chuyển đổi không phải chỉ là trách nhiệm về mặt xã hội, môi trường của doanh nghiệp, mà là chiến lược kinh doanh bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện để có thể tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu.

2 1621825414290296983987
Lắp đặt điện mặt trời trên mái các nhà máy sản xuất công nghiệp

PV: Thời gian chuyển đổi không nhiều trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn. “Cứu cánh” của doanh nghiệp ở đâu, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Hiện nay, các định chế tài chính quốc tế và các nước lớn trên thế giới đã thiết kế những khuôn khổ tài chính, khí hậu xanh để hỗ trợ các nước đang phát triển. Nếu chúng ta ghi nhận quá trình giảm phát thải các-bon từ trước, trong và sau dự án, có thể hình thành tín chỉ các-bon. Các công ty định giá quốc tế sẽ định giá theo chi phí bỏ ra và giá trị gia tăng, trong đó bao gồm cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong lĩnh vực giảm phát thải các-bon, cải thiện điều kiện sống của cư dân trong khu vực sản xuất... Giá trị đó sẽ được ghi nhận trong chất lượng của tín chỉ các-bon và nâng cao giá trị của doanh nghiệp và cái định chế tài chính toàn cầu.

Ở đây, giảm phát thải được coi là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí. Doanh nghiệp cần lưu ý, phải thực hiện Báo cáo phát triển bền vững, Báo cáo ESG, Báo cáo giảm phát thải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để kết quả được ghi nhận và chúng ta thu hồi tiền đầu tư dưới dạng là giá trị của tín chỉ các-bon.

Các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế phổ biến hiện nay là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Hai hệ thống tiêu chuẩn này còn đi kèm theo các báo cáo khác, như công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)... Trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, báo cáo phát thải của doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn ISO 14065 và thực hiện báo cáo phát thải theo ISO 14064.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ khó khăn về mặt chi phí để tổ chức triển khai thực hiện, và rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, của các hiệp hội. Chúng ta phải “kết bè” để đi cùng nhau và giảm chi phí về mức tối thiểu nhất có thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về cách thức hình thành, giao dịch tín chỉ các-bon. Có những quy định rất chặt chẽ vì mục tiêu cao nhất là phải giảm phát thải thực tế, cần “viết ra những gì sẽ làm, làm những gì đã viết và viết lại những gì đã làm” theo đúng tiêu chuẩn báo cáo toàn cầu.

Hành động vì khí hậu không phải từ thiện. Đó là một khoản đầu tư có thể thu hồi được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

NỘI DUNG KHÁC

Tham vấn quốc gia đối với Khung chiến lược về thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường GMS 2030

9-7-2024

Ngày 09 tháng 7 năm 2024, tại Văn phòng Ngân hàng Phát triển Châu Á, Công ty tư vấn Ramboll/ADB đã tổ chức Tham vấn quốc gia đối với Khung chiến lược về thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường GMS 2030. Cuộc họp được chia thành 02 phiên: Phiên sáng (tham vấn đại diện các cơ quan Chính phủ) và Phiên chiều (tham vấn đại diện các tổ chức quốc tế, phi chính phủ…). Cuộc họp được tổ chức nhằm tham vấn Khung chiến lược 2030, qua đó, xác định ưu tiên và định hướng hành động để thúc đẩy các giải pháp trong GMS để đạt được các cam kết quốc gia và quốc tế về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững môi trường. Các chủ đề chính đối với hợp tác khu vực GMS trong Khung chiến lược 2030 bao gồm: (i) chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0; (ii) thích ứng, thích nghi, quản lý rủi ro thiên tai; (iii) giải pháp dựa vào thiên thiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng đất bền vững và sinh kế của người dân và (iv) kiểm soát ô nhiễm và kinh tế tuần hoàn.

Đảng ủy Bộ TN&MT học tập quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35- CT/TW

9-7-2024

Sáng ngày 9/7/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35- CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 15.644 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1,28 triệu cán bộ, đảng viên tham dự. Tham dự tại điểm cầu Đảng ủy Bộ TN&MT có đồng chí Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Bí thư các cấp ủy trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ. Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham dự trực tuyến tại 3 điểm cầu: Trụ sở Viện, Trung tâm Phát triển và Ứng dụng khoa học công nghệ về đất đai và Tạp chí Môi trường. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TW và hướng dẫn thực hiện Quy định.

Hội thảo Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn

11-7-2024

Ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn” nhằm triển khai quy định trong Luật BVMT năm 2020 để đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng và TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đến dự và chủ trì Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Việt Nam đã cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris cũng như Net Zero định hướng đến 2050 phát thải ròng bằng “0”, do đó, tại Diễn đàn lần thứ 3 đã thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) triển khai các phương án để thực hiện mục tiêu này. Hội thảo nhằm trao đổi, xác định các công cụ, chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn để chuẩn bị cho việc triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiệu quả trong thời gian tới. thu hút nhiều tham luận, ý kiến đóng góp tích cực từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.

Hội thảo Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Chính sách và Thực thi

12-7-2024

Ngày 12/7/2024, tại Quảng Ninh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường với sự hỗ trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và Thực thi”. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ, thảo luận về tình hình thực thi chính sách, các kinh nghiệm, các mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn và vai trò của các bên liên quan trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời đại biểu tham dự trực tiếp cũng được tham quan thực tiễn về mô hình phân loại chất thải rắn và thu gom rác trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Hội thảo do TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan báo chí từ Hà Nội và Quảng Ninh.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2024

17-7-2024

Ngày 16/7/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội nghị. Tham dự buổi sơ kết còn có sự góp mặt của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động 6 tháng đầu năm của Viện. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCS TN&MT) cho biết, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, về cơ bản, việc thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Viện đã được thực hiện đồng bộ; công tác quản lý, điều hành chung thông suốt, hiệu quả; các nhiệm vụ cũng được hoàn thành đúng thời hạn báo cáo, đặc biệt trong việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (KTTH), Đề án vị trí việc làm, Dự thảo và các đề tài khoa học liên quan,...

TP.HCM: Chuẩn bị khởi công Nhà máy đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày

19-7-2024

Dự kiến ngày 20/7/2024, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa (giai đoạn 1) có công suất 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi). Tại buổi họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội chiều 18/7, ông Tống Nhất Thành, phó Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP.HCM) đã cung cấp thông tin về tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Tống Nhất Thành, trên địa bàn TP.HCM hiện đang có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH từ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt rác không phát điện sang công nghệ đốt rác phát điện, tái chế. Cụ thể, gồm các dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Vietstar, Công ty Tasco, Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

24-7-2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 709/QĐ-TTg ngày 23/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi Kết luận số 69-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Yêu cầu đặt ra là xác định những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, lộ trình thời gian và biện pháp thực hiện để các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động phối hợp; tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW.

Xanh hóa ngành dệt may - Điều cần thiết để bảo vệ môi trường

24-7-2024

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn lựa đẩy nhanh tốc độ “xanh hoá” sản xuất dù còn nhiều khó khăn thách thức, bởi họ sớm nhìn ra được nhu cầu “sống xanh” và sử dụng các sản phẩm xanh của thị trường. Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn khó khăn, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt thách thức khác từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức… Đặc biệt, vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. “Xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược với ngành dệt may Việt Nam, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) trao đổi với báo giới.

Hội thảo tham vấn về mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ

26-7-2024

Ngày 26/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCSTNMT) phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia tổ chức Hội thảo tham vấn về mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ. Mục tiêu của Hội thảo là nhận được nhiều ý kiến góp ý hay, hiệu quả về cơ chế quản lý việc thải bỏ phương tiện giao thông tại Việt Nam, cũng như đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thải bỏ phương tiện giao thông. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện CLCSTN&MT chủ trì. Đến dự Hội thảo còn có TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhóm nghiên cứu Viện CLCSTN&MT. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm. Hội thảo được tổ chức trong thời gian Quốc tang, vì vậy, trước khi Hội thảo bắt đầu, trong không khí trang nghiêm, thành kính, Ban tổ chức cũng như các đại biểu tham dự đã dành những phút tưởng niệm bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Viện CLCSTN&MT tổ chức gặp mặt, tri ân các cán bộ, viên chức, công đoàn viên có thân nhân là thương binh, bệnh binh nhân Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024)

27-7-2024

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hướng tới Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 27/7/2023, Công đoàn Viện CLCSTN&MT đã tổ chức gặp mặt, tri ân các cán bộ, viên chức, công đoàn viên có thân nhân là thương binh, bệnh binh đang làm việc tại Viện. Tham dự buổi gặp mặt có sự tham gia của Lãnh đạo Viện, đại diện các đơn vị thuộc Viện và cán bộ, viên chức, công đoàn viên của Viện có thân nhân là thương binh, bệnh binh. Buổi gặp mặt được tổ chức trong thời gian Quốc tang, vì vậy, trước khi bắt đầu, trong không khí trang nghiêm, thành kính, lãnh đạo Viện cũng như các cán bộ, viên chức, công đoàn viên có mặt tại Hội trường đã dành những phút tưởng niệm bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tiếp đại diện Tập đoàn China Gezhouba tại Việt Nam

29-7-2024

Ngày 29/7/2024, tại trụ sở Viện, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng một số cán bộ của Viện đã  có buổi tiếp đại diện Tập đoàn China Gezhouba tại Việt Nam. Về phía Tập đoàn China Gezhouba có ông Yang Huobing, Phó Tổng Giám đốc cùng các thành viên trong đoàn. China Gezhouba Group Corporation (CGGC), được thành lập vào năm 1970, một doanh nghiệp nhà nước hoạt động lĩnh vực xuyên quốc gia. CGGC đã hình thành một mô hình phát triển đa dạng bao gồm các doanh nghiệp như xây dựng, bảo vệ môi trường, bất động sản, xi măng, nổ dân dụng, đường bộ, kỹ thuật nước, sản xuất thiết bị và tài chính, và chủ yếu tham gia vào thiết kế, xây dựng, đầu tư và vận hành các dự án trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, truyền tải & chuyển đổi điện, đường cao tốc, đường sắt, cầu, công trình đô thị, sân bay, cảng, đường thủy, công trình công nghiệp và dân dụng. Trong 40 năm qua, CGGC đã đóng góp hơn 8.000 dự án kỹ thuật nổi bật bao gồm Dự án Tam Hiệp cho thế giới và đã cung cấp cho thế giới nguồn điện mạnh mẽ, ánh sáng bền vững, nước sạch, cuộc sống chất lượng cao…

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tiếp đại diện Tiểu ban Tài chính Bền vững thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)  

29-7-2024

Ngày 29/7/2024, tại trụ sở Viện, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng một số cán bộ của Viện đã có buổi tiếp đại diện Tiểu ban Tài chính Bền vững (SFSC) thuộc EuroCham. Về phía EuroCham có ông Jean Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách chính sách, Ông Giandomenico Zappia – Thành viên Ban lãnh đạo EuroCham kiêm chủ tịch Tiểu ban SFSC cùng các thành viên. Từ năm 1998, EuroCham Việt Nam đã trở thành diễn đàn thống nhất của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Với hơn 1.400 thành viên sử dụng hơn 150.000 lao động, EuroCham Việt Nam là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Có thể nói EuroCham đã mang doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đến châu Âu. Từ đó, đảm bảo doanh nghiệp EU-Việt Nam nhận được lợi ích tối đa từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng xanh theo các cam kết COP26 của Việt Nam, duy trì môi trường kinh doanh hiệu quả và linh hoạt cho các thành viên thông qua hợp tác B2G và B2B.‍ Bên cạnh đó, còn nói lên quan điểm của các thành viên của chúng tôi bằng cách làm việc với những người trong ngành và các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu và Việt Nam, cung cấp thông tin chi tiết về điều kiện thị trường Việt Nam và xu hướng toàn cầu.