TIN TỨC-SỰ KIỆN

Việt Nam tham dự Đối thoại toàn cầu về phát triển đại dương bền vững

Ngày đăng: 05 | 07 | 2024

Đối thoại toàn cầu về phát triển đại dương bền vững được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 3-5/7/2024 với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ 71 quốc gia trên thế giới. Đối thoại do Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia phối hợp với Ban Thư ký Mạng lưới đối tác toàn cầu về tài khoản đại dương (GOAP) tổ chức nhằm tập hợp các Chính phủ, tổ chức quốc tế và các Viện nghiên cứu để xây dựng một cộng đồng toàn cầu thực hiện hạch toán tài khoản đại dương, làm cơ sở hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh bền vững. Đối thoại diễn ra trong 3 ngày tập trung vào các nội dung chính sau: (i) Chuyển đổi mô hình dựa trên số liệu; (ii) Quản lý đại dương bền vững và nền kinh tế đại dương bền vững; và (iii) Tăng cường hợp tác vì nền kinh tế đại dương bền vững. Bộ trưởng và Thứ trưởng của 6 quốc gia: Belize, Maldives, Madagascar, PNG, Palau và Indonesia đã tham gia phiên thảo luận cấp cao, trao đổi về lộ trình đảm bảo sự hợp tác quốc tế hiệu quả, cơ hội chuyển đổi hệ thống và các giải pháp chung để phát triển nền kinh tế biển xanh bền vững.

up 3

up1
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ trình bày tại phiên thảo luận toàn thể của Đối thoại toàn cầu về phát triển đại dương bền vững

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tham gia và chia sẻ kinh nghiệm cũng như những thách thức trong việc xây dựng tài khoản đại dương tại Việt Nam tại phiên thảo luận toàn thể về tầm nhìn về nền kinh tế đại dương bền vững: Bài học từ các tài khoản đại dương đối với quản lý đại dương bền vững. Đồng thời, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ cũng tham gia trình bày và chia sẻ hiện trạng xây dựng nền kinh tế biển xanh tại Việt Nam tại sự kiện bên lề “Thúc đẩy nền kinh tế biển xanh: hiện trạng, hợp tác và vai trò của hạch toán tài khoản đại dương ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phối hợp với Viện Hàng hải Hàn Quốc và Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới tổ chức.

Đối thoại toàn cầu về Phát triển đại dương bền vững là cơ hội để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm về các giải pháp phát triển đại dương bền vững, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác cho Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế biển xanh bền vững.

up 2
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ trình bày tại sự kiện bên lề “Thúc đẩy nền kinh tế biển xanh: hiện trạng, hợp tác và vai trò của hạch toán tài khoản đại dương ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”

Phòng KH&HTQT

NỘI DUNG KHÁC

Thiết kế sinh thái hướng đến mục tiêu tuần hoàn

8-7-2024

Thiết kế sinh thái trong bao bì là yêu cầu cần thiết cho các ngành nhằm giảm thiểu tối đa chất thải và rác thải nhựa, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng các đồ dùng, sản phẩm. Theo nghiên cứu của TS. Đinh Quang Hưng; TS. Kim Thị Thuý Ngọc - Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, khái niệm “thiết kế sinh thái” (Ecodesign) được đưa ra nghiên cứu, thảo luận chính thức tại Hội nghị quốc tế Thiết kế sinh thái lần đầu tiên vào năm 1989 tại California. Sau đó, Cơ quan Môi trường châu Âu – EEA đã xây dựng một tiêu chuẩn áp dụng tại châu Âu hướng tới việc giảm thiểu tối đa sự tác động tiêu cực về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm. Hiện các quốc gia đã áp dụng thành công mô hình thiết kế sinh thái như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong việc tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, thực hiện chương trình quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa, yêu cầu tất cả các sản phẩm điện tử phải có khả năng sửa chữa, tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng,…Ứng dụng thiết kế sinh thái cũng được áp dụng trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững. Có thể kể đến các công ty đa quốc gia trên toàn cầu sử dụng mô hình này như Apple, Google và Unilever.

Doanh nghiệp đầu tư cho khí hậu là khoản đầu tư xanh

8-7-2024

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hành động bảo vệ khí hậu là việc làm "từ thiện", thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Vì vậy, quá trình triển khai họ không tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn báo cáo cần thiết bởi nó sẽ trở thành chi phí của doanh nghiệp. Trong khi thực tế, đây hoàn toàn có thể trở thành một khoản đầu tư và được thu hồi thông qua tín chỉ các-bon. Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khi chia sẻ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông xung quanh vấn đề này. PV: Thưa ông, vì sao có thể nói chuyển đổi xanh đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp?PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng hành tinh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Trong suốt 50 năm vừa qua, các thể chế thương mại toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đang thiết kế để hình thành quy định thương mại và đầu tư toàn cầu theo định hướng giảm phát thải khí nhà kính. Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác đã cam kết sẽ phát thải ròng bằng “0” (Net Zero). Kể từ đây, cộng đồng toàn cầu đã đưa ra rất nhiều quy định mới để thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tham vấn quốc gia đối với Khung chiến lược về thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường GMS 2030

9-7-2024

Ngày 09 tháng 7 năm 2024, tại Văn phòng Ngân hàng Phát triển Châu Á, Công ty tư vấn Ramboll/ADB đã tổ chức Tham vấn quốc gia đối với Khung chiến lược về thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường GMS 2030. Cuộc họp được chia thành 02 phiên: Phiên sáng (tham vấn đại diện các cơ quan Chính phủ) và Phiên chiều (tham vấn đại diện các tổ chức quốc tế, phi chính phủ…). Cuộc họp được tổ chức nhằm tham vấn Khung chiến lược 2030, qua đó, xác định ưu tiên và định hướng hành động để thúc đẩy các giải pháp trong GMS để đạt được các cam kết quốc gia và quốc tế về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững môi trường. Các chủ đề chính đối với hợp tác khu vực GMS trong Khung chiến lược 2030 bao gồm: (i) chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0; (ii) thích ứng, thích nghi, quản lý rủi ro thiên tai; (iii) giải pháp dựa vào thiên thiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng đất bền vững và sinh kế của người dân và (iv) kiểm soát ô nhiễm và kinh tế tuần hoàn.

Đảng ủy Bộ TN&MT học tập quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35- CT/TW

9-7-2024

Sáng ngày 9/7/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35- CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 15.644 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1,28 triệu cán bộ, đảng viên tham dự. Tham dự tại điểm cầu Đảng ủy Bộ TN&MT có đồng chí Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, Bí thư các cấp ủy trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ. Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham dự trực tuyến tại 3 điểm cầu: Trụ sở Viện, Trung tâm Phát triển và Ứng dụng khoa học công nghệ về đất đai và Tạp chí Môi trường. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TW và hướng dẫn thực hiện Quy định.

Hội thảo Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn

11-7-2024

Ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn” nhằm triển khai quy định trong Luật BVMT năm 2020 để đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng và TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đến dự và chủ trì Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Việt Nam đã cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris cũng như Net Zero định hướng đến 2050 phát thải ròng bằng “0”, do đó, tại Diễn đàn lần thứ 3 đã thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) triển khai các phương án để thực hiện mục tiêu này. Hội thảo nhằm trao đổi, xác định các công cụ, chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn để chuẩn bị cho việc triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiệu quả trong thời gian tới. thu hút nhiều tham luận, ý kiến đóng góp tích cực từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.

Hội thảo Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Chính sách và Thực thi

12-7-2024

Ngày 12/7/2024, tại Quảng Ninh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường với sự hỗ trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và Thực thi”. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ, thảo luận về tình hình thực thi chính sách, các kinh nghiệm, các mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn và vai trò của các bên liên quan trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời đại biểu tham dự trực tiếp cũng được tham quan thực tiễn về mô hình phân loại chất thải rắn và thu gom rác trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Hội thảo do TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan báo chí từ Hà Nội và Quảng Ninh.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2024

17-7-2024

Ngày 16/7/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội nghị. Tham dự buổi sơ kết còn có sự góp mặt của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động 6 tháng đầu năm của Viện. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCS TN&MT) cho biết, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, về cơ bản, việc thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Viện đã được thực hiện đồng bộ; công tác quản lý, điều hành chung thông suốt, hiệu quả; các nhiệm vụ cũng được hoàn thành đúng thời hạn báo cáo, đặc biệt trong việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (KTTH), Đề án vị trí việc làm, Dự thảo và các đề tài khoa học liên quan,...

TP.HCM: Chuẩn bị khởi công Nhà máy đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày

19-7-2024

Dự kiến ngày 20/7/2024, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa (giai đoạn 1) có công suất 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi). Tại buổi họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội chiều 18/7, ông Tống Nhất Thành, phó Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP.HCM) đã cung cấp thông tin về tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Tống Nhất Thành, trên địa bàn TP.HCM hiện đang có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH từ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt rác không phát điện sang công nghệ đốt rác phát điện, tái chế. Cụ thể, gồm các dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Vietstar, Công ty Tasco, Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

24-7-2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 709/QĐ-TTg ngày 23/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi Kết luận số 69-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Yêu cầu đặt ra là xác định những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, lộ trình thời gian và biện pháp thực hiện để các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động phối hợp; tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW.

Xanh hóa ngành dệt may - Điều cần thiết để bảo vệ môi trường

24-7-2024

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn lựa đẩy nhanh tốc độ “xanh hoá” sản xuất dù còn nhiều khó khăn thách thức, bởi họ sớm nhìn ra được nhu cầu “sống xanh” và sử dụng các sản phẩm xanh của thị trường. Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn khó khăn, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt thách thức khác từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức… Đặc biệt, vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. “Xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược với ngành dệt may Việt Nam, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) trao đổi với báo giới.

Hội thảo tham vấn về mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ

26-7-2024

Ngày 26/7/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCSTNMT) phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia tổ chức Hội thảo tham vấn về mô hình thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ. Mục tiêu của Hội thảo là nhận được nhiều ý kiến góp ý hay, hiệu quả về cơ chế quản lý việc thải bỏ phương tiện giao thông tại Việt Nam, cũng như đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thải bỏ phương tiện giao thông. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện CLCSTN&MT chủ trì. Đến dự Hội thảo còn có TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhóm nghiên cứu Viện CLCSTN&MT. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm. Hội thảo được tổ chức trong thời gian Quốc tang, vì vậy, trước khi Hội thảo bắt đầu, trong không khí trang nghiêm, thành kính, Ban tổ chức cũng như các đại biểu tham dự đã dành những phút tưởng niệm bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Viện CLCSTN&MT tổ chức gặp mặt, tri ân các cán bộ, viên chức, công đoàn viên có thân nhân là thương binh, bệnh binh nhân Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024)

27-7-2024

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hướng tới Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 27/7/2023, Công đoàn Viện CLCSTN&MT đã tổ chức gặp mặt, tri ân các cán bộ, viên chức, công đoàn viên có thân nhân là thương binh, bệnh binh đang làm việc tại Viện. Tham dự buổi gặp mặt có sự tham gia của Lãnh đạo Viện, đại diện các đơn vị thuộc Viện và cán bộ, viên chức, công đoàn viên của Viện có thân nhân là thương binh, bệnh binh. Buổi gặp mặt được tổ chức trong thời gian Quốc tang, vì vậy, trước khi bắt đầu, trong không khí trang nghiêm, thành kính, lãnh đạo Viện cũng như các cán bộ, viên chức, công đoàn viên có mặt tại Hội trường đã dành những phút tưởng niệm bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.