Nhiều người đã kỳ vọng gói kích cầu 497 sẽ là một “cú huých” góp phần tăng thêm vốn cho sản xuất ở khu vực nông thôn Việt Nam vốn nghèo nàn và lạc hậu.
Được vay vốn với lãi suất hỗ trợ 4% năm, nông dân sẽ có thêm vốn để mở rộng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng sau gần 5 tháng triển khai Quyết định số 497 của Thủ tướng Chính phủ, người nông dân vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn mà họ mong đợi.
Lý giải về tình trạng này, ông Chu Tiến Quang, Trưởng ban Chính sách phát triển nông nghiệp, Nông thôn Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW cho rằng chúng ta đang thiếu một cơ chế vận hành cụ thể để người nông dân có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn hỗ trợ này.
Những bất cập!
+ Khi Quyết định 497 (chúng ta quen gọi là gói kích cầu 497) được ban hành, rất nhiều người đã kỳ vọng rằng với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 17.000 tỷ đồng sẽ tạo được sự thay đổi lớn về vấn đề vốn cho nông thôn Việt Nam. Nhưng đến nay, sau gần 5 tháng triển khai, gói kích cầu này tỏ ra dậm chân tại chỗ, vì sao vậy, thưa ông?
 |
Người nông dân có nhu cầu vay vốn để mua máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp |
- Nói dậm chân tại chỗ là không chính xác đâu. Theo con số mà ngân hàng cho biết đến thời điểm này đã có 66% lượng vốn được giản ngân cho khu vực doanh nghiệp, 18,5% cho khu vực hộ gia đình, còn lại vào các bộ phận khác…Thế thì dậm chân tại chỗ làm sao được. Có điều phải nói chính xác rằng, gói kích cầu đã đến được với đối tượng được hưởng lợi là người nông dân hay chưa, đây mới là câu hỏi chính đặt ra, vì mục tiêu của Quyết định 497 là nhằm hỗ trợ nông dân vay vốn và bù lãi suất các khoản vay để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà ở nông thôn. Với từng loại khoản vay này theo quy định của Quyết định, nếu đi vào phân tích kỹ sẽ thấy rõ những bất cập với thực tế, còn nói dậm châm tại chỗ thì tôi cho là cần xem xét lại.
- Liên quan đến đối tượng hưởng lợi chính của Quyết định này là người nông dân thì tôi thấy rằng, Quyết định 497 quy định rất rõ các điều kiện tiếp cận vốn, trong đó có những điều kiện rất cứng nhắc. Ví như vay vốn để mua phương tiện máy móc thì không phải nông dân muốn vay để mua bất kỳ loại phương tiện, máy móc nào cũng được mà phải mua hàng hóa trong nước, và hàng hóa này phải nằm trong danh mục hàng hóa được đăng ký với Bộ Công thương thì mới được hỗ trợ lãi suất. Quy định như thế rõ ràng là làm khó cho nông dân rồi?
- Đây là một bất cập mà ai cũng nhìn thấy được. Tuy nhiên, cũng phải hiểu Chính phủ kích cầu là kích cầu cho sản xuất trong nước chứ không phải kích cầu cho sản xuất của nước ngoài, cho nên quy định máy móc phải sản xuất trong nước là hợp lý. Nhưng hiện nay sản xuất trong nước đối với các phương tiện này còn rất hiếm, hay nói cách khác là còn thiếu nhiều loại máy móc cho nông nghiệp chưa được sản xuất ở trong nước. Vì vậy, vấn đề là không chỉ kích cầu trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp mà còn phải kích cầu vào đúng các ngành đang sản xuất máy móc, thiết bị cho nông nghiệp để người nông dân có thể mua được những sản phẩm đó. Đây là khiếm khuyết có tính chất dài hạn trong những năm vừa qua và tiếp tục là khiếm khuyết nếu như chúng ta không có chính sách mới hơn để thúc đẩy công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp. Sâu xa thì là như thế, nhưng trong điều kiện hiện nay thì Quyết định 497 chưa thể giải quyết được, khiến người nông dân khó hoặc không tiếp cận được vốn với hỗ trợ lãi suất theo Quyết định này. Theo tôi, nên quy định thêm loại máy móc nào thì được gọi là sản xuất trong nước. Ví dụ, là máy móc, thiết bị nhập khẩu nhưng có 30% - 40% chi tiết đã được nội địa hoá hoặc chỉ cần 20% thôi thì cũng có thể coi là hàng sản xuất trong nước rồi, chứ chỉ quy định chung chung là phải sản xuất trong nước (100%) thì rất khó, sẽ hạn chế người nông dân trong việc vay vốn. Mặt khác không thể chỉ kích cầu cho người sử dụng máy móc này mà cần phải kích cầu cho chính ngành công nghiệp trong nước sản xuất ra những máy móc đó, đấy là điều quan trọng.
+ Kể cả khi người nông dân có tiếp cận được nguồn vốn này thì chưa chắc họ đã được hưởng lợi bởi phần lớn những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ không có nhu cầu mua, mà chỉ có nhu cầu thuê dịch vụ máy móc. Vậy thì có lo ngại về việc nguồn vốn này sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp đã sử dụng tiền này không đúng mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hay không?
- Bạn băn khoăn điều này rất đúng. Trong sản xuất nông nghiệp quả thật những hộ nông dân nhỏ lẻ không có nhu cầu mua máy móc mà họ chỉ có nhu cầu đi thuê máy móc, cho nên những máy móc này sẽ rơi vào tay những DN tư nhân, các tổ chức mà đang kinh doanh lĩnh vực đó, tưc là những hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vì vậy ở chỗ này ta cũng cần phải thấy rằng máy móc không phải là sản kích cầu trực tiếp mà là kích cầu gián tiếp thông qua DN, các tổ chức kinh tế thực hiện các dịch vụ về kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp, ví dụ như máy cày, bừa, thu hoạch, tưới tiêu, giao thông,... Đây là quá trình chuyên môn hóa, ta cũng đừng nghĩ như thế là xấu là sai. Có điều, cần làm rõ 66% vốn kich cầu do các doanh nghiệp vay và sử dụng đã được đầu tư bao nhiêu vào mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp?
+ Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể chưa thật sự cần thiết với những hộ nông dân nhỏ lẻ nhưng vật tư sản xuất nông nghiệp thì chắc nông dân nào cũng cần. Nhưng ngay cả việc vay vốn để mua những vật tư thiết yếu này, nông dân cũng gặp khó?
- Đúng, cái này vướng bởi quy định: Đối tượng được vay để mua hàng hóa vật tư là không quá 7 triệu/ha, hỗ trợ lãi suất 4% và được vay 100% giá trị vật tư cần mua, thời hạn vay là 12 tháng. Nhưng thực tế số hộ có tới 1ha là không nhiều, nhất là ở đồng bằng sông Hồng, còn nếu gộp 2-3 hộ để vay chung thì càng khó vì phải thế chấp sổ đỏ. Vì vậy, quy định theo ha ở đây là không phù hợp, nên quy định theo hộ nông dân thì đúng hơn. Chẳng hạn quy định một hộ gia đình làm nông nghiệp thì được vay là bao nhiêu? Hộ nghèo được hưởng mức hỗ trợ lãi suất cao hơn? Như thế sẽ rõ ràng và thuận lợi hơn đối với các hộ nông dân là đối tượng hưởng lợi của chính sách hỗ trợ lãi suất và nguồn vốn mới đến đúng tay người nông dân đang cần sử dụng.
HTX của nông dân là một kênh quan trọng để chuyển vốn này đến nông dân!
+ Không chỉ khó về quy định chính sách mà còn khó cả về thủ tục vay vốn. Rất nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định 497 đã buộc những người nông dân thiếu kiến thức, trình độ và điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính vay vốn như những nhà doanh nghiêp?
- Đúng là nếu để hộ nông dân trực tiếp đến ngân hàng vay là khó. Vì: Thứ nhất là. phải làm dự án mà với diện tích sản xuất quy mô nhỏ như hiện nay thì làm dự án thế nào? Thứ hai là tâm lý ngại đến ngân hàng vì số tiền vay ít ỏi. Thứ ba là, tốn kém về mặt thời gian. Cho nên rất cần có một tổ chức trung gian như HTX của chính người nông dân lập ra để tập hợp, lên danh sách xã viên cần vay vốn và thay mặt họ đến ngân hàng làm thủ tục vay cho cả các hộ xã viên đã đăng ký thì hợp lý hơn, nhưng HTX lại vắng bóng trong cơ chế triển khai cho vay theo quyết định này.
+ Như vậy, ông cho rằng, HTX sẽ giải quyết được tốt nhất việc tiếp cận nguồn vốn cho nông dân trong gói kích cầu này?
- Tôi nghĩ đó là một kênh rất quan trọng vì HTX là tổ chức kinh tế của nông dân, gắn với nông dân, có chức năng làm dịch vụ đa dạng cho hộ xã viên nông dân. Thay mặt nông dân đi vay vốn ngân hàng cũng là một mảng hoạt động quan trọng và cần thiết của HTX đối với hộ xã viên. Vậy tại sao chúng ta không đề cập đến vai trò của HTX trong Quyết định này. Nếu ngại HTX không có tài sản thế chấp, chúng ta có thể mở ra một cơ chế ràng buộc khác. Nếu thật sự coi HTX như một kênh quan trọng giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, tôi nghĩ bản thân các HTX sẽ cố gắng vận động để vay vốn cho xã viên. Thế nên tôi mới nói rằng, chúng ta mới chỉ đưa ra nguồn vốn hỗ trợ với những quy định mang tính hành chính mà chưa chưa nghĩ đến các kênh tốt nhất để giúp nông dân tiếp cận vốn, qua đó tạo dòng chảy của vốn đến với nông dân một cách trực tiếp nhất và khả thi nhất. Nếu làm tốt được kênh tiếp cận vốn qua HTX, thì chắc rằng hiệu quả sử dụng vốn sẽ cao hơn nhiều.
+ Nghĩa là, theo ông, đến thời điểm này, Quyết định 497 không đạt được hiệu quả như mong muốn?
- Cũng không nói thế được. Tôi nghĩ rằng, đồng vốn Nhà nước bỏ ra để hỗ trợ lãi suất và đến thời điểm này, ngân hàng đã giải ngân như các con số tôi nói ở trên thì dù gì cũng đã đạt hiệu quả nhất định. Điều tôi muốn nói là, trong Quyết định này thì người nông dân đứng ở đâu, vì trong hầu hết các trường hợp quy định được vay, vẫn chưa thấy bóng dáng người nông dân và vì còn vướng mắc nhiều thứ trong các quy định. Ví như khoảng 19% các hộ nông dân đã được ngân hàng cho vay vốn ở trên, tôi đồ rằng, phần lớn là các hộ trang trại, kinh doanh sản xuất lớn thôi, chứ hộ cá thể, nông dân nghèo thì vẫn chưa chạm đến được đâu.
Phải hiểu nông dân!
 |
Để mở rộng sản xuất, đứng vững trước sự cạnh tranh trên thị trường, người nông dân còn cần được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại... |
+ Thực tế thời gian qua, khá nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ liên quan đến tam nông được ban hành kịp thời. Nhưng vì sao những chủ trương, chính sách ấy vẫn chưa đến được với người nông dân, chúng ta đang vướng điều gì, thưa ông?
- Chúng ta đang vướng về cơ chế thực thi chính sách. Tất cả các chính sách đều có 2 mặt: mặt phù hợp và mặt không phù hợp. Ở đây tôi không nói là chính sách đúng hay sai vì một chính sách ra đời luôn phải có phạm vi và mục tiêu giới hạn của nó. Nhưng vấn đề là việc vận hành của nó có phù hợp với đối tượng được hưởng lợi hay không, thì ít khi được chú trọng? Mặt hạn chế của chính sách đối với nông dân trong giai đoạn vừa qua chính là ở chỗ ta vẫn nặng về quy định các chế độ của chính sách (giống như QĐ 497) một cách rất là cơ học, phân định có tính chất rạch ròi về mặt hình thức nhưng vận hành nó thế nào để đến được với người nông dân thì lại không quan tâm nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ ý tưởng của chính sách thì tốt nhưng thiếu cơ chế vận hành phù hợp, vì vậy chính sách chưa đồng bộ, chưa cụ thể hóa nên đến được với nông dân còn hạn chế.
+ Nghĩa là, muốn thực hiện được một chính sách tốt đối với người nông dân, trước hết ta phải hiểu họ?
Đúng, phải hiểu rằng, nông dân của chúng ta có số lượng rất đông nhưng vốn xã hội nhỏ và hạn chế, độ tự tin kém, cho nên họ không tự làm được những việc họ muốn. Vì vậy, chính sách dành cho họ càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì càng dễ thực hiện và đi vào đời sống của họ bấy nhiêu.
+ Xin cảm ơn ông!
AGROINFO
( Theo: Lan Anh - Ngọc Lành -Thực hiện)