Giá tiền công lao động cuối năm 2008 tăng 10-20% so với đầu năm 2008
Nhìn chung, những người chờ việc đều cho biết giá công lao động trung bình cuối năm 2008 cao hơn từ 10-20% so với giá công lao động cuối năm 2007 - đầu năm 2008 (mặc dù tiền công thực tế trong từng trường hợp có sự dao động lớn, tùy theo sự “mặc cả” giá công nhật hoặc giá khoán giữa người thuê việc và người lao động). Những người lao động tham gia thảo luận nhóm cho biết giá tiền công của một số loại công việc chính thay đổi như sau:
Bảng giá tiền công trong 12 tháng qua (đồng)
| 2/2008 | 1/2009 | 2/2009 |
Xây dựng: Thợ chính | (đ/ngày) 80.000 -100.000 | (đ/ngày) 100.000 - 120.000 |
º Chưa có |
Thợ phụ | 50.000 - 60.000 | 65.000 - 85.000 | º Chưa có |
Đào đất | 40.000 -50.000 đ/m3 | 60.000-70.000 đ/m3 | Chưa có |
Bốc vác | 30.000 đ/tấn | 35.000 đ/tấn | º ít việc |
Chuyển nhà, chuyển đồ | 100.000 đ/ngày | 150.000 đ/ngày | º ít việc |
Mức giá tiền công trên không có sự phân biệt giữa nam giới và phụ nữ.
Trên thực tế, vào những thời điểm không có việc làm, người làm công vẫn sẵn sàng nhận việc cho dù mức thù lao không phù hợp với giá thị trường hoặc thấp hơn một chút so với công sức họ phải bỏ ra.
“Chúng tôi là thu nhập chính của gia đình, ở nhà vợ con chỉ chăn nuôi 2-3 con heo, bán được có vài trăm chỉ đủ cho ăn uống và trả một ít tiền sách vở cho con, còn chủ yếu vẫn phụ thuộc tiền của chồng gửi về nhà. Thế nên việc ít tiền hay nhiều tiền cũng phải làm thôi”.
(Thảo luận nhóm nam lao động tại chợ Bưởi)
Tiền công tăng ít, chi phí sinh hoạt tăng nhiều, khối lượng công việc giảm. Tiền tiết kiệm của người lao động phổ thông giảm đi rõ rệt.
Trong bối cảnh tiền ăn, tiền ở của mỗi người lao động phải tăng lên từ 25-50% trong khi mức tiền công của mỗi loại công việc chỉ tăng từ 10-20% và số ngày có việc giảm đến 50%, đã làm giảm đáng kể số tiền tiết kiệm gửi về hỗ trợ gia đình của mỗi người lao động.
 |
Thiếu việc làm, nên dù mức tiền công lao động có tăng hơn so với năm trước thì những người lao động tự do này vẫn bị giảm thu nhập, kéo theo nhiều khó khăn... |
Nhóm nam sống xa gia đình là nhóm tiết kiệm được ít nhất. Trung bình một ngày một người phải chi từ 50-60 nghìn đồng, bao gồm chi phí thuê nhà trọ trung bình là 10.000 đồng/ ngày đêm (giá phòng trọ đầu năm 2008 là 7.000 đồng/ 1 ngày đêm), tiền ăn bữa sáng từ 5-15 nghìn đồng/ bữa, bữa trưa và bữa tối ăn cơm bụi từ 15-20 nghìn đồng/ bữa, ngoài ra còn tiền chè thuốc, thỉnh thoảng còn có tiền rượu.
“Đầu năm 2008 thì rẻ hơn, chỉ 10.000 đ/suất là ăn được lắm, ăn thoải mái. Nay thì ăn chán, 10.000 đồng mà chả ăn được là bao, 5.000 đồng được có 3 miếng thịt bằng ngón tay mà ít nạc. Mình đi làm thế này không ăn thì lấy đâu ra sức, đành phải ăn 15-20 nghìn/ bữa. Biết là tốn nhưng làm sao được”.(Cao Văn H., 42 tuổi, Thanh Hoá, lao động tại chợ Pham Ngọc Thạch)
Nhóm nữ sống xa gia đình vẫn phải thuê nhà trọ nhưng thường nấu ăn cùng nhau nên tiền ăn tiết kiệm hơn, trung bình chỉ mất từ 18-25 nghìn đồng/ ngày.
Những người sống ở khu vực ngoại thành Hà Nội, đi về nhà trong ngày nên cũng chỉ tốn một bữa ăn trưa bên ngoài từ 7-20 nghìn đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, khối lượng công việc giảm đi đáng kể nên thu nhập của người lao động cũng kém đi. Phần lớn người được phỏng vấn cho biết, năm 2007 tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với năm 2008. Trung bình năm 2007 tiết kiệm được 1,2 -1,5 triệu/ tháng, cũng có người tiết tiệm được 2 triệu/ tháng tuỳ vào sự may mắn kiếm được nhiều hay ít việc của từng người. Nhưng sang năm 2008, trung bình mỗi người chỉ tiết kiệm được từ 500.000 – 1.000.000 đồng/ tháng.
Đặc biệt, từ sau Tết 2009 đến nay, việc làm xây dựng gần như không có, các việc khác cũng rất ít.
“Ra Tết năm trước còn kiếm được vài trăm, còn năm nay, cũng đi làm từng ấy ngày mà chỉ đủ tiền trả tiền ăn, tiền nhà thôi, có người còn âm tiền phải vay mượn tiền ăn nữa” (Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ).
Thậm chí một số người ở khu vực ngoại thành, dù không mất tiền nhà nhưng vẫn phải lo tiền ăn vì không kiếm được việc.
“Đồng tiền bây giờ mất giá trị. Tết năm ngoái giá gạo chỉ 5 – 7 nghìn đồng mà nay đã tăng hơn 10.000 đ/ cân. Khó khăn nhất là tầm tháng 1,2,3 vừa ra tết, không có tiền, ít việc. Tháng 4, 5 không đi làm nhưng có lúa. Tháng 6,7,8 làm màu, tháng 9 đên tháng 12 có nhiều việc làm hơn. Bình thường thì một tháng mua thịt khoảng 3-4 lần, mỗi lần 3-4 lạng, cứ rang khô cho con ăn dần. Nhưng ra Tết đến giờ không có việc mấy nên con cũng chưa được bữa thịt nào. Cá khô cũng chẳng dám mua vì giờ cá khô đắt ngang thịt. Tiền đi làm về được ít chỉ đủ mua cho con 2.000 đậu ăn, rồi mua thêm ít mỡ, đun lên lấy nước xào rau, rán đậu, còn tép mỡ để cho con ăn cũng được”.
(Phí Thị H., 35 tuổi, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, lao động tại chợ cầu vượt Mỹ Đình)
Cha mẹ không kiếm được việc làm, con cái có nguy cơ phải bỏ học sớm
 |
Nỗ lực lao động để lo cho gia đình, con cái được học hành... |
Chi phí đóng học cho con là một trong những nỗi lo lớn nhất của nhiều người chờ việc tại chợ lao động. “Ăn uống thì còn có thể tiết kiệm, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, có khi ra ngoài vườn hái mớ rau muống vào ăn cũng được chứ còn tiền học cho con thì đến kỳ phải đóng nếu không ai người ta cho học” (Cao Văn H., 42 tuổi, quê Thanh Hoá, lao động tại chợ Phạm Ngọc Thạch).
Phần lớn những người được hỏi đều cho biết nếu con học được và muốn đi học thì sẽ cố gắng lo cho con học hết lớp 12, còn học lên cao hơn thì dù con cái có thi đỗ, gia đình cũng khó có điều kiện cho con đi học, nhưng với tình trạng việc làm từ sau Tết không có, thậm chí không kiếm đủ tiền sinh hoạt hàng ngày của người đi làm, nhiều trẻ có nguy cơ phải bỏ học sớm vì “nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì còn chẳng đủ ăn cho cả nhà nữa là tiền đóng học” (Thảo luận nhóm nam lao động tại chợ Bưởi).
“Nếu hai vợ chồng không có dư tiền để gửi về gia đình như tình trạng từ ngày 10 Tết đến nay thì có nhiều khả năng đứa con thứ hai cũng phải nghỉ học để lên đây đi giúp việc cho hộ gia đình nào đó để cầm cự nuôi hai đứa nhỏ học tiếp. Một số đồng hương cũng có tình cảnh tương tự anh chị nên họ rất lo lắng nhưng bất lực không biết giải quyết thế nào. Bà con, bạn bè cũng đều có những khó khăn riêng nên họ chỉ có thể an ủi, chuyện trò cho khuây chứ không giúp được gì hơn. Chính quyền xã chỉ giúp bằng cách tạo điều kiện cấp giấy tờ tạm vắng để chị có đi xa làm thêm chứ không làm gì được hơn. Sắp tới, có thể một số phụ nữ nữa ở quên cũng sẽ lên đây kiếm việc như chị nhưng chị đang tính gọi điện khuyên họ đừng lên đây, nên dành tiền mua vé xe chạy vào Nam dễ kiếm sống hơn”. (Chị Hoàng Thị L., 39 tuổi, quê Nghệ An, có 4 con gồm 2 trai 2 gái đang đi học)
AGROINFO (Theo Báo cáo kết quả bước đầu khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam)