Chợ Bưởi: phần lớn người chờ việc ở đây đến từ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một số khác đến từ Thanh Hoá và khoảng 10 người đến từ huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội
Chợ Giảng Võ: tập trung người đến từ tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá.
Chợ cầu vượt Mỹ Đình: đa số là người của huyện Phúc Thọ, Hà Nội, trong đó phần lớn người lao động ngày ngày đạp xe gần 60 km cả đi và về đên cầu vượt Mỹ Đình đứng chờ việc
Chợ Phạm Ngọc Thạch: chủ yếu là người đến từ huyện Nông Cống, Thanh Hoá.
Chợ Long Biên: với đặc điểm là chợ đầu mối hoa quả lớn, người lao động phổ thông tại chợ này đến từ nhiều tỉnh khác nhau như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An,… nhưng đông nhất vẫn là người từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên…
Những người đứng chờ việc tại “chợ lao động” thường đi theo từng nhóm đồng hương. Tại một điểm chợ đa phần là người đồng hương từ 1 đến 3 địa phương khác nhau.
“Cứ người đi làm trước về kể rồi hướng dẫn người đi làm sau. Ở mỗi khu chợ nhiều người là đồng hương, có khi toàn người trong xóm, trong làng, có cả bố con, anh em, họ hàng. Cũng có những nhóm người tỉnh khác nữa. Như ở chợ Bưởi thì có người quê Nghệ An, rồi Thanh Hoá, cả khu Đông Anh sang cũng có. Chợ Giảng Võ thì có cả Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá. Đông lắm.” (Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ)
Độ tuổi của người lao động tại các điểm chợ rất đa dạng: người trẻ nhất có thể 16-17 tuổi, người già nhất vào khoảng 55 tuổi.
 |
Những người tìm việc làm tại các chợ lao động ở Hà Nội phần lớn là nông dân nhập cư |
“Ở làng 80-90% gia đình có người đi làm ăn xa, đi tứ xứ cả. Từ thanh niên đến trung niên, đi hết. Chỉ có người già, trẻ con ở nhà thôi. Nếu mà người ta thuê cả ông già, trẻ con thì có khi cũng đi hết. Phần nhiều là đi phụ hồ, còn lớp đi làm công nhân, lớp thì ra đây đứng chờ việc.”
(Thảo luận nhóm nam Nghệ An lao động tại chợ Bưởi)
Theo quan sát và phỏng vấn của nhóm nghiên cứu, ước tính trên 70% người lao động tại các chợ khảo sát là người thuộc lứa tuổi trung niên, đã có gia đình, là lao động kiếm tiền chủ chốt trong nhà. Đây thường là những người đã làm nghề này lâu năm (từ 2 đến trên 10 năm). Họ lựa chọn nghề này vì ở quê có ít ruộng, thời gian nông nhàn nhiều, không có nghề phụ tại địa phương, và không còn phù hợp với đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Với những người ở tỉnh gần Hà Nội (Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,…) trung bình thường đi làm từ 15-25 ngày/ tháng. Vào những tháng mùa vụ như cấy cày, thu hoạch,.. số ngày làm việc có thể giảm đi chỉ còn từ 10-15 ngày/ tháng tuỳ theo công việc của gia đình. Những người ở tỉnh xa như Thanh Hoá, Nghệ An,.. thường hạn chế việc đi lại để tiết kiệm tiền nên 2-3 tháng mới về nhà một lần, chủ yếu vào thời điểm cày bừa, cấy hái để phụ giúp gia đình.
Mỗi một địa phương có một lịch mùa vụ khác nhau, nhưng nhìn chung “người ra Hà Nội thường sau rằm tháng Giêng bắt đầu ra chờ việc, nhưng hầu như người ta chờ gieo cấy xong xuôi rồi tháng 2 mới ra đến tháng 4, tháng 4 về đến hết rằm tháng 7, có người thì tháng 8 mới ra đến tháng 10 về gặt, về cấy. Tháng 11 lại đi tiếp đến 27,28 Tết mới về” (Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ).
Số này ít khi vào miền Nam như lớp trẻ, vì chi phí đi lại tốn kém, họ vẫn phải về nhà làm nông vào lúc mùa vụ hoặc tranh thủ về khi gia đình có việc đột xuất.
“Chi phí mối chuyến đi lại vào Nam hoặc từ Nam về quê khá tốn kém nên mỗi chuyến đi phải đi 7-8 tháng, mình ở gần nhà, nếu nhà có việc, chỉ mất mấy tiếng ngồi còn có thể về nhà được ngay, vào Nam đến lúc nhà có việc, nhận được tin đi xe khách ra ngay cũng phải mất mấy ngày. Xa nhà lâu ngày vợ con cũng thấy tủi thân.Nói chung làm nghề này chủ động được thời gian, nhà có việc thì về thoải mái. Lúc mùa vụ cũng về để cấy cày giúp vợ, giúp bố mẹ được, rồi lúc rảnh lại đi kiếm tiền tiếp” (Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ).
Ngược lại, đối với số 20-30% thanh niên trẻ độc thân đứng ở chợ lao động, công việc này chỉ mang tính tạm thời để tiết kiệm đủ tiền đi học nghề thêm hoặc đi vào Nam kiếm những công việc khác ổn định hơn và có thu nhập cao hơn như đi phụ hồ, đi hái cà phê,… Hầu hết nhóm này đứng chờ việc trước hoặc sau Tết trong khi chờ đợi cơ hội để vào Nam kiếm việc và để tiết kiệm chi phí đi lại vì “giá xe những tháng sát Tết đắt gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường”. Một số người còn tranh thủ “cứ qua rằm tháng Giêng là ra Hà Nội đến khoàng giữa tháng 2 hoặc cuối tháng 2 âm có tạm tạm tiền đi vào Nam rồi là về quê ở với gia đình đến tầm giữa tháng 3 là đi Nam đến tháng 12 âm mới về” (Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ).
Công việc cần thuê người nhiều nhất thuờng là những công việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng:
Các công việc như phụ hồ, đào móng, đóng cọc,..; tiếp theo là việc bốc vác hàng hoá cho các công ty, của hàng; sau đó là các công việc khác cho các gia đình như vận chuyển, khiêng vác đồ đạc, lau dọn nhà cửa, dọn vườn…
Ứớc tính chung, phụ nữ chiếm khoảng 30-40% trong số lao động đứng chờ việc.
Tuy nhiên số phụ nữ còn tuỳ theo từng điểm chợ. Ví dụ, tại điểm chợ Phạm Ngọc Thạch, 100% người đứng chờ việc là nam giới, trong khi tại điểm chợ cầu vượt Mỹ Đình, đến 70% người đứng chờ việc là nữ giới. Số đông phụ nữ làm công việc này thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc cùng đi để chăm sóc chồng con, hoặc quê nhà gần điểm làm việc có thể sang đi, tối về. Theo quan niệm truyền thống, các công việc được phân chia giữa nam và nữ: Nam giới làm các việc “nặng” như bốc vác, phụ hồ, đào đất, san nền, đào móng…; còn Nữ giới làm các việc “nhẹ” hơn như dọn dẹp, lau nhà, giúp việc gia đình,…
Chị Hoàng Thị L . (39 tuổi, Nghệ An, người lao động tại chợ Bưởi): “Nam giới vẫn dễ kiếm việc hơn phụ nữ. Tiền công trả cho nam và nữ ngang nhau, chỉ có loại công việc thường được nhận khác nhau. Với công việc mang vác nặng, người thuê thường chọn nam giới to khoẻ. Hầu như chủ lao động cần người bê vác hàng không chọn phụ nữ, chỉ trừ khi nam giới ở chợ đi làm hết mà chủ lại đang cần người”.
AGROINFO (Theo Báo cáo kết quả bước đầu khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam)