Nhiều doanh nghiệp định hướng xuất khẩu bị giảm doanh thu. Mặc dù không đến mức dừng hẳn đơn hàng dẫn đến ngừng sản xuất, nhưng có bằng chứng cho thấy số lượng đơn hàng xuất khẩu đã giảm mạnh. Do đó, sản lượng và doanh số của các doanh nghiệp FDI này giảm mạnh, một số trường hợp doanh số giảm 30-40% (Nissin), hoặc thậm chí giảm 50% (Inoac). Đại diện công ty quản lý khu công nghiệp Thăng Long nhận xét hầu hết trong số 67 nhà máy trong khu công nghiệp phải cắt giảm sản xuất (chỉ có 1-2 nhà máy công nghệ cao là vẫn tăng sản xuất). Tình trạng cắt giảm sản xuất trong KCN Thăng Long thể hiện rõ ở khối lượng tiêu thụ nước công nghiệp đã giảm khoảng 30-40%; và bản thân công ty quản lý KCN Thăng Long cũng gặp khó khăn do nhiều khách hàng thuê lại đất trong KCN muốn điều chỉnh lại tiến độ thanh toán, thay vì thanh toán tiền thuê đất trước hàng năm hoặc hơn thì nay thanh toán theo từng tháng.
 |
Trong hoàn cảnh khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lao động bị mất việc |
Các doanh nghiệp gặp khó khăn về giảm doanh thu phải cắt giảm chi phí lao động bằng cách giảm số công nhân và giảm thời gian làm việc (cho công nhân tạm thời nghỉ luân phiên hưởng 70% lương cơ bản). Đại diện công ty quản lý KCN cho biết trong số 50.000 chỗ làm trong KCN đã có khoảng 3000 chỗ làm bị cắt giảm; và nhu cầu tuyển dụng mới gần như đóng băng. Tuy nhiên, dường như số lượng việc làm cắt giảm trong KCN Thăng Long trên thực tế còn lớn hơn. Theo VNExpress (2009), nhiều công ty lớn trong KCN thăng Long đã cắt giảm hàng loạt nhân công, “Panasonic thông báo cắt giảm đợt đầu 500 chỗ làm trong nhà máy sản xuất đĩa quang. Công ty Nissei khuyến khích công nhân tự nguyện chấm dứt hợp đồng do thiếu đơn hàng và đã giảm 1600 công nhân trước Tết. Cannon giảm 1200 chỗ làm. Sumimoto giảm 1500 chỗ làm vào tháng 12 và giảm 500 ngay sau Tết”.
Các công ty lớn, sử dụng nhiều lao động ở trong hoặc ở gần KCN Thăng Long đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, ô tô và các nhà thầu liên quan trước đây thường sử dụng vài ngàn công nhân trong mỗi nhà máy, nay phải cắt giảm số lượng lớn công nhân. Trong khi đó một số công ty công nghệ cao, có qui mô nhỏ hơn thường chọn cách cho công nhân nghỉ luân phiên hưởng 70% lương vì chi phí tuyển dụng và đào tạo công nhân ở các doanh nghiệp này khá cao. Các doanh nghiệp này có thể đối phó với khủng hoảng hiện nay bằng cách duy trì sản xuất đưa vào kho dự trữ, cho công nhân dọn dẹp làm sạch nhà máy và đào tạo thêm cho công nhân.
Các doanh nghiệp FDI trong KCN thường chọn cách khuyến khích công nhân “tự nguyện nghỉ việc” thay vì “sa thải”. Vì việc sa thải công nhân phải tuân theo một qui trình chặt chẽ qui định trong Bộ luật Lao động và có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Thực tế, đại diện công ty quản lý KCN Thằng Long nhận xét hầu như không có trường hợp nào trong số 3000 công nhân đã nghỉ việc theo báo cáo là thuộc trường hợp “sa thải”.
Các doanh nghiệp FDI nhìn chung tuân theo các điều khoản hợp đồng lao động và các khoản hỗ trợ chấm dứt hợp đồng theo luật định. Một số công ty còn khuyến khích công nhân tự nguyện viết đơn nghỉ việc bằng cách thưởng thêm phụ cấp nghỉ việc bằng 1-2 tháng lương. Thực tế, các công nhân được phỏng vấn cho biết các nhà quản lý doanh nghiệp khi giảm số công nhân thường thực hiện bằng cách phân loại công nhân thành nhiều nhóm và có thể tìm nhiều cách hợp lệ (ví dụ, sức khỏe không đảm bảo, năng suất thấp, vi phạm nội qui lao động…) để chấm dứt hợp đồng lao động của những công nhân dư thừa. Các công nhân mới vào làm việc dễ có nguy cơ nghỉ việc nhất, vì công ty chỉ đơn giản là thông báo không kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc không tiếp tục sử dụng lao động sau khi hết hợp đồng thử việc. Một số công nhân cũng phản ánh rằng nhiều doanh nghiệp trong KCN nay chọn cách ký hợp đồng ngắn hạn (ví dụ, từ 3-6 tháng) để linh hoạt hơn trong việc cắt giảm công nhân khi cần thiết.
Công nhân nhập cư chiếm đa số công nhân trong các khu công nghiệp, cụ thể là chiếm đến 70% trong tổng số 737.500 công nhân trong các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Hà nội (theo Thời báo kinh tế Việt Nam, 2009). Do đó công nhân nhập cư là nhóm bị ảnh hưởng nhất của tình trạng giảm thu nhập và mất việc làm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Công nhân nhập cư chịu tác động kép trong thời gian qua: trước tiên là tăng giá chi phí sinh hoạt trong năm 2008, từ thực phẩm đến giá thuê phòng trọ (mặc dù công ty có thể tăng lương hàng năm cho công nhân khoảng 10%, nhưng mức tăng này không đủ bù đắp mức làm phát gần 23% trong năm 2008); tiếp theo là giảm thu nhập và nguy cơ không có việc làm từ cuối năm 2008 đến nay. Làm tăng giờ tăng ca, cách chính để công nhân nhập cư tăng thu nhập, hầu như không thực hiện được tại hầu hết công ty kể từ cuối năm 2008. Tác động kép khiến cho công nhân nhập cư hầu như không còn tiền để dành và tiền gửi về cho gia đình.
Các công nhân nhập cư được phỏng vấn thuộc diện vẫn đang làm việc nhưng cho nghỉ luân phiên hưởng 70% lương cho biết, mặc dù hiện nay đã cố cắt giảm các khoản chi tiêu cá nhân họ rất khó có tiền tiết kiệm. Đối với công nhân là anh/chị lớn trong gia đình, đa số họ lo lằng không có tiền gửi về gia đình để góp thêm cho bố mẹ chu cấp cho các em của họ ăn học. Một số công nhân khác, thay vì gửi tiền về nhà, còn mượn tiền của gia đình hoặc bạn bè, thậm chí mang gạo từ quê lên để tiêu dùng trong lúc làm việc tại khu công nghiệp ở thời điểm khó khăn hiện nay. Một nữ công nhân đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, đang làm việc trong KCN đã được 3 năm giãi bày về hoàn cảnh của mình “năm nay em được hưởng lương cơ bản 1,28 triệu đồng/tháng, có tăng so với mức lương 1,12 triệu năm ngoái. Đồng thời phụ cấp đi lại và phụ cấp trách nhiệm cũng có tăng một chút. Nhưng hiện tại em phải tạm thời nghỉ việc ở nhà 8 ngày trong 1 tháng hưởng 70% lương. Năm ngoái em có thể làm thêm giờ và làm thêm vào ngày nghỉ cuối tuần, nên còn để ra được 500-600 ngàn một tháng. Năm nay em phải trả 400 ngàn tiền thuê phòng, 100 ngàn tiền điện nước, tốn 300 ngàn tiền ăn hàng tháng, chưa kể tiền mua gạo và gaz để nấu ăn. Em thường mang gạo từ quê lên để tiết kiệm chi phí, nhưng năm nay ở quê em lúa cũng mất mùa. Hiện tại em không tiết kiệm được đồng nào hàng tháng”.
Các công nhân vừa bị mất việc làm trong KCN nói rằng họ sẽ cố ở lại thêm ít ngày để thử tìm một công việc mới. Tuy nhiên, triển vọng kiếm được việc làm trong KCN hiện nay là rất hiếm hoi. Trong khi đó hầu như không công nhân nào có tiền để dành, ngoại trừ số tiền doanh nghiệp hỗ trợ khi chấm dứt hợp đồng, để có thể trụ lại lâu. Phương án cuối cùng của họ là quay về quê. Chỉ một số ít công nhân tìm được công việc tạm thời khác (ví dụ làm thợ sửa chữa, phụ giúp ở các cửa hàng uốc tóc, làm ở hàng ăn hoặc đưa cơm trưa…) để có tiền trang trải các chi phí thuê phòng trọ, thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc để trang trải chi phí đi học nghề thêm (tại trường cạnh khu công nghiệp). Một nữ công nhân quê ở tỉnh Ninh Bình, vừa mới nghỉ việc sau thời gian 3 tháng làm trong một công ty sản xuất hàng điện tử trong KCN Thăng Long cho biết “em làm trong nhà máy được 3 tháng, trong đó đã có 1 tháng nghỉ hưởng lương 70%. Công ty trước kia có 6000 công nhân, nay chỉ còn 3000 người. Công ty khuyến khích công nhân viết đơn tự nguyện xin nghỉ việc. Vì em là công nhân mới vào làm, sợ rằng sẽ bị cho nghỉ việc, nên em viết đơn tự nguyện nghỉ và được công ty trợ cấp nghỉ việc 2 tháng lương. Em về quê từ tháng 11 sau khi nghỉ việc, mới quay lại đây 1 tuần trước để xin việc làm. Em sẽ cố xin một việc làm ở đây, nếu không được thì em lại về quê”.
Nữ công nhân nhập cư chiếm số đông trong lực lượng lao động tại các khu công nghiệp. Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam (2009), phụ nữ chiếm 60% trong tổng số 737.500 công nhân trong các KCN và KCX tại Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng nữ công nhân còn phụ thuộc vào ngành nghề và tính chất công việc. Ví dụ trong các doanh nghiệp trong KCN Thăng Long lắp ráp hàng điện tử thì số nữ công nhân có thể chiếm đến 80-90% lực lượng công nhân, do đó nữ công nhân nhập cư sẽ chịu ảnh hưởng nhất do hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Ngược lại, tại các nhà máy xe máy, hoặc nhà máy làm công việc tương đối nặng nhọc và độc hại hơn, thì số lượng nam công nhân đông hơn.
Hiện có 2 khuynh hướng song song: các doanh nghiệp giảm số lao động, giảm số giờ làm và giảm tuyển mới để giảm chi phí lao động; và nhiều công nhân nhập cư bị giảm thu nhập, không chịu nổi chi phí sinh hoạt thành phố và không có tiền gửi về nhà, tự nguyện xin nghỉ việc và về quê. Do đó, cũng không dễ cho doanh nghiệp nào muốn tuyển nhiều lao động làm các công việc đơn giản với mức lương thấp.
Tác động đến địa phương xung quanh khu công nghiệp cũng khá rõ ràng, vì nhiều hộ gia đình đã bỏ nhiều tiền để xây nhà trọ nhưng hiện nay số người thuê giảm kể cả khi đã giảm bớt tiền thuê phòng trọ chút ít so với trước. Ví dụ, tại xã Võng La gần KCN Thăng Long đã dành 60% diện tích đất để phát triển KCN. Kinh tế địa phương được chuyển đổi theo hướng dịch vụ phục vụ công nhân KCN. Khoảng 200 nhà trong xã đã dùng tiền được đền bù khi thu hồi (mức đền bù 65 triệu đồng/sào 360m2) để xây nhà trọ cho thuê. Hiện nay các chủ nhà trọ đang gặp khó khăn do nhu cầu thuê phòng giảm. Nhiều nhà trọ còn 50-70% số phòng trống dù đã giảm giá thuê. Một chủ nhà trọ tại làng Sáp Mai, xã Võng La cho biết “Tôi sai lầm xây nhà trọ 5 phòng này năm ngoái. Tôi xây hết 90 triệu đồng, từ tiền đền bù 3 sào ruộng để mở rộng KCN. Từ sau Tết đến giờ chỉ có người thuê 2-3 phòng mặc dù tôi đã giảm tiền thuê phòng từ 400 nghìn 1 tháng xuống 350 nghìn. Thu tiền thuê phòng không ổn định, được dưới 1 triệu một tháng thì không biết bao giờ tôi mới thu hồi được vốn?”
Ngoài ra, các dịch vụ kèm theo ở địa phương phục vụ công nhân nhập cư (ví dụ bán quà sáng, đồ ăn, tạp hóa) cũng đình trệ theo. Các công nhân làm cho một công ty chuyên cung cấp bữa ăn cho công nhân trong KCN cho biết số lao động trong công ty này đã giảm 30% kể từ cuối năm 2008.
AGROINFO (Theo Báo cáo kết quả bước đầu khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam)