Vốn xã hội của những người lao động khá cao
Hầu hết tại các điểm chợ khảo sát đều cho thấy, tinh thần tương thân, tương ái và sự đoàn kết giữa những người lao động đang chờ việc tại cùng một điểm chợ rất cao, không chỉ trong nhóm anh em, họ hàng thân thiết mà ngay cả giữa những người không cùng quê quán. Với quan điểm “toàn anh em cùng cảnh ngộ mà nên hiểu và thương nhau”, việc đánh nhau để giành công việc rất hiếm khi xảy ra.
“Làm ở đấy anh em không đánh nhau, cãi nhau vì việc đâu. Tất nhiên là cũng có va chạm, chứ bát đũa còn có lúc xô nữa mà. Nhưng đa phần do uống chén rượu rồi nặng lời với nhau tí thôi chứ cũng không đánh nhau đâu.”
(Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chơ Bưởi và chợ Giảng Võ)
Người đứng chờ việc quan trọng nhất là cần “nhanh chân” để leo được lên xe của người thuê, nên khi có người đến gọi đi làm cũng đùn đẩy, chen lấn nhau, nhưng nếu đã có người được chọn, những người khác cũng không vì thế mà gây gổ, đánh nhau hay đưa ra mức giá cạnh tranh nhằm lôi kéo công việc về phía mình.
“Anh em ở đây không cạnh tranh nhau về giá đâu vì cùng là anh em mà. Nếu người ta đưa giá thấp quá, mình không làm thì ra hỏi xem có ai làm không để họ biết. Mọi người chỉ đùn đẩy, tranh nhau khi leo lên xe người đến thuê mà thôi, chỉ thế thôi chứ không đánh nhau vì anh em cùng cảnh xa quê, khó khăn như nhau cả”.
(Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ)
Trong 5 điểm khảo sát, chỉ riêng tại điểm chợ Phạm Ngọc Thạch mới nảy sinh một lần đánh nhau để giành việc vào cuối tháng 12/ 2008.
“Người thì nhiều, việc thì ít, đánh nhau cũng chỉ do tranh việc thôi. Đã không có việc, đến lúc có, mình đang bắt việc mà người khác đến lấy mất, thấy cay quá thì đấm nhau thôi. Đánh nhau xong thì thôi, anh em vẫn chơi với nhau bình thường”
(Đỗ Văn D., 44 tuổi, Thanh Hoá, lao động tại chợ Phạm Ngọc Thạch)
Phần lớn người chờ việc đều thừa nhận, việc lựa chọn người làm nhiều khi còn phụ thuộc vào cảm tính của người thuê lao động. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp cho dù chủ nhà chỉ chọn một số người nhất định nhưng rất nhiều người khác vẫn đi theo. Đến nơi nhận việc, trừ khi chủ nhà vẫn giữ quan điểm và lựa chọn từng người cụ thể, số còn lại mới chịu đi về; trong trường hợp chủ nhà đồng ý khoán việc thì tất cả những người đã đến sẽ cùng nhau làm rồi cùng chia sẻ tiền công. Sự chia sẻ công việc này cũng là một biện pháp để người lao động tại các điểm chợ giảm bớt tính “hên – xui, may - rủi” trong quá trình chờ việc.
“Việc ít, nhiều khi họ đến chỉ 1-2 người thôi nhưng nhiều anh em vẫn tự động cùng đi, đến đó rồi cùng làm chứ chẳng ai là không có việc. Ví dụ như họ thuê mình việc này 400 nghìn, nếu như chỉ mình hay thêm 1-2 người nữa thôi thì mình được nhiều, nhưng anh em cùng đi, cùng làm thì sẽ chia đều hết. Mỗi người kiếm được một ít. 10 người đi thì vẫn chia đều ra bằng nhau không kể con trai hay con gái. Cùng cảnh làm ăn với nhau mà”.
(Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ)
Ngoài ra, một số người cũng có khách hàng quen với những công việc thường xuyên như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bốc vác,… Những khách hàng này có thể không cần đến tận chợ mà chỉ cần gọi qua điện thoại di động. Nhiều người không có điện thoại vẫn có thể nhờ liên hệ thông qua điện thoại của một trong số những người thân quen cùng chợ lao động hoặc cùng nhà trọ mà không sợ chuyện tranh giành mất mối khách. Trung bình 5-7 người có thể cùng nhờ một máy điện thoại.
Trước đây, những việc lau dọn nhà cửa, rửa bát thuê thường được nam giới coi là “việc vặt”, chỉ phụ nữ mới làm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, lượng công việc ít đi nên để có thể kiếm được việc làm, khi có cơ hội, nhiều nam giới đã sẵn sàng nhận cả những “việc vặt” này để có thêm thu nhập. Ngược lại, để có thêm thu nhập, hầu hết phụ nữ đều sẵn sàng làm các công việc nặng như bốc vác, phụ hồ, đào đất… mà trước đây chỉ dành cho đàn ông.
Vốn xã hội rộng - người lao động sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn.
 |
Vốn xã hội rộng, đó là "nội lực" của những người nông dân nhập cư vào Hà Nội tìm việc làm |
Mặc dù ít chia sẻ với nhau về chuyện tiền công được trả hay số tiền kiếm được trong ngày nhưng người lao động tự do vẫn có thể vay mượn tiền nhau những lúc khó khăn như khi không có việc làm, thiếu tiền nhà, tiền ăn hay khi cần tiền để gửi về quê cho gia đình,.. Những người cho vay có thể không phải là họ hàng, làng xóm mà nhiều khi đó có thể chỉ là những người quen biết nhau thân thiết tại nơi ở trọ.
“Ở đây nếu khó khăn thì vẫn cho nhau vay tiền. Mình mà không có tiền, vay họ vẫn cho vay. Như mấy ngày hôm nay ra đây không kiếm được việc thì phải vay tiền của mấy người ra đây từ hôm trước, những người kiếm được ít tiền rồi. Người vay cũng nhớ, người cho vay cũng nhớ, không ai quỵt nợ đâu. Khi có tiền là trả ngay. Anh em cùng khó khăn mà. Mình vay họ hôm nay, hôm sau họ cần, mình có tiền lại cho họ vay.Người làm được nhiều giúp người làm được ít khi túng thiếu thôi”.
(Thảo luận nhóm nam nữ lao động tại chợ Bưởi và chợ Giảng Võ)
Phần lớn người lao động đều tự đề ra quy tắc riêng cho bản thân về việc vay tiền. Trung bình mỗi lần vay tiền khoảng 100- 200 nghìn đồng và số tiền vay nợ trong nhóm không quá 500 nghìn đồng.
“Không vay nhiều sợ không có tiền trả được và phải hãn hữu lắm mới vay. Ví dụ, nếu chưa có tiền gửi tiền về nhà thì phải ước lượng công việc ở nhà mà vay, tiền mua gạo là 100 nghìn, tiền học cho con là 100 nghìn thì chỉ vay khoảng 200 nghìn thôi.” (Thảo luận nhóm nam lao động tại chợ Bưởi).
Giữ quan hệ tốt với chủ nhà và các hàng quán cũng là một cách khắc phục khó khăn tạm thời.Các thông tin từ đợt khảo sát cho thấy, những người có quan hệ tốt với chủ nhà và các hàng quán ăn uống có thể:
- Ăn chịu trong vài ngày mới mức tiền nợ không quá 100 ngàn
- Ngủ nợ (chỉ được nợ khoảng 10 tối trở lại)
- Nợ tiền tiêu vặt của quán nước dưới 20 nghìn đồng
Mặc dù số tiền cho nợ không nhiều đây cũng là một trong những hỗ trợ giúp người lao động “cầm cự” trong một khoảng thời gian ngắn nếu không có việc làm.
Dự tính và kế hoạch cho tương lai
Hầu hết những người được hỏi đều có cùng suy nghĩ vẫn tiếp tục nghề đứng ở chợ lao động dù thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, vì “trình độ hạn chế, đất ruộng ít, không có nghề nghiệp thì chỉ còn cách bám vào công việc này thôi, chứ về nhà thì biết làm gì. Giờ về quê thì chỉ ngồi nhìn nhau, lấy tiền đâu để sống” (Thảo luận nhóm nam lao động tại chợ Bưởi).
Nếu ở Hà Nội vẫn tiếp tục không có việc như những ngày sau Tết 2009, tiền vay nợ quá nhiều, có thể một số người sẽ “về quê một thời gian rồi nghe ngóng tìm công việc mới”. Một số người khác có dự tính sẽ cố gắng vay mượn tiền vào Nam với hy vọng có thể tìm được việc làm có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
Hoàng Thị L , 39 tuổi, quê Nghệ An, lao động tại chợ Bưởi “Một số người rủ chị vào trong Nam trồng cà phê, chị đang suy tính, nếu thấy không thể kiếm việc đủ sống trong hai tuần nữa sẽ đi theo bạn vào Nam để làm thử xem sao. Dù cũng chưa đi xa bao giờ nhưng chị vẫn phải liều, kể cả không tìm được việc trồng cà phê mà phải đi làm xây dựng chị cũng sẽ đi, miễn sao có tiền gửi về để cho con chị khỏi phải bỏ học”.
AGROINFO (Theo Báo cáo kết quả bước đầu khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam)