Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 3-5 ở Madrid, Tây Ban Nha - nơi ban giám đốc ADB sẽ tiến hành Hội nghị thường niên vào ngày 5-5, ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ADB, cho biết khoản hỗ trợ trên sẽ được thực hiện dưới hình thức cho vay lãi suất thấp, mục tiêu là những nước chịu tác động nghiêm trọng nhất từ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Chưa công bố con số cụ thể, song ông Kuroda tiết lộ số lượng cho vay là "đáng kể".
Theo một báo cáo của ADB, giá lương thực tăng đồng nghĩa với lạm phát tăng, dẫn đến giảm tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư. Nếu các chính phủ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì điều này có thể dẫn đến giảm cầu, khiến kinh tế phát triển chậm lại. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát giá lương thực, như hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo, chỉ làm tình trạng thiếu nguồn cung thêm trầm trọng và làm gia tăng cuộc khủng hoảng giá.
Ông Kuroda cho rằng sự can thiệp nhằm bảo vệ quyền có lương thực của người nghèo cũng sẽ có hiệu quả làm giảm nhẹ tác động từ việc giá lương thực tăng cao. Chủ tịch ADB không ủng hộ ý tưởng của Thái Lan đề xuất thành lập một liên minh xuất khẩu gạo theo mô hình Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với lý do nên để các thành phần trên thị trường hoạt động tự do.
Châu Á hiện chiếm 2/3 tỷ lệ người nghèo trên thế giới. Người nghèo ở châu Á dễ bị tác động trước việc giá lương thực tăng, do 60% chi tiêu của họ dành cho lương thực.
Cuộc họp hôm 5-5 của ADB sẽ thu hút hoảng 3.000 đại biểu, trong đó có các bộ trưởng tài chính, các viện sĩ và các thành viên một số tổ chức phát triển đa phương khác. Cuộc họp này sẽ tập trung thảo luận những cách thức chính phủ các nước có thể áp dụng để giúp đỡ người nghèo, trước mắt là viện trợ có mục tiêu, lâu dài là tăng cường đầu tư cho nông nghiệp và các cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới tiêu nhằm tăng sản lượng nông nghiệp.
Trước thềm hội nghị này, ADB cũng cho biết, các nước tài trợ đã cam kết đóng góp 11,3 tỷ đô la Mỹ vào Quỹ Phát triển châu Á (ADF) của ADB trong giai đoạn 2009-2012, nhằm giúp ngân hàng này giải quyết tình trạng đói nghèo và cuộc khủng hoảng lương thực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Số tiền này tăng 60% so với 7 tỉ đô la Mỹ mà các nước tài trợ đã quyên góp trong giai đoạn bốn năm trước đó.
Ông Kuroda, Chủ tịch ADB, nói rằng sự đóng góp của các nước tài trợ sẽ giúp những nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, cũng như đem lại cơ hội tốt hơn và tương lại sáng sủa hơn cho người dân sống ở những nước nghèo nhất trong khu vực.
ADF cung cấp các khoản tài trợ và tín dụng với lãi suất thấp cho các nước nghèo nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có khoảng 400 triệu người sống dưới mức hai đô la Mỹ/ngày. Khoản tài trợ nói trên của ADF sẽ được chi cho các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sạch, các mạng lưới điện và vệ sinh.
Ông Kuroda cũng nhấn mạnh vấn đề tài trợ cho các khu vực nông thôn của châu Á. Theo ông, các nguồn viện trợ của ADF trong tương lai sẽ dành cho những sáng kiến giáo dục bởi giáo dục có ý nghĩa sống còn đối với sự tiến bộ của thanh niên và sự phát triển một của đất nước.
AfBD hỗ trợ giải quyết khủng hoảng lương thực ở châu Phi
Theo dòng sự kiện, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Donald Kaberuka cũng vừa cho biết ngân hàng này sẽ bổ sung thêm một tỉ đô la Mỹ vào danh mục các khoản vay đầu cho nông nghiệp, nâng tổng mức cho vay vào lĩnh vực này lên 4,8 tỉ đô la Mỹ trong thời gian tới. Động thái này là nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng về lương thực ở nhiều nước châu Phi, và AfDB cũng sẽ cơ cấu lại một số kế hoạch tín dụng dành cho nông nghiệp để góp phần giải ngân nhanh.
Trong tuyên bố của mình, ông Kaberuka đã kêu gọi các nước xuất khẩu lương thực không nên tạm ngưng xuất khẩu, bởi điều này có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 150 triệu người dân châu Phi, đặc biệt là những đối tượng người già và bệnh tật. Trước đó, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan nói rằng nông dân ở châu Phi có thể nâng sản lượng lương thực lên gấp đôi trong vòng năm đến 10 năm, nếu các nước giàu mở rộng quan hệ đối tác với họ trong cuộc "Cách mạng Xanh" - giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng lương thực ở châu lục đen.
Thông báo trên của AfDB được đưa ra đúng vào thời điểm các quốc gia châu Phi đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng lương thực có nguy cơ ngày một lan rộng. Tại Nam Phi, trong cuộc họp nội các hôm 30-4 vừa qua, một kế hoạch về những biện pháp can thiệp trước mắt và lâu dài của chính phủ đã được xem xét nhằm hạn chế những tác động của việc tăng giá lương thực đối với người dân và đảm bảo an ninh lương thực. Cụ thể , Chính phủ Nam Phai sẽ mở rộng và tăng cường các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chương trình dinh dưỡng và an ninh lương thực, đẩy mạnh chương trình cải cách ruộng đất...
Theo Saigon Times Online