>> Gạo "sốt ảo" hay cầu vượt cung?
>> Xử lý ngay hành vi găm hàng, đầu cơ gạo
>> Công điện khẩn của Thủ tướng: đủ gạo cho tiêu dùng và xuất khẩu
* Giá gạo đã tăng gấp đôi trong mấy ngày qua và đang đứng ở mức cao chưa từng có tại VN. Liệu hiện tượng này có tiếp tục kéo dài không, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Nguyệt, tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA): Tôi khẳng định hiện tượng "sốt" giá gạo tại thị trường nội địa sẽ được dập tắt trong một vài ngày tới, sau khi các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu tung hàng ra bán. Ngay trong ngày 27-4, theo thông tin từ Tổng công ty Lương thực miền Nam, các thành viên của đơn vị này đã bắt đầu đưa gạo về cung ứng cho thị trường TP.HCM và sẽ tiếp tục cung ứng trong những ngày tới theo nhu cầu của thị trường.
Tôi khẳng định không có chuyện thiếu gạo, bởi hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu trong VFA hiện đang có khối lượng tồn kho khá lớn, trong đó một số đơn vị sau khi cân đối với hợp đồng xuất khẩu thì lượng gạo tồn kho còn thừa lên tới 20.000-30.000 tấn. Trong ngày 27-4, ngay sau khi có thông tin về căng thẳng nguồn cung và giá cả mặt hàng gạo tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã liên hệ với VFA và cam kết có thể cung cấp ngay cho những địa bàn có nhu cầu. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp tại Kiên Giang, An Giang... sẵn sàng cung cấp ngay hàng chục ngàn tấn gạo.
Riêng tại các địa phương khác ngoài TP.HCM, nếu xuất hiện tình trạng găm hàng và làm giá của các doanh nghiệp cung ứng hay cơ sở kinh doanh gạo, các doanh nghiệp thành viên VFA cũng sẽ can thiệp để cung cấp hàng ngay, hạn chế việc tạo sự khan hiếm ảo trên thị trường.
* Nếu các doanh nghiệp vẫn thừa gạo trong kho, vì sao thị trường nội địa lại xảy ra hiện tượng khan hiếm và tăng giá đột biến bất thường hiện nay?
- Tình trạng căng thẳng không đáng có của thị trường gạo nội địa trong những ngày gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố như tin đồn, những thông tin vô căn cứ và đặc biệt là tình trạng đầu cơ cũng như găm hàng chờ giá.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là hiện tượng tham gia đầu cơ mặt hàng gạo của nhiều đối tượng. Nhiều doanh nghiệp xưa nay chỉ kinh doanh một số mặt hàng nông sản như hạt tiêu hay hạt điều, rồi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và cả những "đại gia" từ TP.HCM cũng đều đổ xô vào thu gom gạo, do nhận định đây là mặt hàng kinh doanh đạt lợi nhuận cao.
Các cơ sở xay xát và cả những doanh nghiệp tư nhân chuyên cung ứng gạo nhân cơ hội này găm hàng lại, không tiếp tục cung cấp cho thị trường. Nhiều gia đình trung nông sản xuất lúa tại khu vực ĐBSCL do nghe thông tin giá gạo thế giới và gạo trúng đấu giá ở mức cao nên cũng giữ gạo lại, chờ giá lên nữa mới bán.
* Việc xuất khẩu gạo thời gian qua có ảnh hưởng gì đến nguồn cung của thị trường nội địa hiện nay hay không, thưa bà?
- Theo số liệu tổng hợp của VFA, đến nay các doanh nghiệp VN chỉ mới ký hợp đồng hơn 2,2 triệu tấn và giao được khoảng 1,1 triệu tấn gạo, cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm trước. Như vậy, không thể nào cho rằng việc xuất khẩu gạo thời gian qua là yếu tố gây ảnh hưởng đến nguồn cung tại thị trường nội địa. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu hiện nay còn một khối lượng tồn kho khá lớn, hơn 1,1 triệu tấn.
* Với chỉ tiêu xuất khẩu 3,5-4 triệu tấn gạo trong năm 2008, liệu thị trường nội địa từ nay đến cuối năm có thiếu hụt gạo?
- Tôi khẳng định chắc chắn là không bao giờ có chuyện này. Trước hết, vụ đông xuân năm nay tại khu vực ĐBSCL trúng mùa rất lớn. Tổng sản lượng lúa vụ đông xuân tại khu vực ĐBSCL năm nay đạt 9,4-9,6 triệu tấn, tăng 300.000-500.000 tấn so với năm rồi. Vụ hè thu tới đây tại khu vực này dự kiến cũng có tổng sản lượng khoảng 7,3-7,5 triệu tấn. Tổng cộng sản lượng hai vụ này đạt 16,5-17 triệu tấn, tương đương 8,5-9 triệu tấn gạo. Như vậy, so với con số chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay, lượng gạo còn thừa vẫn rất lớn.
Vào tháng sáu tới, vụ hè thu sớm tại ĐBSCL sẽ bắt đầu thu hoạch, rồi Thái Lan cũng thu hoạch lúa vào thời điểm này (chưa kể lượng gạo tồn kho của Thái Lan hiện lên tới 4 triệu tấn), nhiều khả năng giá gạo trên thị trường thế giới sẽ "hạ nhiệt". Do đó, việc đầu cơ gạo, găm hàng chờ giá của một số đối tượng hiện nay có thể sẽ gặp nhiều rủi ro.
-------------------------------------------
* Ông Trang Hiếu Dũng (vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):
Các biện pháp điều tiết sẽ sớm có tác dụng
Nhìn vào yếu tố cung cầu, chúng tôi thấy tình hình vẫn bình thường. VN hoàn toàn không thiếu gạo tính đến thời điểm hiện tại. Tất nhiên, khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VN sẽ chịu ảnh hưởng của giá cả thế giới. Và giá tăng thời gian gần đây chủ yếu là kỳ vọng vào mức giá mới "ăn theo" giá thế giới tăng. Nhưng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng xuất khẩu nên giá trong nước và giá thế giới chưa thể liên thông trực tiếp.
Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhìn trước được tình hình và đã có giải pháp bình ổn dài hạn. Chính phủ yêu cầu tạm thời không ký hợp đồng mới để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như tránh thiệt thòi khi doanh nghiệp VN ký bán gạo với giá thấp. Điều này cũng để giữ giá gạo trong nước không tăng. Với tất cả yếu tố về cung cầu, theo tôi, tình hình hiện nay vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Để đối phó với tâm lý khan hiếm cục bộ, với lượng thóc còn dồi dào trong dân, các biện pháp điều tiết sẽ sớm có tác dụng.
(C.V.Kình ghi)
-------------------------------------------* GS.TS Võ Tòng Xuân:
Chính sách về lúa gạo không nên làm như với xăng dầu
Khi giá lúa gạo có dấu hiệu tăng, bọn đầu cơ bắt đầu tích trữ chờ giá cao khiến xảy ra tình trạng khan hiếm ảo. Từ đó người dân ở thành thị tưởng thiếu gạo ăn nên chạy đi mua. Và như thế, doanh nghiệp tha hồ làm giá khiến giá gạo càng bị đẩy lên cao.
Chính sách về lúa gạo không nên làm như với xăng dầu. Với xăng dầu, doanh nghiệp có bao nhiêu lít với giá cũ Nhà nước có thể không biết, để cho họ bán theo giá mới hết. Nhưng với lúa gạo thì các địa phương nắm rất rõ. Tỉnh nào cũng biết mình có bao nhiêu diện tích trồng lúa, sản lượng bao nhiêu trong từng thời điểm nhất định. Do đó lúc này trước hết phải có một lệnh cấm đầu cơ tích trữ và đưa ra những biện pháp xử lý nặng đối với doanh nghiệp, cá nhân tích trữ. Sau đó tiến hành kiểm tra một số công ty lương thực, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Vĩ mô hơn, Nhà nước cần nối lại việc xuất khẩu gạo, vừa hạn chế nạn đầu cơ, vừa góp phần bình ổn giá gạo trong nước.
(Minh Giảng ghi)
-------------------------------------------Công điện của Thủ tướng Chính phủ:
Xử lý nghiêm việc đầu cơ lúa, gạo
Ngày 27-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện nêu rõ: sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các công ty kinh doanh lương thực tiếp tục mua lúa, gạo theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu; cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ. Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực VN điều hành việc xuất khẩu gạo, không để xảy ra tình trạng mất cân đối lương thực trong nước và bảo đảm lợi ích của nông dân. Thủ tướng chỉ thị: nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa gạo; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.
Tại cuộc giao ban trực tuyến với các bộ ngành và tám UBND các tỉnh thành ngày 27-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lưu ý chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân về vấn đề giá lúa gạo đang "sốt" cao, khan hiếm giả.
Cụ thể, TP.HCM phải thực hiện hai nhiệm vụ khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình hình: thông tin đầy đủ tới nhân dân và doanh nghiệp rằng VN không thiếu lúa gạo mà còn dư thừa để xuất khẩu; thứ hai là TP.HCM phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống tình trạng đầu cơ, buôn lậu lúa gạo vì hiện giá gạo của VN vẫn thấp hơn so với bình quân các nước xung quanh. Tuy có những khó khăn nhất định nhưng chắc chắn không thể để đồng bào dù ở nơi nào phải thiếu gạo, đói ăn...
-------------------------------------------TP.HCM: không có chuyện thiếu gạo
Chiều 27-4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có công văn khẩn gửi đến UBND tất cả các quận huyện về việc triển khai bình ổn thị trường do giá gạo tăng đột biến. "UBND TP khẳng định với người dân là sẽ không có chuyện thiếu gạo, nên rất cần sự bình tâm của bà con, không nên đổ xô mua gạo tích trữ, tránh làm lợi cho những người đầu cơ, đầu nậu làm giá giá gạo" - bà Hồng nhấn mạnh.
Ngay trong chiều 27-4, bà Hồng khẳng định có khoảng 2.000 tấn gạo được tung ra thị trường thông qua các hệ thống kinh doanh thương mại trên khắp địa bàn TP để kịp thời bình ổn thị trường. Các lực lượng kiểm tra liên ngành, chi cục QLTT các quận huyện đã được yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình trạng đầu cơ, thu gom, tăng giá bán gạo ngay trong sáng 27-4.
Chiều 27-4, ông Nguyễn Ngọc Hòa - tổng giám đốc Saigon Co-op - cho biết sau cuộc họp khẩn với UBND TP trong buổi sáng cùng ngày, tất cả các siêu thị trong Saigon Co-op đã được "bơm" gạo để cung ứng cho người tiêu dùng bằng lượng gạo dự trữ sẵn có. Song song đó, Công ty Lương thực thực phẩm TP.HCM và Công ty TNHH Vinh Phát cũng đã đồng ý "rót" cho Saigon Co-op lượng gạo ban đầu khoảng 2.000 tấn để tiếp tục duy trì lượng cung cần thiết cho người dân TP trong thời gian tới.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc vì sao vẫn duy trì định mức bán 10kg gạo/người/lần mua, ông Hòa khẳng định "để tránh tình trạng đầu cơ” và "nếu tình hình thị trường bớt căng thẳng, chúng tôi sẽ không áp dụng định mức này nữa và bán gạo như bình thường".
Chiều 27-4, theo điều động của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), một thành viên của đơn vị này tại Tiền Giang đã vận chuyển 50 tấn gạo tới TP.HCM để cung cấp cho hệ thống siêu thị Co-op Mart. Ông Trương Thanh Phong - tổng giám đốc Vinafood 2 - cho biết trong ngày 28-4 đơn vị này sẽ làm việc với UBND TP về việc cung ứng gạo cho TP.HCM.
Đối với các tỉnh trong khu vực, theo ông Phong, nếu lãnh đạo địa phương liên hệ và thông báo nhu cầu, Hiệp hội Lương thực VN và Vinafood 2 sẽ điều động doanh nghiệp thành viên đưa hàng đến cung ứng ngay.
(Q.Thiện - N.Bình - V.Nghi - Đ.Phúc - Website Chính phủ)
Theo Tuổi trẻ Online