>> Giáo sư Võ Tòng Xuân: Sẽ thiệt thòi nếu không xuất khẩu gạo lúc này
>> Dự báo cung cầu lúa gạo thế giới và các yếu tố tác động
1. Vì sao hạn chế xuất khẩu gao?
 |
Với 8 triệu tấn gạo dư thừa, đồng bằng sông Cửu Long thừa sức đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, và góp phần xuất khẩu Ảnh: Lê Quang Nhật |
ĐBSCL thừa gần 8 triệu tấn gạo
Trong bảy năm qua, diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực của cả nước phát triển khá ổn định, dù một số thiên tai có xảy ra.
Từ năm 2000 đến 2005, sản lượng lúa ĐBSCL đã tăng với tốc độ bình quân 2,9%/năm, từ 16,7 triệu tấn lên đến 19,3 triệu tấn. Năm 2006, do dịch bệnh rầy nâu và vàng lùn xoắn lá, ngoại trừ hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ít bị thiệt hại, sản lượng có tăng một ít, 11 tỉnh còn lại đều thiệt hại nặng, bình quân toàn ĐBSCL sản lượng giảm 5,7% so với năm 2005, còn 18,2 triệu tấn. Năm 2007, điều kiện tự nhiên thuận lợi, sản lượng lúa có khả năng sẽ đạt trên dưới 19,2 triệu tấn, xay ra gạo được khoảng 12,8 triệu tấn.
Dân số trung bình của ĐBSCL năm 2000 là 16,3 triệu người tăng lên 17,3 triệu người năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,09%/năm. Năm nay, nếu không có gì đột biến, dân số có thể lên đến 17,6 triệu người. Như vậy sản lượng lúa đầu người của dân ĐBSCL đạt 1,02 tấn năm 2000, 1,12 tấn năm 2005 và 1,09 tấn năm 2007.
Điều tra tiêu dùng năm 2006 cho thấy mức tiêu thụ gạo của dân ĐBSCL hằng năm đã giảm từ 186kg (280kg lúa) năm 1989 còn 133kg (200kg lúa). Như vậy, năm 2007, ĐBSCL sẽ ăn hết 2,34 triệu tấn gạo, dùng lúa gạo cho các mục đích khác (làm giống, cho vịt đẻ ăn thêm, nấu rượu, làm bột, hủ tiếu, bún…) khoảng 20%, tức 2,55 triệu tấn gạo, và sẽ có khả năng dư ra gần 7,9 triệu tấn gạo cho xuất ra khỏi vùng (kể cả xuất khẩu).
Năm 2008, dân số ĐBSCL cũng chỉ tăng ở mức 1,1%, nhưng sản lượng lúa có nhiều khả năng tăng đến 3%, điều kiện xuất khẩu gạo sẽ thuận lợi hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi
Nếu lấy năm 2005 là năm Việt Nam xuất khẩu gạo cao nhất, 5,25 triệu tấn, bao gồm gạo của ĐBSCL và các tỉnh thành khác trong cả nước (hay là gạo của ĐBSCL chạy sang (!)), thì số lượng này cũng chỉ bằng 71,2% số lượng gạo xuất ra khỏi vùng của ĐBSCL. Con số này cũng cho thấy hằng năm ĐBSCL làm nghĩa vụ lương thực trong nước khoảng 2,6 triệu tấn gạo. Năm 2007, nếu xuất khẩu 5 triệu tấn thì cũng chỉ chiếm 60,7% gạo xuất vùng của ĐBSCL, số còn lại hơn 2,8 triệu tấn cũng đủ sức nuôi dân miền Trung bị nạn lụt, Hà Giang bị thiếu ăn. Mặt khác, đứng về mặt lý thuyết, khi tốc độ tăng trưởng lương thực cao hơn tốc độ tăng trưởng dân số 1,5 lần thì đã có an toàn lương thực.
Năm 2007 mặc dù cả nước chỉ được lệnh xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, nhưng do giá gạo trên thế giới tăng, cũng như do chất lượng gạo Việt Nam được nâng lên, mặt hàng gạo đã đường hoàng đứng vào hàng ngũ 10 “đại gia” 1 tỉ đô la. Lúa gạo không chỉ là mặt hàng chiến lược của Việt Nam trong an toàn lương thực quốc gia, có thừa để xuất khẩu tạo ngoại tệ như các nghị quyết trước đây, mà hiện nay lúa gạo Việt Nam đang và sẽ là mặt hàng chiến lược của thế giới chống nạn đói do nhân mãn và thiên tai. Việt Nam đã và sẽ là “điểm đến” của các cuộc gọi thầu cung cấp gạo của các nước trên thế giới.
Về trách nhiệm về an toàn lương thực, chính phủ đã có cục Dự trữ quốc gia. Cục này có trách nhiệm dự báo sản lượng lương thực, nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mua vào và bán ra lúa gạo tồn kho theo đúng giá thị trường, không được ép giá như tư thương, mà còn hỗ trợ giá cho nông dân dưới nhiều cách để họ ổn định sản xuất và nâng cao đời sống. Nhờ đó, dù năm nào có xuất khẩu ít hơn thì nông dân cũng không bị thiệt hại gì.
Những con số và sự kiện nêu trên cho thấy cần đánh giá lại một cách nghiêm túc vai trò của lúa gạo nói chung và lúa gạo ĐBSCL trong tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từ đó định hướng đúng và đầu tư đúng cho canh tác, chế biến, tồn trữ, vận tải, thương mại hoá và xuất khẩu.
Những phân tích trên cho thấy, việc hạn chế xuất khẩu với lý do an toàn lương thực là không thuyết phục. Lệnh tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu mới ngay lập tức có tác dụng kiềm giá lúa, chống lạm phát. Nhưng nhóm được hưởng lợi nhiều chính là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Những doanh nghiệp này không có dự trữ mà mua đến đâu xuất khẩu đến đó theo những hợp đồng “lỡ” ký giá thấp đầu năm. Nên việc tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu mới, làm giá trong nước hạ nhiệt, giúp họ giảm lỗ.
!!
>> Giáo sư Võ Tòng Xuân: Sẽ thiệt thòi nếu không xuất khẩu gạo lúc này
>> Dự báo cung cầu lúa gạo thế giới và các yếu tố tác động
2. Người trồng lúa đang bị bỏ rơi
Đất trồng lúa bị thu hẹp chuyển sang làm sân golf, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, trồng cây ăn trái, hoa... để thu nhập cao hơn. Những người kiên trì canh tác lúa phải đảm bảo an ninh lương thực, đem ngoại tệ về, nhưng lại không được tái đầu tư đúng mức.
 |
Lúa gạo – đứa con cưng thời thiếu đói, ăn độn bỗng chốc đã trở nên không còn quan trọng trước làn sóng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nông dân – người làm ra hàng hoá đem lại ngoại tệ qua nhiều thời kỳ, lại trở thành nạn nhân... Ảnh: L.Q.N |
Bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 của bất cứ tỉnh thành nào, huyện nào của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều lộ rõ khuynh hướng giảm nhanh diện tích lúa, thậm chí có huyện còn muốn xoá bỏ cây lúa trên đồng ruộng trước năm 2010.
Về canh tác
Còn nhớ 25 năm trước, chương trình phát triển vùng lúa năng suất cao của ĐBSCL đã mang lại sung túc cho nông dân, giúp cả nước vượt qua tình trạng ăn độn, đói. Lúa gạo là niềm hãnh diện của quốc gia trên diễn đàn thế giới. Năng suất cứ tăng, mùa vụ cứ tăng, 2 vụ, 3 vụ một năm, rồi hai năm 7 vụ. Sản lượng cứ tăng, rồi xuất khẩu tăng, giá trị tăng. Tất cả trở nên quen thuộc đến mức tưởng chừng như là đương nhiên. Đứa con cưng ngày nào bỗng chốc trở nên tầm thường trước làn sóng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong khoảng 5 năm gần đây, các sáng kiến hay cải tiến kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa ngày càng hiếm. Công tác lai tạo giống lúa mới (sinh học hoá) gần như chựng lại mà chủ yếu nhập giống của Thái Lan, Nhật Bản về thích nghi với điều kiện địa phương là chính. Máy móc nông nghiệp (cơ giới hoá) tuy có hiện tượng bùng phát, nhiều sáng kiến cơ giới hoá trong khâu gặt, đập, tuốt, sấy, mang nhãn hiệu của các trường nông nghiệp và nông dân, chẳng qua là do công nghiệp phát triển thu hút gần hết lao động trẻ, đồng ruộng khó tìm công gặt đập, mà giá công thì “trên trời”, nên cơ giới hoá là bức thiết. Nhưng việc này cũng chưa được nghiên cứu chế tạo rốt ráo, hạ giá thành, hỗ trợ tín dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng.
Nếu trước năm 1986, cơ giới hoá được đặt vào ưu tiên hàng đầu trong đầu tư của nhà nước với các trạm máy kéo, thì từ khi đủ ăn và có xuất khẩu, cơ giới hoá được giao về cho nông dân tự lo. Chưa thấy tổng công ty nông nghiệp có một cơ sở chuyên doanh máy nông nghiệp có cho nông dân thuê mua hoặc khai thác dịch vụ cày, bừa, gặt, đập, sấy, tồn trữ.
Về hoá học hoá
Có nhiều nhà khoa học và doanh nhân nước ngoài, kể cả Việt kiều, nói nông dân ĐBSCL đang sử dụng các loại thuốc trừ sâu mà các nước tiên tiến đã cấm dùng chừng 15 – 20 năm rồi (có lẽ do thiếu gạo nên quốc tế còn nhẹ tay với dư lượng hoá chất trong gạo). Trong vụ dịch rầy nâu và vàng lùn xoắn lá năm 2006, nông dân vội vã quây quần nhau mày mò tìm thuốc cho cây lúa, các nhà khoa học địa phương thủng thẳng nhào vô nghiên cứu. Các nhà khoa học và quản lý cấp cao theo sau tổng kết, đúng sách: “Anh hãy đưa các đồng hồ của anh cho tôi xem, tôi sẽ nói cho anh biết bây giờ là mấy giờ”.
Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư cũng không có hạng mục đầu tư nào cho các công trình thuỷ lợi lớn của ĐBSCL. Kênh lớn, kênh nhỏ lần hồi bị bồi lắng. Việc bửa đập nuôi tôm gây thiệt hại cho người trồng lúa xảy ra liên tục ở vùng có nguồn nước mặn, riết rồi cũng trở nên bình thường, chẳng ai ngó ngàng gì đến. Nhưng thuỷ lợi phí thì ngân sách cứ thu.
Về chế biến
Hằng năm ĐBSCL có 12 – 13 triệu tấn gạo nhưng công nghiệp xay xát thì chưa thấy có gì đổi mới, công suất nhà máy từ nhỏ đến trung bình là chủ yếu, bình quân chưa đến 50 tấn lúa/ca. Trọng tâm nghiên cứu đổi mới công nghệ và máy móc cho công nghiệp ít quan tâm đến lĩnh vực chế biến lúa gạo. Một nhà máy chà muốn ra đời phải qua 7 – 8 giấy phép con, từ thuế đến môi trường, ông công an, phòng cháy chữa cháy… nhiều nơi còn phải có ý kiến ông giao thông vận tải.
Khu nhà máy đánh bóng gạo tập trung lớn nhất tại Bà Đắc – Cái Bè thường xuyên bị hăm he di dời hay phạt vạ do vi phạm lộ giới đường bộ và đường sông. Nhưng nếu không có nó thì lấy gạo đâu mà xuất cho đủ. Điện khí hoá của vùng cho công nghiệp thuộc vào hàng thấp nhất nước nên các nhà máy phải sử dụng dầu chạy máy kéo, giá thành cao. Cả vùng chưa có một khu công nghiệp chuyên ngành từ xay xát đến đánh bóng gạo, lựa tấm, ép dầu cám, sản xuất điện từ trấu, ép phân tro… Tài nguyên lúa chưa được khai thác toàn diện và đồng bộ khiến giá trị gia tăng thấp. Giá trị thấp khiến người ta muốn xoá bớt hoặc xoá hẳn lúa là phải!?
Về tồn trữ
Hiện cả ĐBSCL trên gần 20 triệu tấn lúa chỉ có 30.000 tấn silo tại Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp. Hầu hết lúa gạo phải nằm trong nhà dân (bồ lúa, bao lúa) và trong nhà máy xay xát. Tổng công ty lương thực tiếp tục sử dụng các nhà kho thời kỳ thu mua bao cấp để tồn trữ. Đa số nhà kho đều trang bị kém, hư bể và chuột bọ làm giảm chất lượng và hao tổn lúa, dẫn đến giảm chất lượng gạo. Trong vài năm gần đây xuất hiện một vài “chợ đầu mối lúa gạo” của tổng công ty lương thực, thực tế cũng chỉ là các trạm thu mua. Nông dân nghèo khi có lúa thì lo bán, dù là giá rẻ, nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Chợ đầu mối với khu kho cho thuê, điều tiết thị trường, giúp dân giảm thiệt hại chưa ra đời.
3. Cơ hội nâng giá trị hạt gạo
Thế giới khủng hoảng lương thực là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao vị thế chính trị - như một quốc gia giữ vai trò an ninh lương thực của thế giới. Muốn vậy, ngay bây giờ cần lời giải đáp rốt ráo, chính xác và có hiệu quả cho nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long
Những bài trước, chúng tôi đã đề cập đến những giải pháp liên quan đến sản xuất. Bài này, chúng tôi đề cập đến khâu lưu thông.
 |
Vận chuyển lúa gạo bằng đường thuỷ giá thành thấp đang dần bị thay thế bởi đường bộ với giá thành cao. Ảnh: H.Lợi |
Về vận tải
Lúa và gạo chiếm đến 2/3 khối lượng hàng hoá vận chuyển của toàn vùng (khoảng 40 triệu tấn).
Ngày xưa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về Sài Gòn để xay xát tại khu Kho Tròn bến Bình Đông bằng đường sông là chủ yếu. Kênh rạch được nạo vét thông suốt từ các chi lưu về mạch chính sông Hậu qua kênh Mang Thít về sông Tiền, rồi qua kênh Chợ Gạo về kênh Nước Mặn, vào rạch Cây Khô về kênh Tàu Hủ, kênh Đôi.
Ngày nay, đa phần lúa được xay xát tại các tỉnh, đường bộ phát triển, nên vận tải lúa gạo bằng đường sông tuy giá rẻ nhưng ngày càng thu hẹp. Đường sông ngày càng bớt quan trọng nên kênh rạch cũng ít được nạo vét và thường bị xâm chiếm. Vận tải cung ứng cho tiêu dùng và xuất khẩu từ ĐBSCL về các nơi, nhất là TP.HCM, hầu hết là bằng đường bộ, tuy nhanh chóng nhưng giá thành cao.
Cả ĐBSCL có vài cảng sông pha biển như Cần Thơ, Trần Quốc Toản, Mỹ Thới, Vĩnh Thái, Mỹ Tho, nhưng do thắt cổ chai ở cửa Tiểu, cửa Định An nên chỉ thông lưu tàu đến khoảng 5.000 tấn khiến giá cước trên đầu tấn tăng. Xuất khẩu gạo, giá trị thấp mà giá cước cao, khiến năng lực cạnh tranh yếu.
Về thương mại và xuất khẩu
Như bài trước đã trình bày, ĐBSCL hiện chưa có một chợ đầu mối đúng nghĩa. Việc mua bán từ nông dân về nhà máy xay chủ yếu vẫn qua thương lái, hàng xáo. Gần đây tổng công ty Lương thực có xây dựng hai chợ đầu mối lúa gạo tại Phú Cường (Tiền Giang) và Thanh Bình (Đồng Tháp), thực ra cũng chỉ thu mua và cho thuê kho. Người ta thường đổ thừa cho tư thương ép giá, nhưng vẫn chưa có giải pháp thay thế hữu hiệu. Thậm chí tại hai chợ đầu mối này, người ta cũng hoạt động như một hàng xáo lớn. Các nhà máy xay vẫn hoạt động như các chành ngày xưa.
Mọi giao dịch mua bán thường gián tiếp qua thương lái, hàng xáo, một ít trực tiếp với nông dân, do chưa có một sàn giao dịch nào.
Tại chợ Sa Đéc, từ lâu đã có “một sàn giao dịch lúa gạo không chính thức” hoạt động từ 3 giờ sáng, hữu hiệu cho cả nông dân lẫn nhà máy, nhưng chưa được khuyến khích, mở rộng hoặc hợp thức hoá; nhiều lãnh đạo địa phương và lân cận còn chưa biết. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu hạt gạo ĐBSCL hiện vẫn còn manh mún, lẻ tẻ, mạnh nhà máy nào nấy làm. Việc quảng bá và phát triển thương hiệu gần như là chưa có.
Gần như mỗi năm nông dân đều “bị hăm doạ” hạn chế xuất khẩu gạo. Và mỗi lần như thế là giá lúa giảm.
Tóm lại, hình như vấn đề lúa gạo ĐBSCL vẫn còn là một bài toán cần lời giải đáp rốt ráo, chính xác và có hiệu quả, mang tính chất và quy mô của toàn vùng. Diện tích lúa có thể giảm, nhưng năng suất và chất lượng phải được nâng lên. Các sản phẩm chế biến từ lúa phải được đa dạng hoá và tạo thêm giá trị gia tăng.
Phải chăng các tỉnh thành ĐBSCL cần có một chương trình mục tiêu chung về lúa và gạo, trong đó việc xây dựng chừng ba khu công nghiệp phức hợp lúa gạo tại các vùng lúa lớn là khởi điểm và then chốt để giải quyết một cách toàn diện và đồng bộ vấn đề cây lúa của toàn vùng từ canh tác đến chế biến, tồn trữ, vận tải, thương mại hoá và xuất khẩu.
Có thể có một khu cho phía bắc sông Tiền đặt tại Phú Cường – Tiền Giang (bao gồm Long An, Tiền Giang và một phần Đồng Tháp). Một khu cho phía tây nam sông Hậu đặt tại Long Xuyên gần cảng Mỹ Thới (một phần Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và một phần Đồng Tháp). Và một khu cho phía đông nam sông Hậu đặt tại Cần Thơ gần cảng Cái Cui (bao gồm một phần Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
Cả ba khu sẽ kết nối với viện lúa Ô Môn, các viện của trung ương tại phía Nam, các trường đại học, các hiệp hội nông dân, các tổng công ty và công ty lúa gạo, ngân hàng thương mại… cùng với các bộ có liên quan và các tỉnh thực hiện chiến lược quốc gia nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo trên thương trường quốc tế.
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị