Ngày đăng:
22 | 04 | 2008
Về vấn đề “tam nông”, theo tôi nghĩ không nên theo thứ tự nông nghiệp, nông thôn và nông dân, mà chỉ cần “nhất nông” là nông dân mà thôi. Nông thôn là môi trường sống của nông dân, và nông nghiệp là sinh kế, đồng thời là đóng góp của nông dân vào nền kinh tế cả nước. Do đó, trọng tâm phát triển phải là con người, không phải là môi trường sống hay sinh kế. Nên đổi lại thứ tự là nông dân, nông thôn và nông nghiệp.
Người ta thường nói, không thể xây dựng xã hội chủ nghĩa nếu không có con người chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, để phát triển “tam nông”, trước hết phải xác định thế nào là người nông dân kiểu mẫu mà chúng ta mong muốn? Có người gọi là nông dân xã hội chủ nghĩa, như vậy sẽ đưa đến câu hỏi nông dân xã hội chủ nghĩa thì có gì khác với nông dân ở các nước khác không xã hội chủ nghĩa? Phải làm rõ được điều này khi nói cần nông dân xã hội chủ nghĩa để xây dựng nông thôn và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Sau khi xây dựng được tiêu chuẩn thế nào là nông dân kiểu mẫu, khi đó mới xét tới:
- Người nông dân này cần môi trường sống như thế nào, từ đó phải xây dựng nông thôn như thế nào để cho những người nông dân này sống được, ví dụ như xây dựng trường học cho trẻ em nông thôn (giáo dục trẻ em nông thôn khác với trẻ em thành thị), bệnh viện cho nông dân ra sao (không cần phòng lạnh, mà làm sao để người thân ra vào chăm sóc thường xuyên), phương tiện giải trí (không cần vũ trường, mà cần sân khấu hát chèo hay cải lương ngoài trời), môi trường không gian nông thôn (nhà vườn thay vì nhà ống).
Tôi rất băn khoăn với ý định “đô thị hoá nông thôn”, vì nông dân, với phong cách được mô tả một cách thân mật là “Hai Lúa”, chắc không cần đô thị và cũng không sống nổi trong môi trường đô thị, dù là trong căn hộ cao cấp trên chung cư. Vì vậy có lẽ nên gọi là “phát triển nông thị” với các mô hình hạ tầng phù hợp cho nông dân thì tốt hơn là “đô thị hóa nông thôn” tạo ấn tượng áp đặt các mô hình đô thị với nhà cao tầng và đường phố chen chúc vào môi trường nông thôn. Chúng ta có thể tham khảo các mô hình nông thôn đã phát triển như ở châu Âu, Đài Loan, hoặc ở mức thấp hơn như Mã Lai, nơi nông dân vẫn giữ được môi trường sống và văn hóa nông thôn nhưng có hệ thống đường xá, tiện ích cho đời sống không kém ở đô thị, và được cung cấp các dịch vụ phục vụ cho từng bước trong sản xuất nông nghiệp như làm đất, bón phân, bảo vệ sâu bệnh, thu họach,...
- Người nông dân này cần gì cho sinh kế (sản xuất nông nghiệp, tham gia công nghiệp chế biến...) bao gồm cả tri thức, công cụ, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trong khi sản xuất và chế biến để đảm bảo sinh kế, người nông dân này đóng góp thế nào cho nền kinh kế của cả xã hội như đáp ứng nhu cầu lương thực cho thị dân, cung cấp sản phẩm cho xuất khẩu tạo lợi nhuận cho giới kinh doanh, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy và tạo việc làm cho công nhân. Một thiếu xót hiện nay là chúng ta mới chỉ xem hoạt động của nông dân để tạo thu nhập cho họ mà chưa nhìn nhận đầy đủ những đóng góp về lợi ích của họ cho xã hội để áp dụng đúng nguyên tắc chia sẻ lợi ích và tài nguyên (benefit and resource sharing) cho những đóng góp đó. Điều này cũng tương tự như chúng ta cho rằng nông nghiệp đang tiêu thụ đến 86% lượng nước dùng của cả nước nên cần phải tìm cách giảm đi để tăng thêm nước cho thủy điện và cung cấp cho đô thị. Tuy nhiên nếu dùng khái niệm nước ảo (virtual water, với thí dụ đơn giản là khi một người dân đô thị ăn một bát cơm thì đang tiêu thụ khỏang 200 lít nước được tính vào nông nghiệp) thì thực ra không phải nguồn nước nông dân dùng cho nông nghiệp chỉ được dùng cho lợi ích của chính họ mà còn được dùng để cung cấp nông sản cho dân đô thị, như vậy đầu tư cho phát triển nông thôn như giảm chi phí đầu vào, gia tăng năng suất chính là gián tiếp đầu tư cho lợi ích của đô thị. Do đó dân đô thị phải đóng góp tương ứng như thế nào cho các đầu tư đó.
Sẽ còn rất nhiều điều cần bàn trong vấn đề này, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là thay đổi quan điểm về xây dựng nông thôn nói riêng và xã hội nói chung bằng một triết lý mới đặt con người vào trọng tâm của mọi vấn đề phát triển xã hội thay vì lấy xã hội làm trọng tâm và hy sinh hoặc coi nhẹ con người. Điều này không phải dễ, vì dường như chúng ta thường quen đem “xã hội” ra để làm đối tượng cho mọi chính sách, hoạt động, v.v. rồi để cho từng con người phải tự lo tìm cách sinh sống phát triển riêng để thích ứng trong môi trường xã hội đã được tạo ra từ những chính sách và họat động đó. Có thể có người phê bình là như vậy chỉ thấy cây mà không thấy rừng, nhưng nếu chỉ quan tâm đến rừng mà không chú trọng phát triển từng cây thì cũng khó lòng nhanh chóng có một cánh rừng tốt được.
TS Chu Thái Hoành, Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI)