Ngày đăng:
13 | 08 | 2009
Biển chứa đựng trong lòng nhiều loại tài nguyên có ý nghĩa kinh tế to lớn. Đó là tài nguyên địa kinh tế với ý nghĩa “mặt tiền” mở cửa hướng ra quốc tế. Lịch sử nhân loại cho thấy, các quốc gia công nghiệp phát triển đều đã lợi dụng thành công yếu tố biển cho sự phát triển. Sự hùng mạnh của kinh tế biển và khoa học-công nghệ biển chính là một bộ phận hợp thành của sức mạnh kinh tế và tiềm lực khoa học-công nghệ quốc gia.
Để có cách tiếp cận đúng đối với việc xây dựng chiến lược kinh tế biển, ông Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Cần phải trả lời một số vấn đề chính là biển đã, đang và sẽ có vị trí, vai trò gì đối với sự phát triển kinh tế nói riêng và phát triển quốc gia nói chung; đồng thời kinh tế biển là gì và làm thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng đó? Mặc dù những năm gần đây, kinh tế trên một số đảo đã có bước phát triển nhờ chính sách di dân và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo (hệ thống giao thông, mạng lưới điện, cung cấp nước ngọt, trường học, bệnh xá...). Tuy vậy, có thể nhận định một cách khái quát rằng, sự phát triển của kinh tế biển còn quá nhỏ bé và nhiều yếu kém.
Thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún. Năm 2005, trong tổng số 126 cảng biển ở các vùng, miền thì chỉ có 4 cảng (Than Cẩm Phả, Hải Phòng, Sài Gòn và Tân Cảng) có công suất trên 10 triệu tấn/năm và 14 cảng có công suất trên 1 triệu tấn/năm, còn lại đều là cảng quy mô nhỏ, khả năng neo đậu được tàu 3.000 tấn trở xuống. Thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 1/140 của Xinh-ga-po, 1/7 của Ma-lai-xi-a và 1/5 của Thái Lan). Năng suất xếp dỡ bình quân chỉ đạt mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực (khoảng 2.500-3.000tấn/ mét/ năm).
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Các sân bay ven biển và trên một số đảo nhỏ bé. Các thành phố, thị trấn, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển còn nhỏ bé, đang trong thời kỳ bắt đầu xây dựng. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nhân lực cho kinh tế biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thời thiết, thiên tai, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,...còn nhỏ bé, trang bị thô sơ.
Để phát huy thế mạnh là một quốc gia biển, với vùng biển rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, Việt Nam cần mở rộng phạm vi khai thác biển nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển, đạt mức tăng trưởng bình quân trong thời kỳ 2006-2020 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Nâng tỷ trọng GDP của kinh tế biển và ven biển lên khoảng 53-55%, trong đó riêng của kinh tế biển vào khoảng 21-23% tổng GDP của cả nước vào năm 2020, trên cơ sở xây dựng cơ cấu ngành nghề hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển ở trình độ tương đối cao. Tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển và vùng ven biển theo hướng công nghiệp Hóa, hiện đại Hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành một số ngành và sản phẩm mũi nhọn, tạo nguồn tích luỹ lớn cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời có giá trị xuất khẩu cao và ổn định. Theo đó, Nhà nước cần tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế cơ bản có tác động sâu rộng đối với kinh tế, xã hội của vùng biển và quốc gia cũng như phát triển nhanh kinh tế, xã hội ở một số trung tâm đô thị ven biển và hải đảo, làm căn cứ hậu cần đủ mạnh để khai thác các vùng biển khơi.
T.P - P.V