Ngày đăng:
20 | 08 | 2009
Trong bối cảnh cùng có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, Trung Quốc và Ấn Độ đang được thế giới chú ý ở giai đoạn mà cán cân quyền lực thế giới dần dịch chuyển về châu Á. Tuy nhiên, dư luận lại ít quan tâm đến những bất đồng và tranh chấp giữa hai quốc gia đang nổi lên này mà trong đó, vấn đề nguồn nước đóng vai trò không nhỏ.
Trung Quốc và Ấn Độ đều đang là những nền kinh tế chịu sức ép lớn về nguồn nước. Tốc độ phát triển nhanh chóng của nông nghiệp và các ngành cần nhiều nước cộng thêm nhu cầu của một tầng lớp trung lưu đang mở rộng khiến nguồn nước càng khan hiếm hơn. Thực tế, hai quốc gia này đang bước vào một thời kỳ "khát nước" thường xuyên mà chẳng bao lâu nữa, nếu tính theo bình quân đầu người, nó sẽ có mức độ nghiêm trọng chẳng kém tình trạng "khát nước" ở Trung Đông. Nếu nhu cầu về nước tiếp tục tăng kinh hoàng như hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế thậm chí có thể chậm lại và hai quốc gia xuất khẩu lương thực này sẽ đảo chiều thành nhập khẩu trong tương lai, viễn cảnh càng làm u ám cho nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Cho dù Ấn Độ có nhiều đất đai canh tác hơn Trung Quốc (160,5 triệu hécta so với 137,1 triệu hécta), Tây Tạng là nguồn xuất phát chính của hầu hết các sông lớn của Ấn Độ. Những cao nguyên băng giá khổng lồ tại đây biến Tây Tạng thành "kho" nước sạch lớn nhất thế giới.
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang theo đuổi những dự án chuyển dòng nước xuất phát từ Tây Tạng mà mối đe dọa sẽ là thu hẹp các dòng chảy xuống Ấn Độ và những quốc gia ven sông khác. Những con đập, kênh đào hay hệ thống tưới tiêu thượng nguồn có thể biến nguồn nước trở thành một vũ khí chính trị quan trọng trong một cuộc chiến tranh hay thậm chí trong thời bình để đánh tín hiệu "không hài lòng" với các quốc gia hạ nguồn. Nước cũng có thể là công cụ chính trị thể hiện ở khía cạnh quốc gia thượng nguồn không công bố số liệu thủy học trong những mùa quan trọng. Tình trạng lụt lội vài năm gần đây ở hai bang Ấn Độ Himachal Pradesh và Arunachal Pradesh là một nhắc nhở cay đắng cho Ấn Độ về việc không có được thông tin thủy học từ thượng nguồn.
Từ lâu, New Dehli thúc giục Bắc Kinh có chính sách chia sẻ mạnh hơn, rõ ràng hơn các số liệu thủy học đồng thời cho rằng Trung Quốc cần cam kết không nắn dòng tự nhiên của bất kỳ con sông hay hạn chế dòng chảy quốc tế nào. Tuy nhiên ngay cả một cơ chế cung cấp chuyên gia lập năm 2007 cho hợp tác về số liệu thủy học cũng rất mờ nhạt.
Phú Đức