Ngày đăng:
31 | 08 | 2009
"Vươn ra biển lớn", "Làm giàu từ biển", "Bay lên biển Việt Nam"… có lẽ là những cụm từ có tần số sử dụng cao nhất, gây ấn tượng mạnh nhất trong số hàng ngàn bài viết dự thi gửi về Ban Tổ chức. Chúng có một điểm chung: cùng bộc lộ cảm xúc, diễn tả tư thế và triển vọng phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đều biểu đạt hào khí, quyết tâm và tâm trạng phấn chấn của mỗi người dân Việt Nam, quốc gia biển, trước vận hội mới của dân tộc mà định hướng "Chiến lược biển VN đến năm 2020" đã mở ra rõ ràng hơn bao giờ hết.
Biển Đông là "biển vàng" cho con người trong thế kỷ 21
Biển ôm suốt chiều dài đất nước với hơn 3000 km bờ biển. Ngoài biển, Việt Nam có hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hơn 1 triệu km2 lãnh hải thuộc chủ quyền. Một số bài dự thi đã dẫn lại sử sách với những vị vua sớm nhìn ra biển cả mà sai người đi đo vẽ chép vào sách vở, họa thành bản đồ hay dựng đền, bia xác lập chủ quyền; rồi chính các vị vua còn thân chinh đến tận đầu nguồn các dòng sông hay trên vách núi hướng ra biển lớn mà để lại những bút tích, những bài thơ như để xác định tầm dài rộng của giang sơn. Soi lại những tấm gương của tiền nhân, chúng ta có thêm nguồn lực mạnh mẽ để vươn ra biển cả.
Giờ đây chúng ta vươn ra biển trong thế hội nhập. Để ra biển lớn, phải cần nhiều thứ. Không chỉ mơ ước lớn khám phá và chinh phục, khát vọng vượt đại dương tìm những bờ bến mới hay đơn giản là mong ước "biển khơi tôm cá đầy ghe", mà phải có cả tầm nhìn lớn. Và quan trọng hơn, phải có một tư duy mới, dựa trên nền những phương tiện, công cụ và công nghệ mới.
Là một quốc gia biển, để chinh phục và khai thác nguồn lợi từ biển trong những điều kiện mới hôm nay, phải bắt đầu từ việc nhận diện lại chính bản thân biển cả. Rất nhiều bài dự thi đã đề cập tới nội dung này.
Biển đã không chỉ còn là thùng nước mặn khổng lồ với nguồn lợi hầu như duy nhất là tôm cá. Biển đã trở thành nơi chứa đựng nhiều nguồn lực to lớn và cả cảm hứng cho sự phát triển hiện đại. Nhiều bài viết lý giải vì sao biển Đông trở thành vùng tranh chấp của nhiều quốc gia. Đơn giản vì lợi ích nhiều mặt, to lớn và lâu dài mà biển Đông mang lại cho ai có nó. Với vị trí địa lý chiến lược đặc biệt, biển Đông là "biển vàng" cho con người trong thế kỷ 21.
Hai phần ba số bài viết dự thi đều đã kể được nguồn lợi truyền thống của biển - nguồn lợi thủy sản. Số liệu dẫn ra từ các chuyên gia nghiên cứu thủy sản VN. Những người đã lăn lộn nhiều năm trong việc tìm cách khai thác nguồn lợi hải sản, khẳng định không khó khăn gì trong việc mỗi năm kiếm vài triệu USD cho mỗi km bờ biển chỉ bằng việc nuôi trồng thủy sản trên biển gần bờ, chưa cần công nghệ gì thật cao siêu. Với hơn 3000 km bờ biển, vậy là mỗi năm chúng ta có thể thu 5-6 tỷ USD riêng từ việc nuôi trồng thủy sản trên biển gần bờ.
Bên cạnh nguồn lợi thủy sản, biển còn chứa đựng nhiều tài nguyên biển khác mà đến nay, nhiều thứ trong số đó vẫn chưa định giá được. Đó là tài nguyên dầu khí, là vàng, là muối, là mangan và các loại quặng quý khác. Ở một tầm mức khác, lợi ích của biển Đông còn là lợi ích của các tuyến vận tải biển, của đường hàng không trên biển tại một vùng đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới.
Người ta tính rằng sẽ có 2/3 số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới phải đi qua vùng biển này trong 5-10 năm tới. Số lượng các nhà kinh doanh và khách du lịch đi qua đây cũng sẽ tăng vọt. Du lịch và vận tải hành khách qua biển Đông - bằng tàu thủy và bằng máy bay - sẽ bùng nổ. Điều đó tạo cho biển Đông những lợi ích khổng lồ. Lợi ích đó mang lại cho những quốc gia có chủ quyền đối với mặt biển và bầu trời biển Đông sức mạnh.
Hẳn là một đại dương lợi ích. Dựa vào đại dương đó để phát triển - đó là xu thế, là lợi thế lớn của thời đại. Điều này trở thành sự lựa chọn chiến lược dài hạn hàng đầu của quốc gia biển VN. Công việc đó đã được khởi động một cách bài bản, có tổ chức và với quyết tâm cao. Hầu hết các bài viết đều khẳng định điều này, trong đó ghi nhận nỗ lực thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo VN là một dấu ấn thể hiện tư duy mới, biến lợi ích tiềm năng to lớn của biển - đại dương thành sự phát triển hiện thực của đất nước.
Tiếng sóng miên man…
Biển đảo nước ta lúc nào cũng hào phóng và nâng đỡ đời người. Nơi đó con người tìm thấy vẻ đẹp, sức mạnh trong cuộc sống, nơi ta có thể học, không chỉ cách trang hoàng không gian sinh sống, mà còn về tình yêu với biển mặn mòi. Đây là một nội dung đã được nhiều bài dự thi tập trung phản ánh với nhiều góc nhìn tinh tế và thú vị, đặc biệt là các tác giả sinh ra và mang theo hành trang sống của mình những kỷ niệm về vùng quê biển..
Biển khơi có khi nào hết sóng và vị mặn mòi của đại dương thì chẳng khi nào không quyến rũ lòng người. Nơi đó, sâu thẳm dưới đáy nước hay mênh mang dải cát ven bờ, luôn ẩn chứa những tạo tác kỳ diệu, những vật thể dù nhỏ bé li ti hay to lớn, dù được nhào nặn qua triệu năm hình thành hay liên tục được sinh ra trong lòng nước mặn, hầu như vật phẩm nào cũng là món quà của đại dương trao tặng.
Sao biển, ốc tượng, ốc gai…, những con vật bình dị của biển khi được trang trí một cách khéo léo bỗng mang ý nghĩa khác biệt. Chúng đưa đẩy ánh nhìn và thổi bùng lên tình yêu của con người với biển quê hương, với đại dương bao la.
Thay lời kết
Chúng ta đang vươn ra biển với các yêu cầu toàn cầu hóa và trong môi trường cạnh tranh nghiệt ngã. Cơ hội mở ra nhưng để đạt mục tiêu, cần phải có những đột phá mới, có nội dung thời đại trong suy nghĩ và hành động.
Vươn ra đại dương giờ đây với cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà sự cộng hưởng chung làm cho mục tiêu vươn ra biển thêm nhiều ý nghĩa, có nội dung mới, tính chất mới và những đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn. Công việc không dễ dàng, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai trong khi nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng tạo ra, làm chủ và khai thác những năng lực mới. Đây cũng chính là những nội dung mà Ban Tổ chức cuộc thi đặt nhiều hy vọng vào cuộc thi tìm hiểu Biển đảo VN lần thứ hai sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
Thu Phương – Thanh Như