Ngày đăng:
27 | 08 | 2009
Hội nghị thượng đỉnh Copenhague, dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2009, được kỳ vọng là cuộc gặp gỡ đóng vai trò quyết định trong việc thông qua hiệp định của thời kỳ hậu Kyoto với những mục tiêu rõ ràng về vấn đề giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Song cho đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều hoài nghi xung quanh thành công của hội nghị và điểm mấu chốt hiện tại là nỗ lực lấp đầy chỗ trống về lòng tin giữa các quốc gia.
Nghị định thư Kyoto, được thông qua vào năm 1997, mới chỉ quy định các nghĩa vụ bắt buộc áp dụng cho khoảng 40 quốc gia công nghiệp phát triển cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 5% so với mức của năm 1990. Mục tiêu này được đánh giá là nhẹ hơn rất nhiều so với đề xuất được các nhà khoa học đưa ra với mục tiêu hạn chế đến mức tối đa những hiệu ứng tồi tệ nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hai nghĩa vụ bắt buộc để đấu tranh chống thay đổi khí hậu
Trong thế kỷ XX, nhiệt độ của trái đất đã tăng lên 0,74°C. Để tránh lặp lại hoạt động của bộ máy khí hậu này cùng các hiệu ứng tiêu cực khó kiểm soát xảy đến đối với thiên nhiên và dân cư, cần hạn chế sự gia tăng nhiệt độ, không để vượt quá +2°C trong giai đoạn từ nay đến cuối thế kỷ này so với mức của giai đoạn tiền công nghiệp.
Để có các cơ hội tối đa đạt được điều này, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) đã chỉ ra rằng các quốc gia công nghiệp phát triển sẽ phải tiến hành cắt giảm lượng khí thải xuống từ 25 - 40% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; và từ 80 - 95% trong giai đoạn từ nay đến năm 2050 so với mức khí thải của năm 1990. Các nước đang phát triển sẽ phải hạn chế từ 15 - 30% sự gia tăng khí thải đối với năm 2020.
Các mục tiêu đầy tham vọng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ hoàn toàn chưa đủ. Cho tới thời điểm hiện tại, những hiệu ứng tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu đã có thể nhận thấy rõ, đặc biệt đối với các quốc gia và phần dân số dễ bị tác động nhất, các ảnh hưởng về y tế - sức khỏe, nguồn nước sạch sinh hoạt, nông nghiệp, vv…Các biện pháp và chiến lược thích ứng, vì vậy, cần phải được áp dụng một cách nhanh hơn.
Không thể phủ nhận rằng: Cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới và các biện pháp thích ứng với hệ quả của biến đổi khí hậu sẽ là hai nghĩa vụ bắt buộc đối với quá trình đề đạt và thực hiện mọi quyết sách của thế giới trong tương lai với mục đích đấu tranh chống lại hiện tượng thay đổi của khí hậu toàn cầu.
Tương lai của khí hậu - trách nhiệm chia sẻ giữa các nước Bắc và Nam
Trong tương lai, các quốc gia công nghiệp và các nước đang phát triển sẽ tiếp tục phát tán lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức độ lớn (chiếm 46% và 53% tổng lượng khí thải của thế giới). Tuy vậy, nhóm các nước này lại chỉ chiếm 20% dân số toàn cầu. Mặt khác, vẫn luôn tồn tại nhiều bất đồng đáng kể giữa các quốc gia, tiêu biểu xét ở mức độ khí thải tính trên đầu người. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, mỗi năm, một người Mỹ thải ra khoảng 20 tấn khí thải CO2, một người dân châu Âu – 9 tấn, một người Trung Quốc – 4 tấn trong khi đó một người Kenya chỉ thải ra 0,2 tấn. Một điểm khác biệt nữa còn tồn tại chính là khoảng chênh lệch về tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu khi các quốc gia không thể có cùng một khả năng thích ứng với vấn đề này nếu xét đến tỷ lệ GDP/người.
Vì vậy, tại Copenhague, sẽ không thể đặt ra sự chọn lựa giữa cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu hay cuộc đấu tranh chống đói nghèo; thay vào đó, cần dung hòa cả hai. Tại Bali, cuối năm 2007, các nước đang phát triển đã chấp nhận cam kết hậu – 2012, theo đó tiến hành nhiều hành động hạn chế lượng khí thải, song với điều kiện nhận được sự hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ từ phía các nước phát triển.
Trong một nghiên cứu gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đánh giá về nhu cầu tài chính dành cho cắt giảm khí thải của các nước đang phát triển hiện ở mức khoảng 71 tỷ euro mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tổ chức phi chính phủ Oxfam International cũng nhận định nhu cầu của các nước đang phát triển cần tới 40 tỷ euro mỗi năm trong cùng thời gian này. Từ đó, có thể thấy được cần phải huy động 110 tỷ euro mỗi năm, nhằm ủng hộ các chính sách cắt giảm và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các quốc gia đang phát triển.
Đáng buồn thay, vào thời điểm sắp sửa tiến tới bàn đàm phán, các nước công nghiệp phát triển lại có xu hướng hành động không mấy tích cực. Gần đây, hầu hết các quốc gia không mặn mà với việc thông báo các mục tiêu cắt giảm khí thải cho năm 2020. Chỉ duy nhất châu Âu đã cam kết giảm lượng khí thải xuống 20% trong năm 2020 hay thậm chí là 30% nếu họ chứng kiến bước tiến khả quan của thỏa thuận Copenhague tới đây. Song, cam kết này vẫn đang rất cần thái độ hợp tác từ phía các đối tác phát triển, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của Mỹ, quốc gia đã từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto dưới thời Tổng thống George W.Bush nhưng hiện đang rất quyết tâm đạt được nhiều tiến bộ, đầy tham vọng tại Copenhague. Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Nga và Canada vẫn giữ im lặng về mục tiêu cắt giảm khí thải trong trung hạn.
Copenhague - cuộc gặp gỡ không thể thiếu
Thỏa thuận mới hậu – 2012 sẽ được định hướng thiên về nhiều hành động khác nhau nhằm cắt giảm khí thải, trong đó đặc biệt hướng tới các nước đang phát triển. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều quốc gia đang phát triển đã trở thành các nhà phát tán khí thải lớn của thế giới và họ sẽ phải hạn chế lượng khí độc hại này để giữ sự nóng lên của khí hậu toàn cầu không vượt quá 2°C trong giai đoạn từ nay đến cuối thế kỷ. Các nước khác, đặc biệt là những nước kém phát triển hơn và những quốc gia đang phát triển nhỏ sẽ phải được ưu tiên là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên trong việc thích nghi với các hiệu ứng của biến đổi khí hậu.
Cho tới thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán đã và đang diễn ra vẫn thiếu lòng tin giữa các bên. Các nước đang phát triển ngày càng ít được chứng kiến những hình mẫu cắt giảm khí thải của các nước công nghiệp, cũng như ít có cơ hội học tập các mục tiêu bảo vệ môi trường của họ trong tương lai, hay nhận được các cam kết hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nếu không có lòng tin, sẽ rất khó để đạt được một thỏa thuận tại hội nghị Copenhague giữa tất cả các quốc gia, sẽ khó có thể thống nhất thực thi các quyết định đồng thuận. Vẫn còn gần 3 tháng nữa để các nước phát triển bày tỏ thiện chí thực sự của họ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có thể bằng các cố gắng cắt giảm khí thải trên một lãnh thổ sạch, hay cũng có thể thông qua sự ủng hộ quá trình cắt giảm khí thải và thích ứng với môi trường mới đối với các nước đang phát triển. Các kênh khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới sẽ phải lên tới mức tối đa trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Và vì vậy, Copenhague là cơ hội duy nhất để cộng đồng quốc tế nỗ lực làm đảo ngược xu thế này.
Hải Hà