Ngày đăng:
26 | 08 | 2009
Ngày 25/8, tại Hội thảo Quốc gia về Quản lý rừng bền vững và biến đổi khí hậu (BĐKH), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hứa Đức Nhị cho rằng, theo kịch bản, thì tác động biến đổi khí hậu đối với lâm nghiệp là rất nặng nề, nhất là ở những nước nhiệt đới, công nghiệp hóa nhanh. Việt Nam là một trong năm nước trong nhóm này.
Theo Thứ trưởng Hứa Đức Nhị , ở Việt Nam việc quản lí khai thác rừng tự nhiên khó khăn hơn nhiều so với rừng trồng, hơn nữa rừng tự nhiên năng suất thấp, lợi ích kinh tế đem lại rất ít. Bình quân 1ha rừng tự nhiên chỉ tăng trưởng từ 1 - 3m3 gỗ/năm, trong khi rừng trồng phải đạt 20 - 30m3/năm thì người dân mới đầu tư. Rừng tự nhiên gắn liền với đa dạng sinh học, nhưng lại gây nghèo đói cho bộ phận dân cư sinh sống ở bìa rừng.
Mặt khác, khi BĐKH nước biển dâng làm giảm diện tích rừng ngập mặn ven biển, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất nhiễm phèn ở ĐBSCL. Nhiệt độ tăng và hạn hán kéo dài làm tăng nguy cơ cháy rừng, tăng lượng phát thải khí nhà kính, gia tăng BĐKH…Do đó phải cân bằng tất cả các mối quan hệ giữa rừng và con người; rừng và kinh tế; rừng và đa dạng sinh học, xã hội hoá nghề rừng để việc QLBVR được tốt hơn, giảm yếu tố tác động của BĐKH.
Về tác động của BĐKH đối với lâm nghiệp, đại diện Cục Lâm nghiệp dự báo, tại VN nếu nước biển dâng 1m sẽ có 250.000ha rừng ngập mặn hiện tại bị mất, các khu dự trữ sinh quyển và rừng đặc dụng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Với tần suất bão lớn, năm nào VN cũng phải hứng chịu nước biển dâng cao, gây xói mòn nền đất, phá huỷ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện tại tỷ lệ che phủ của rừng VN mới đạt 38%, so với năm 1943 vẫn thấp hơn 5%, chất lượng rừng vẫn đang bị suy giảm. Đến nay cả nước chỉ còn 9% rừng giàu, 58% diện tích là rừng nghèo, 80% nguyên liệu gỗ để chế biến lâm sản phải nhập khẩu.
Dự báo khi nước biển dâng và hạn hán làm giảm năng suất và diện tích cây trồng dẫn tới nhu cầu chuyển đổi rừng sang sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản tăng cũng như nhu cầu di cư lên vùng cao, làm gia tăng nạn phá rừng…
Cục Lâm nghiệp cũng nhận định, trong điều kiện BĐKH xảy ra như kịch bản, thì cả 3 loại rừng gồm rừng khộp, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín rụng lá ẩm nhiệt đới đều bị suy giảm về diện tích và thay đổi phân bố. Rừng khộp sẽ không còn là vùng đặc hữu ở Tây Nguyên mà di chuyển sang vùng sinh thái khác. Đối với rừng trồng, khu vực phân bố của lát hoa sẽ thu hẹp dần, dịch chuyển từ Tây Bắc, giáp Thanh Hóa lên phía Bắc và cuối cùng tập trung tại cao nguyên Đồng Văn. Diện tích thông nhựa ở miền Trung - Tây Nguyên giảm dần và dịch chuyển lên phía Bắc…
Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình Phát triển và Quản lý rừng bền vững trong Chiến lược Lâm nghiệp Quốc gia, từ nay đến năm 2020 được coi là chương trình trọng tâm với mục tiêu bảo vệ 16,24 triệu ha đất có rừng (8 triệu ha rừng SX, 5,68 triệu ha rừng phòng hộ, 2,16 triệu ha rừng đặc dụng), sản lượng gỗ khai thác đạt 20 - 24 triệu m3/năm, với 30% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào 2020.
Văn Trường