Ngày đăng:
17 | 08 | 2009
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5319/VPCP-KTN gửi Bộ TN&MT thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về xây dựng và thông báo các kịch bản BĐKH ở Việt Nam. Phó Thủ tướng đã đồng ý để Bộ TN&MT sử dụng các kịch bản BĐKH do Bộ TN&MT nghiên cứu làm cơ sở ban đầu để xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH.
Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT thông báo các kịch bản BĐKH ở Việt Nam để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực này, đồng thời chủ trì hướng dẫn việc lập kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống kịch bản này là những nghiên cứu bước đầu. Trong lời giới thiệu kịch bản, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: Bộ TN&MT sẽ tiếp tục cập nhật các kịch bản BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn để các Bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch hành động và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH.
Theo kế hoạch, cuối năm 2010, sẽ hoàn thành việc cập nhật các kịch bản BĐKH ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng, cho từng giai đoạn từ 2010 đến năm 2100. Các kịch bản có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Đến năm 2015, tiếp tục cập nhật các kịch bản BĐKH ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng.
Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam do các chuyên gia Bộ TN&MT xây dựng cho thấy vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ nước ta có thể tăng 2,3OC so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Mức tăng nhiệt độ từ 1,6 đến 2,8OC ở các vùng khí hậu khác nhau. Nhiệt độ ở các vùng phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ tăng mạnh hơn ở các vùng phía Nam. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè. Tổng lượng mưa năm và lượng mưa vào mùa mưa ở các vùng nước ta, qua tính toán, đều tăng, trong đó lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm, đặc biệt là ở phía Nam. Ở các vùng phía Bắc, mức tăng lượng mưa nhiều hơn so với các vùng khí hậu phía Nam.
Về kịch bản nước biển dâng, các chuyên gia nhận định: Vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm 30 cm và đến cuối thế kỷ 21 có thể dâng thêm 75cm so với thời kỳ 1980-1999.
PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, do tính phức tạp của BĐKH và những hiểu biết chưa thật đầy đủ về BĐKH của Việt Nam cũng như thế giới, cùng với yếu tố tâm lý, kinh tế, xã hội, tính chưa chắc chắn của các kịch bản phát thải khí nhà kính - yếu tố quan trọng để tính toán kịch bản BĐKH, kịch bản được đưa ra là kịch bản trung bình, hài hòa nhất.
Nhật Tân