TIN TỨC-SỰ KIỆN

Mô hình Hợp tác xã đổi mới để phát triển tại Đông Xuyên, Thái Bình

Ngày đăng: 30 | 10 | 2023

Trong 10 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã có những kết quả nhất định trong phát triển, cơ cấu lại các tiểu ngành.

Các địa phương trên cả nước cũng đều đã và đang tích cực triển khai các hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Thái Bình là một trong những tỉnh điển hình đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện tái cơ cấu đầu tiên của cả nước và của vùng đồng bằng sông Hồng. Một trong những ví dụ về đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh là mô hình hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên. Đây là hợp tác xã chăn nuôi đầu tiên của huyện Tiền Hải được thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 27/03/2019 nhưng nhờ sự năng động đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đã mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, doanh thu một năm lên đến trên 30 tỷ đồng và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể.

Đổi mới phương thức chăn nuôi- Nuôi vịt biển theo hướng an toàn sinh học

Theo ông Ngô Văn Duẩn- Giám đốc hợp tác xã, từ năm 2018 ông và một số hộ cùng nhau xây dựng mô hình nuôi vịt biển. Ông đã lựa chọn vịt biển 15 Đại Xuyên, với những ưu điểm vượt trội như chịu được trong môi trường nước lợ, nước mặn, mang ra chợ bán và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng về chất lượng của cả trứng và vịt thịt giống vịt biển này.

Ảnh: Mô hình nuôi vịt biển của hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên

Nguồn ảnh: Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc hợp tác xã

Khách hàng tìm đến mua ngày càng nhiều, sản lượng cung cấp ra không đủ bán. Nhằm mở rộng quy mô, ông Duẩn cùng 1 số anh em quyết tâm và thành lập hợp tác xã với 32 hộ thành viên ban đầu. Để sản phẩm vịt biển có chất lượng, mang lại giá trị cao, được khách hàng đón nhận, ngay từ ngày đầu hợp tác xã đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí. Do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển đang rất cao nên hợp tác xã mở rộng mạng lưới với 58 thành viên trong xã và liên kết với 30 hộ ngoài xã để chăn nuôi vịt biển, thường xuyên cung cấp sản phẩm cho hợp tác xã.

Dự kiến năm 2023, hợp tác xã sẽ có tổng doanh thu là 34.339 tỷ đồng, lợi nhuận là 5.405 tỷ đồng. Đặc biệt hai sản phẩm là vịt biển Đông Xuyên và trứng vịt biển Đông Xuyên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao theo quyết định số 801 ngày 24 tháng 03 năm 2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Đổi mới kênh phân phối- kênh thương mại điện tử trong nước và xuất khẩu

Từ những ngày mới thành lập, thương hiệu “Vịt biển Đông Xuyên” chưa được nhiều người biết đến, bằng sự năng động và đầy tâm huyết, ông Duẩn đã đến các siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng để giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, hợp tác xã thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bán hàng đối với mặt hàng Vịt biển Đông Xuyên.

Ngoài việc tiêu thụ qua kênh bán hàng truyền thống, hợp tác xã tận dụng tiện ích của Internet để quảng bá sản phẩm thông qua fanpage và mỗi thành viên của hợp tác xã là một nhân viên kinh doanh bằng các mối quan hệ của mình để bán và giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã.

Bằng sự đổi mới cách thức, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh cùng với chất lượng thực sự của sản phẩm, vịt biển và trứng vịt biển đã và đang từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân địa phương, giúp cho thương hiệu “Vịt biển Đông Xuyên” được biết đến tại nhiều nơi, bán rất mạnh tại các thị trường như Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Đà Nẵng. Hợp tác xã tiếp tục triển khai bán hàng vào Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác xã đang duy trì quy mô 10.000 con vịt biển thịt chất lượng cao và 6.000 - 8.000 con vịt biển sinh sản/năm nhưng sản phẩm luôn trong tình trạng khan hiếm và “cháy hàng”, quy mô hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% thị trường.

Để duy trì được số lượng, sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã chăn nuôi Đông Xuyên có kế hoạch nhân thêm các đàn vịt bố mẹ để chủ động nguồn giống và giảm giá thành con giống cho thành viên hợp tác xã ngay tại địa phương. Đồng thời, hợp tác xã sẽ xây dựng phòng kinh doanh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm đưa vịt biển và trứng vịt biển Đông Xuyên tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước.

Với sự năng động, tâm huyết và những bước đi đúng hướng, hợp tác xã đã là mô hình điển hình không chỉ làm thay đổi nhận thức về sản xuất an toàn, trách nhiệm cho thành viên của hợp tác xã mà còn của các nông dân xung quanh. Đồng thời, hợp tác xã đã hỗ trợ các xã viên chủ động kết nối thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế và tạo điều kiện để lao động nông nghiệp ở lại với ngành nông nghiệp./.    

Thúy An/Bộ môn nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/Ipsard

 

NỘI DUNG KHÁC

Phát triển ngành tôm ít phát thải, bền vững ở Việt Nam

30-10-2023

Ngày 26/10, tại Bạc Liêu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội thảo phát triển ngành tôm ít phát thải và bền vững ở Việt Nam.

HTX cần quan tâm đến vấn đề quản trị sở hữu trí tuệ

26-10-2023

Không chỉ xin bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài, mà ngay cả khi tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển địa điểm, thậm chí là phải giải thể, các HTX cũng vẫn cần quan tâm đến tài sản vô hình này.

Thế nào là nông thôn văn minh

Nông thôn văn minh không chỉ là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống.

Ngày lương thực Thế giới 2023: Nước là sự sống, Nước là thực phẩm

16-10-2023

Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 (World Food Day) có chủ đề “Nước là sự sống, Nước là thực phẩm. Không bỏ ai ở lại phía sau” (Water is Life, Water is Food. Leave No One behind). Chủ đề năm nay nhằm mục đích nêu bật vai trò quan trọng của nước đối với sự sống trên trái đât và nước là nền tảng cho sản xuất lương thực, thực phẩm. Với chủ đề này, các chuyên gia và các nhà hoạt động mong muốn nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của việc quản lý nước một cách thông minh trong bối cảnh dân số tăng nhanh, phát triển kinh tế nóng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang đe dọa nguồn nước sẵn có.

Đánh giá kết quả giữa kì nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025

16-10-2023

Đánh giá giữa kì kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị định 31/2021/QH15 và 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án triển khai nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 cho thấy, trong 23 mục tiêu, 10 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 13 mục tiêu rất thách thức cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.  Trong 102 nhiệm vụ, có 35 nhiệm vụ đã hoàn thành và 30 nhiệm vụ đang hoàn thiện, 37 nhiệm vụ đang triển khai. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, có 63% số nhiệm vụ đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành.

Nghịch lý muốn thừa kế đất nông nghiệp phải có giấy xác nhận là... 'nông dân'

16-10-2023

Nhiều người được nhận thừa kế, tặng, cho hoặc sang nhượng đất nông nghiệp đang gặp rắc rối khi phải hoàn thành yêu cầu ‘giấy xác nhận là nông dân’ trực tiếp sản xuất mới được nhận đất. Quy định này dường như đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại trong các văn bản pháp luật một thời gian dài, gây khó khăn cho người dân.

Phối hợp liên Bộ, liên ngành trong triển khai hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài

16-10-2023

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ về việc tăng cường giải pháp hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu ra nước ngoài, một chương trình hợp tác giữa 3 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Công thương) đã được thống nhất theo Kế hoạch số 3962/KH-BKHC-BCT-BNNPTNT ngày 31/12/2021 về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Kế hoạch 3962). Tổ Công tác liên Bộ về triển khai Kế hoạch 3962 được thành lập (theo Quyết định số 1289/QĐ-BKHCN ngày 19/07/2022) gồm Cục Sở hữu trí tuệ (đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (nay là Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam  tháng 9 năm 2023

12-10-2023

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam tháng 9 năm 2023 ước đạt gần 4,8 tỷ Đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2023 đạt 38,48 tỷ Đô la Mỹ, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng: nông sản 19,54 tỷ Đô la Mỹ (tăng 16,7%); sản phẩm chăn nuôi 369 triệu Đô la Mỹ (tăng 26,4%); thuỷ sản 6,64 tỷ Đô la Mỹ (giảm 21,7%); lâm sản 10,44 tỷ Đô la Mỹ (giảm 20,6%); đầu vào sản xuất 1,49 tỷ Đô la Mỹ (giảm 20,2%); muối 4,1 triệu Đô la Mỹ (tăng 7%).

Chất lượng thanh long tốt nhưng chưa bán được giá cao thì ai trồng

12-10-2023

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu quan điểm tại Hội nghị 'Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam' ngày 29/9 do Bộ NN-PTNT và UNDP phối hợp tổ chức.

Hoạt động Chuyển đổi số tại Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

10-10-2023

Ngày 10 tháng 10 hằng năm được lựa chọn là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” theo  Quyết định số 505/QĐTTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của ngày này nói riêng cũng như việc thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi cả nước nói chung là  nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Một số khuyến nghị chính sách để phát triển loại hình trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch ở Việt Nam

4-10-2023

Trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Về loại hình du lịch nông thôn, có các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề… Về tổ chức quản trị du lịch nông thôn, có các mô hình như mô hình hợp tác xã du lịch (như tại Tả Phìn – Sa Pa), mô hình ban quản lý du lịch cộng đồng (như tại thị xã Sa Pa), mô hình tổ hợp tác quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh (như tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), mô hình hội quán du lịch cộng đồng (như tại Đồng Tháp), mô hình câu lạc bộ du lịch (như tại Bến Tre), và mô hình trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch (farmstay).