TIN TỨC-SỰ KIỆN

HTX cần quan tâm đến vấn đề quản trị sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 26 | 10 | 2023

Không chỉ xin bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài, mà ngay cả khi tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển địa điểm, thậm chí là phải giải thể, các HTX cũng vẫn cần quan tâm đến tài sản vô hình này.

Do thị trường biến động, có trường hợp HTX đang hoạt động hiệu quả rơi vào khó khăn buộc phải tạm dừng hoạt động. Sau một thời gian, khi quay trở lại hoạt động, HTX mới biết mình quá thời điểm gia hạn tài sản sở hữu trí tuệ. Hoặc chẳng may phải ngừng hoạt động, nhưng HTX không làm các thủ tục chuyển nhượng, tặng… tài sản sở hữu trí tuệ, gây thiệt thòi và uổng phí công sức mà thành viên nhiều năm gây dựng.

Hiểu chưa đúng, chưa đủ

Ông Nguyễn Thành Quảng,  Giám đốc HTX Quế Trà My Minh Phúc (Quảng Nam) chia sẻ, tác động của tình hình kinh tế vĩ mô khiến một số doanh nghiệp nhỏ, HTX bị đứt gãy chuỗi sản xuất và phải tạm ngừng hoặc dừng hẳn hoạt động là điều bình thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, HTX cần chú ý vấn đề sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Chính vì vậy, dù là tạm ngừng hoạt động hay nếu chẳng may phải giải thể, HTX cũng phải nhớ đến giá trị của sở hữu trí tuệ thay vì chỉ lo làm các thủ tục giải thể đơn thuần.

Ông Quảng cho biết, thương hiệu Minh Phúc của HTX phát triển và khẳng định được giá trị trên thị trường như ngày hôm nay là nhờ nhận nhượng thương hiệu quế Minh Phúc từ một hộ kinh doanh rơi vào khó khăn và quyết định ngừng hoạt động. Trước đó, sản phẩm tinh dầu quế Minh Phúc đã có tiếng trên thị trường, lại đạt chuẩn 3 OCOP sao nên tạo cơ hội cho HTX kế thừa.

-8748-1697710607.jpg

Các HTX cần quan tâm đến vấn đề quản trị sở hữu trí tuệ.

Chính vì vậy, đứng ở vị trí là một đơn vị có nhãn hiệu tập thể, đã đăng ký sở hữu trí tuệ nếu chẳng may gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, tại sao HTX không thực hiện giống như hộ kinh doanh kia để tiếp tục được bảo vệ, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình? Đó mới là cách quan tâm đúng mức của những người đã mất nhiều công sức tạo ra nhãn hiệu tập thể.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu các sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, giá cả ổn định và mang tính cạnh tranh. Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các HTX là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường trong và ngoài nước nhờ nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ. Việc này sẽ giúp HTX được Nhà nước bảo vệ quyền lợi như độc quyền đối với sản phẩm, dịch vụ do HTX làm ra. Ngoài ra, nhãn hiệu của HTX có thể trở thành tài sản có giá trị, giúp HTX cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không chỉ ít HTX đăng ký sở hữu trí tuệ mà hầu hết hiểu chưa đúng, chưa đủ về giá trị của nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ, nên nhiều khi chịu phần thiệt đáng tiếc.

Có nguy cơ chịu thiệt

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng HTX cũng giống như nhiều doanh nghiệp nhỏ thường bỏ qua các khâu kiểm tra, làm thủ tục về nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ trước khi tạm dừng hoạt động, giải thể.

Trước đó, để đăng ký nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ, HTX phải làm rất nhiều thủ tục, mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời mới được chứng nhận. Vậy tại sao trong thời gian tạm ngừng hoạt động, nếu đến thời điểm gia hạn, HTX lại không tranh thủ gia hạn để sau khi quay trở lại hoạt động có thể tiếp tục duy trì loại tài sản này? Bởi nếu quá thời hạn mà HTX vẫn không làm thủ tục gia hạn thì hiệu lực của giấy đăng ký nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt.

“Sở hữu trí tuệ là tài sản có thời hạn, nên dù tạm dừng hoạt động nhưng gia hạn được đúng thời hạn là vô cùng quan trọng để tránh trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy hiệu lực, không có chủ dẫn đến dễ bị làm nhái, giả nhãn hiệu mà không kiện được. Khi đó, nếu HTX phải giải thể sẽ không đủ tư cách pháp nhân để chuyển nhượng, bán tài sản sở hữu trí tuệ”, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang lưu ý.

Đáng chú ý, ngay cả khi HTX chuyển trụ sở cũng phải quan tâm đến việc thay đổi địa điểm trên giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ. Nếu không đăng ký lại địa điểm sẽ dẫn tới tình trạng nếu có thông báo liên quan đến chứng nhận sở hữu trí tuệ của ngành chức năng dễ bị thất lạc, không đến được với HTX. Điều này dẫn tới không bảo đảm được quyền lợi của HTX vì vượt thời hạn trả lời thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý.

Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, những vướng mắc trên có thể do HTX không có bộ phận nhân sự chuyên phụ trách sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các HTX cũng luôn phải có suy nghĩ và ý thức tôn trọng chính chất xám và thành quả lao động của các thành viên làm ra. Bởi đây là tài sản giá trị và vô cùng cần thiết để HTX vươn ra thị trường và không dễ để có được.

Một điều cần quan tâm hiện nay đó là vẫn chưa có đầy đủ hệ sinh thái hỗ trợ các HTX phát triển cả về chất và lượng nên chưa tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, đơn vị tư vấn pháp luật. Do đó, các HTX dễ có các khoảng trống khó lấp đầy hoặc thiếu sót trong phát triển và duy trì tài sản trí tuệ.

Huyền Trang

https://vnbusiness.vn/

NỘI DUNG KHÁC

Thế nào là nông thôn văn minh

Nông thôn văn minh không chỉ là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống.

Ngày lương thực Thế giới 2023: Nước là sự sống, Nước là thực phẩm

16-10-2023

Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 (World Food Day) có chủ đề “Nước là sự sống, Nước là thực phẩm. Không bỏ ai ở lại phía sau” (Water is Life, Water is Food. Leave No One behind). Chủ đề năm nay nhằm mục đích nêu bật vai trò quan trọng của nước đối với sự sống trên trái đât và nước là nền tảng cho sản xuất lương thực, thực phẩm. Với chủ đề này, các chuyên gia và các nhà hoạt động mong muốn nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của việc quản lý nước một cách thông minh trong bối cảnh dân số tăng nhanh, phát triển kinh tế nóng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang đe dọa nguồn nước sẵn có.

Đánh giá kết quả giữa kì nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025

16-10-2023

Đánh giá giữa kì kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị định 31/2021/QH15 và 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án triển khai nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 cho thấy, trong 23 mục tiêu, 10 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 13 mục tiêu rất thách thức cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.  Trong 102 nhiệm vụ, có 35 nhiệm vụ đã hoàn thành và 30 nhiệm vụ đang hoàn thiện, 37 nhiệm vụ đang triển khai. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, có 63% số nhiệm vụ đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành.

Nghịch lý muốn thừa kế đất nông nghiệp phải có giấy xác nhận là... 'nông dân'

16-10-2023

Nhiều người được nhận thừa kế, tặng, cho hoặc sang nhượng đất nông nghiệp đang gặp rắc rối khi phải hoàn thành yêu cầu ‘giấy xác nhận là nông dân’ trực tiếp sản xuất mới được nhận đất. Quy định này dường như đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại trong các văn bản pháp luật một thời gian dài, gây khó khăn cho người dân.

Phối hợp liên Bộ, liên ngành trong triển khai hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài

16-10-2023

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ về việc tăng cường giải pháp hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu ra nước ngoài, một chương trình hợp tác giữa 3 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Công thương) đã được thống nhất theo Kế hoạch số 3962/KH-BKHC-BCT-BNNPTNT ngày 31/12/2021 về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Kế hoạch 3962). Tổ Công tác liên Bộ về triển khai Kế hoạch 3962 được thành lập (theo Quyết định số 1289/QĐ-BKHCN ngày 19/07/2022) gồm Cục Sở hữu trí tuệ (đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (nay là Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam  tháng 9 năm 2023

12-10-2023

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam tháng 9 năm 2023 ước đạt gần 4,8 tỷ Đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2023 đạt 38,48 tỷ Đô la Mỹ, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng: nông sản 19,54 tỷ Đô la Mỹ (tăng 16,7%); sản phẩm chăn nuôi 369 triệu Đô la Mỹ (tăng 26,4%); thuỷ sản 6,64 tỷ Đô la Mỹ (giảm 21,7%); lâm sản 10,44 tỷ Đô la Mỹ (giảm 20,6%); đầu vào sản xuất 1,49 tỷ Đô la Mỹ (giảm 20,2%); muối 4,1 triệu Đô la Mỹ (tăng 7%).

Chất lượng thanh long tốt nhưng chưa bán được giá cao thì ai trồng

12-10-2023

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu quan điểm tại Hội nghị 'Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam' ngày 29/9 do Bộ NN-PTNT và UNDP phối hợp tổ chức.

Hoạt động Chuyển đổi số tại Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

10-10-2023

Ngày 10 tháng 10 hằng năm được lựa chọn là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” theo  Quyết định số 505/QĐTTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của ngày này nói riêng cũng như việc thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi cả nước nói chung là  nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Một số khuyến nghị chính sách để phát triển loại hình trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch ở Việt Nam

4-10-2023

Trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Về loại hình du lịch nông thôn, có các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề… Về tổ chức quản trị du lịch nông thôn, có các mô hình như mô hình hợp tác xã du lịch (như tại Tả Phìn – Sa Pa), mô hình ban quản lý du lịch cộng đồng (như tại thị xã Sa Pa), mô hình tổ hợp tác quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh (như tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), mô hình hội quán du lịch cộng đồng (như tại Đồng Tháp), mô hình câu lạc bộ du lịch (như tại Bến Tre), và mô hình trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch (farmstay).

Xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn

4-10-2023

Một trong những điểm mới trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn. Chủ trương này được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng và được đưa vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trong các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bài viết này gợi ý một số vấn đề cần quan tâm về giải pháp chính sách để nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn

4-10-2023

Ngành nông, lâm, thủy sản là bệ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam, đóng góp 12,6% vào GDP cả nước (2021) và tạo việc làm cho 14,3 triệu lao động, chiếm khoảng 29,1% tổng lao động cả nước (2021). Tuy nhiên, chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, thủy sản đã qua đào tạo đạt 4,1% (2021). Năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản là 74,4 triệu đồng/ lao động (2021), chỉ bằng 62,9% năng suất lao động chung toàn xã hội (118,3 triệu đồng/ lao động). Theo đó, để đáp ứng chất lượng lao động phục vụ nhu cầu phát triển ngành nông, lâm, thủy sản và phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đào tạo nghề và tri thức hóa cho người nông dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam cũng như nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Dưới đây là kinh nghiệm của một số nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn.