TIN TỨC-SỰ KIỆN

Xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn

Ngày đăng: 04 | 10 | 2023

Một trong những điểm mới trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn. Chủ trương này được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng và được đưa vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trong các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bài viết này gợi ý một số vấn đề cần quan tâm về giải pháp chính sách để nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn.

 

1. Cần tiếp cận dựa vào nội lực cộng đồng kết hợp với các nguồn hỗ trợ. Kinh nghiệm thành công ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã chứng minh muốn phát triển cộng đồng hiệu quả, bền vững cần phải dựa trên nội lực và thúc đẩy tính tự chủ của cộng đồng. Nếu như các khoản đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ chỉ tập trung bù đắp các nhu cầu, những khoảng trống còn thiếu hụt so với chỉ tiêu mong đợi, thì khi giải quyết được khó khăn này sẽ lại nảy sinh những khó khăn khác và những khó khăn sẽ không bao giờ kết thúc, cộng đồng có xu hướng thụ động trông đợi vào sự hỗ trợ từ bên ngoài (thực tế các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo ở Việt Nam cũng rơi vào tình trạng này do địa phương còn tồn tại tâm lý không muốn thoát nghèo để được hỗ trợ; tương tự trong xây dựng nông thôn mới cũng gặp tình trạng đầu tư dàn trải để bù đắp các thiết hụt về tiêu chí nông thôn mới, còn đầu tư tập trung lại dẫn đến thiếu công bằng trong phân bổ nguồn lực). Ngược lại, nếu như kết hợp hiệu quả giữa hỗ trợ từ bên ngoài với sự tham gia tích cực của cộng đồng, khơi dậy những nội lực sẵn có của cộng đồng, thì những khó khăn sẽ mất dần đi và nhường chỗ cho những niềm tin và tinh thần chủ động, hợp tác phát triển. Quá trình này sẽ chuyển dần trạng thái của cộng đồng từ vị trí khách thể sang chủ thể, nhanh hay chậm phụ thuộc và cách thức tổ chức triển khai và năng lực của người triển khai.

2. Tận dụng tối đa những lợi thế về điều kiện tự nhiên, biến các khó khăn về điều kiện địa hình chia cắt, miền núi, ven biển thành lợi thế để phát triển các hoạt động kinh tế đặc thù, độc đáo mà vùng đồng bằng không có được (cảnh quan hùng vĩ, tham quan nghỉ dưỡng, phát triển các loại nông đặc sản…). Một số giải pháp như: phát triển sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản) quy mô vừa và lớn với những vùng có điều kiện phù hợp (ví dụ trồng cây ăn quả ở Sơn La, phát triển thủy sản ở vùng bãi ngang), hướng tới các loại đặc sản đặc thù, gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; thực hiện chế biến tại chỗ theo quy mô phù hợp; phát triển du lịch nông thôn (tham quan nghỉ dưỡng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc sản bản địa, cảnh quan đặc thù…); phát triển lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, dược liệu ở vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng sâu vùng xa; cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các hộ tham gia sản xuất lâm nghiệp để gia tăng giá trị…

3. Hoạt động phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung cho các hộ, nhóm hộ có điều kiện. Trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đối tượng của các chương trình giảm nghèo cơ bản vẫn tập trung cho các hộ, nhóm hộ là người nghèo, còn đối tượng của nông thôn mới cần hướng vào những hộ có điều kiện và khả năng phát triển sản xuất, để các hộ này trở thành mô hình tiêu biểu, chứng minh được hiệu quả, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giúp các hộ khác thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ để học tập và làm theo. Hình thức hỗ trợ kết hợp giữa việc cho các hộ khá giỏi đi thăm quan, học tập với hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại (nhờ đó giúp việc quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả hơn nhờ vai trò thẩm định, theo dõi của ngân hàng; nâng trách nhiệm của hộ trong sử dụng vốn vay) và hỗ trợ vật tư đầu vào, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

4. Xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn mới cần tập trung cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn hơn là những nội dung, công trình ở phạm vi cấp xã. Các công trình thiết yếu như giao thông nội thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm trường, công trình cấp nước, công trình vệ sinh, bể chứa rác thải… sẽ được ưu tiên theo lựa chọn của cộng đồng. Những công trình bên ngoài phạm vi thôn cần có sự hỗ trợ, lồng ghép từ các chương trình, dự án có quy mô lớn hơn. Nội dung xây dựng hạ tầng thiết yếu cũng cần lựa chọn các nội dung ở quy mô phù hợp với khả năng tham gia thực hiện của cộng đồng, để cộng đồng có thể cùng nhau bàn bạc, xây dựng phương án, tổ chức thi công… Việc lựa chọn các công trình từ nhỏ đến lớn, có sự tham gia trực tiếp của người dân, chính là quá trình hình thành sự tự tin và tinh thần hợp tác cho người dân trong cộng đồng thôn. Vấn đề lồng ghép cũng cần tính toán đối với các công trình ở phạm vi thôn. Mặc dù chi phí cho một công trình ở cấp thôn không lớn như ở cấp xã, nhưng việc vận chuyển nguyên vật liệu đến chân công trình ở các thôn xa xôi, hẻo lánh lại khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì thế, các địa phương cần xem xét phân bổ nguồn lực lồng ghép để hỗ trợ chi phí vận chuyển đến địa điểm thi công. Ngoài ra, chính sách việc làm công cũng cần vận dụng để tạo thu nhập cho người dân khi họ tham gia ngày công lao động và các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.

5. Cải thiện sinh kế cho người dân thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức, nhận thức, năng lực cho cộng đồng dân cư và đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng và triển khai một chương trình đào tạo sâu rộng, quyết liệt, cho đối tượng là cán bộ thôn, xã ở vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung đào tạo về nhận thức và kỹ năng phát triển cộng đồng, phương pháp thực hiện gắn với thực hành trực tiếp, cầm tay chỉ việc. Đối với từng cá nhân, hộ gia đình vùng đặc biệt khó khăn, tiếp tục phát huy tinh thần cần cù, chịu khó, vươn lên thoát nghèo, có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, vận động các doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

6. Phát triển các hoạt động văn hóa – xã hội gắn với du lịch cộng đồng và chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tùy theo đặc điểm và nhu cầu của cộng đồng dân cư ở các thôn, có thể hỗ trợ trang thiết bị phục vụ các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao như dụng cụ âm nhạc truyền thống, dụng cụ thể thao, trang phục, loa đài… Những nội dung này không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng có tác dụng khơi dậy các hoạt động văn hóa truyền thống, phát huy các hoạt động tập thể của cộng đồng, tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng thôn, bản. Đối với các thôn chưa có quy ước, hương ước thôn hoặc đã có nhưng chưa đầy đủ, cần hướng dẫn và tổ chức họp thôn để người dân cùng thỏa thuận đặt ra quy ước nhằm điều chỉnh những quan hệ trong cộng đồng; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, tập quán tiến bộ, tích cực; loại bỏ phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu; xây dựng các giá trị văn hóa nông thôn mới phù hợp với thực tiễn địa bàn dân cư; xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc… Các giá trị văn hóa, đặc sản bản địa và an ninh trật tự của cộng đồng thôn, bản được thực hiện tốt là cơ sở để thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

7. Phát huy vai trò, nâng cao năng lực, động lực, quyền lực của Ban phát triển trong xây dựng nông thôn mới. Ban phát triển thôn là lực lượng đặc biệt quan trọng, gồm những người có uy tín, trách nhiệm, có năng lực tổ chức triển khai, do cộng đồng thôn trực tiếp bầu và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có quyết định công nhận. Ban phát triển thôn vừa có vai trò tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, vừa trực tiếp lãnh đạo cộng đồng tổ chức thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở thôn và đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia ý kiến với cơ quan cấp trên, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản giai đoạn vừa qua cho thấy ở đâu có đội ngũ ban phát triển nhiệt tình, gương mẫu, có năng lực, có sự đồng thuận cao, có tinh thần hi sinh vì cộng đồng, ở đó khơi dậy được sức mạnh tập thể của cộng đồng, đạt kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới. Thực tế xây dựng nông thôn mới những năm vừa qua cho thấy Ban phát triển thôn là lực lượng không thể thiếu của cộng đồng thôn, bản. Ban phát triển thôn là cầu nối để phát huy vai trò làm chủ, quyền và tiếng nói của người dân, thực hiện dân chủ cơ sở, thúc đẩy các hoạt động phát triển cộng đồng, ổn định an ninh trật tự, chính trị - xã hội nông thôn... Đặc biệt, ở những khu vực khó khăn với trình độ dân trí còn hạn chế, Ban phát triển thôn là lực lượng nòng cốt của cộng đồng, là những người truyền tải thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, là những tấm gương tiêu biểu dẫn dắt cộng đồng dân cư thực hiện các hoạt động phát triển... Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của Ban phát triển thôn trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một mặt, năng lực của Ban phát triển thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn chưa đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra. Mặc khác, tính chất pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của Ban phát triển thôn còn chưa được quy định cụ thể, thiếu kinh phí cho Ban phát triển hoạt động nên chưa tạo được động lực tham gia, phối hợp thực hiện giữa các thành viên. Ở nhiều địa phương, Ban phát triển thôn đơn thuần là một tập hợp tạm thời của một số cán bộ thôn mỗi khi có công việc cần thiết phải thảo luận thông qua. Sự tương tác và phối hợp giữa các ban/ngành, tổ chức đoàn thể và giữa các cấp trong hoạt động của Ban phát triển thôn còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức tạo ra đột phá trong huy động nguồn nhân lực, vật lực, tài chính trong triển khai các hoạt động. Nhìn chung, một khi năng lực, động lực và sự phối hợp trong hoạt động của Ban phát triển thôn còn thấp thì động năng cho phát triển cộng đồng sẽ yếu. Trong khi vai trò của Ban phát triển thôn đã được chứng minh, danh sách Ban phát triển thôn đã được công nhận, thì việc phát huy vai trò và vị thế của Ban phát triển là đòi hỏi cấp thiết.

8. Xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở thôn, bản, ấp vùng đặc biệt khó khăn cần hướng vào các nội dung về tổ chức cộng đồng hơn là những kết quả đầu ra như tiêu chí cấp xã. Để phù hợp với điều kiện, đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền, Bộ tiêu chí nông thôn mới thôn, bản được phân cấp cho các địa phương xây dựng. Tuy nhiên, nếu như vận dụng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã để xây dựng các tiêu chí cho cấp thôn thì vô hình trung vẫn tạo ra sự cứng nhắc trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản. Với quan điểm phát huy vai trò làm chủ của cộng đồng, các nội dung xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản cần thực hiện trên cơ sở trao quyền lựa chọn và quyết định cho cộng đồng, thì thay cho việc xây dựng các tiêu chí theo từng hạng mục công trình hạ tầng hay kết quả giảm nghèo, tăng thu nhập, nên thiết kế Bộ tiêu chí nông thôn mới theo hình thức tính điểm cho khối lượng công việc hoàn thành để động viên, khen thưởng và không nhất thiết phải tạo ra danh hiệu thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là với thôn đặc biệt khó khăn. Để gọi là “nông thôn mới” ở phạm vi thôn thực tế chỉ có các khu vực có điều kiện, đang xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Cách tính điểm mức độ hoàn thành theo từng năm là cơ sở để xét khen thưởng, tạo động lực thi đua cho các thôn. Cách đánh giá sẽ theo hình thức “làm nhiều được thưởng nhiều, không làm được thì không hỗ trợ”. “Làm nhiều được thưởng nhiều” sẽ tính theo các chỉ tiêu về mức độ tham gia của cộng đồng (số ngày công, số buổi họp, giá trị tài sản tham gia đóng góp…) và chỉ tiêu kết quả (số công trình, hạng mục được hoàn thành, số hộ thoát nghèo, số hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức…); còn “không làm được thì không hỗ trợ” sẽ là việc quy định mức tham gia tối thiểu của cộng đồng trong thực hiện các nội dung của đề án, thôn nào không thực hiện được sẽ chuyển phần kinh phí hỗ trợ cho thôn khác.

9. Lập và triển khai kế hoạch thôn là công việc quan trọng cần được tổ chức thực hiện. Trong các hoạt động, mỗi cá nhân, gia đình hay tập thể đều phải có kế hoạch thì mới thực hiện hiệu quả. Vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản trong thời gian tới, một mặt cần có tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch cho cán bộ thôn, với các nội dung cụ thể, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện, mặt khác cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ này để họ phát huy được vai trò, vị trí của mình trong lãnh đạo cộng đồng thực hiện các hoạt động phát triển.

10. Từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân. Sau nhiều năm triển khai các chương trình giảm nghèo, mặc dù cộng đồng dân cư đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, chịu khó vươn lên để thoát nghèo, nhưng còn một bộ phận không nhỏ vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này làm hạn chế tính tự lực, sự tích cực tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này, cần xem xét loại bỏ cách hỗ trợ dựa trên tiêu chí nghèo hoặc cận nghèo, để người dân tập trung hăng hái lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững, từng bước xóa bỏ tư tưởng “nghèo” là bị mất chính sách hoặc xin vào hộ nghèo để được hưởng chính sách; rà soát, bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, bổ sung nguồn lực để thực hiện chính sách đầu tư hạ tầng thiết yếu, hạ tầng sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

 

(Nguyễn Ngọc Luân, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp/Ipsard)

 

 

NỘI DUNG KHÁC

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn

4-10-2023

Ngành nông, lâm, thủy sản là bệ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam, đóng góp 12,6% vào GDP cả nước (2021) và tạo việc làm cho 14,3 triệu lao động, chiếm khoảng 29,1% tổng lao động cả nước (2021). Tuy nhiên, chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, thủy sản đã qua đào tạo đạt 4,1% (2021). Năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản là 74,4 triệu đồng/ lao động (2021), chỉ bằng 62,9% năng suất lao động chung toàn xã hội (118,3 triệu đồng/ lao động). Theo đó, để đáp ứng chất lượng lao động phục vụ nhu cầu phát triển ngành nông, lâm, thủy sản và phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đào tạo nghề và tri thức hóa cho người nông dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam cũng như nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Dưới đây là kinh nghiệm của một số nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn.

Đổi mới chính sách về phát triển tổ chức khoa học công nghệ công lập trong lĩnh vực Nông nghiệp

4-10-2023

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.

Cơ sở khoa học về xây dựng Làng thông minh trong Chương trình Nông thôn mới ở Việt Nam

4-10-2023

Phát triển nông nghiệp và nông thôn ở trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức của thời đại do xu thế toàn cầu hóa sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu và cảnh báo các tác động tiêu cực đến đời sống người dân ở khu vực nông thôn nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn do đó đòi hỏi phải đáp ứng thông minh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Trong những năm gần đây, khái niệm làng thông minh đã được nhiều quốc gia đề cập, xây dựng mô hình điểm và đưa vào khung chính sách phát triển bền vững nông thôn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như là một cơ hội và là xu hướng để xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho khu vực nông thôn.

Hợp tác xã cần có thêm cơ chế chính sách để phát triển

4-10-2023

VOV.VN - Nguồn vốn, nhân lực và cách quản trị, thị trường tiêu thụ đang là vấn đề đặt ra cho các hợp tác xã không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

Hiệu quả sử dụng đất trồng trọt của hộ nông thôn

27-9-2023

Nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng đất trồng trọt của hộ nông thôn thời gian qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm 2010 đến nay, ngành trồng trọt đã tích cực triển khai tái cơ cấu theo hướng xác định cây trồng chủ lực có lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hiệu quả thấp sang hiệu quả cao hơn, xây dựng Quy hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách để thực hiện; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức lại sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết quả giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 2,28%/năm, GDP ngành đạt 1,95%/năm.  Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chưa bền vững, có xu hướng giảm.

Thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực nông lâm thủy sản Việt Nam

27-9-2023

Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Nông nghiệp là nguồn sinh kế quan trọng và giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn. Việc đào tạo nguồn nhân lực được coi là giải pháp then chốt, là một trong 3 trụ cột chiến lược trong cơ cấu lại phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG NÔNG NGHIỆP: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ CÁC HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

27-9-2023

Thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thuận thiên là cách mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn để phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại. Để đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho nông sản thông qua ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, xanh-các bon thấp ứng dụng công nghệ cao; nông thôn văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Chuỗi nông sản quá lỏng lẻo: Cần chế tài gắn kết

27-9-2023

Thời gian gần đây, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lại dấy lên bức xúc về tình trạng tranh mua tranh bán, “bẻ cọc, bẻ kèo”, loạn giá…Vấn nạn này gây nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu…

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU Ở CẤP HUYỆN

27-9-2023

Xây dựng nông thôn mới “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, huyện cần tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là quan điểm được đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, nông thôn mới đạt chuẩn và nâng cao đã có các tiêu chí cụ thể ở cấp xã và cấp huyện, tuy nhiên nông thôn mới kiểu mẫu mới có quy định áp dụng đối với cấp xã, còn nông thôn mới kiểu mẫu ở cấp huyện chưa có quy định cụ thể mà mới chỉ đang triển khai thí điểm tại 04 huyện: huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định); huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng); huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Bài viết này bàn luận một số vấn đề nhằm gợi ý cho việc xây dựng quy định/hướng dẫn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

8 giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

27-9-2023

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi và Luật HTX sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Hội nghị triển khai cập nhật và đồng bộ dữ liệu cán bộ công chức viên chức

13-9-2023

Ngày 13/9/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn cập nhật và đồng bộ dữ liệu Cán bộ công chức viên chức, do Vụ Tổ chức Cán bộ và Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp phối hợp với VNPT tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Tổ công tác 06 - Bộ Nội vụ.

Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản

22-9-2023

Phát triển nông nghiệp của Việt Nam thời gian quan đạt được nhiều thành tựu nổi bật và có vai trò ngày càng quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 53 tỷ Đô la Mỹ, sản phẩm nông sản tiếp cận đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đóng góp lớn của ngành trồng trọt và thủy sản. Để đáp ứng yêu cầu của ngày càng cao về chất lượng sản phẩm sản phẩm nông sản của thị trường trong nước và quốc tế, công tác xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có ý nghĩa quan trọng với nâng cao năng suất và chất lượng, thương mại quốc tế và hội nhập, và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe con người.