TIN TỨC-SỰ KIỆN

Đổi mới chính sách về phát triển tổ chức khoa học công nghệ công lập trong lĩnh vực Nông nghiệp

Ngày đăng: 04 | 10 | 2023

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.

 

Tổ chức khoa học công nghệ công lập trong ngành nông nghiệp

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 3 ba Viện xếp hạng đặc biệt (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 19 viện thành viên, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có 13 viện thành viên; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có 13 viện thành viên) và 08 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp khoa học (Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III; Viện nghiên cứu Hải sản; Viện Chăn nuôi; Viện Thú y; Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), 01 học viện, 03 trường đại học, 05 viện quy hoạch, trực thuộc Bộ. Tổng số đơn vị được phân loại tự chủ tài chính giai đoạn 2018-2022 là 11 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Bộ, trong đó, 6 tổ chức là đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ và 64 tổ chức là đơn vị dự toán cấp 3 thuộc Bộ (trực thuộc 5 tổ chức là đơn vị dự toán cấp 2).

Toàn bộ công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thông qua đầu mối viện xếp hạng đặc biệt từ khâu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ đến khâu nghiệm thu đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ để đảm bảo tính tập trung, kế thừa các kết quả khoa học, tăng cường sự phối hợp giữa các viện thành viên và vai trò quản lý cũng như tự chủ, tự chịu trách nhiệm của viện xếp hạng đặc biệt.

Mặc dù đã triển khai cơ chế tự chủ từ năm 2005 theo đề án 115 tuy nhiên đến nay chỉ có 01 tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 02 tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên còn lại mới chỉ đảm bảo một phần chi thường xuyên (loại 3 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP).

Đổi mới chính sách gần đây

Với chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức khoa học công nghệ công lập cụ thể là các viện nghiên cứu, trường đại học và các trung tâm nghiên cứu là các đối tượng ưu tiên được đổi mới về mặt tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và có các chính sách ưu tiên mạnh mẽ khác.

Sau khi Luật Khoa học công nghệ được ban hành năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP tạo ra sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về tài chính, nhân sự. Nghị định 54/2016 NĐ-CP đã quy định điều kiện và trình tự, thủ tục chuyển đổi tổ chức khoa học công nghệ công lập thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, những nghị định này đều chưa phân rõ đối tượng tự chủ một phần chi thường xuyên, ví dụ tự đảm bảo chi 80% kinh phí thường xuyên sẽ khác với đơn vị tự đảm bảo 20% kinh phí thường xuyên. Không có quy định về các trường hợp rủi ro khi thực hiện nhiệm khoa học công nghệ (thiên tai, dịch bệnh, lạm phát…). Các vấn đề về tiền lương và định mức đầu tư vẫn chưa được giải quyết. Nghị định 16 và 54 là lấy tự chủ về tài chính để quyết định các mức tự chủ còn lại (nhiệm vụ, nhân sự, bộ máy), lấy việc xã hội hóa dần chi phí các dịch vụ sự nghiệp công làm lộ trình tăng mức tự chủ. Chưa rõ ràng trong việc sử dụng và trích lập các quỹ đối với tổ chức khoa học và công nghệ chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Bị giới hạn mức trần chi thu nhập tăng thêm đối với tổ chức đã tự bảo đảm chi thường xuyên.

Năm 2021, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của tổ chức khoa học công nghệ công lập. Tổ chức khoa học công nghệ tự chủ ở mức cao được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, được sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh liên kết, được sử dụng tài sản công để tham gia liên doanh liên kết (nhưng phải theo Luật Tài sản công). Đồng thời giao quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định lộ trình chuyển đổi 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công nhóm 3 tương ứng với từng mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên, trên thực tế, quy định chi tiết việc chuyển đổi số lượng đơn vị gặp nhiều khó khăn do mức độ tự chủ của các đơn vị nhóm 3 có thể sẽ thay đổi hằng năm phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị. Các đơn vị tự chủ nhóm 2 chỉ cho phép trích lập tối đa 2 lần quỹ lương ngạch bậc cho quỹ bổ sung thu nhập. Các đơn vị tự chủ một phần vẫn phải xin phép về phương án sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị. Về liên doanh liên kết thì tất cả sản phẩm, tài sản liên doanh liên kết phải thông qua định giá và xây dựng dự án mới được tham gia liên doanh liên kết.

 

Định hướng và giải pháp

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra các giải pháp và phương hướng cho hoạt đột đổi mới khoa học công nghệ trong thời gian tới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%.

Để thực hiện được mục tiêu này thì một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới cơ chế và hình thành các thể chế thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào:

- Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đầu tư từ ngân sách tập trung cho các nghiên cứu cơ bản, chiến lược, trọng điểm. Thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

- Rà soát, hoàn thiện cơ chế tự chủ về tổ chức, nhiệm vụ và tài chính, tự chịu trách nhiệm. Đề xuất cơ chế, chính sách giao quyền tự chủ đảm bảo tính khả thi để các tổ chức khoa học công nghệ thực sự chủ động, được quyền khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực có sẵn để nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.

-  Xây dựng cơ chế liên kết giữa tổ chức khoa học công nghệ công lập với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư, hợp tác công - tư trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.

- Xây dựng cơ chế minh bạch tạo điều kiện thuận lợi để các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khác thành lập và vận hành có hiệu quả các trung tâm về đổi mới sáng tạo, hình thành các mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao

- Hoàn thiện cơ chế chuyển giao quyền khai thác, chuyển nhượng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp để ứng dụng nhanh vào sản xuất.

Nguyễn Chí Trung- Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/IPSARD

NỘI DUNG KHÁC

Cơ sở khoa học về xây dựng Làng thông minh trong Chương trình Nông thôn mới ở Việt Nam

4-10-2023

Phát triển nông nghiệp và nông thôn ở trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức của thời đại do xu thế toàn cầu hóa sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu và cảnh báo các tác động tiêu cực đến đời sống người dân ở khu vực nông thôn nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn do đó đòi hỏi phải đáp ứng thông minh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Trong những năm gần đây, khái niệm làng thông minh đã được nhiều quốc gia đề cập, xây dựng mô hình điểm và đưa vào khung chính sách phát triển bền vững nông thôn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như là một cơ hội và là xu hướng để xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho khu vực nông thôn.

Hợp tác xã cần có thêm cơ chế chính sách để phát triển

4-10-2023

VOV.VN - Nguồn vốn, nhân lực và cách quản trị, thị trường tiêu thụ đang là vấn đề đặt ra cho các hợp tác xã không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

Hiệu quả sử dụng đất trồng trọt của hộ nông thôn

27-9-2023

Nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng đất trồng trọt của hộ nông thôn thời gian qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm 2010 đến nay, ngành trồng trọt đã tích cực triển khai tái cơ cấu theo hướng xác định cây trồng chủ lực có lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hiệu quả thấp sang hiệu quả cao hơn, xây dựng Quy hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách để thực hiện; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức lại sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết quả giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 2,28%/năm, GDP ngành đạt 1,95%/năm.  Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chưa bền vững, có xu hướng giảm.

Thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực nông lâm thủy sản Việt Nam

27-9-2023

Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Nông nghiệp là nguồn sinh kế quan trọng và giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn. Việc đào tạo nguồn nhân lực được coi là giải pháp then chốt, là một trong 3 trụ cột chiến lược trong cơ cấu lại phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG NÔNG NGHIỆP: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ CÁC HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

27-9-2023

Thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thuận thiên là cách mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn để phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại. Để đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho nông sản thông qua ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, xanh-các bon thấp ứng dụng công nghệ cao; nông thôn văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Chuỗi nông sản quá lỏng lẻo: Cần chế tài gắn kết

27-9-2023

Thời gian gần đây, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lại dấy lên bức xúc về tình trạng tranh mua tranh bán, “bẻ cọc, bẻ kèo”, loạn giá…Vấn nạn này gây nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu…

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU Ở CẤP HUYỆN

27-9-2023

Xây dựng nông thôn mới “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, huyện cần tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là quan điểm được đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, nông thôn mới đạt chuẩn và nâng cao đã có các tiêu chí cụ thể ở cấp xã và cấp huyện, tuy nhiên nông thôn mới kiểu mẫu mới có quy định áp dụng đối với cấp xã, còn nông thôn mới kiểu mẫu ở cấp huyện chưa có quy định cụ thể mà mới chỉ đang triển khai thí điểm tại 04 huyện: huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định); huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng); huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Bài viết này bàn luận một số vấn đề nhằm gợi ý cho việc xây dựng quy định/hướng dẫn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

8 giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

27-9-2023

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi và Luật HTX sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Hội nghị triển khai cập nhật và đồng bộ dữ liệu cán bộ công chức viên chức

13-9-2023

Ngày 13/9/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn cập nhật và đồng bộ dữ liệu Cán bộ công chức viên chức, do Vụ Tổ chức Cán bộ và Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp phối hợp với VNPT tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Tổ công tác 06 - Bộ Nội vụ.

Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản

22-9-2023

Phát triển nông nghiệp của Việt Nam thời gian quan đạt được nhiều thành tựu nổi bật và có vai trò ngày càng quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 53 tỷ Đô la Mỹ, sản phẩm nông sản tiếp cận đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đóng góp lớn của ngành trồng trọt và thủy sản. Để đáp ứng yêu cầu của ngày càng cao về chất lượng sản phẩm sản phẩm nông sản của thị trường trong nước và quốc tế, công tác xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có ý nghĩa quan trọng với nâng cao năng suất và chất lượng, thương mại quốc tế và hội nhập, và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe con người.

Thực trạng và Nguyên nhân hàng nông sản xuất khẩu vẫn gặp tình trạng bị trả về?

22-9-2023

Việt Nam là nước xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2022, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53,22 tỷ Đô la Mỹ, tăng 9,3% so với năm 2021; trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ Đô la Mỹ, tăng 4,8 %; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ Đô la Mỹ, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ Đô la Mỹ, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu Đô la Mỹ, giảm 7,1%. Tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ Đô la Mỹ, trong đó có 08 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 02 tỷ Đô la Mỹ (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 07 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ Đô la Mỹ (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,85 tỷ Đô la Mỹ; tôm 4,33 tỷ Đô la Mỹ; cà phê 3,94 tỷ Đô la Mỹ; gạo 3,49 tỷ Đô la Mỹ; cao su 3,31 tỷ Đô la Mỹ; rau quả 3,34 tỷ Đô la Mỹ; hạt điều 3,07 tỷ Đô la Mỹ). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ Đô la Mỹ, tăng 30% so với năm 2022.

Hội thảo Đối thoại đa bên về thị trường các-bon ngành nông nghiệp

21-9-2023

Lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng đất (AFOLU) có vai trò rất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, các giá trị môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học thì lĩnh vực AFOLU còn có vị trí quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ các-bon đảm bảo cho lộ trình thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC, 2022); cam kết cắt giảm 30% khí mê-tan so với lượng phát thải khí mê-tan 2020 và cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26. Những cam kết này đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất hơn nữa vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính chung của toàn cầu.