TIN TỨC-SỰ KIỆN

Cánh đồng mẫu lớn - xu thế phát triển mới của nền nông nghiệp hiện đại

Ngày đăng: 19 | 04 | 2012

Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là bước phát triển khách quan của sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất nước ta. Qua thời gian triển khai CĐML, cho thấy đây là một phương thức tổ chức sản xuất triển vọng phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bùi Bá Bổng
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bùi Bá Bổng đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình CĐML trên địa bàn cả nước.
Phóng viên (PV): Việc thực hiện "cánh đồng mẫu lớn" tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể trong việc triển khai thực hiện "cánh đồng mẫu lớn" ở ĐBSCL thời gian qua?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Mô hình cánh đồng mẫu lớn bắt đầu được Bộ NN-PTNT phát động xây dựng tại các tỉnh ĐBSCL vào tháng 3-2011 và được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân hưởng ứng tích cực. Ngay trong vụ hè - thu 2011, đã có 13 tỉnh, với 6.400 hộ tham gia tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đạt 7.800 ha. Đến vụ Đông Xuân 2011-2012, diện tích CĐML đã tăng lên 15.500 ha ở 8 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Tây Ninh.
Hầu hết các CĐML đã thực hiện ở Nam bộ đều thành công tốt đẹp cả về tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tiêu thụ thuận lợi, tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, điển hình là kết quả thực hiện CĐML ở TP. Cần Thơ, trong vụ Đông Xuân 2011-2012, với tổng diện tích 1.852 ha ở 3 huyện và 1.200 hộ tham gia đã đem lại lợi nhuận cho các nông gia tham gia tăng từ 28,3- 38,8%. Trong vụ Hè Thu 2012, các địa phương ở Nam bộ đang tiếp tục mở rộng CĐML. 
PV: Từ những kết quả trên, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trương nhân rộng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ra miền Bắc. Xin ông cho biết việc thí điểm xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" ở miền Bắc đã được triển khai như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: CĐML là một hình thức liên kết 4 nhà “nhưng có địa chỉ cụ thể”, trong đó liên kết nhà nông - doanh nghiệp là cốt lõi, chính quyền hỗ trợ cho việc liên kết và tạo điều kiện cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên cánh đồng đó.
Ở phía Bắc, vụ Đông Xuân 2011-2012 đã có 4 tỉnh tham gia thực hiện CĐML, trong đó Thanh Hóa 300 ha với 2 CĐML, Nam Định 560 ha với 12 CĐML, Thái Bình 240 ha với 3 CĐML và Hà Nội 3.500 ha với 31 CĐML.
Tuy nhiên, việc thực hiện CĐML ở phía Bắc có điểm khác hơn ở Nam bộ như quy mô cánh đồng nhỏ hơn và chỉ thực hiện được ở những nơi đã có dồn điền, đổi thửa. Vì vậy, để mở rộng phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh và TP ở phía Bắc chỉ đạo triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, ưu tiên cây lúa và các cây trồng có thị trường, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trên cơ sở nông dân tự nguyện và sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông...
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng
PV: Liệu mô hình cánh đồng mẫu lớn có phải là hướng đi phù hợp với sự phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại mà Việt Nam đang hướng tới?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Cánh đồng mẫu lớn là bước phát triển khách quan của sản xuất lúa ở ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất nước ta. Từ khi triển khai mô hình CĐML, đến nay sản xuất lúa đã có nhiều tiến bộ như: gieo sạ đồng loạt theo từng vùng, áp dụng qui trình sản xuất theo hướng thực hành tốt (GAP) trên cơ sở các kỹ thuật đã được ứng dụng rộng như “3 giảm 3 tăng” (giảm: lượng giống gieo sạ, phân đạm, thuốc trừ sâu; tăng: năng suất, chất lượng, hiệu quả” hoặc “1 phải 5 giảm” (phải: dùng hạt giống xác nhận, giảm: ngoài 3 giảm trên còn giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát thu hoạch) và đặt biệt là áp dụng máy gặt đập liên hợp.
Tuy nhiên, sản xuất lúa vẫn còn những mặt tồn tại kéo dài như sản xuất dựa vào nông hộ cá thể nên qui mô manh mún, các kỹ thuật tiên tiến không các nông hộ áp dụng đồng nhất làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, việc tiêu thụ lúa bị động, nông dân thua thiệt.
Vì vậy, đã đến lúc phải tạo ra sự liên kết của nông dân trên một cánh đồng để thống nhất thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến và gắn kết với thị trường tiêu thụ. CĐML đưa “nông hộ nhỏ ra cánh đồng lớn” để nâng cao toàn bộ chuỗi giá trị mà người sản xuất lúa và người kinh doanh lúa gạo đều có lợi và đóng góp nâng cao sức cạnh tranh của ngành lúa gạo nước ta.
PV: Thứ trưởng vừa khẳng định “Cánh đồng mẫu lớn là một phương thức tổ chức sản xuất triển vọng phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả”. Vậy, trong thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp gì để nhân rộng mô hình này trên cả nước, thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Qua một năm triển khai CĐML cho thấy đây là một phương thức tổ chức sản xuất triển vọng phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên để mở rộng cần xử lý nhiều vấn đề tiếp theo, trong đó nổi lên các vấn đề sau:
Thứ nhất, có lực lượng cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình là yếu tố quan trọng. Xuất phát từ hiện trạng nông dân có các trình độ kỹ thuật khác nhau, vì vậy việc tập huấn, hướng dẫn nông dân phải được làm hết sức kỹ lưỡng. Cần có kế hoạch đào tạo những nông dân nòng cốt để họ trở thành một nhóm cán bộ kỹ thuật có khả năng hướng dẫn nông dân ở từng cánh đồng. Vì lực lượng cán bộ khuyến nông của nhà nước hoặc của doanh nghiệp sẽ không đủ khi số cánh đồng tăng lên.
Thứ hai, việc nối kết CĐML với thị trường, đây là vấn đề khó nhất để mở rộng CĐML. Vì vậy, cần nhiều hướng để xử lý vấn đề này, hướng truyền thống là doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, nhưng hạn chế là hiện nay chưa được nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu vì lý do họ không tổ chức được việc thu mua trực tiếp với nông dân do thiếu nhân lực, thiếu kho tàng nên chủ yếu mua lúa qua thương lái, hoặc mua gạo nguyên liệu. Trong điều kiện như vậy, hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp đi đầu trong bao tiêu lúa cho CĐML, đây là những điển hình cần được khuyến khích, đúc kết để lôi cuốn được nhiều doanh nghiệp vào cuộc. Mặt khác, cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đa dạng hơn các phương thức tiêu thụ bao gồm một số phương thức hiện đại như nông dân tham gia cổ phần trong doanh nhiệp kinh doanh gạo, đấu thầu tiêu thụ CĐML ở giai đoạn lúa chín, một bộ phận nông dân ở CĐML trở thành thương lái làm dịch vụ vận chuyển lúa đến nhà máy của doanh nghiệp,…
Thứ ba, cần tổ chức điều hành CĐML như thế nào cho phù hợp?. Trong thời kỳ thí điểm hiện nay, chính quyền địa phương vào cuộc rất tích cực ngay cả trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng để xây dựng CĐML. Tuy nhiên, phải tính ngay đến việc đào tạo các nông dân nòng cốt để họ có thể điều hành, quản lý CĐML. Ngoài ra, CĐML có thể nằm trong hợp tác xã hoặc là cả một hợp tác xã.
Năm 1990, sản lượng lúa của nước ta chỉ đạt 19 triệu tấn, 20 năm sau đó (năm 2010) sản lượng đạt đến 40 triệu tấn. Năng suất lúa từ chỗ chỉ hơn 3 tấn/ha đã tăng lên bình quân 5 tấn/ha, thậm chí đến hơn 7 tấn/ha. Theo dự báo, đến năm 2020, nước ta sẽ chỉ còn 9,5 triệu nông dân. Vì vậy, CĐML hiện là một bước chuyển quan trọng trong sản xuất lúa gạo, không những giải quyết cơ bản bài toán đầu ra cho hạt lúa mà còn là chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn. Đây là mô hình sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn đang được xem là hướng đi tất yếu trong tương lai.
Thứ tư, cần thiết đầu tư cơ sở hạ tầng cho CĐML, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa, hoàn thiện thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện, nâng cấp giao thông đến cánh đồng, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, ưu tiên bảo hiểm nông nghiệp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào CĐML…
Thứ năm, CĐML là một phương thức sản xuất kiểu mới thay thế kiểu sản xuất truyền thống dựa vào nông hộ cá thể bao đời nay. Vì vậy phát triển CĐML lớn không thể vội nhưng cần tích cực và kiên trì, làm chắc, từng bước, chọn địa bàn thuận lợi làm trước, đúc kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, gắn kết chặt chẽ với đào tạo nông dân, xây dựng nông thôn mới. CĐML là hình ảnh nổi bật của nông thôn mới ở các vùng vựa lúa của nước ta. Hiện nay, ngoài cây lúa một số cây trồng, vật nuôi khác có thể áp dụng mô hình kiểu CĐML, nên bắt đầu với những mô hình thí điểm...
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=518457

NỘI DUNG KHÁC

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Làm rõ bản chất hợp tác xã

19-4-2012

Tiếp tục phiên họp thứ 7, chiều 18/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Cần cơ chế huy động nhiều nguồn lực khác nhau

19-4-2012

Sáng 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cho ý kiến về báo cáo này. Chiều cùng ngày, dự án Luật Hợp tác xã đã được UBTVQH xem xét, thảo luận.

Chính sách tiêu thụ đường: Sắp hết vụ, vẫn chưa thấy quyết

17-4-2012

Hiệp hội mía đường Việt Nam ngán ngẩm phản ánh, vụ mía 2011 – 2012, trong khi nhiều DN mía đường trong nước loay hoay tìm lối thoát khỏi cơn bĩ cực, thì chính sách cho giá mía đường dù đã bàn nát nước từ cuối năm 2011, nhưng tới giờ vụ ép sắp hết, vẫn chưa thấy quyết.

Thu mua tạm trữ lúa gạo ở ĐBSCL: Lợi ích có thực sự đến với nông dân?

17-4-2012

Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo vô tình tạo thêm cơ hội cho một số nhóm người trục lợi trên thành quả khó nhọc của người nông dân.

VASEP kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

17-4-2012

Ngày 12/4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tháo gỡ một số biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu.

Tín dụng nông nghiệp nông thôn là ưu tiên hàng đầu

17-4-2012

Theo Ngân hàng Nhà nước, cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất ở các vùng vừa bị thiên tai, bão lụt là ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng trong bốn ưu tiên cho vay trong năm 2012.

Quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung ở Nam Bộ: Cần gắn với thị trường tiêu thụ

17-4-2012

Tại Hội nghị quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung ở Nam Bộ và đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, bên cạnh việc mổ xẻ những bất cập của ngành, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng cây ăn trái tập trung sẽ không thể phát triển bền vững nếu không gắn quy hoạch với thị trường.

Bộ ngành cãi nhau: nông dân lãnh đủ

16-4-2012

Nhưng không hiếm khi có chuyện gây bức xúc hay thiệt hại lớn cho người dân thì các tranh cãi như thế lại diễn ra. Những lúc đó, bộ ngành nào cũng có cơ sở, ai cũng có đủ lý do để cho mình đúng.

23.000 hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp

16-4-2012

Tin từ Bộ NNPTNT cho biết, trong số 21 tỉnh, thành được thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mới có 2 tỉnh tỉnh ký hợp đồng với các hộ nông dân là Nghệ An và Đồng Tháp.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): Cho vay nông nghiệp, nông thôn với nhiều thủ tục ưu đãi

16-4-2012

Là một trong những ngân hàng có tổng số dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tỷ trọng lớn, trong năm 2012 này, LienVietPostBank khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

16-4-2012

Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, tăng hiệu quả cấp nước cho sản xuất và đời sống; chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu là mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn cả nước vẫn còn nhiều bất cập.

Kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

16-4-2012

Thời gian qua, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã khiến dư luận hết sức lo lắng, giải pháp nào để xử lý tận gốc rễ thực trạng này để người dân có thể yên tâm? Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.