ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

FTA Việt Nam - EU: Sẽ vượt qua thách thức để đón cơ hội

Ngày đăng: 16 | 03 | 2011

Với tính chất cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu rộng, việc đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập tốt hơn thị trường khó tính châu Âu. Tuy vậy, để đi tới hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thức thách.

FTA Việt Nam – EU được xem là bước phát triển tiếp của những hiệp định khung đã được ký giữa 2 bên. Lãnh đạo cấp cao 2 bên cũng thể hiện đồng thuận trong xem xét nghiên cứu đàm phán Hiệp định FTA.
 
Cơ hội Việt Nam đang chờ đón
 
Quan hệ thương mại Việt Nam – EU trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đầy ấn tượng. EU – một khu vực kinh tế đa dạng với 27 quốc gia thành viên đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Năm 2010, EU đứng thứ hai trong các nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ năm trong nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tuy vẫn là một đối tác nhỏ của EU (đứng thứ 31 trong nhập khẩu vào EU và đứng thứ 41 trong xuất khẩu từ EU) nhưng có nhiều tiềm năng với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và một thị trường có dân số trẻ với sức hấp thụ hàng hóa, dịch vụ lớn, một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, ổn định…
 
Nghiên cứu của Tổ chức dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MutrapIII) về tác động tiềm năng của FTA Việt Nam-EU đến các khía cạnh của nền kinh tế cũng cho kết quả tích cực.
 
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng trưởng trung bình 4%/năm (6% đối với các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, với mức cắt giảm thuế quan đến 0%). Trong khi đó nhập khẩu cũng có thể tăng 3,1%/năm do cam kết mở cửa thị trừơng trong nước. Đầu tư trực tiếp từ EU sang Việt Nam có thể tăng nhờ cam kết mức độ tự do cao hơn và chất lượng đầu tư sẽ được cải thiện hơn...
 
Bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế cho rằng “khi tham gia hiệp định này nếu mình đặt vấn đề tốt, môi trường đầu tư tốt thì mình có thể thu hút được vốn vào các ngành phụ trợ, ngay bản thân các đối tác trong EU cũng thấy được sự thiếu vắng các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Đó cũng là một trong mục tiêu của họ để tham gia cùng với Việt Nam. Điều này đều có lợi cho ta và EU”.
 
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang – Thư ký Ủy ban tư vấn về chính sách thương mại quốc tế (VCCI), nghiên cứu một số FTA mà EU đã ký kết với các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam cho thấy các FTA đều có tác động khả quan đến nền kinh tế các nước. Ví như, FTA Mexico – EU có hiệu lực từ năm 2000 đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến trao đổi thương mại giữa hai nước này. Thương mại song phương tăng 207% năm 2008 so với năm 1999, trong đó xuất khẩu tăng 228% và nhập khẩu tăng 196%. Lao động, việc làm và chuyển giao công nghệ được cải thiện rõ rệt. Tương tự, trao đổi thương mại giữa Nam Phi và EU cũng tăng mạnh kể từ khi FTA giữa hai nước có hiệu lực năm 2000 với nhập khẩu từ EU vào Nam Phi năm 2008 tăng 160% so với năm 2001 và xuất khẩu tăng 143%.
 
Đánh giá với các doanh nghiệp, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, thị trường EU đang là thị trường rộng lớn, nếu đàm phán thành công, có thể mở cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội về nhiều mặt.
 
Ông Nguyễn Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội bông vải sợi Việt Nam khá phấn chấn với thị trường tiềm năng này: “Hiện thuế nhập khẩu của ngành hàng dệt may vào EU là 11,7%, nếu kí FTA thuế sẽ về 0% tất nhiên giai đoạn đó cũng phải mất từ 5-7 năm. Nhưng bước đầu chỉ cần đưa thuế về khỏang 10% cũng đã đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho rất nhiều doanh nghiệp trong ngành này”.
 
Đối với ngành thép, ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cũng cho biết: “Trong ngành thép chưa có một hợp tác chính thức nào với EU, tuy nhiên, những trang thiết bị nhập từ EU đã được sử dụng rộng rãi trong ngành thép với chất lượng sử dụng cao. Vì vậy, việc ký kết FTA sẽ tạo môi trường thuận lợi cho EU đầu tư vào ngành thép của Việt Nam”.
 
Vượt qua thách thức để đón cơ hội
 
Trước câu hỏi Việt Nam có quá mạo hiểm trong việc tiến đến ký kết hiệp định FTA khi ngành công nghiệp phụ trợ còn nhiều yếu kém? ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Uỷ ban tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế (VCCI) đã thẳng thắn khẳng định: “Việc hô hào phát triển nền công nghiệp phụ trợ đã diễn ra trong vài chục năm trở lại đây. Tuy nhiên có một thực tế, đó là chủ trương có từ lâu nhưng chúng ta lại không làm được. Nhiều khi đến cả đinh vít, bu lông, cũng phải nhập ngoại. Vì vậy chúng ta cần tìm một hướng giải quyết khác. Theo tôi chúng ta cần tạo điều kiện để những nhà sản xuất công nghệ cao, họ có thể vào Việt Nam để phát triển. Nếu không chúng ta cứ mãi làm gia công thì sẽ có những bất cập”.
 
Vẫn biết để đi đến FTA, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, một số các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra e ngại, khi FTA được ký kết, các mặt hàng Việt Nam tại nước ngoài liệu có khẳng định được thương hiệu hay không?. Thực tế cho thấy, đa phần các mặt hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài đều không mang giá trị thương hiệu. Đây cũng chính là khó khăn đã tồn tại từ lâu của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Theo giáo sư Claudio Dordi – Chuyên gia MUTRAP III, nội dung dự kiến của hiệp định FTA Việt Nam – EU bao gồm vấn đề thương mại hóa, đầu tư, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, các vấn đề cạnh tranh và xã hội. Theo đó, cần có hệ thống quy định chặt và những hợp tác về mặt pháp lý, đặc biệt trong giải quyết rào cản phi thuế quan.
 
Vị giáo sư này cũng đã rất thẳng thắn chỉ ra một trong những trở ngại đối với Việt Nam “một trong những thách thức là khi Việt Nam mở của thị trường khi cho những hàng hóa và dịch vụ của EU vào nghĩa là những nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong nước phải khó khăn hơn khi phải đối mặt với các đối thủ từ châu Âu nhất là trong lĩnh vực dịch vụ”.
 
Liên quan đến trực tiếp quyền lợi của doanh nghiệp, ông Sơn cũng khá băn khoăn “FTA tạo ưu đãi về thuế quan cho các ngành nghề, nhưng mỗi ngành nghề lại quan tâm đến một số ưu đãi khác nhau. Như ngành bông sợi của chúng tôi quan tâm nhất là về qui tắc xuất xứ các sản phẩm. FTA có thể đưa thuế về 0%, nhưng nếu qui tắc xuất xứ sản phẩm quá chặt chẽ thì doanh nghiệp như chúng thôi không thể có lợi”.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì đó chỉ là những khó khăn mà bất cứ doanh nghiệp nào muốn thành công cũng phải vượt qua. Bà Chi Lan cũng cho rằng, những khó khăn trên thì các thành viên EU và cả các doanh nghiệp Việt Nam đều sớm biết trước. Việc hiệp định được ký kết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam để xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ. Từ đó, Việt Nam có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng vị thế quốc gia lên so với các nước trong khu vực.
 
Hiện nay Chính phủ cũng khuyến khích những hình thức đầu tư như hợp tác nhà nước và doanh nghiệp (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo các chuyên gia kinh tế, những hiệp định như thế này sẽ thúc đẩy các hình thức đầu tư như thế phát triển. Vấn đề là trong đàm phán cần sáng suốt để lựa chọn những điều khoản có lợi với những thế mạnh sẵn có, cố gắng giảm ảnh hưởng bất lợi. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường EU rộng lớn với mức thuế thấp hơn và những rào cản thương mại phi thuế quan cũng sẽ giảm bớt.
 
Bởi vậy, trong bối cảnh này, việc đàm phán và kí kết một FTA giữa Việt Nam-EU được xem là một bước đi nhiều khả năng sẽ được thực hiện hóa trong thời gian tới đây.
 
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

NỘI DUNG KHÁC

Trồng cây ngọt, thu trái đắng

16-3-2011

Với lý do công suất nhà máy không đáp ứng hết lượng mía trong dân nên nhiều ngày qua, 2 Nhà máy Đường An Khê và Bình Định đang hạn chế phiếu đốn mía. Hàng ngàn nông dân khốn đốn, bất bình, trong khi nhiều tư thương đã “đục nước béo cò”, ép giá mía xuống thấp hơn giá Nhà máy.

Mở cửa thị trường xuất khẩu gạo: Song hành cơ hội và thách thức

15-3-2011

Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2011 Việt Nam sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia. Họ sẽ không phải liên doanh liên kết đầu tư như trước mà thoải mái đứng chung sân với doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế này sẽ tạo ra cơ hội và thách thức song hành cho doanh nghiệp cũng như nông dân, người trực tiếp làm ra hạt gạo.

Khi doanh nghiệp nước ngoài “lấn sân” thu mua cà phê

8-3-2011

Giá cà phê trong nước từ 27/2-3/3/2011 tăng bất thường, đạt tới đỉnh cao mới, vượt qua kỷ lục năm 1994. Thị trường cà phê biến động mạnh do giá cả tăng cao nhưng khối lượng mua bán tăng theo không đáng kể, liệu có hiện tượng găm hàng đợi tăng giá?

Bất cập trong thu hoạch mía ở Phú Yên

8-3-2011

Đang là thời điểm mía chín rộ, giá mía nguyên liệu cao nên nông dân Phú Yên ồ ạt thu hoạch, trong khi các nhà máy đường không thể tiêu thụ hết, khiến một lượng lớn mía bị tồn đọng phải phơi nắng giữa ruộng, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.

Xuất khẩu 2011: Chú trọng giá trị gia tăng hàng hóa

8-3-2011

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, năm 2011, do khó tiếp cận thị trường mới nên cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã tới ngưỡng nên việc nâng cao chất lượng, giảm dần số lượng sẽ làm “đòn bẩy” nâng kim ngạch xuất khẩu.

Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL - Mừng lo lẫn lộn

7-3-2011

Đầu tháng 3-2011, các doanh nghiệp bắt đầu triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Giá lúa đang ở mức cao ngay thời điểm VFA triển khai thu mua tạm trữ được đánh giá là kịp thời, tạo sự phấn khích cho nông dân ĐBSCL. Song vẫn còn nhiều ẩn số lo ngại khi từ nay đến tháng 4, các tỉnh đồng loạt thu hoạch rộ, liệu có xảy ra tình trạng rớt giá?

XUẤT KHẨU TÔM CÁ VÀO MỸ: Mừng cho tôm, buồn cho cá tra

4-3-2011

Hôm qua (3.3), ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho hay, theo công bố sơ bộ mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 5 với tôm đông lạnh Việt Nam thì mức thuế đều giảm so với mức thuế CBPG lần thứ 4.

Thiếu nguyên liệu cá tra: Nhà máy hoạt động cầm chừng

3-3-2011

Tại ĐBSCL, do nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra nguyên liệu lên đến trên 25.000 đồng/kg. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải tạm thời ngừng hoạt động hoặc giảm công suất. Hằng ngày, nhân viên của từng doanh nghiệp liên tục rảo qua các vùng nuôi tìm mua cá đang tới lứa thu hoạch. Lượng cá nuôi trong dân không còn bao nhiêu nên đơn vị nào cũng tranh mua, thay nhau đẩy giá cá vượt mức 25.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp cà phê ngoại đang chiếm thị trường nội

2-3-2011

Từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp cà phê trong nước như ngồi trên lửa khi xuất hiện hàng chục doanh nghiệp nước ngoài xây dựng mạng lưới thu mua tới tận trang trại của nông dân các tỉnh Tây Nguyên.

Năng lực cạnh tranh: Bỏ qua hộ KD cá thể

28-2-2011

Hàng năm, VCCI luôn công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI về môi trường đầu tư dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ số PCI hoàn toàn bỏ qua khu vực hộ kinh doanh cá thể là những đối tượng không phải đăng ký kinh doanh.

Xuất khẩu đồ gỗ: Tiềm năng và thách thức

24-2-2011

Lâu nay, nhắc đến các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực trong nông nghiệp người ta thường nói đến XK gạo, cà phê, điều, thủy sản… ít khi nhắc đến XK đồ gỗ.

Xuất khẩu gạo - Bài toán tính kỹ với doanh nghiệp

24-2-2011

Diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp trên toàn cầu đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia là một trong những yếu tố chính tác động đến thị trường và giá gạo xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2011.