ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Trồng cây ngọt, thu trái đắng

Ngày đăng: 16 | 03 | 2011

Với lý do công suất nhà máy không đáp ứng hết lượng mía trong dân nên nhiều ngày qua, 2 Nhà máy Đường An Khê và Bình Định đang hạn chế phiếu đốn mía. Hàng ngàn nông dân khốn đốn, bất bình, trong khi nhiều tư thương đã “đục nước béo cò”, ép giá mía xuống thấp hơn giá Nhà máy.

Tại các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai (Đăk Pơ, Kbang, Kông Chro, thị xã An Khê), những ngày này thời tiết vô cùng nắng nóng. Người trồng mía ở đây cũng như đang ngồi trên đống lửa khi cây mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa có phiếu đốn từ nhà máy. Ông Mai Văn Tám ở huyện Đăk Pơ cho biết: “Với thời tiết nắng nóng như thế này, việc chậm chặt mía sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chữ lượng đường và trọng lượng mía. Hơn nữa, khi mía chưa kịp thu hoạch sẽ làm cho khả năng tái sinh của gốc chậm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vụ mía sau”.
Nhiều nông dân của vùng nguyên liệu mía ở đây cho rằng: Với tình trạng mua mía chậm như trên, thì đến cuối tháng 4/2011, các nhà máy mới thu mua hết mía trong nông dân. Đây là điều mà họ lo lắng nhất bởi thu hoạch muộn, các gốc mía sẽ phát triển chậm, theo đó năng suất và sản lượng vụ sau sẽ giảm đáng kể. Một điều đáng lo nữa là hiện nay, nguy cơ cháy ở những ruộng mía đang ở mức báo động cao, trên thực tế đã có nhiều ruộng mía ở khu vực này bị cháy. Với những nỗi lo thường trực như trên nên hiện tại, trong khi chưa có phiếu đốn của nhà máy, nhiều nông dân trồng mía ở khu vực này đã tìm đường bán mía cho các tư thương, cho dù giá bán thấp hơn giá nhà máy.
Theo điều tra của chúng tôi, hiện tư thương mua mía của nông dân ở đây chỉ với giá 650 ngàn đồng. Thống kê của các huyện, thị phía đông tỉnh Gia Lai, hiện khu vực này còn gần 7.000 mía chưa thu hoạch. Mỗi héc ta nếu bán cho tư thương với giá trên thì nông dân phải chịu thiệt khoảng 7- 8 triệu đồng. "Biết là chịu thiệt, biết làm thế này là tự ý phá vỡ hợp đồng với nhà máy, nhưng chúng tôi vẫn phải bán cho tư thương bởi không thể ngồi yên chờ phiếu đốn, nhìn ruộng mía của mình héo quắt mỗi ngày"- một nông dân trồng mía cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Lai ở thôn An Xuân 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê) có 5 sào mía vừa bị cháy trụi. Ông cho biết: Hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn, mọi chi tiêu, trang trải cho cuộc sống đều nhìn vào ruộng mía này. Mọi năm, đến thời điểm này thì ông đã thu hoạch xong, nhưng năm nay chờ mãi mà vẫn không có phiếu đốn của nhà máy. Ông ngậm ngùi: “Vừa rồi không may ruộng mía bị cháy, bây giờ ai mua mấy trăm ngàn tôi cũng bán để gốc mía còn kịp tái sinh cho vụ sau”. Ruộng mía của ông Lai và vài ruộng mía khác trong vùng bị cháy, như đốt thêm nỗi lo lắng cho người trồng mía ở đây.
Để giải quyết vấn đề mía tồn đọng và nguy cơ cháy mía, dẫn đến thua lỗ của nông dân, chính quyền địa phương ở đây đã tìm mọi biện pháp để nhà máy sớm mua mía cho dân. Ông Nguyễn Trường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Pơ cho biết: “Nhìn những cánh đồng mía của nông dân đang bước vào giai đoạn khô, chúng tôi rất sốt ruột. Trước tình hình này, UBND huyện đã thành lập hai đoàn công tác để làm việc với các nhà máy đường, yêu cầu nhà máy phải đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho dân”. Mới đây, Phòng Kinh tế thị xã An Khê cũng đã có báo cáo nhanh gửi UBND thị xã, đề nghị khẩn trương làm việc với các nhà máy đường trên địa bàn để giải phóng mía cho nông dân.
Mặc dù chính quyền các địa phương nơi đây đã và đang có nhiều động thái tích cực, thiết thực nhằm giảm bớt thiệt hại, giảm bớt nỗi lo cho nhân dân, tuy nhiên tình hình vẫn chưa mấy sáng sủa bởi các nhà máy vẫn cứ “đủng đỉnh” kéo dài vụ ép để không phải quá tải vì “công suất nhà máy có hạn”.
Được biết, hiện nay một số Nhà máy Đường lân cận đang thiếu nguyên liệu để ép, nhưng vì đây là vùng nguyên liệu của hai nhà máy Đường An Khê và Bình Định nên nông dân không thể chở mía ra khỏi địa bàn. Trong khi đó, phiếu đốn mía của hai nhà máy này cấp cho nông dân theo kiểu “nhỏ giọt” nên tư thương đã lợi dụng ép giá nông dân.Trong vai người có 3 ha mía đang cần bán, tôi tìm gặp một tư thương thu gom mía ở thị xã An Khê để gạ hỏi. Tư thương này cho biết: Mía bây giờ rất khó bán, các nhà máy hạn chế phiếu đốn nên giá rất rẻ, chỉ mua được từ 600- 800 đồng/kg.
Hiện nhiều nhà nông đang đặt ra câu hỏi, có thực sự 2 Nhà máy đường An Khê và Bình Định hạn chế mua mía của dân là do công suất ép? Câu hỏi này này chỉ người trong cuộc mới có thể trả lời. Tuy nhiên, một sự thực hiển hiện là nông dân đang thiệt thòi gần chục triệu đồng trên mỗi hecta mía vì phải bán qua tư thương.
Người trồng mía ở Gia Lai đang chịu cảnh trồng cây ngọt nhưng… thu “trái đắng”.
Ông Nguyễn Minh Lục- Chủ tịch UBND xã Tú An (thị xã An Khê): “Hiện xã tôi còn gần 400 ha mía chưa thu hoạch. Nếu các nhà máy đường muốn kéo dài vụ ép thì phải đầu tư theo kiểu “bậc thang” và phải có chính sách bù giá cho nông dân. Có như vậy thì mới không còn cảnh quá tải như hiện nay”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

NỘI DUNG KHÁC

Mở cửa thị trường xuất khẩu gạo: Song hành cơ hội và thách thức

15-3-2011

Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2011 Việt Nam sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia. Họ sẽ không phải liên doanh liên kết đầu tư như trước mà thoải mái đứng chung sân với doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế này sẽ tạo ra cơ hội và thách thức song hành cho doanh nghiệp cũng như nông dân, người trực tiếp làm ra hạt gạo.

Khi doanh nghiệp nước ngoài “lấn sân” thu mua cà phê

8-3-2011

Giá cà phê trong nước từ 27/2-3/3/2011 tăng bất thường, đạt tới đỉnh cao mới, vượt qua kỷ lục năm 1994. Thị trường cà phê biến động mạnh do giá cả tăng cao nhưng khối lượng mua bán tăng theo không đáng kể, liệu có hiện tượng găm hàng đợi tăng giá?

Bất cập trong thu hoạch mía ở Phú Yên

8-3-2011

Đang là thời điểm mía chín rộ, giá mía nguyên liệu cao nên nông dân Phú Yên ồ ạt thu hoạch, trong khi các nhà máy đường không thể tiêu thụ hết, khiến một lượng lớn mía bị tồn đọng phải phơi nắng giữa ruộng, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.

Xuất khẩu 2011: Chú trọng giá trị gia tăng hàng hóa

8-3-2011

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, năm 2011, do khó tiếp cận thị trường mới nên cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã tới ngưỡng nên việc nâng cao chất lượng, giảm dần số lượng sẽ làm “đòn bẩy” nâng kim ngạch xuất khẩu.

Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL - Mừng lo lẫn lộn

7-3-2011

Đầu tháng 3-2011, các doanh nghiệp bắt đầu triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Giá lúa đang ở mức cao ngay thời điểm VFA triển khai thu mua tạm trữ được đánh giá là kịp thời, tạo sự phấn khích cho nông dân ĐBSCL. Song vẫn còn nhiều ẩn số lo ngại khi từ nay đến tháng 4, các tỉnh đồng loạt thu hoạch rộ, liệu có xảy ra tình trạng rớt giá?

XUẤT KHẨU TÔM CÁ VÀO MỸ: Mừng cho tôm, buồn cho cá tra

4-3-2011

Hôm qua (3.3), ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho hay, theo công bố sơ bộ mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 5 với tôm đông lạnh Việt Nam thì mức thuế đều giảm so với mức thuế CBPG lần thứ 4.

Thiếu nguyên liệu cá tra: Nhà máy hoạt động cầm chừng

3-3-2011

Tại ĐBSCL, do nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra nguyên liệu lên đến trên 25.000 đồng/kg. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải tạm thời ngừng hoạt động hoặc giảm công suất. Hằng ngày, nhân viên của từng doanh nghiệp liên tục rảo qua các vùng nuôi tìm mua cá đang tới lứa thu hoạch. Lượng cá nuôi trong dân không còn bao nhiêu nên đơn vị nào cũng tranh mua, thay nhau đẩy giá cá vượt mức 25.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp cà phê ngoại đang chiếm thị trường nội

2-3-2011

Từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp cà phê trong nước như ngồi trên lửa khi xuất hiện hàng chục doanh nghiệp nước ngoài xây dựng mạng lưới thu mua tới tận trang trại của nông dân các tỉnh Tây Nguyên.

Năng lực cạnh tranh: Bỏ qua hộ KD cá thể

28-2-2011

Hàng năm, VCCI luôn công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI về môi trường đầu tư dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ số PCI hoàn toàn bỏ qua khu vực hộ kinh doanh cá thể là những đối tượng không phải đăng ký kinh doanh.

Xuất khẩu đồ gỗ: Tiềm năng và thách thức

24-2-2011

Lâu nay, nhắc đến các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực trong nông nghiệp người ta thường nói đến XK gạo, cà phê, điều, thủy sản… ít khi nhắc đến XK đồ gỗ.

Xuất khẩu gạo - Bài toán tính kỹ với doanh nghiệp

24-2-2011

Diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp trên toàn cầu đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia là một trong những yếu tố chính tác động đến thị trường và giá gạo xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2011.

14/2: Chấm dứt độc quyền xuất khẩu gạo!

17-1-2011

Bắt đầu từ ngày 14/2/2011, doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung không nhất thiết phải là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).