Hiệu quả lớn
Ông Lò Văn Xo, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khao (Mường Tè - Lai Châu) cho biết: Việc đưa báo chí về với đồng bào có ý nghĩa lớn, giúp nhân dân biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ; từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều cán bộ, đảng viên tích cực tìm hiểu những kiến thức hay trên sách, báo về truyền đạt lại cho bà con nông dân.
Quyết định 975/QĐ - TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thông qua kênh thông tin này, bà con được tiếp cận với nhiều cách làm hay trong phát triển kinh tế, từ đó góp phần nâng cao trình độ.
Trên địa bàn các xã của huyện Mường Tè, nhiều đầu báo, tạp chí đã rất quen thuộc với người dân như: Chuyên đề Kinh tế VAC (Báo Kinh tế nông thôn), Nông thôn ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, báo Lai Châu… Kiến thức về nuôi lươn, ếch, ba ba, nhím... đã được bà con vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào trong thực tế. Nhiều gia đình đã từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống lúa, ngô mới, giống cây ăn quả có năng suất cao vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Từ đó nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Vẫn còn bất cập
Qua đợt giám sát tình hình thực hiện Quyết định 975 của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, thì các sách, báo, tạp chí cấp phát miễn phí cho đồng bào mới phát huy tác dụng được 20 - 30 %.
Nguyên nhân của tình trạng này là do phụ cấp cho bưu tá ở các điểm Bưu điện - Văn hoá xã thấp, hiện chỉ có 275.000 đồng/tháng (tính theo mức 1.000 đồng/km) trong khi đó địa bàn đi lại rộng và khó khăn, có bản phải trèo đèo lội suối mới đến nơi. Anh Lý Văn Phéng (bưu tá xã Bum Nưa) tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề chuyển sách, báo, thư từ, bưu phẩm, bưu kiện đến với đồng bào các dân tộc trong xã được hơn 20 năm. Bản xa nhất là gần 30km, trong khi đó phụ cấp chỉ có 200.000 đồng/tháng. Với số tiền ấy chẳng đủ để mua xăng. Do đó, thay vì đi 3 chuyến, tôi chỉ đi 1 chuyến”.
Trên thực tế do các bản chưa xây dựng được nhà văn hoá cộng đồng nên sách, báo chủ yếu để ở nhà trưởng bản. Trong khi đó, có gần 30% trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản ở Lai Châu không biết chữ.
Cũng phải kể đến một nguyên nhân khác là tình trạng phát báo không đúng đối tượng, địa chỉ. Đơn cử như Tạp chí Thanh niên Dân tộc thiểu số miền núi lẽ ra phải được phát cho Ban chấp hành Đoàn xã nhưng lại gửi cho UBND xã dẫn đến công tác tìm hiểu thông tin của đoàn viên thanh niên không kịp thời.
Những việc cần làm ngay
Hiện nay, các nhà trường không gửi đơn đề nghị được cấp sách báo lên bưu điện do đó các loại sách, báo, tạp chí chưa được phân phối đến các điểm đó. Để chính sách ưu đãi của nhà nước đến được với tất cả đồng bào, Phòng Dân tộc các huyện nên rà soát lại nhu cầu đọc sách, báo tại các xã, bản, có đề xuất lên trên để lập danh sách cấp lại. Cần thường xuyên kiểm tra, báo cáo kết quả ở cơ sở về việc cập nhật các loại sách, báo, tạp chí, thể hiện hiệu quả như thế nào; qua đó biểu dương tập thể, cá nhân ứng dụng tốt các kiến thức trong sách báo vào thực tế lao động sản xuất.
Một trong những việc làm cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả của việc cấp phát sách, báo cho đồng bào là nâng mức phụ cấp của công chức cấp xã và bưu tá viên.
Hầu hết bà con dân tộc thiểu số, vùng khó khăn có trình độ dân trí thấp, việc đọc, hiểu những nội dung kiến thức qua các thông tin trên sách, báo là rất khó. Nên chăng, các loại sách, báo, tạp chí tăng số lượng các hình ảnh minh hoạ, đặc biệt là các hình ảnh gần gũi với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân vì tuyên truyền bằng những hình ảnh trực quan cũng đem lại hiệu quả không kém các hình thức tuyên truyền khác.
(Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn)