Tây Nguyên có 1,8 triệu ha đất đỏ bazan (chiếm 33,08% diện tích toàn vùng) tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng rất thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp; có 91.000 ha đất phù sa, 52.000 ha đồng cỏ tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Mật độ dân số thấp, 55 người/km2, khí hậu ôn hoà với hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Điều này đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút nông dân ở mọi miền đất nước đến Tây Nguyên lập nghiệp, chủ yếu làm nông nghiệp.
Dưới tác động của các chính sách kinh tế phù hợp, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đất nào cây ấy. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trong vùng có bước phát triển mới cả về lượng và chất theo hướng kinh tế hàng hoá. Nhiều mô hình kinh tế trang trại gia đình, hộ chuyên canh cây công nghiệp (cà phê, chè, cao su, điều, hồ tiêu...), chuyên chăn nuôi bò đàn, lợn hướng nạc... được hình thành và phát triển nhanh chóng. Các thế mạnh về nông nghiệp của Tây Nguyên như: phát triển hộ lâm nghiệp, hộ trồng cây công nghiệp, hộ chăn nuôi đại gia súc trên cơ sở thâm canh, sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất được phát huy và đem lại kết quả tích cực. Ngành kinh tế rừng cũng có những khởi sắc và mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động trong khi vẫn bảo vệ được phần lớn diện tích rừng nguyên sinh, rừng điển hình của khu vực.
Trong những năm qua, Tây Nguyên đã phát triển cây công nghiệp kết hợp trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc, về lâu dài có xu hướng hình thành nông trại và các hộ chuyên thực hiện dịch vụ chế biến nông sản. Theo hướng này, hệ thống lâm trường, nông trại đã tạo nên bước chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp. Từ cơ cấu: lương thực - chăn nuôi - cây công nghiệp và rừng sang cây công nghiệp và rừng - chăn nuôi - lương thực. Từ đó cơ cấu nông hộ cũng được chuyển đổi, gắn liền với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Chính sách thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ đã thực sự tác động đến người dân. Việc giao đất, giao rừng ngày càng ổn định gắn với lợi ích kinh tế là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy Tây Nguyên không phải là vùng có thế mạnh về sản xuất lương thực nhưng sản lượng lương thực có hạt vẫn tăng nhanh: năm 2000 là 907 nghìn tấn và năm 2007 là trên 2 triệu tấn. Lương thực bình quân cũng tăng từ 214 kg lên 310 kg/người trong thời gian tương ứng. Từ năm 2003 đến 2007, khu vực Tây Nguyên đã sản xuất đạt bình quân lương thực đầu người trên 300kg/năm, về cơ bản đã chủ động được lương thực cho toàn bộ dân số trong vùng.
Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm sau khi chuyển giao cho nông trường, cá thể sản xuất đại điền và hộ nông dân sản xuất tiểu điền đảm nhận đã tăng nhanh: từ 618 nghìn ha năm 2000 lên 640 nghìn ha năm 2005 và sẽ đạt khoảng 700 nghìn ha vào năm 2008; trong đó diện tích cây cà phê, cao su chiếm phần lớn, sản lượng thu được hằng năm đóng góp khoảng 60% giá trị kinh tế toàn vùng (bao gồm đối với cả người sản xuất và các hoạt động khác liên quan như chế biến, kinh doanh...). Riêng về cà phê, Tây Nguyên sản xuất và xuất khẩu trên 90% sản lượng của cả nước. Từ năm 2000, mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn, gắn với thị trường trong và ngoài nước đã được triển khai và đạt được những kết quả ấn tượng. Hiện nay toàn vùng có gần 6.200 trang trại, trong đó 90% là trang trại trồng cây công nghiệp dài ngày.
Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, tỷ trọng giữa các ngành kinh tế của vùng hiện đang ở khoảng 50/50, một bên là nông – lâm nghiệp và một bên là tất cả các ngành: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... tăng trưởng GDP toàn vùng hằng năm đạt trên 10%, trong đó nông, lâm nghiệp và các hoạt động liên quan chiếm trên 70%. Đánh giá chung về tình hình nông nghiệp Tây Nguyên trong những năm qua đã đạt được thành tích khả quan, đóng góp tương đối lớn vào thành tựu về nông nghiệp nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
(Nguồn: cema.gov.vn)