HỘI THẢO

Đắk Nông xây dựng các mô hình khuyến nông

Ngày đăng: 08 | 08 | 2008

Công tác khuyến nông có vai trò quan trọng trong việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Trong những năm qua, tỉnh Ðác Nông đã từng bước chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Gia đình anh Y Hoen ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô có bốn sào ruộng nước. Trước đây việc sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sử dụng các giống lúa của địa phương, nên năng suất thường chỉ đạt từ 2-3 tạ/sào.

Sau khi được cán bộ trạm khuyến nông huyện trực tiếp về hướng dẫn sản xuất bằng giống lúa lai Nhị ưu 838 và các kỹ thuật chăm sóc như bón phân, phòng trừ sâu bệnh... thì gia đình anh Y Hoen đã thay đổi hẳn thói quen sản xuất.

Ngay sau vụ lúa đầu tiên sử dụng giống lúa lai Nhị ưu 838 và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, năng suất ruộng lúa của gia đình anh tăng gấp hai lần. Từ đó trở đi, anh đã áp dụng cách làm mới này trên toàn bộ diện tích của gia đình mình.

Anh Y Hoen cho biết: "Nếu không được cán bộ khuyến nông hướng dẫn thì mình vẫn sản xuất theo cách cũ và cái đói, cái nghèo cứ đeo bám gia đình mình không dứt ra được. Bây giờ thì khác rồi, mình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây lúa cho năng suất cao lắm, gia đình mình không còn nghèo đói nữa, cảm ơn cán bộ khuyến nông nhiều lắm".

Không riêng gì gia đình anh Y Hoen. Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Nô được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, nhận lúa lai Nhị ưu 838 về canh tác, năng suất vượt trội.

Vụ mùa vừa qua, chị H'Sin ở xã Ðác Som, huyện Ðác Glong được chọn làm mô hình trình diễn năm sào ngô lai, năng suất đạt đến 12 tấn/ha.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất không những giúp gia đình tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà bản thân chị H'Sin cũng trở thành một khuyến nông viên ở địa phương.

Chị đã tận tình hướng dẫn lại cho bà con trong bon làng cách chọn giống, bón phân sao cho cây ngô đạt năng suất cao nhất.

Chị H'Sin tâm sự: "Bà con trong bon mình mừng lắm, kể từ khi biết sản xuất ngô lai, lúa lai và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình nào cũng có ngô, thóc đầy nhà, chẳng bao lâu nữa bon làng mình sẽ trở nên no đủ, giàu có. Tất cả là nhờ cán bộ khuyến nông đó".

Việc xây dựng các mô hình khuyến nông đã đóng vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao năng suất và hiệu quả canh tác mà còn góp phần làm thay đổi cung cách sản xuất trong đồng bào dân tộc.

Trong những năm qua, ngành đã đặc biệt chú ý đến việc triển khai nhiều chương trình về các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua các mô hình trình diễn, nhiều giống lúa có ưu thế như: IR 64, Nhị ưu 838, OM 2490, các giống ngô lai như C19, LVN 10, Bioseed, G49... các giống đậu nành, đậu xanh, cây bông vải cho năng suất cao đã trở nên phổ biến trên các cánh đồng.

Ngoài ra, các mô hình như trồng tre lấy măng, nuôi lợn hướng nạc, lợn sinh sản, nuôi ếch, ba ba, nuôi dê bách thảo... qua một thời gian triển khai, đến nay đa số bà con trong tỉnh đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nhờ đó mà nhiều hộ đã có của ăn, của để, từng bước xóa được đói nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang và đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Ðiển hình như gia đình anh Y Bhăm Kbuar, ở bon Ù, thị trấn Ea T'ling, ông Drim Ktul, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút; gia đình ông Y Xuân ở bon Bu N'Drung, xã Ðác N'Drung, gia đình ông Lâm Thiên Lý, dân tộc Nùng ở xã Trường Xuân, huyện Ðác Song và nhiều gia đình dân tộc thiểu số khác...

Ông Hoàng Quang Minh, dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn, chuyển vào lập nghiệp tại xã Nam Dông, huyện Cư Jút, tỉnh Ðác Nông năm 1992. Ngày đầu vào đây chỉ hai bàn tay trắng, đi làm thuê kiếm sống và tích góp mua được ít đất để sản xuất.

Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cây trồng, nhất là chịu khó quan sát, theo dõi mùa vụ, chỉ sau năm mùa rẫy, gia đình ông Minh đã làm được ngôi nhà ngói khang trang, mua được năm con bò, có cả kho ngô dự trữ hơn 10 tấn.

Ông Minh chia sẻ: "Trước hết cần phải chăm chỉ làm ăn, rồi cộng với một ít kiến thức do cán bộ khuyến nông truyền đạt, chỉ bảo... thì sẽ có "của ăn, của để" sau vài vụ sản xuất ấy mà".

Còn ở xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa thì có ông Lầu A Sy, dân tộc Hoa, là một trong những nông dân luôn "bám sát" cán bộ khuyến nông.

Nghe ngóng có loại cây trồng gì mới, ông đều hỏi cán bộ và nhờ họ giúp cho kỹ thuật canh tác, thế là ngoài trồng cà-phê, tiêu ông còn đầu tư trồng thêm bốn ha cam, quýt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Sy cho hay: "Ðất ở đây không phụ lòng con người, cái gì cũng vậy, ham học hỏi và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật là cây trồng cho kết quả hơn trước ngay mà. Gia đình tôi là một thí dụ đó...".

Những năm qua, Ðác Nông đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án "Phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020".

Ðề án này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi mục tiêu kiện toàn và phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến ngư nhà nước từ tỉnh đến thôn, buôn, bon, phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn đều có khuyến nông viên, tất cả các thôn, bon, buôn trong toàn tỉnh đều có cộng tác viên khuyến nông.

Tất cả các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số đều được tiếp cận và có cơ hội ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Ðề án còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất, bảo đảm tăng trưởng bình quân khu vực nông nghiệp là 6% hằng năm; góp phần xóa đói, giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc xuống ngang mức bình quân chung toàn tỉnh vào năm 2010.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðác Nông cho biết: "Trên cơ sở triển khai tốt đề án, ngành khuyến nông tỉnh đã tăng cường công tác khuyến nông trên địa bàn, nhất là tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đồng thời triển khai xây dựng nhiều mô hình khuyến nông giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Một số chương trình khuyến nông đã đồng hành cùng với bà con nông dân và mang lại nhiều kết quả thiết thực, như chương trình hướng dẫn người nghèo làm khuyến nông, chương trình thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi...".

Từ những chương trình được triển khai, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao đã phát huy hiệu quả, được bà con gắn bó, tin tưởng đưa vào sản xuất đại trà trên đồng ruộng và chăn nuôi trong gia đình.

Ðáng chú ý là các giống lúa lai và ngô lai, qua mỗi vụ năng suất đã được cải thiện đáng kể, góp phần ổn định an ninh lương thực và xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh.

(Nguồn: www.nhandan.com.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Đắk Lắk mở rộng đầu tư vào thủy điện, nông nghiệp

25-7-2008

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp nhiều giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư vào các dự án như: Dự án xây dựng thuỷ điện Đray H’Linh 3, có tổng vốn đầu tư trên 71 tỷ đồng (do Cty TNHH xây lắp điện Hưng Phúc triển khai thực hiện), dự án sơ chế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Thái Lan), với tổng số vốn đầu tư gần 6 triệu USD, quy mô 220.000 tấn sản phẩm/năm (Cty TNHH CP Việt Nam), dự án đầu tư xây dựng xưởng ươm tơ, tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng của Hợp tác xã nông nghiệp Cao Sơn...

Điện Biên: Hỗ trợ hơn 60 nghìn tấn giống nông nghiệp vụ xuân - hè

28-10-2008

Thực hiện kế hoạch phân bổ hỗ trợ giống ngô, đậu tương vụ xuân-hè 2005 của UBND tỉnh, Phòng Nông nghiệp-Địa chính huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã cấp 60.470kg giống cho 18 xã và 3 đơn vị trong huyện.

Ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên - Bước đi mới trong thời hội nhập

7-11-2008

Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản là một trong những hướng đi đúng đắn, hiệu quả của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên. Điều này đã tạo nền tảng cho sự tăng trưởng cũng như dịch chuyển cơ cấu kinh tế, thành công trên bước đường hội nhập.

Lào Cai với chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số

12-9-2008

Để tạo điều kiện học tập và rèn luyện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số đang theo học ở các trường dân tộc nội trú và các lớp nội trú dân nuôi.

UNHCR đánh giá cao Đắk Lắk về thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số

6-8-2008

Ngày 8/6, UBND tỉnh Đắk Lắc cho biết sau chuyến thăm và làm việc tạI tỉnh trong thời gian vừa qua, Trưởng đại diện Cao uỷ tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) khu vực, ông Hasim Utkan, đánh giá tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đắk Nông: Doanh nghiệp thuê đất để ... mất gần 2.000 ha rừng

3-11-2008

Sau khi Lâm trường giải thể, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất, rừng này giao cho 2 doanh nghiệp (DN) thuê đầu tư, triển khai dự án trồng rừng, cây công nghiệp và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ gần 2 năm sau, toàn bộ diện tích rừng trong dự án thuê đất đã… biến mất. Và đến nay vẫn còn khoảng 2.000ha đất rừng “chết” vì chưa có hướng xử lý.

Đắk Nông được hỗ trợ 10 vạn con cá rô phi giống

23-8-2008

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông tổ chức lớp tập huấn về nuôi cá rô phi cho bà con nông dân và các cán bộ khuyến nông cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đăk Buk So- Đăk Nông: Đổi đời nhờ cây Khoai lang

14-10-2008

Chuyển đổi mô hình từ trồng lúa độc canh sang trồng khoai lang Nhật bản, đời sống của khoảng 1200 hộ dân ở xã Đăk buk so, huyện Đak rlấp, Đăk Nông đã được cải thiện rõ rệt. Một vùng đất sỏi đá giờ được bao phủ bởi hàng nghìn ha khoai lang, qua đó giúp người dân ổn định sản xuất, có của ăn của để. Hơn 25% số hộ nghèo của xã nay đã giảm hơn một nửa.

Đắk Nông: trồng cacao cho thu nhập trên 60 triệu/ha

27-8-2008

Đến nay hiện trong tỉnh trồng được khoảng hơn 400ha ca cao, tập trung chủ yếu ở các huyện Đăk Mil, Đăk Song, Krông Nô, và thị xã Gia Nghĩa. Phần lớn cây ca cao được trồng dưới tán cà phê kinh doanh, vườn điều và ít nhiều trồng xen với các loại cây công nghiệp khác. Những năm trước đây trồng chủ yếu bằng cây thực sinh nhưng hiện nay người dân đã phần nào hiểu được tầm quan trọng và các yếu tố kỹ thuật nên đều chọn trồng bằng giống cây ghép. Nhiều diện tích đã sau 3 năm trồng đã cho thu hoạch và cho thu lợi đáng kể từ cây trồng này.

Đắk Nông: Người trồng cà phê vẫn còn chạy theo thị trường

15-9-2008

Chỉ trong mùa mưa năm nay toàn tỉnh Đắk Nông đã trồng mới hơn 850 ha cà phê, khi thấy giá cà phê tăng. Điều này chứng tỏ người trồng cà phê vẫn coi thường quy hoạch

Lào Cai: Xã hội hoá nghề rừng, từng bước thúc đẩy lâm nghiệp phát triển bền vững

31-8-2008

Trong những năm qua, công tác xã hội hoá nghề rừng đã góp phần đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp ở Lào Cai tăng trưởng giá trị từ 10 đến 12%/năm; thu nhập từ rừng đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/ha/năm; giá trị kinh tế lâm nghiệp đạt khoảng 300 đến 315,5 tỷ đồng/năm (bao gồm cả chế biến lâm sản), chiếm tỷ trọng 21,5% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần tích cực xoá đói giảm nghèo.

Lào Cai: Tiến tới tự cung tự cấp lúa giống

4-9-2008

Hàng năm, tổng diện tích gieo cấy của cả tỉnh lên tới 28.000 ha lúa nhưng Lào Cai vẫn phải nhập tới 80% lúa giống từ các tỉnh lân cận và Trung Quốc. Thị trường lúa giống ở Lào Cai không chỉ là một tiềm năng lớn mà còn là một thách thức lớn đối với những nhà khoa học của tỉnh trong lĩnh vực này.