Các chương trình như: khuyến nông cho vùng sâu vùng xa, khuyến nông cho người nghèo, khuyến nông với hoạt động xúc tiến thương mại đã đem lại hiệu quả đáng kể, góp phần lớn vào sự chuyển mình của Nông nghiệp - Nông thôn Lào Cai.
Các mô hình khuyến nông ngày càng đa dạng và phong phú, quy mô tập trung, đồng bộ. Nội dung các mô hình bám sát vào mục tiêu phát triển của tỉnh như mô hình luân canh tăng vụ, sản xuất rau an toàn, phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ và chế biến thức ăn cho gia súc, bảo quản gắn với chế biến và tiêu thụ... Điều này góp phần đáng kể thúc đẩy chương trình chuyển dịch kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, khuyến khích được nhiều hộ gia đình sản xuất và kinh doanh giỏi tham gia.
Trong quá trình thực hiện mô hình đã có sự phối kết hợp tốt giữa cán bộ khuyến nông với chính quyền địa phương; các đơn vị trong ngành với bà con nông dân thực hiện mô hình đảm bảo sự bình đẳng, tự nguyện, không áp đặt...
Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản cho nông dân là nội dung mới được coi trọng. Sản phẩm của người dân đã tham gia đầy đủ các hội chợ nông lâm sản do Trung ương và các tỉnh miền núi tổ chức. Nhất là trong 2 năm 2006 – 2007, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ Nông lâm sản các tỉnh miền núi phía bắc tại Sa Pa và Hội thi trâu, gạo tại Bảo Yên. Thông qua các hội chợ, hội thi đã tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh NLN ở trong và ngoài tỉnh quảng bá sản phẩm của các địa phương, học hỏi kinh nghiệm và xác định định hướng phát triển sản xuất hàng hoá, kết quả hội thi là những sản phẩm tốt được công nhận bằng những kết quả giám định...
Năm 2007, được sự giúp đỡ của chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp (ASDP), Hội đồng tư vấn Khuyến nông tỉnh Lào Cai ra đời, thể hiện rõ tính chất xã hội hoá khuyến nông. Đây chính là điều kiện để các nhóm đối tượng nông dân được tiếp xúc và hưởng lợi từ khuyến nông được nhiều hơn. Tăng cường được tính chủ động của địa phương trong việc tham mưu, tư vấn cho tỉnh về công tác khuyến nông, giúp đỡ nông dân trong việc tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hoá đặc sản của các địa phương
Một trong những trở ngại phổ biến nhất của dịch vụ khuyến nông là sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm việc tại thực địa để có thể tiếp cận tới một số lượng lớn nông dân trong toàn tỉnh. Do đó, các cơ quan, đơn vị trong ngành, các doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa vai trò trong việc tham gia vào cung ứng dịch vụ khuyến nông cho nông dân.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ khuyến nông cũng cần nâng cao năng lực để phù hợp với hướng đi mới trong thời kỳ hội nhập vào nền kinh tế, tạo tiền để cho việc đẩy mạnh công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh những năm tiếp theo.
Nguồn: Báo Lào Cai