Khu tái định cư (TĐC) Nam Pa So và Bắc Pa So trên đất huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, những ngày đầu năm 2007 như một công trường xây dựng, gió lồng lộng trên những ngôi nhà sàn và nhà gạch xây kiểu dưới xuôi. Đây là khu TĐC của người dân huyện Sìn Hồ phục vụ công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á.
Người một nơi, hộ khẩu một nẻo
Cuối năm 2005 có 60 hộ bản Thèn Chồ, xã Huổi Luông được TĐC tại khu Bắc Pa So. Từ tháng 4/2006 đã tiến hành di dân phi nông nghiệp của xã Chăn Nưa, Sìn Hồ và từ 6/10/2006 là di dân nông nghiệp; tổng cộng có 133 hộ dân của xã Chăn Nưa được bố trí ở khu TĐC Nam Pa So. Đến nay, hầu hết người dân trong diện di dời đã dựng nhà xong.
Điều ghi nhận là khu TĐC Pa So không phải kiểu nhà ống tập thể mái lợp proximăng mà chúng tôi đã thấy tại nhiều khu TĐC trước đây. Tại Pa So, nếu hộ nào có nhu cầu đăng ký thì ban quản lý sẽ xây nhà theo mẫu thiết kế chung, nếu không, bà con cứ việc dỡ nhà cũ chuyển về dựng. Điều này làm cho người dân phải di dời khỏi vùng lòng hồ yên tâm với khu TĐC trên đất Phong Thổ.
Nhưng điều đáng nói là những thủ tục hành chính. Người dân di cư chưa được chính quyền nơi ở cũ bàn giao hộ khẩu, giấy tờ hành chính liên quan đến họ cho địa phương mới - là CA huyện Phong Thổ và thị trấn Pa So. Hàng trăm con người đang trong cảnh người một nơi, hộ khẩu một nẻo. Về danh nghĩa, quản lý dân vẫn là chính quyền huyện Sìn Hồ, trong khi thực tế bà con đã về sống ở Phong Thổ.
Với 133 hộ dân xã Chăn Nưa mới di chuyển đợt 2 - đa số mới chuyển vào tháng 10/2006. Nhưng với 60 hộ di dân từ xã Huổi Luông (huyện Sìn Hồ) được tiến hành cuối năm 2005, tức là đến nay đã hơn 1 năm mà quản lý hành chính vẫn chưa theo họ về nơi ở mới! Do vậy, có nhiều việc liên quan đến thủ tục hành chính, người dân TĐC phải quay lại nơi ở cũ – cách xa hàng chục cây số đường rừng núi để giải quyết. Không chỉ vấn đề hộ khẩu, giấy tờ mà đến nay, tại 2 khu TĐC của người dân vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La thuộc địa bàn thị trấn Pa So, chưa có cơ quan đoàn thể, tổ chức đảng, đoàn nào được thành lập. Người dân TĐC vô hình chung bị “thả nổi”. Sinh hoạt đoàn, đội, phụ nữ hay tuyên truyền pháp luật, dân số... vì vậy cứ bỏ quên mấy trăm con người “di cư” giữa lòng thị trấn.
Những ngày giáp Tết Đinh Hợi vừa qua, trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sàn mới dựng lại nơi khu TĐC Pa So, ông Màng Văn Tướng - chủ tịch xã Chăn Nưa cứ băn khoăn: “Khu TĐC chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất, tất cả các điểm vui chơi cho bà con đón tết truyền thống như sân xòe múa đều không có...”. Nỗi lo của ông Tướng cũng là tâm sự chung của người dân tộc Thái tái định cư ở đây. Con đường đất đỏ quạch lầy lội ngày mưa, nước sinh hoạt cho bà con di cư cũng trong cảnh cung không đủ cầu; chưa nói đến nước có đảm bảo “sạch” không?”...
Thấp thỏm quy hoạch treo
Nằm ở đầu kia của tỉnh, trên địa bàn huyện Than Uyên, những người dân phải di dời để xây dựng 2 nhà máy thủy điện Huổi Quảng và bản Chát lại có nỗi lo khác. Để phục vụ cho việc xây dựng 2 công trình thuỷ điện này, sẽ có hơn 3.000 hộ dân của huyện Than Uyên phải di chuyển khỏi nơi ở. Dự kiến năm 2006 phải di dời hơn 50 hộ dân ở bản Chát thuộc xã Mường Kim và 56 hộ của bản Đốc xã Khoen On. Một con đường tạm dài hơn 10 km cũng đã được mở qua núi, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, để phục vụ cho việc di dân đối với 5 bản khu vực lòng hồ thuộc xã Mường Kim.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 1/2007, khi chúng tôi đến khu vực thi công thuỷ điện thì UBND huyện Than Uyên vẫn chưa di dời được hộ dân nào. Trong khi đó kế hoạch di dân, TĐC đối với 2 bản đầu tiên phải di dời đã phải hoãn lại mấy lần, lần gần đây nhất là ngày 15/12/2006.
Lý giải về những bất cập này, ông Phạm Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, phụ trách tái định cư thuỷ điện Huổi Quảng – bản Chát, cho biết đó là “do những bất cập trong quy hoạch tổng thể, do cơ chế đền bù chưa hợp lý”. Tiếp đến là những khúc mắc giữa chủ đầu tư là TCty Điện lực Việt Nam và chính quyền địa phương, những khúc mắc này được UBND huyện Than Uyên nêu rõ trong báo cáo số 123/UBND - TĐC gửi UBND tỉnh Lai Châu ngày 19/12/2006 rằng: “Để thực hiện kế hoạch di dân cần phải giải ngân thanh toán một số chính sách: đền bù cây cối hoa màu, vật kiến trúc, hỗ trợ di chuyển, cấp ứng hỗ trợ làm nhà.... Nhưng hiện nay vẫn chưa giải ngân được với lý do: Ban Quản lý Dự án Thủy điện 1 thuộc Tổng Công ty điện lực Việt Nam chưa chấp nhận ký nợ cho giải ngân với Ngân hàng. Vì phải chờ ý kiến của TCty điện lực Việt Nam đối với hai điểm TĐC này”.
Những người dân vùng lòng hồ vẫn phải thấp thỏm sống trong quy hoạch treo, hiện tại họ vẫn phải sẵn sàng di dời khi chưa biết được bố trí TĐC thế nào, mặt bằng khu TĐC của người dân bản Chát và bản Đốc vẫn chưa làm xong, chưa có đường dẫn nước phục vụ sinh hoạt; trường học chưa có... Không chỉ vậy, trước mong muốn được nhận toàn bộ tiền đền bù của dân để thu xếp cuộc sống mới, Ban quản lý TĐC vẫn kiên quyết: “Chỉ ứng trước 50% tổng số tiền đền bù”. Không hiểu có phải vì tiền vẫn chưa được giải ngân đủ?
Với những bất cập trên, tốc độ di dân chậm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thi công; đồng thời gây lo lắng cho những người dân phải chuyển khỏi vùng lòng hồ. Song, không thể cứ làm theo kiểu “bốc được dân đi là xong”. Năm 2007 sẽ có hơn 1.000 hộ dân phải di dời trong khu vực xây dựng 2 thuỷ điện Huổi Quảng và bản Chát. Nếu không có cách làm tích cực, phù hợp hơn thì tốc độ di dân, tái định cư e rằng sẽ tiếp tục chậm, cuộc sống của người dân vùng lòng hồ lại tiếp tục trong nỗi thấp thỏm.
Chưa thể nói hết những bất cập trong việc thực hiện di dân, tái định cư của người dân lòng hồ thuỷ điện Sơn La được TĐC ở Pa So và người dân trong diện di dời của vùng lòng hồ thuỷ điện bản Chát, Huổi Quảng (Lai Châu). Có điều, hàng ngàn người dân đã và đang sẵn sàng rời mảnh đất quê hương để lấy đất làm thuỷ điện. Song, có lúc, có nơi quyền lợi của người dân chưa được quan tâm đúng như họ được hưởng. Có lẽ nào lại để người dân di cư để làm điện mà rơi vào cảnh không điện, không nước và nhiều thứ khác. Đây là vấn đề mà các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu, TCty Điện lực Việt Nam và các ngành chức năng cần hết sức lưu tâm và có các biện pháp giải quyết hữu hiệu!
(Nguồn: giadinh.net.vn)