Vì sao vẫn quá nghèo?
Giáo sư-Tiến sĩ Đàm Văn Nhuệ, chủ nhiệm đề tài mở đầu cuộc trao đổi: Sau 21 năm đổi mới, kinh tế- xã hội nước ta có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất. Và trong các tỉnh Tây Bắc thì Lai Châu có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, đạt 216.000 đồng/năm, tức 18.000 đồng/tháng. (theo số liệu thống kê năm 2004). Tính riêng thu nhập của nhóm nghèo là 77.000 đồng/người/năm, tức 6.416 đồng/người/tháng. Vì vậy, làm thế nào để Lai Châu phát triển nhanh, bền vững và có những bước phát triển đột phá trong thời gian ngắn không chỉ là câu hỏi thường trực đối với các đồng chí lãnh đạo tỉnh mà còn là nỗi trăn trở của những nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế- xã hội vùng Tây Bắc.
Theo ông Cư Hòa Vần, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nghèo như vậy không phải vì người dân không chịu khó mà do khó khăn về điều kiện tự nhiên. Vùng đất này quá xa xôi và địa hình hiểm trở; việc đi lại, giao thương thực sự chật vật. Hạ tầng cơ sở đến nay vẫn rất yếu kém. Hiện mới có 60% tuyến quốc lộ được nhựa hóa; giao thông tỉnh lộ mới là cấp phối và phần lớn số xã trong tỉnh chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Hoạt động vận tải chủ yếu mới hoạt động một mùa (vào mùa khô). Đầu tư xây mới thì chưa được bao nhiêu, trong khi sự xuống cấp của hệ thống giao thông vận tải cùng với sự lạc hậu của hệ thống thông tin bưu điện, bưu chính-viễn thông, hệ thống cấp điện, nước… đang là những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Có ý kiến cho rằng, sau khi tách tỉnh (vào cuối năm 2003), các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh dường như còn lúng túng trong việc xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.
Cần những chính sách đột phá
Muốn phát triển phải xác định được những mũi nhọn kinh tế, đánh giá đúng đắn tiềm năng, tiềm lực của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Lai Châu cho biết: Tiềm năng khoáng sản đã được tỉnh xác định là một trong những mũi nhọn nếu như thu hút được các nhà đầu tư. Du lịch cũng là một lợi thế còn tiềm ẩn rất lớn của tỉnh. Ở đây, ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu lý tưởng, còn có một nền văn hóa rất phong phú, đậm đà bản sắc, được tạo nên bởi 20 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó, có những sắc thái dân tộc chỉ Lai Châu mới có. Lâm nghiệp là thế mạnh của tỉnh với rừng và đất rừng chiếm hơn 90% diện tích đất tự nhiên. Công nghiệp cũng có thể coi là một ngành kinh tế mũi nhọn nếu biết kết hợp phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, dựa trên hệ thống công trình thuỷ điện, các hoạt động chế biến nông-lâm sản v.v..
Tiềm năng là vậy mà Lai Châu vẫn khó khăn. Phải chăng đó là do thiếu các chính sách cần thiết, đủ tầm có thể tạo động lực cho sự đột phá?
Các nhà khoa học có mặt tại cuộc hội thảo đều nhất trí với luận điểm này và đề nghị rất cần hoàn thiện hệ thống chính sách của tỉnh. Cần phải hiểu rằng đầu tư ở đây là không chỉ riêng cho tỉnh mà là đầu tư cho an ninh, an toàn của quốc gia…
Giáo sư-Tiến sĩ Lê Du Phong nhấn mạnh tới chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ông, nếu không cải thiện nhanh chóng thực trạng hiện nay thì không thể nói đến sự phát triển nhanh được. Tuy nhiên, về vấn đề này Trung ương đóng vai trò quyết định và phải có sự tập trung đột phá trong đầu tư, vì chi phí triển khai ở vùng miền núi sẽ cao gấp nhiều lần so với vùng đồng bằng. Ví dụ, để tỉnh có đường giao thông đạt tốc độ 40-60km/h thì cần phải đầu tư gấp 10 lần so với con đường như vậy ở miền xuôi.
Tiến sĩ Trương Như Vương (Viện Chiến lược và Khoa học Công an) khẳng định: Rừng ở Lai Châu phần lớn là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng vì vậy nhiệm vụ số một của tỉnh là giữ rừng, bảo vệ thiên nhiên môi trường và bảo đảm an toàn phòng tránh thiên tai cho các tỉnh miền Bắc. Để giữ rừng thì phải bảo đảm cái ăn cho người dân. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ mà nên cung cấp đủ gạo cho người dân. Nhất là ở những khu vực không tự túc được lúa thì cần bao cấp 100% lương thực cho họ. Tiến sĩ Dương Đình Giám cho rằng, cần tích cực khuyến công với những chính sách đủ tầm nhằm khai thác có hiệu quả vùng nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với điều kiện kinh tế, địa hình của tỉnh miền núi. Trước hết, nhà nước cần trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm. Ngoài ra, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến công. Phải giải quyết tốt 3 yêu cầu: người lãnh đạo phải có quyết tâm phát triển công nghiệp trên địa bàn; tìm được những nhà đầu tư có tâm huyết và chọn đúng ngành nghề phù hợp…
Mặc dù khẳng định sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách nhưng các nhà khoa học đều nhấn mạnh một yếu tố rất quan trọng góp phần tạo sự phát triển đột phá. Đó là phải phát huy cao độ nội lực. Phải chống tư tưởng ỷ lại “đói không lo, cho không mừng”. Nếu không có sự tự vận động vươn lên thì đầu tư mấy, khuyến khích mấy cũng không có được kết quả tốt.
Tỉnh cũng cần chủ động quy hoạch và hình thành ngay một số khu đô thị và khu dân cư mới nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ và góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Chính sách dân tộc cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự cân bằng lợi ích giữa các dân tộc, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững…