Hầu như đến cơ quan, ban ngành, cơ sở nào từ cấp tỉnh xuống đến huyện thị đều gặp tình cảnh thiếu cán bộ nghiêm trọng, nhất là cán bộ có trình độ cao. Ngay sau khi thành lập, UBND tỉnh đã có Quyết định số 42/2004QĐ-UBND ngày 30.4.2004 về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực cho địa phương.
Theo đó, sinh viên trong và ngoài tỉnh tốt nghiệp các trường đại học chính quy loại khá trở lên có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, tình nguyện công tác lâu dài tại Lai Châu được bố trí đúng nghề, được sự hỗ trợ ban đầu là 3 triệu đồng/người (riêng đối với Đại học Y khoa, Dược, Sư phạm, sinh viên là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 5 triệu đồng). Sinh viên có trình độ thạc sĩ trở lên được hỗ trợ ban đầu là 5 triệu đồng. Nhưng những ưu đãi này vẫn chưa đủ sức nặng để kéo thêm nhiều cử nhân đến với Lai Châu.
Bà Hồ Thanh Hiệng, Phó trưởng phòng Đào tạo bồi dưỡng, Sở Nội vụ tỉnh cho biết, hiện nay cán bộ có trình độ chuyên môn cao tại các ngành như y tế, xây dựng, kỹ thuật đối với tỉnh Lai Châu rất thiếu. Nhưng với chính sách, chế độ đãi ngộ còn nhiều hạn chế nên kết quả thu hút đối tượng lao động có trình độ chuyên môn cao rất khó.
Hơn 3 năm thực hiện, số lượng lao động được hưởng chính sách đãi ngộ vẫn chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn. Từ năm 2005 đến nay toàn tỉnh chỉ thu hút được 145 người lao động có trình độ đại học, trong đó có 124 người làm việc ở cấp tỉnh và 24 người làm việc ở cấp huyện. Đáng buồn hơn, đối tượng sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ trở lên, tình nguyện lên công tác ở địa phương chưa có trường hợp nào.
Việc thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao tình nguyện lên công tác, gắn bó với Lai Châu là điều rất khó khăn, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như Y tế, xây dựng... Bác sĩ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Bệnh viện rất thiếu bác sĩ có tay nghề, mấy năm liền bệnh viện có chủ trương tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa sâu, bác sĩ định hướng, bác sĩ chuyên ngành nhưng là rất khó mặc dù Sở Y tế và tỉnh cũng đã kêu gọi, có những chế độ đãi ngộ tốt hơn các ngành khác".
Rất nhiều bác sĩ lên đây nhưng chỉ được 3 - 4 tháng tự bỏ về vì gặp quá nhiều gian khổ, cường độ lao động cao, trang thiết bị làm việc nghèo nàn chưa đáp ứng việc khám chữa bệnh, chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng, môi trường, khí hậu khắc nghiệt, giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân rất khó vì bất đồng về ngôn ngữ, đời sống sinh hoạt vất vả... Ngay cả một số bác sĩ của Lai Châu cũng đã rời đi bởi tác động của kinh tế thị trường, khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi còn rất xa, ở miền xuôi có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học cao hơn, lợi ích được hưởng bù đắp được công sức họ bỏ ra...
Để khắc phục tình trạng này, bà Hiệng nói: "Sở Nội vụ đang xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh thay đổi chế độ đãi ngộ đối với nguồn nhân lực có trình độ cao hơn, hấp dẫn hơn nhằm khuyến khích, động viên những người có năng lực, trình độ lên công tác, xây dựng Lai Châu".
Tuy nhiên, thật khó để yêu cầu trách nhiệm xây dựng, cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý hiệu quả nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của địa phương mà hơn 90% ngân sách phụ thuộc vào trung ương. Nhà nước cần có nguồn kinh phí và cơ chế hợp lý để hỗ trợ tỉnh Lai Châu thì địa phương mới có thể thu hút được nhân tài.
(Nguồn: www.laodong.com.vn)