Là một tỉnh có nhiều dân tộc, nên ngay từ khi được chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn (10/1991), Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã xác định thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn mới. Hơn 10 năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII được cụ thể hoá bằng 7 chương trình công tác trọng tâm với 27 đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề đến nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Bình quân nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt trên 8%; GDP năm 2002 tăng trên 2 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế của tỉnh nhằm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 1,7 lần; công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 3 lần; dịch vụ tăng 3,2 lần; xuất nhập khẩu tăng 20 lần; thu ngân sách tăng 10 lần (so với năm 1991). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm từ 54% năm 1991 xuống còn 16%. Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã có nhiều tiến bộ trong nhận thức về sản xuất hàng hoá và có ý thức vươn lên xóa đói giảm nghèo. Kết cấu hạ tầng được xây dựng từng bước đáp ứng cho sự nghiệp phát triển. Đến nay điện lưới quốc gia đã đến 99 xã, phường, thị trấn; cả tỉnh chỉ còn 3 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã. Hệ thống phát thanh - truyền hình được mở rộng diện phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh có 41 trạm thu phát lại truyền hình, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 63%. Đài phát thanh Lào Cai được phát bằng 6 thứ tiếng dân tộc trong tỉnh; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 75%. Báo Lào Cai và báo ảnh dành cho đồng bào vùng cao được phát không thu tiền đến từng thôn, bản và các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Tháng 5 năm 2000, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Hiện tại, Lào Cai có 11 trường dân tộc nội trú, hàng năm có gần 400 em học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó có nhiều em tiếp tục được đào tạo đại học, cao đẳng thông qua thi tuyển và cử tuyển, bình quân mỗi năm có 28 em dân tộc thiểu số vào đại học. Hơn 2 năm qua, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 71 nhà văn hóa thôn, bản phục vụ sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Các xã đều có tủ sách pháp luật. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được quan tâm đúng mức, 100% các xã có cán bộ trung cấp y tế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ nên đã chủ động trong việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ năm 2001 đến nay, Lào Cai đã có 17.570 lượt cán bộ được bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và văn hóa; 568 cán bộ trung cấp lý luận, 139 cán bộ cao cấp lý luận, 135 cán bộ thạc sĩ, cử nhân. Để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trước tình hình hiện nay, năm 2003 tỉnh đề ra 6 chương trình trọng tâm hướng về cơ sở gồm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xóa đói giảm nghèo; phát triển giao thông nông thôn; kiên cố hoá kênh mương, trường học; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Những chương trình trên được nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện, đang từng bước đi vào cuộc sống. Đó là những mặt thuận lợi rất cơ bản, song Đảng bộ tỉnh Lào Cai còn gặp không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc. Những khó khăn đó là:
Tuy đã có bước phát triển, nhưng đến nay tỉnh Lào Cai vẫn thuộc diện nghèo, đời sống của nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm 16,2%. Kết cấu hạ tầng thấp kém, địa hình phức tạp nên thông tin đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, sản xuất hàng hoá kém phát triển. Trình độ dân trí thấp, không đồng đều giữa các vùng, các dân tộc. Phong tục tập quán lạc hậu ở một số nơi còn nặng nề, đang là lực cản trong quá trình phát triển. Một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên xóa đói giảm nghèo. Năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số ở các cơ quan tỉnh chỉ chiếm có 19,81%; ở các huyện, thị chiếm 16,1%, thậm chí có huyện tỷ lệ này chỉ chiếm có 11%. Bên cạnh đó, kẻ địch luôn tìm cách lợi dụng những khó khăn về đời sống của nhân dân và những thiếu sót trong sự lãnh đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền để kích động, lôi kéo nhân dân theo đạo trái phép và di cư tự do làm cho đời sống càng trở nên khó khăn hơn.
Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về công tác dân tộc, xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh uỷ Lào Cai đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Một là, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu đến năm 2005 cơ bản không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm 50% so với hiện nay. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở để đến hết năm 2003 các xã trong tỉnh đều có đường ôtô đến trung tâm xã, đến năm 2005 có 70% số thôn bản có đường giao thông liên thôn, bản; trên 65% số xã có điện lưới quốc gia; kiên cố hoá kênh mương nội đồng các vùng trọng điểm lúa; xây dựng các chợ trung tâm xã tạo điều kiện thuận lợi phát triển hàng hoá và giao lưu cho nhân dân.
Rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo thế mạnh của từng vùng. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm tăng nhanh giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Quan tâm chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tiếp tục thực hiện các chính sách trợ cước, trợ giá vật tư nông nghiệp, hỗ trợ chất lợp, nước sinh hoạt và lãi suất tín dụng cho nhân dân phát triển sản xuất. Tiến hành quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho trên 5.000 hộ, cơ bản giải quyết được tình hình dân di cư tự do.
Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục - đào tạo, tạo nguồn đào tạo nhân lực trong những năm tới, tạo chuyển biến tích cực về giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Hình thành các mô hình trong tổ chức trường bán trú cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, tiểu học, THCS và THPT nhằm thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường. Duy trì phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, thực hiện tốt PCGDTH đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; phấn đấu đến năm 2005 có 80 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 60 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở; cơ bản kiên cố trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên. Đa dạng hoá các loại hình, phương thức và nguồn lực để phục vụ việc phát triển giáo dục. Bên cạnh hệ thống trường công lập, chính quy là chủ yếu, khuyến khích xây dựng hệ thống ngoài công lập. Thực hiện có hiệu quả chính sách học phí, học bổng nhằm khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số đến trường và nâng cao chất lượng học tập.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Thực hiện tốt việc cấp thuốc không thu tiền cho nhân dân ở 138 xã đặc biệt khó khăn. Tập trung xây dựng phòng khám đa khoa khu vực cụm xã. Tăng cường đưa bác sĩ về cơ sở, đảm bảo 100% phòng khám khu vực cụm xã đều có bác sĩ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động và có tủ thuốc.
Tạo sự chuyển biến về nhận thức và đổi mới trong công tác lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nêu cao trách nhiệm của các đoàn thể, của toàn dân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lào Cai. Tăng cường đưa thông tin đến cơ sở, tiếp tục thực hiện cấp báo (báo Nhân dân, báo Lào Cai và một số báo, tạp chí) không thu tiền đối với thôn, bản vùng sâu, vùng xa; tăng thời lượng phát sóng phát thanh, truyền hình và phát bằng nhiều thứ tiếng dân tộc; phấn đấu đến năm 2005 có 65% số hộ được xem truyền hình, 80% số hộ được nghe đài phát thanh chương trình của Trung ương và địa phương. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật ở các xã và các điểm bưu điện văn hóa xã. Tổ chức và quản lý tốt các hoạt động lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, từng bước xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn.
Ba là, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2005 cán bộ dân tộc thiểu số ở các cơ quan của tỉnh chiếm trên 20%, các dân tộc đều có người tham gia công tác. Phân bổ hợp lý cán bộ dân tộc thiểu số công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, kinh tế, nội chính, văn hóa, giáo dục, y tế… đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia kinh tế và xã hội.
Trên cơ sở những chính sách, chế độ do Nhà nước quy định tiếp tục bổ sung và ban hành một số chính sách mới phù hợp với tình hình của địa phương nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đi học. Quan tâm, phát hiện những học sinh có năng khiếu để có kế hoạch đào tạo và sử dụng lâu dài. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là nguồn cơ bản để xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong những năm tới. Đối với một số ngành, ban của tỉnh và một số phòng, ban của huyện, thị năm 2003 chỉ ưu tiên tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đảm bảo cho con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đều được bố trí việc làm.
Tiếp tục thực hiện luân chuyển, tăng cường cán bộ đi huyện, xã để tăng sức mạnh cho cơ sở. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở có điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước chủ động điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Chú trọng phát triển đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, là nữ ở những thôn, bản chưa có đảng viên, phấn đấu đến hết năm 2003 cơ bản không còn đầu mối không có đảng viên, các xã cơ bản có đảng uỷ. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh theo hướng gần dân, sát cơ sở, thiết thực phù hợp với lợi ích chính đáng của các hội viên và đoàn viên, ngày càng thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên mới.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc giám sát hoạt động của tổ chức và cán bộ cơ sở; giám sát sử dụng công quỹ, ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư; thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Bốn là, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là những nơi tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Các tổ chức trong hệ thống chính trị thường xuyên đi sâu, đi sát cơ sở nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh ngay từ cơ sở, không để dây dưa kéo dài và trở thành điểm nóng. Giải quyết có hiệu quả việc lợi dụng hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái phép, cơ bản ngăn chặn được tình trạng di dân tự do. Thực hiện tốt việc đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nghiện và buôn bán ma tuý trên địa bàn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng; an ninh, quốc phòng với phát triển kinh tế; giữ vững an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, trước mắt còn nhiều khó khăn thử thách nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai quyết tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng trong tình hình mới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực, đưa Lào Cai ngày càng phát triển, cùng cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Giàng Seo Phử
Uỷ viên Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai
Nguồn: cema.gov.vn