Ngày đăng:
15 | 03 | 2023
Sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích ngày càng gia tăng trong khi quỹ đất là cố định, đòi hỏi việc khai thác đất đai không chỉ dừng lại ở trên mặt đất mà cần mở rộng ra các khoảng không gian phía trên mặt đất cũng như dưới lòng đất. Ra đời từ thời kì La Mã, chế định quyền bề mặt được duy trì, hoàn thiện theo thời gian, được kế thừa và ghi nhận vào pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới bởi ý nghĩa quan trọng của nó trong việc điều chỉnh quan hệ của chủ thể có quyền đối với bề mặt đất, mặt nước đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác. Cùng với sự tiến bộ trong lịch sử lập pháp, Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 đã lần đầu tiên ghi nhận và bảo vệ quyền bề mặt với tư cách là một quyền khác đối với tài sản.
Ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng đất đai còn tương đối đơn giản, đó là: chủ yếu sử dụng khoảng không gian nằm trên bề mặt tự nhiên của đất để trồng cây, xây dựng công trình, nuôi trồng thủy sản. Việc xây dựng một số chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại hiện nay cũng mới chỉ dẫn đến việc khai thác lòng đất cho mục đích thương mại, và chủ thể có quyền sử dụng đất thì sẽ có quyền sử dụng không gian phía trên cũng như phía dưới bề mặt theo chiều thẳng đứng.Tuy nhiên, việc sử dụng đất trong tương lai sẽ không còn đơn giản như trên. Giống như các quốc gia tiên tiến ngày nay, phần lòng đất sẽ được sử dụng dưới hai dạng thức: (1) Nhà nước sử dụng lòng đất để xây dựng các công trình ngầm: đường đi bộ, tuyến đường tàu điện ngầm, sân ga ngầm... Ở Việt Nam những năm gần đây đã có sự xuất hiện ở các đường ngầm đi bộ (như đường Phạm Hùng, Ngã Tư Sở...) và đường giao thông ngầm cho các phương tiện (như hầm Kim Liên...). Tuy nhiên, các công trình này mới chỉ được xây dựng ở phần không gian ngầm mà diện tích đất bề mặt cũng đồng thời được Nhà nước sử dụng cho mục đích công chứ không thuộc về quyền sử dụng của các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. (2) Phần không gian dưới lòng đất được sử dụng bởi các chủ thể khác không phải Nhà nước. Các chủ thể khác có thể được Nhà nước giao, cho thuê diện tích đất đã xây dựng mặt bằng nằm dưới bề mặt tự nhiên để sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó, hiện nay xu thế chủ yếu trên thế giới là để sử dụng mặt bằng này để sản xuất, kinh doanh, hình thành nên các trung tâm thương mại, các “chợ” nằm dưới lòng đất.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng đất đai, cần có một cơ chế pháp lý cho phép khai thác sử dụng đất theo nhiều khoảng không gian khác nhau; cho phép các chủ thể có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận được quyền sử dụng đất ổn định đối với đất thuộc quyền sử dụng của người khác một cách dễ dàng, với chi phí vừa phải hợp lý, bảo đảm an toàn pháp lý đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để có thể an tâm đầu tư, dễ dàng giao dịch chuyển quyền, đồng thời sử dụng chúng làm tài sản thế chấp; cho phép những chủ thể có quyền sử dụng đất nhưng không khai thác hết tiềm năng của đất, cũng không muốn chuyển quyền hẳn cho người khác có được khả năng vừa bảo tồn được quyền sử dụng đất của mình, vừa cho phép người khác khai thác phần tiềm năng dư thừa của đất mà chưa được sử dụng hết. Cơ chế pháp lý này sẽ có được thông qua việc kiến lập và áp dụng chế định quyền bề mặt.
Trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền bề mặt, các pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là pháp luật về đất đai cần phải có những quy định cụ thể để nhà đầu tư có thể thông qua quy định của pháp luật, hoặc thông qua thỏa thuận với các chủ thể có quyền sử dụng đất để xác lập quyền đối với mặt đất, mặt nước, không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của các chủ thể đó.
Trong khuôn khổ báo cáo “Khuyến nghị chính sách và sửa đổi Luật Đất đai 2013 để thực hiện quyền bề mặt đã được quy định trong Bộ luật dân sự 2015”, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng các chuyên gia đã đi sâu phân tích quyền bề mặt theo quy định của Bộ luật dân sự trong mối quan hệ với các quyền tài sản khác để làm rõ các vấn đề quản lý nhà nước về đất đai đối với việc thực hiện quyền bề mặt ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất định hướng chính sách thực hiện quyền bề mặt trong pháp luật đất đai.
Toàn văn báo cáo tại đây.