ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Kinh nghiệm quốc tế về kinh tế chia sẻ trong quản lý chất thải và đề xuất khuyến nghị áp dụng cho Việt Nam

Ngày đăng: 07 | 09 | 2023

​​​​​​​Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) đã phát triển mạnh những năm gần đây trên toàn thế giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm quản lý chất thải. Các mô hình KTCS trong quản lý chất thải có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; đổi mới, cải thiện hiệu quả của công tác quản lý chất thải. Tuy nhiên, các mô hình KTCS trong quản lý chất thải ở Việt Nam còn hạn chế và gặp nhiều thách thức. Bài viết này tập trung làm rõ nội hàm của mô hình KTCS trong quản lý chất thải, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về KTCS trong quản lý chất thải và đưa ra khuyến nghị áp dụng cho Việt Nam.

1. Cơ sở lý luận về kinh tế chia sẻ

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống thông tin truyền thông và mạng xã hội, mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) đã phát triển mạnh trong những năm gần đây ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các mô hình KTCS không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế với sự kết nối thuận tiện, giá cả cạnh tranh do giảm chi phí giao dịch mà còn được đánh giá là có tiềm năng trong việc giảm tác động môi trường do tăng chia sẻ, sử dụng sản phẩm hiện có, giảm nhu cầu sản xuất thêm, từ đó giảm tiêu thụ tài nguyên. Cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về KTCS. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2014), KTCS là sự tái tạo (reinvention) các hành vi của thị trường truyền thống theo hướng mô hình tiêu dùng hợp tác. Thay vì tiêu dùng đơn thuần, KTCS được hình thành trên nguyên tắc tối đa hóa công dụng của tài sản thông qua việc cho thuê, cho mượn, trao đổi và cho tặng - được hỗ trợ bởi công nghệ. KTCS mang lại khả năng mở ra giá trị xã hội, kinh tế và môi trường chưa được khai thác của tài sản chưa sử dụng.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), KTCS được định nghĩa là một phương thức kinh doanh ngang hàng mới, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Trong đó, bản chất của mô hình KTCS là một mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Các mô hình KTCS mang lại lợi ích về kinh tế với sự kết nối thuận tiện, giá cả cạnh tranh do giảm chi phí giao dịch. Các mô hình này cũng có tiềm năng trong việc giảm tác động môi trường do tăng chia sẻ, sử dụng sản phẩm hiện có, giảm nhu cầu sản xuất thêm, từ đó giảm tiêu thụ tài nguyên (Retamal, 2017).

Từ một số định nghĩa trên có thể thấy, nếu hiểu theo nghĩa hẹp, KTCS là sự chia sẻ, dùng chung tài sản dư thừa, nhàn rỗi thông qua nền tảng số. Với cách hiểu này thì hầu như không có các mô hình trong quản lý chất thải vì người có chất thải thường muốn thải bỏ, không muốn sở hữu hay giữ lại chất thải, do đó, đối với chất thải khó có sự chia sẻ, dùng chung mà chỉ có các mô hình mua bán, cho tặng đồ cũ, phế liệu; cung cấp dịch vụ thu gom thông qua nền tảng số. Trong nghiên cứu này, mô hình KTCS trong quản lý chất thải được hiểu theo nghĩa rộng. Đối tượng được chia sẻ trong các mô hình KTCS trong quản lý chất thải không chỉ giới hạn trong (i) các loại chất thải, phế liệu, sản phẩm thải bỏ còn thể là: (ii) dịch vụ quản chất thải (dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; các thiết bị, nhân lực về quản lý chất thải); hoặc (iii) tri thức, thông tin, dữ liệu về quản lý chất thải. Theo đó, KTCS trong quản lý chất thải là là các mô hình trong đó chất thải (bao gồm cả sản phẩm thải bỏ), dịch vụ quản lý chất thải (bao gồm dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải, các thiết bị quản lý chất thải) và kiến thức/thông tin về quản lý chất thải được trao đổi/giao dịch/đồng sử dụng với sự hỗ trợ, kết nối của nền tảng số.

Dựa trên các tiêu chí về quyền sở hữu nền tảng số và cách huy động nguồn lực, sáng tạo giá trị thông qua nền tảng (Acquier, 2019), cũng như cách thức yếu tố chia sẻ được lồng ghép vào hoạt động tiêu dùng (Wieser, 2019), phần lớn các mô hình KTCS có thể được phân thành 3 loại như sau:

- Mô hình nền tảng số kết nối các bên: Chủ nền tảng số đóng vai trò trung gian giúp kết nối giữa người sở hữu tài nguyên và người có nhu cầu tiếp cận tài nguyên được nhanh chóng, hiệu quả nhất. Mô hình này có 02 dạng: (i) Mô hình kết nối có chuyển giao sở hữu, trong đó có sự chuyển giao quyền sở hữu (mua bán, cho tặng, trao đổi) từ bên sở hữu tài nguyên sang bên có nhu cầu sử dụng; (ii) Mô hình kết nối không chuyển giao sở hữu, gồm các mô hình cho thuê/mượn không thường xuyên, trong đó tài sản vẫn được sử dụng bởi chủ sở hữu và có thể được cho thuê/mượn khi không dùng đến.

- Mô hình tài nguyên dùng chung: Trong đó các chủ thể cùng đóng góp vào một bể tài nguyên chung, quản lý và chia sẻ giá trị tạo ra từ bể tài nguyên thông qua nền tảng số (ví dụ mô hình compost chất thải chung của thôn, xóm). Mô hình này có 02 dạng: (i) Mô hình đồng sở hữu, trong đó, quyền tiếp cận giới hạn trong những chủ sở hữu hay thành viên có đóng góp vào bể tài nguyên; (ii) Mô hình sở hữu cộng đồng, trong đó, nhiều chủ thể đóng góp xây dựng bể tài nguyên chung, nhưng không giới hạn tiếp cận mà chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng, thường với mục đích phi lợi nhuận.

- Mô hình nhà cung cấp nền tảng và tài nguyên chia sẻ: Chủ sở hữu tài nguyên cung cấp dịch vụ tiêu dùng chuyên nghiệp dựa trên tiếp cận thông qua nền tảng, trong đó nền tảng cũng do bên cung cấp tài nguyên quản lý.

2. Kinh nghiệm quốc tế về kinh tế chia sẻ trong quản lý chất thải

Trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình KTCS hướng đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Trong đó, đối tượng được chia sẻ chủ yếu là chất thải/phế liệu/sản phẩm thải bỏ. Cụ thể, hàng hóa/sản phẩm như sách, quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em… có thể được chuyển giao miễn phí như ở Freecycle Network, Zwaggle; trao đổi hoặc mua bán như ở eBay, Craigslist, và uSell. Phế liệu phát sinh tại hộ gia đình (giấy, nhựa, kim loại, chất thải điện tử) có thể được yêu cầu thu gom thông qua ứng dụng Kabadiwala (Ấn Độ) để tái sử dụng, tái chế và bán lại. Thực phẩm dư thừa từ siêu thị, nhà hàng được bán/chuyển cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp nhận thông qua Karma (Thụy Điển, Anh, Pháp), Olio (54 quốc gia), Phenix (Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Bỉ), Yume Food (sản phẩm không bán được trên nền tảng có thể được quyên góp cho các tổ chức từ thiện cứu trợ thực phẩm). Phương tiện giao thông cũ, hỏng được thu hồi qua các nền tảng số CarTakeBack (Anh, Úc, New Zealand, Ireland), Motorist (Singapore). Chất thải công nghiệp có thể được trao đổi, giao dịch thông qua nền tảng Chợ Nguyên liệu Hoa Kỳ (Mỹ), Chợ Nguyên liệu Ontario (Canada); chất thải hữu cơ từ nông nghiệp được mua bán trên Biotrading (Anh), Organix (Pháp)… Chất thải nguồn gốc thực vật/nhà bếp được tiếp nhận bởi các điểm làm phân compost, chăn nuôi (gà, giun) thông qua ứng dụng web và di động miễn phí ShareWaste (khởi điểm ở Úc, đến nay đã mở rộng ra nhiều nước thế giới). Như vậy, thông qua việc hỗ trợ thị trường chất thải/dịch vụ quản lý chất thải, nhiều mô hình KTCS có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các bên mua/bán, tái sử dụng, tái chế chất thải cũng như cho bản thân bên cung cấp nền tảng; đồng thời thúc đẩy tái sử dụng sản phẩm cũ, thải bỏ qua đó kéo dài vòng đời sản phẩm, vật liệu và giảm phát sinh chất thải. Chất thải không còn đơn thuần là đồ bỏ đi mà trở thành tài nguyên đúng nghĩa.

Việc phát triển các mô hình KTCS cũng thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải tại nguồn; đổi mới sáng tạo trong thu gom, vận chuyển; góp phần đẩy mạnh tái chế chất thải. Các mô hình KTCS có tính tùy chọn cao, có thể đưa ra giải pháp tối ưu trong từng trường hợp với các loại chất thải khác nhau; các dịch vụ thu gom, vận chuyển khác nhau; cũng như các đối tác tái sử dụng, tái chế khác nhau. Do đó, việc thu gom các phế liệu, phụ phẩm được thực hiện triệt để hơn, chất thải được thu gom ngay khi phát sinh, dễ dàng cho việc phân loại, qua đó thúc đẩy hoạt động tái chế. KTCS cũng tạo ra các dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải đa dạng, tiện lợi, thu hút người sử dụng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng bên cạnh dịch vụ thu gom, vận chuyển truyền thống.

Đa phần các mô hình KTCS hướng tới giúp liên kết các bên có nhu cầu phù hợp gần nhất để tiết kiệm chi phí và thời gian cho bên thu gom, vận chuyển và thuận lợi cho chủ nguồn thải. Một số mô hình KTCS trong đó đối tượng chia sẻ chủ yếu là dịch vụ quản lý chất thải còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật và thiết bị thông minh nhằm tối ưu hóa khoảng cách và lộ trình thu gom vận chuyển. Một ví dụ tiêu biểu là công ty RTS (Recycle Track System). Công ty này cung cấp 02 dịch vụ sáng tạo liên quan đến quản lý chất thải bao gồm (i) cho thuê thùng đựng chất thải và (ii) thu gom chất thải theo yêu cầu. Trong dịch vụ thứ nhất, các bên phát sinh chất thải được RTS cung cấp các thùng đựng rác phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khi thùng đã đầy, RTS sẽ mang thùng đi và đổi thùng mới. Trong dịch vụ thứ hai, RTS cung cấp một mô hình hoạt động tương tự như “Uber cho chất thải”, trong đó thông qua nền tảng, RTS kết nối bên phát sinh chất thải với một bên vận tải chuyên nghiệp. Bên vận tải thường là các xe rác thu gom chất thải theo lộ trình cố định không thuộc về RTS. Thông qua nền tảng công nghệ, RTS kết nối các xe này với khách hàng để khách hàng có thể được thu gom chất thải sớm nhất mà các xe rác cũng ít phải thay đổi lộ trình nhất, từ đó tối đa hóa hiệu quả thu gom.

Bên cạnh đó, KTCS có thể tiếp cận rộng rãi nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội, qua đó giúp nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung. Khi sử dụng nền tảng KTCS, các chủ thể có cơ hội thực hành tái sử dụng, tái chế, từ đó tạo ra sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi. Đặc biệt, trong các mô hình KTCS mà đối tượng được chia sẻ là thông tin, dữ liệu về quản lý chất thải, việc dễ dàng tiếp cận thông tin có thể giúp người có chất thải lẫn người tiếp nhận chất thải đưa ra các điều chỉnh hợp lý, kịp thời cũng như giúp cho các nhà chính sách, nhà sản xuất, các tổ chức xã hội có những hành động phù hợp. Ví dụ như Repair Monitor (Hà Lan) là nền tảng miễn phí giúp kết nối người có nhu cầu sửa chữa với các tình nguyện viên sửa chữa các thiết bị, vật dụng cho cộng đồng; đồng thời tổng hợp dữ liệu về các loại hỏng hóc thường gặp, khả năng sửa chữa... Dữ liệu này được chia sẻ để đưa ra khuyến nghị với các nhà chính sách, nhà sản xuất, các tổ chức xã hội nhằm khuyến khích thiết kế sản phẩm bền vững hơn; giám sát, xây dựng chính sách ứng phó với các chiến lược kinh doanh thiếu bền vững của nhà sản xuất.

3. Tổng quan thực trạng kinh tế chia sẻ trong quản lý chất thải ở Việt Nam

Ở nước ta, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; vẫn còn  khoảng 13% lượng CTR ở khu vực đô thị và 34% ở khu vực nông thôn chưa được thu gom; 71% tổng lượng CTR sinh hoạt được chôn lấp tại 904 bãi chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019). Điều này dẫn đến diện tích đất bị chiếm dụng lớn, môi trường khu vực chôn lấp bị ô nhiễm. Hoạt động thu gom, tái chế mang tính nhỏ lẻ, tự phát nằm trong các khu dân cư, làng nghề, tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường (Chính phủ).

Hiện nay, mới chỉ có một số mô hình KTCS trong lĩnh vực quản lý chất thải. Các nền tảng mua bán, cho tặng đồ cũ (như Aladin, Cho và Nhận), thu gom chất thải (như Rada, mGreen, Grac, Ralava, Green Points, Veca) còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ cá nhân/hộ gia đình tham gia và lượng chất thải thu gom còn thấp so với tiềm năng. Ngoài ra, cũng có một số nền tảng quản lý chất thải do cá nhân, tổ chức ngoài Việt Nam vận hành như ShareWaste, Olio, Recycleinme, tuy nhiên chưa thu hút được nhiều người dùng.

Nguyên nhân chính là do: (i) Chính sách, pháp luật về chuyển đổi số chưa có các quy định cụ thể về quản lý chất thải trong khi chính sách pháp luật về quản lý chất thải chưa có các quy định cụ thể về chuyển đổi số, về phát triển và ứng dụng các mô hình KTCS; (ii) Thị trường chất thải/phế liệu và dịch vụ quản lý chất thải chưa được vận hành đầy đủ, thị trường CTR sinh hoạt có thể tái chế chủ yếu do khu vực phi chính thức thực hiện; thị trường dịch vụ quản lý chất thải còn hạn chế; (iii) Hạ tầng kỹ thuật về chuyển đổi số và hạ tầng quản lý chất thải còn bất cập; (iv) Nguồn lực tài chính còn hạn chế, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải nói riêng, còn chưa cao.

4. Đề xuất khuyến nghị áp dụng cho Việt Nam

Qua nghiên cứu cho thấy, nhiều mô hình KTCS trong quản lý chất thải được hình thành ở các nước phát triển (EU, Úc, Hoa Kỳ, Singapore…), nơi mà nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng và xã hội về BVMT nói chung, tái sử dụng và tái chế chất thải nói riêng là cao cũng như chính sách, pháp luật về BVMT là hoàn thiện. Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải của các nước phát triển nhìn chung tương đối toàn diện và đồng bộ, trong đó bao gồm chính sách chung và các chính sách riêng biệt đối với từng loại chất thải, cùng với việc ứng dụng các công cụ như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần, công cụ kinh tế, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… Một số loại hình như chất thải nhựa, chất thải điện tử, phương tiện giao thông thải bỏ đang rất được quan tâm.

Vì vậy, muốn phát triển KTCS trong quản lý chất thải thì trước hết cần thúc đẩy quản lý chất thải dựa trên các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Xu hướng của thế giới hiện nay là phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quản lý tổng hợp CTR. Để phát triển thị trường chất thải, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng phát triển KTTH, ban hành, thực thi hiệu quả các quy định cụ thể về quản lý tổng hợp CTR và cơ chế EPR cũng như các công cụ khác cho từng loại chất thải. Trong đó, các mô hình KTCS nên được đề cập như là một trong các giải pháp thúc đẩy KTTH.

Để thị trường chất thải hoạt động hiệu quả, cần thiết phải xây dựng các quy định đối với nhà kinh doanh chất thải, đặc biệt là hoạt động môi giới thông qua nền tảng số, tạo nền tảng pháp lý cho phép thiết lập nền tảng số liên quan tới chất thải hoạt động và được quản lý bởi cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ, Ireland đã ban hành Quy định quản lý chất thải về đăng ký buôn bán và môi giới chất thải (2008), EU, Vương quốc Anh và một số nước khác cũng có các quy định tương tự. Việt Nam có thể xem xét công nhận lĩnh vực môi giới chất thải và xây dựng quy định đối với đơn vị cung cấp dịch vụ này.

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật thì việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải và KTCS cũng vô cùng quan trọng. Ưu điểm của KTCS là huy động được nguồn lực nhàn rỗi của toàn xã hội thông qua kết nối ở mức độ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ… Điều này cũng có nghĩa là sự thành công của các mô hình KTCS phụ thuộc lớn vào sự tích cực tham gia của cộng đồng.

Song song với đó, Việt Nam cũng cần có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và ứng dụng các mô hình KTCS nói riêng trong quản lý chất thải. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số trong lĩnh vực này với nhiều hình thức hỗ trợ. Các giải pháp kỹ thuật có thể bao gồm thành lập đơn vị đầu mối và cổng thông tin điện tử để hỗ trợ, giải đáp vướng mắc pháp lý cũng như cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho các doanh nghiệp KTCS. Các giải pháp tài chính bao gồm thành lập các quỹ hỗ trợ cho việc áp dụng các giải pháp số và thiết bị công nghệ thông tin, hoặc tài trợ cho các dự án, chương trình xây dựng và vận hành nền tảng số. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể xem xét học tập.

Trần Quý Trung, Dương Thị Phương Anh, Hoàng Hồng Hạnh

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Bộ Kế hoạch Đầu (2019) Báo cáo Đề án thúc đẩy hình kinh tế chia sẻ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 - Chuyên đề quản lý Chất thải rắn.

3. Chính phủ (2021), Báo cáo số 83/BC-CP ngày 22/3/2021 của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2020.

       Tiếng Anh

4. Acquier, A., Carbone, V., & Massé, D. 2019. How to Create Value(s) in the Sharing Economy: Business Models, Scalability, and Sustainability. Technology Innovation Management Review, 9(2): 5-24.

5. Waste management (registration of brokers and dealers) regulations. 2008 (S.I. No. 113 of 2008)

6. Minister for the Environment, Community and Local Government, Ireland (2014), Review of the Producer Responsibility Initiative Model in Ireland.

7. Harald Wieser. 2019. Consumption Work in the Circular and Sharing Economy: A Literature Review “Consumption Work and the Circular Economy” project. Sustainable Consumption Institute, University of Manchester.

8. Retamal, M., Dominish, E., 2017, The Sharing Economy in Developing countries. Prepared by the Institute for Sustainable Futures at the University of Technology Sydney (UTS) for Tearfund UK.

9. World Economic Forum (WEF). 2014. Towards the Circular Economy.

NỘI DUNG KHÁC

Kinh nghiệm xác định các động lực và rào cản khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

8-9-2023

​​​​​​​Các nghiên cứu và thực tiễn trên thế giới cho thấy rằng bản thân khu vực tư nhân cũng đang có những động lực rõ ràng để tham gia đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa - Những vấn đề đặt ra trong hoàn thiện chính sách đất đai

11-9-2023

   Nghị quyết số 18-NQ-TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã nhận định “Cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn...”.

Cách thức huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường làng nghề

15-9-2023

Cách thức huy động các nguồn lực tài chính cho xây dựng, thực hiện phương án bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, về cơ bản có thể mô tả vắn tắt như sau:

Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái theo hướng tuần hoàn tại Vườn quốc gia Côn Đảo

21-9-2023

Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo thuộc hệ thống rừng đặc dụng, tổng diện tích tự nhiên: 19.883,15 ha, gồm: Phần diện tích bảo tồn rừng trên các hòn đảo: 5.883,15 ha. Phần diện tích bảo tồn biển: 14.000 ha. Ngoài ra, diện tích vùng đệm trên biển là: 20.500 ha. Do đó, VQG Côn Đảo có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái vì sự đa dạng sinh học với nhiều loài đặc hữu hoang dã, các hệ sinh thái rừng, biển đặc sắc, nhiều phong cảnh đẹp và di tích lịch sử, văn hóa.

Đề xuất quy định bảo vệ nguồn thủy sinh trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước

25-9-2023

Bảo vệ nguồn sinh thủy có vai trò quan trọng để giữ gìn và phục hồi nguồn nước. Bởi thế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này, cần bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng nguồn nước hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn nước đều phải có trách nhiệm đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, để bảo vệ vùng sinh thuỷ thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa.

Quản lý tài nguyên nước: Cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành

25-9-2023

Chỉ khi phân định rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, việc quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp mới phát huy được hiệu quả, mỗi ngành phát huy được thế mạnh, nguồn tài nguyên nước được khai thác hợp lý và bền vững.

Lấp kẽ hở đấu giá quyền khai thác để minh bạch trong hoạt động khoáng sản

25-9-2023

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những nội dung của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang lấy ý kiến nhân dân và cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được tổ chức tại Quảng Ninh vào tháng 9 năm 2023.

Kinh tế tuần hoàn - giải pháp tốt nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tách rời ô nhiễm

25-9-2023

​​​​​​​Theo TS. Nguyễn Trung Thắng - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là giải pháp tốt nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tách rời ô nhiễm. Quan điểm này đã được ông trình bày tại Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” được tổ chức vào ngày 23 tháng 9 năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

26-9-2023

Bài viết đã tổng quan các vấn đề về kinh tế tuần hoàn từ khái niệm, đặc điểm kinh tế tuần hoàn và quy định pháp luật ở Việt Nam về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ môi trường với 01 quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống. Trên cơ sở khái quát một số phương pháp đánh giá kinh tế tuần hoàn, nội dung và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhóm tác giả đề xuất các tiêu chí phục vụ cho việc đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Xã hội hóa nguồn lực để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước

5-10-2023

Xã hội hóa ngành nước là cần thiết và thiết yếu, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm các chính sách về tài nguyên nước được thực thi một cách hiệu quả, đồng bộ. Chính sách xã hội hóa ngành nước trong việc thu hút nguồn lực tài chính đầu tư vào việc bảo vệ, phát triển, tích trữ nước, phục hồi nguồn nước đã được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Kinh nghiệm quốc tế về quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước

5-10-2023

Nghiên cứu tìm hiểu và làm rõ kinh nghiệm quốc tế trong quy định đấu giá, chuyển nhượng và thế chấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên tại Việt Nam

5-10-2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản; khai thác hiệu quả tài nguyên nước và kinh tế rừng là xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên của Việt Nam trong giai đoạn tới.