1. Các động lực đối với khu vực tư nhân
Hầu hết các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Không chỉ đơn thuần là một thách thức môi trường và xã hội, BĐKH cũng đặt ra một loạt rủi ro và ngày càng tăng đối với khu vực tư nhân, trải rộng trên tất cả các ngành kinh tế từ tài chính đến vận hành. Những rủi ro làm ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, bao gồm: Tăng chi phí nguyên liệu đầu vào; Khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm cần thiết cho sản xuất (ví dụ năng lượng, dịch vụ hệ sinh thái…); Gây thiệt hại cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng tới hoạt động logistic; Biến động thị trường và giá cả, tăng chi phí để đáp ứng các quy định của pháp luật về BĐKH… Tuy nhiên, nó cũng mang lại những cơ hội cho khu vực này.
Các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện các chiến lược để giảm lượng khí thải trong hoạt động hoặc chuỗi cung ứng của mình theo rất nhiều cách khác nhau. Ví dụ, DTE Energy, một công ty hàng đầu trong ngành dịch vụ điện và khí ga của Mỹ đã đặt mục tiêu giảm 50% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 và 80% vào năm 2040. Microsoft đã cam kết phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2030. Công ty dầu khí Shell cam kết giảm 50% lượng phát thải vào năm 2030. Equinor, một công ty dầu khí khác đã dành 15-20% khoản đầu tư hàng năm của mình trong các giải pháp năng lượng mới, như năng lượng gió, cô lập cacbon. Là một phần của Thử thách môi trường hướng tới năm 2050, Toyota có kế hoạch giảm 90% lượng CO2 phát sinh so với năm 2010, loại bỏ hoàn toàn khí chuỗi cung ứng, tại các đại lý và hoạt động vận hành. Ngân hàng Mỹ đã đầu tư hơn 158 tỷ đô la tài trợ cho các hoạt động kinh doanh có cacbon thấp và bền vững kể từ năm 2007. Đồng thời, ngân hàng này cũng triển khai chương trình phương tiện cacbon thấp (low-cacbon vehicle program) cho nhân viên bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp khi họ mua hoặc thuê xe chạy bằng điện. Ngân hàng Goldman Sachs thực hiện trung hòa cacbon từ năm 2015 và vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp để giảm lượng nước thải và chất thải…
Trong khi khối nhà nước vẫn còn loay hoay trong việc thực hiện các biện pháp giảm phát KNK do thiếu nguồn lực, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các cam kết nghiêm túc để giảm phát thải. Đây cũng là chiến lược kinh doanh thông minh của họ. Trên thực tế, một số biện pháp mà khối tư nhân đã sử dụng để giảm phát thải KNK, bao gồm: thay đổi công nghệ (lắp đặt mới hoặc thay thế các thiết bị và máy móc tiết kiệm năng lượng, hoặc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng); thay đổi hành vi (thay đổi hành vi của nhân viên để giảm lượng khí thải KNK); phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng các thị trường mới nổi hoặc phát triển các sản phẩm cacbon thấp; đầu tư vào dự án cacbon thấp (công nghệ hoặc các dự án liên quan đến năng lực tái tạo, nhà máy xử lý chất thải...); thay đổi, cải tiến công nghệ và quá trình sản xuất, vận chuyển; tham gia vào chương trình giao dịch phát thải (Emission Traiding Scheme - ETS); tham gia vào cơ chế CDM…
- Động lực lợi nhuận: Động lực đầu tiên khiến các doanh nghiệp thực hiện các chương trình cắt giảm KNK là lợi nhuận. Lợi nhuận có thể đến từ việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên thông qua sản xuất xanh hơn và giảm lượng khí thải cacbon, cũng có thể có lợi ích trong việc giảm chi phí, tham gia vào thị trường giao dịch cacbon. Kết quả nghiên cứu của Okereke cho thấy, gần 100% các công ty FTSE cho biết có mối tương quan giữa lợi nhuận và các chương trình giảm phát thải KNK mà họ triển khai. Nghiên cứu của Hart và Ahuja (1996) về mối quan hệ giữa giảm phát thải và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp cho thấy việc giảm phát thải khí gây hại tăng hiệu quả tài chính và tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp. Tại Nhật Bản, Iwata và Okada (2011) thực hiện một nghiên cứu toàn diện về tác động của lượng khí thải cacbon đối với hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Nghiên cứu đã kiểm tra mối quan hệ này trong các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong khoảng thời gian 5 năm. Kết quả tìm thấy giảm phát thải cacbon làm tăng hiệu quả tài chính bền vững.
- Động lực thương hiệu: Yếu tố thúc đẩy thứ hai được xác định là lợi thế cạnh tranh về uy tín và thương hiệu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng sự chiến lược chủ động của mình về BĐKH như một cách để tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Đồng thời, khi họ chủ động và tiên phong trong việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải, họ sẽ có được sự tín nhiệm và đây đòn bẩy cho phép họ đóng vai trò tích cực trong việc quyết định sự thay đổi về chính sách.
Đặc biệt, đã có một số nghiên cứu về tác động của sự kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường và giá cổ phần các công ty cho thấy trong hầu hết các trường hợp các công bố thông tin liên quan đến việc công ty gây ra ô nhiễm môi trường giá cổ phiếu công ty giảm. Điều này hàm ý các vấn đề xấu liên quan đến môi trường làm giảm hiệu quả kinh doanh của công ty. Hamilton (1995) khi phân tích các công ty trong danh sách theo dõi chỉ số ô nhiễm môi trường ở Mỹ như các trường hợp phát thải các khí độc hại cho biết: Khi thông tin mới về ô nhiễm môi trường được thông báo, báo chí sẽ đưa tin bình luận nhiều hơn về hành vi gây hại môi trường của công ty, điều này thu hút các cổ đông quan tâm tìm hiểu kỹ hơn về cổ phiếu công ty. Kết quả thống kê cho thấy tỷ suất sinh lợi của các công ty này sau khi công bố thông tin giảm. Giá trị tuyệt đối của suy giảm giá trị cổ phiếu có thể lên đến 4,1 triệu USD đối với nhóm các công ty trong danh mục theo dõi về ô nhiễm khi công bố thông tin lần đầu tiên. Tương tự, Klassen và McLaughlin (1996), Khanna và các tác giả (1998) cũng tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa các sự kiện xấu liên quan đến môi trường và tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu. Konar và Cohen (1996) kiểm chứng mối quan hệ giữa yếu tố môi trường và hiệu quả tài chính của các công ty trong chỉ số S&P500. Kết quả cho thấy thông tin xấu liên quan đến môi trường làm giảm giá trị tài sản vô hình của các công ty. Các tác giả kết luận rằng phát thải các hóa chất độc hại có một ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tài sản vô hình của các công ty đại chúng. Giảm 10% lượng phát thải các hóa chất độc hại dẫn đến giá trị thị trường tăng lên 34 triệu USD. Mức độ tác động của những ảnh hưởng này khác nhau trong các ngành công nghiệp, với tổn thất lớn hơn đến các ngành công nghiệp gây ô nhiễm truyền thống.
Nghiên cứu của Hart và Ahuja (1996) về mối quan hệ giữa giảm phát thải và hiệu quả tài chính (ROA, ROE và ROS) đã chỉ ra rằng, giảm phát thải khí gây hại tăng hiệu quả tài chính và tiết kiệm tiền cho công ty. Tuy nhiên, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp có hiệu quả thấp hơn so với một số lĩnh vực khác. Các kết quả khi xem xét riêng từng ngành nghề có thể khác nhau với các mức ý nghĩa thống kê. Delmas và Nairn-Birch (2010) đã kiểm tra tác động của phát thải khí nhà kính (GHG) đối với kết quả hoạt động tài chính bền vững của 1.100 công ty ở Mỹ. Nghiên cứu tìm kiếm bằng chứng dựa trên phân tích lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp của các công ty và lượng phát thải dựa trên cả chuỗi cung ứng. Thật thú vị, những phát hiện của các tác giả này chỉ ra rằng việc tăng lượng khí thải cacbon sẽ có tác động cùng chiều đến ROA (do các công ty tối đa hóa lợi nhuận thường có lượng phát thải lớn) nhưng lại có tác động ngược chiều đến giá trị thị trường của 33 công ty (Tobin’s Q) (do có thể phát sinh dòng tiền chưa được dự kiến để giải quyết vấn đề phát thải). Bên cạnh việc tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu, các nghiên cứu cũng tìm thấy mối quan hệ giữa thực hiện quản trị tác động của môi trường đến hoạt động kinh doanh thông qua chi phí đầu tư. Một số kết quả nghiên cứu tìm thấy có một mối quan hệ ngược chiều giữa thực hiện quản trị môi trường và hiệu quả hoạt động của công ty vì phát sinh thêm các chi phí để giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng tìm thấy mối quan hệ cùng chiều giữa thực hiện quản trị môi trường và hiệu quả kinh doanh của công ty. Về lâu dài các chi phí đầu tư cho quản trị môi trường đem lại lợi ích lớn hơn. Theo các nghiên cứu này, đầu tư quản trị môi trường có thể làm cải thiện mối quan hệ với các bên liên quan như công đồng địa phương, người cho vay và chính phủ. Như vậy chi phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong kinh doanh (bao hàm cả vấn đề hạn chế tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh doanh) có thể làm tăng hay giảm hiệu quả kinh doanh vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Ở một số quốc gia khác, như tại Nhật Bản, Iwata và Okada (2011) thực hiện một nghiên cứu toàn diện về tác động của lượng khí thải cacbon đối với hoạt động tài chính của công ty. Hai tác giả đã kiểm tra mối quan hệ này trong các công ty sản xuất Nhật Bản trong khoảng thời gian 5 năm. ROE là một trong những thước đo hiệu quả tài chính của công ty. Kết quả tìm thấy giảm phát thải cacbon làm tăng hiệu quả tài chính bền vững. Ziegler và cộng sự (2009) phân tích mối quan hệ giữa các hoạt động của công ty để giải quyết BĐKH và tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu của công ty. Tác giả sử dụng dữ liệu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu giai đoạn 2001-2006. Nghiên cứu sử dụng mô hình CAPM và các mô hình mở rộng của CAPM để so sánh lợi nhuận điều chỉnh rủi ro của danh mục đầu 34 tư chứng khoán bao gồm các tập đoàn có phản ứng khác nhau với vấn đề BĐKH. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiến lược kinh doanh đã được các nhà đầu tư thực hiện: họ mua lại cổ phiếu của các tập đoàn có mức độ phản ứng nhiều hơn với BĐKH và bán cổ phiếu của các tập đoàn có mức độ phản ứng ít hơn. Kết quả này hàm ý suất sinh lợi cao hơn đối với các công ty có quan tâm đến rủi ro BĐKH.
Eleftheriadis và cộng sự (2012) nghiên cứu tác động của BĐKH đến hiệu quả hoạt động các công ty ở Hy Lạp. Dựa vào dữ liệu khảo sát các công bố thông tin liên quan đến BĐKH và các chỉ số đo lường hiệu quả kinh doanh, các tác giả tìm thấy mối quan hệ mật thiết giữa hiệu quả kinh doanh (ROA) và BĐKH. Eleftheriadis và cộng sự (2012) cho rằng có một mối quan hệ cùng chiều trong mức ý nghĩa thống kê giữa hiệu quả kinh doanh và các thông tin công bố liên quan đến BĐKH. Nói cách khác, các công ty lớn và các công ty có hiệu quả hoạt động tốt hơn thường có xu hướng công bố nhiều hơn các thông tin về các hoạt động BĐKH ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ hơn so với các công ty nhỏ hoặc các công ty có hiệu quả kinh doanh kém.
- Động lực từ nghĩa vụ ủy thác (fiduciary obligation): Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp FTSE cho biết rằng họ đã xem xét vấn đề BĐKH như là nghĩa nghĩa vụ ủy thác. Kết quả là họ cảm thấy đây là một phần trách nhiệm của lãnh đạo tổ chức trong việc đánh giá tác động của BĐKH, từ đó đưa ra các hành động để tối đa hóa lợi ích cho công ty trong dài hạn. Một trong những bổn phận cấu thành nên bổn phận người nhận ủy thác theo hệ thống pháp luật của Mỹ, Anh là bổ phận cẩn trọng (duty of care). Nó được hiểu một cách đơn giản là người quản lý đã hoàn toàn “nghiêm túc” khi đưa ra quyết định với kỹ năng, sự thận trọng, sự chú ý. Họ nhận thấy rằng, việc hành động liên quan đến BĐKH sẽ giúp họ tạo lợi thế thị trường hoặc ít nhất là tránh khỏi thiệt hại khi mà các chính sách có điều chỉnh trong tương lai. Một số công ty thực hiện các biện pháp bởi vì họ lo ngại các rủi ro từ các tác động trực tiếp của BĐKH như làm thiệt hại cơ sở hạ tầng của họ (văn phòng, công trình xây lắp…). Động lực này thường đến từ các doanh nghiệp nằm ở vị trí hoặc hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm với BĐKH.
- Động lực từ những áp lực/yêu cầu đối với trách nghiệm xã hội của doanh nghiệp: Trên thực tế, áp lực từ các bên liên quan cũng có thể khiến các doanh nghiệp thực hiện các hành động về môi trường và BĐKH. Áp lực này có thể đến từ chính phủ thông qua hệ thống pháp luật, họ phải thực hiện để đảm bảo tính hợp pháp trong hoạt động. Áp lực này cũng có thể đến từ người tiêu dùng khi quyết định mua hàng của họ có tính đến trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất. Ngoài ra, sự phát triển các nhóm/tổ chức hoạt động vì môi trường và BĐKH cũng gây áp lực đánh kể đến hành động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường tài chính và các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm hơn vào đầu tư cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án cacbon thấp. Cuối cùng, sự tham gia theo hướng chiến lược chủ động của các đối thủ cạnh tranh với tính bền vững và BĐKH cụ thể hơn có thể buộc hành động của công ty.
- Động lực từ yếu tố đạo đức doanh nghiệp: Doanh nghiệp ngày nay không chỉ làm kinh tế, thu lợi nhuận và đóng thuế, mà còn phải thể hiện vai trò và đạo đức doanh nghiệp của mình trong các vấn đề chung của xã hội. Họ nhận thấy rằng, BĐKH đang là mối quan ngại mà các doanh nghiệp cần chung tay tháo gỡ cùng chính phủ. Đạo đức kinh doanh thúc đẩy các hành vi chủ động trong bảo vệ môi trường, BĐKH cũng đã được Forsman & Helena (2011) quan sát thấy trong nghiên cứu gần đây của họ về chủ sở hữu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
2. Các rào cản đối với khu vực tư nhân
Trên thực tế, mặc dù khối tư nhân đã tham gia tương đối tích cực trong giảm giảm phát thải KNK, tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản làm hạn chế họ tham gia vào hoạt động này. Trước hết là các rào cản ngoại sinh như sau:
- Thứ nhất là thiếu khuôn khổ chính sách, đặc biệt là các chính sách đòn bẩy. Đây là yếu tố được nhà phân tích Okereke đưa ra khi phân tích môi trường kinh doanh tại Anh. Phần lớn các công ty tiên phong về khí hậu cho rằng việc không có khung chính sách rõ ràng, dài hạn và mạnh mẽ sẽ tác động đến việc ra quyết định chiến lược khí hậu. Hiện tại, vẫn thiếu các khung chính sách mạnh mẽ để tạo giá trị dài hạn đối với công nghệ giảm phát thải cacbon. Đồng thời, với số tiền khổng lồ liên quan đến sự thay đổi cơ sở hạ tầng năng lượng của hầu hết các tập đoàn và trong nghiên cứu và phát triển công nghệ thay thế, các công ty có những năng lực này rất muốn được đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ vào các lĩnh vực này sẽ không bị lãng phí. Đồng thời, việc thiếu khung chính sách mạnh mẽ làm cho lãnh đạo doanh nghiệp khó thuyết phục hội đồng quản trị hoặc nhà đầu tư của họ về sự cần thiết phải đầu tư vào các công nghệ cacbon thấp.
- Thứ hai là sự không chắc chắn về hành động của chính phủ trong vấn đề BĐKH. Hiện tại, các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Nga cũng từ chối thực hiện giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto (từ năm 2013-2020). Canada tuyên bố rút khỏi Nghị định thư năm 2011. Mỹ đã bắt đầu tiến trình rút khỏi thỏa thuận Paris. Brazil không hoàn toàn cam kết về các thỏa thuận BĐKH. Ngoài ra, sự không ổn định về việc ban hành, thực thi các chính sách về BĐKH giữa chính phủ hiện tại và tương lai cũng gây nên sự lo ngại cho các doanh nghiệp khi đưa ra quyết định.
Đặc biệt, cần phải kể tới việc một số chính sách phát triển xung đột với chính sách khuyến khích đầu tư cho bảo vệ môi trường. Điều này vẫn tồn tại ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ví dụ, việc miễn thủy lợi phí tại Việt Nam, quy định tại Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008, đã triệt tiêu động lực sử dụng nước tiết kiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Hệ quả là một số nơi tại Tây Nguyên tiêu thụ tới 800 lít nước cho một lần tưới trên mỗi cây cà phê, trong khi mức tiêu chuẩn chỉ cần 350-400 lít nước mỗi lần tưới. Tương tự là trường hợp trợ cấp giá nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) đối với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Năm 2012, giá nhiên liệu than bán cho đơn vị sản xuất điện bằng 70% giá thành sản xuất và 60% giá xuất khẩu. Điều này khiến giá thành sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch thấp, giảm động lực của doanh nghiệp đối với việc thay đổi cơ cấu năng lượng, hướng tới các nguồn ít ô nhiễm và thân thiện với môi trường hơn.
- Thứ ba là sự không chắc chắn về thị trường. Mặc dù khung chính sách mạnh mẽ và các tín hiệu chính trị rõ ràng sẽ giúp thúc đẩy và trấn an doanh nghiệp, nhưng chính các yếu tố này không thể xác định thị trường sẽ phản ứng thế nào với các sản phẩm và dịch vụ cụ thể. Phản ứng của thị trường đối với một sản phẩm môi trường sẽ được xác định là sự kết hợp phức tạp của các yếu tố bao gồm nhận thức của cộng đồng, sức khỏe nền kinh tế, các hàng hóa thay thế.
- Thứ tư là hệ thống quản lý môi trường có thể chưa tạo cơ chế cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt đáng lưu ý, các thiệt hại môi trường thường không giới hạn ở một phạm vi địa lý nhỏ hẹp. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất thép xả thải gây ô nhiễm ở tỉnh này nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng tới nguồn nước của một doanh nghiệp thép tương tự ở tỉnh khác. Vậy nếu không có biện pháp khiến doanh nghiệp thứ nhất nội hóa các chi phí ngoại ứng tiêu cực mà họ gây ra (như áp dụng thuế, phí, giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng…), hoặc các biện pháp không triệt để thì sản phẩm thép của doanh nghiệp thứ hai sẽ có lợi thế hơn so với doanh nghiệp thứ nhất. Kết quả là doanh nghiệp thép đầu tiên sẽ không có động lực đầu tư giảm thải bảo vệ môi trường, thậm chí họ sẽ muốn xả nhiều hơn. Điều này rất dễ xảy ra khi công tác quản lý môi trường được chia theo tỉnh, với các mức độ quản lý chặt, lỏng khác nhau. Ngoài ra, do quyền sở hữu về môi trường ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam chưa được ấn định rõ ràng, nên việc áp dụng cơ chế thỏa thuận bồi thường trên cơ sở kinh tế thị trường như ở các nước phát triển, theo định lý Coase, không thể thực hiện được. Khi đó, gánh nặng lên khả năng áp dụng các công cụ quản lý và kiểm tra, giám sát của nhà nước là rất lớn, không tránh khỏi việc một số doanh nghiệp cố tình vi phạm nhằm cắt giảm chi phí cho bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận.
Đặc biệt, ngoài các yếu tố ngoại sinh, còn có các rào cản nội sinh từ bản thân khu vực tư nhân như sau:
- Thứ nhất là quy mô doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số vốn đầu tư tương đối ít, nên thường phải ưu tiên các khoản mục đầu tư nhỏ, ngắn hạn, quanh vòng vốn nhanh. Trong khi đó, đầu tư cho giảm một số biện pháp giảm phát thải KNK (như thay đổi công nghệ…) thường có chi phí ban đầu lớn. Do đó, họ thường né tránh khoản mục đầu tư này. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ cũng nhận được ít sự chú ý của cộng đồng hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng thiếu các nguồn lực để thực hiện. Nghiên cứu của Binh & Khang (2017) đối với 1080 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trên 67% doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp tự điều chỉnh nào liên quan đến ứng phó với BĐKH.
- Thứ hai là thói quen đầu tư của khu vực tư nhân. So với nhiều lĩnh vực đầu tư khác, bảo vệ môi trường là một lĩnh vực mới. Do đó, các doanh nghiệp chưa có thói quen và chưa tạo được trào lưu đầu tư để có thể hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro của người đi đầu, rủi ro về thiếu thông tin, kinh nghiệm và cả rủi ro về lợi nhuận, khi các giá trị môi trường thường rất khó đo đếm và được đánh giá rất khác nhau ở các khu vực. Một nhà đầu tư trong lĩnh vực cô lập cacbon (carbon capture and storage) có thể rất thành công tại châu Úc, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nếu bắt đầu tại Trung Quốc hay Việt Nam, do các nước này chưa có người mua trong thị trường này. Ngoài ra, nếu quy mô của một doanh nghiệp tư nhân nhỏ thì doanh nghiệp đó sẽ thường không chú ý tới yếu tố môi trường. Tại Việt Nam, theo thông tư 16/2013/TT-BTC ban hành ngày 08/02/2013, khoảng 96% các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc điểm của các doanh nghiệp này là số vốn tương đối ít (dưới 100 tỷ đồng) nên thường phải ưu tiên các khoản mục đầu tư nhỏ, ngắn hạn, quay vòng vốn nhanh. Trong khi đó, đầu tư cho bảo vệ môi trường thường có chi phí ban đầu lớn và quá trình vận hành dài. Ví dụ, một nhà máy xử lý nước thải nhỏ cũng cần tính toán đầu tư cho giai đoạn từ 10-15 năm, với chi phí ban đầu hàng tỉ đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có xu hướng tránh né các lĩnh vực đầu tư này.
- Thứ ba là nhận thức của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2018) với 555 doanh nghiệp tại Trung Quốc chỉ ra rằng, nhận thức của doanh nghiệp về công nghệ giảm phát thải và chính sách thị trường cacbon có tỷ lệ thuận với mức sẵn lòng chi trả của doanh nghiệp về giá năng lượng và sự tham gia vào thị trường này. Trong khi đó, nhận thức của doanh nghiệp vẫn còn tương đối thấp. Khoảng một phần ba người Mỹ vẫn phủ nhận rằng BĐKH đang diễn ra hoặc con người là nguyên nhân gây ra điều đó và gần 60% cảm thấy rằng BĐKH không ảnh hưởng đến họ. Hơn nữa, ở nhiều nơi trên thế giới, chỉ khoảng 35% người trưởng thành nghe nói tới BĐKH.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2021)