ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Kinh tế tuần hoàn - giải pháp tốt nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tách rời ô nhiễm

Ngày đăng: 25 | 09 | 2023

​​​​​​​Theo TS. Nguyễn Trung Thắng - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là giải pháp tốt nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tách rời ô nhiễm. Quan điểm này đã được ông trình bày tại Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” được tổ chức vào ngày 23 tháng 9 năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh.

Quy định rõ về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Trung Thắng, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành xu hướng phổ biến được cộng đồng quốc tế nghiên cứu, thể chế hóa vào các chính sách và triển khai thành các hành động cụ thể ở nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, phát triển KTTH đã được xác định là một trong những giải pháp chính để thực hiện định hướng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có một điều riêng (Điều 142) quy định về KTTH, đồng thời đã quy định nhiều cơ chế, chính sách có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH, như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (Điều 75), tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích (Điều 79); trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất và nhập khẩu – EPR (Điều 54, Điều 55); tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...

Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định về lộ trình thực hiện KTTH. Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình KTTH; xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện KTTH.

Các Bộ, ngành thực hiện xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH của ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về KTTH; lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện KTTH ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ TN&MT; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động.

Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và các quy định khác.

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn

Để thúc đẩy phát triển KTTH trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Thắng cho rằng cần ưu tiên nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH. Theo đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật, thay đổi thói quen, nhận thức và hành động hướng đến hình thành xã hội tuần hoàn vật chất, tạo dựng nét văn hóa, thói quen tốt áp dụng KTTH trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn vốn tự nhiên; thay đổi tư duy coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua các lợi ích lâu dài về môi trường, xem chất thải là tài nguyên và là nguồn lực đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, nâng cao kiến thức, pháp luật về KTTH đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội; tuyên truyền, giáo dục để đạt được nhận thức đúng, đầy đủ về KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý; lồng ghép các nội dung giáo dục về KTTH vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và phát triển Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam và các mạng lưới khác về KTTH.

TS. Nguyễn Trung Thắng cũng đề nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước về KTTH. Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện KTTH; tổ chức xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép KTTH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý chất thải của các Bộ, ngành, địa phương; hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để thúc đẩy thực hiện KTTH.

Bên cạnh đó, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành các chính sách, quy định pháp luật mới để hình thành một khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả để thúc đẩy thực hiện KTTH toàn diện. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hoàn thiện quy định, gỡ bỏ các rào cản pháp luật để đưa các quy định hiện hành có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH vào thực tiễn như: thiết kế sinh thái; ưu đãi, hỗ trợ, kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT); trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thực hiện KTTH. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về thúc đẩy KTTH.

Một giải pháp khác được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đề xuất là hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn, các mô hình tiêu dùng bền vững.

Cùng với đó, ưu tiên thực hiện quản lý chất thải để thực hiện KTTH thông qua các giải pháp cụ thể để phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hạ tầng thu gom, phân loại và xử lý chất thải; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chất thải để thúc đẩy hạ tầng số cho KTTH; thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng, miền và địa phương; thúc đẩy áp dụng KTTH trong quản lý chất thải; thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ quản lý chất thải để thực hiện KTTH.

Ngọc Trâm - Nguyễn Hiền (ghi)

(Theo monre.gov.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

26-9-2023

Bài viết đã tổng quan các vấn đề về kinh tế tuần hoàn từ khái niệm, đặc điểm kinh tế tuần hoàn và quy định pháp luật ở Việt Nam về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ môi trường với 01 quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống. Trên cơ sở khái quát một số phương pháp đánh giá kinh tế tuần hoàn, nội dung và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhóm tác giả đề xuất các tiêu chí phục vụ cho việc đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Xã hội hóa nguồn lực để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước

5-10-2023

Xã hội hóa ngành nước là cần thiết và thiết yếu, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm các chính sách về tài nguyên nước được thực thi một cách hiệu quả, đồng bộ. Chính sách xã hội hóa ngành nước trong việc thu hút nguồn lực tài chính đầu tư vào việc bảo vệ, phát triển, tích trữ nước, phục hồi nguồn nước đã được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Kinh nghiệm quốc tế về quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước

5-10-2023

Nghiên cứu tìm hiểu và làm rõ kinh nghiệm quốc tế trong quy định đấu giá, chuyển nhượng và thế chấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên tại Việt Nam

5-10-2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản; khai thác hiệu quả tài nguyên nước và kinh tế rừng là xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam

5-10-2023

 Đất đai là tài nguyên, tài sản đặc biệt của quốc gia, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc; là không gian sinh tồn, sinh sống của các cộng đồng dân cư gắn liền với từng gia đình, mọi người dân; là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp trong nông nghiệp là cơ hội để Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của một quốc gia có quy mô dân số 100 triệu người trong bối cảnh nguồn lực đất đai thuộc diện thấp nhất trên thế giới tính theo đầu người.

Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về quản lý, sử dụng đất đô thị gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên

6-10-2023

Bài viết làm rõ thực trạng và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về quản lý, sử dụng đất đô thị gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên.

Giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào xử lý nước thải khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam

9-10-2023

 Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Năm 2016, khu vực tư nhân trong nước chiếm 38,6% GDP (trong tỷ lệ này, doanh nghiệp đăng ký chính thức chiếm 8,2%, khu vực hộ kinh doanh chiếm 30,43%); khu vực tư nhân nước ngoài (FDI) đóng góp 18,95% vào GDP[1].

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của thành phố Đà Nẵng

10-10-2023

Mô hình đô thị tuần hoàn được sử dụng trong Tuyên bố về đô thị tuần hoàn ở châu Âu; theo đó, “đô thị tuần hoàn thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) theo hướng tích hợp tất cả các chức năng, với sự hợp tác của dân cư đô thị, cộng đồng doanh nghiệp và giới nghiên cứu nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh và hành vi kinh tế để tách rời sử dụng tài nguyên từ các hoạt động kinh tế thông qua duy trì giá trị và lợi ích càng dài càng tốt để đóng các vòng lặp vật liệu và tối thiểu hóa sử dụng tài nguyên và giảm phát sinh chất thải nguy hại. Thông qua quá trình chuyển đổi này đô thị tìm kiếm các cải thiện phúc lợi con người, giảm phát thải, bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học, thúc đẩy xã hội bao trùm phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững”.

Quyền bề mặt và định hướng để thực hiện ở Việt Nam

11-10-2023

Quyền bề mặt là thuật ngữ bắt nguồn từ pháp luật La Mã, đó là một vật quyền phụ thuộc được cấp bởi chủ sở hữu đất. Quyền bề mặt đã được quy định trong pháp luật của nhiều quốc gia, tuy nhiên nội hàm của nó có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào chế độ sở hữu của từng nước. Ở Việt Nam, mặc dù quyền bề mặt đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy nhiên chưa được cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành và chưa được thực thi trên thực tế.

Kinh nghiệm quốc tế về phương pháp xác định nhu cầu sử dụng đất công nghiệp trong quy hoạch phát triển

12-10-2023

 Đất công nghiệp được xem là nhân tố chính quyết định đến sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp một quốc gia. Ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở việc quy định các quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng, quản lý, sử dụng đất công nghiệp. Trên thực tế, việc quy hoạch đất công nghiệp chưa có căn cứ tiêu chí rõ ràng nên hiệu quả thấp. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là cần có các tiêu chí xác định nhu cầu, phân bổ, quản lý, sử dụng đất công nghiệp hợp lý nhằm phát huy hiệu quả và tránh lãng phí tài nguyên đất. Bài viết này trình bày một số kinh nghiệm quốc tế về phương pháp xác định nhu cầu, phân bổ, quản lý, sử dụng đất công nghiệp trong quy hoạch phát triển.

Đánh giá khả năng thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp của tổ chức phát triển quỹ đất

16-10-2023

 Tích tụ để tạo lập quỹ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất lớn, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp là xu hướng thiết yếu trong quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp của nước ta. Tuy nhiên khi các nhà đầu tư muốn tích tụ đất thì gặp phải nhiều vướng mắc. Nhà đầu tư muốn thông qua đại diện cơ quan nhà nước để thực hiện tích tụ đất đai phục vụ sản xuất lớn. Việc nghiên cứu đánh giá thực trạng và khả năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp của Tổ chức phát triển quỹ đất là rất cần thiết và đây chính là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dồn điền, đổi thửa, điều chỉnh đất đai đáp ứng yêu cầu chỉnh trang, phát triển đô thị và tập trung đất đai ở nông thôn

17-10-2023

Dồn điền, đổi thửa, điều chỉnh đất đai là yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai 2013, là cơ sở để phân bổ hợp lý, khai thác tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang, phát triển đô thị, tạo điều kiện tiếp cận đất đai của doanh nghiệp và người dân trên cơ sở hài hòa các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội bảo đảm cân bằng tổng thể giữa bảo tồn và phát triển, giữa thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.