Trung Quốc là một quốc gia Đông Á với số dân đông nhất thế giới, trên 1,4 tỷ người, chiếm khoảng 18% dân số thế giới, gấp 15 lần dân số Việt Nam. Có tổng diện tích tự nhiên đứng thứ tư trên thế giới với 9,56 km2, chiếm 7,12% diện tích đất liền trên thế giới, gấp 29 lần diện tích Việt Nam. Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn nhưng không gian thích hợp cho phát triển lại không nhiều: khoảng 33% núi, 26% cao nguyên, 19% lưu vực, 12% đồng bằng, 10% đồi núi thấp, do đó Trung Quốc xác định phải đi theo con đường tiết kiệm không gian và phát triển chuyên sâu.
Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn phát triển và gặp rất nhiều thách thức trong phát triển bền vững với việc mở rộng liên tục đất ở và đất xây dựng, mở rộng không gian xây dựng đô thị, mở rộng không gian xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian xây dựng ở khu vực trung tâm và khu vực phía tây Trung Quốc, mở rộng không gian bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và mở rộng không gian sinh thái... Tuy nhiên, với từng giai đoạn, Trung Quốc lại có những chiến lược riêng phù hợp. Các chiến lược quy hoạch chính bao gồm: Hiệp đồng phát triển Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc; Vành đai kinh tế sông Dương Tử; Vành đai và con đường. Ba chiến lược này có vai trò: dẫn dắt quá trình đô thị hóa của TQ; thúc đẩy hợp tác xuyên các miền; góp phần thúc đẩy hợp tác mở cửa toàn cầu Về mặt cường độ khai thác, chia đất đai thành 4 loại hình: khu vực khai thác ưu tiên, khu vực khai thác trọng điểm, khu vực khai thác hạn chế, khu vực cấm khai thác. Chiến lược phát triển các khu vực chức năng chính đã giúp Trung Quốc thoát khỏi cấp độ về mặt ranh giới hành chính thúc đẩy sự phát triển của đất đai, nâng cao hiệu suất phát triển của 4 miền: Đông bắc, miền Đông, miền Trung và miền Tây. VD: Chiến lược phát triển Miền Tây, Trung Quốc đưa ra các chính sách riêng cho tỉnh Tân Cương, khu mậu dịch tự do tỉnh Vân Nam,… để nâng cao hiệu suất thực thi chính sách cho các vùng...
ThS. Phạm Thị Minh Thủy - Phó Trưởng ban Đất đai thuộc Viện chia sẻ Kinh nghiệm của Trung Quốc trong chiến lược xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế theo vùng
Theo ThS. Phạm Thị Minh Thủy, có thể thấy bài học rút ra với Trung Quốc là luôn có chiến lược phát triển dài hạn cho cả nước cũng như từng vùng/miền tương ứng với từng giai đoạn phát triển. Đồng thời luôn có sự kết nối liên tục giữa các chiến lược phát triển: Chiến lược phát triển của giai đoạn sau luôn kế thừa kết quả của chiến lược phát triển giai đoạn trước đó và là tiền đề của chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, liên kết phát triển giữa các vùng/miền, khu vực, tỉnh/TP để phá vỡ sự cách ly về mặt hành chính nhằm phân bổ các loại tài nguyên hiệu quả và bền vững.

TS. Nguyễn Sỹ Linh - Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu thuộc Viện chia sẻ về những thay đổi của bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở Trung Quốc
Trong phần trình bày của TS. Nguyễn Sỹ Linh về những thay đổi của bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở Trung Quốc, cho thấy ngoài quyết tâm về chính trị còn xuất phát từ thực tiễn vấn đề quản lý tài nguyên và môi trường ở đất nước này. Theo TS Nguyễn Sỹ Linh, xu hướng tập trung chức năng quản lý nhà nước vào một cơ quan để hạn chế chồng chéo và không hiệu quả trong quản lý, đồng thời, tính kết nối giữa cộng đồng nghiên cứu và hoạch định chính sách thể hiện rõ ràng, hoạt động tư vấn của các nhà nghiên cứu cũng thể hiện rõ thông qua các diễn đàn và đối thoại chính sách.
Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh cho rằng, đây là những chia sẻ kinh nghiệm rất quý báu đối với những người làm nghiên cứu, hoạch định chính sách nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang quan tâm nhiều đến lĩnh vực liên kết vùng, liên kết địa phương để phát triển kinh tế.

An Bình