Ngày đăng:
30 | 07 | 2018
Ngày 30/7/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức buổi Seminar khoa học với nội dung "Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Đan Mạch". Đây là kết quả thu được trong chuyến học tập ngắn hạn về quản lý môi trường tại Đan Mạch của TS. Hoàng Hồng Hạnh (theo quyết định số 1078/HTQT ngày 28/6/2017) - Trưởng Ban Môi trường và phát triển bền vững thuộc Viện và khóa học “Nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn” của ThS. Phan Thị Trường Giang - Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường thuộc Viện (theo quyết định số 198/QĐ-VCLCS ngày 20/9/2017). Buổi Seminar thu hút được sự quan tâm của các cán bộ nghiên cứu trong Viện.
Chương trình đào tạo là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác với Đan Mạch, phục vụ các mục tiêu của Nhiệm vụ “Hợp tác ngành chiến lược (Strategic Sector Cooperation) về sự tuân thủ của doanh nghiệp ở Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2017-2018. Khóa học được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức của các cán bộ quản lý, các giảng viên, chuyên gia về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn của Đan Mạch và những thay đổi của Đan Mạch trong 30 năm qua, từ đó áp dụng cho các nước tham gia khóa học. Mục tiêu cụ thể của khóa học bao gồm: Hiểu và sử dụng các khái niệm liên quan đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; Nắm được các chính sách liên quan đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn của Đan Mạch và một số nước Châu Âu; Thăm quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng và triển khai chiến lược xanh của các công ty tại Đan Mạch; Nắm được các xu hướng trong việc xanh hóa các ngành công nghiệp; Đề xuất giải pháp chiến lược cho các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở các nước tham dự khóa học.

Chuyển đổi từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh là một tất yếu và đang trở thành xu hướng chung của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, môi trường xuống cấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng. Thật vậy, phần lớn các quốc gia đang phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và hệ sinh thái, ví dụ như an ninh lương thực, an ninh nước ngọt và các vấn đề ô nhiễm. Do vậy, nếu không chuyển hướng phát triển sang kinh tế xanh và tuần hoàn, các nước này sẽ có thể phải đánh đổi phần lớn lợi ích từ phát triển kinh tế cho các chi phí môi trường, do đó không thể đạt được sự phát triển bền vững.
Đến nay kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được xác định như một chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt hơn, mô hình kinh tế xanh không giới hạn trình độ phát triển của các quốc gia khi lựa chọn phương thức phát triển kinh tế này. Khu vực châu Âu trong đó có Đan Mạch đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy kinh tế xanh và tuần hoàn với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.
An Bình