Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã từng bước chuyển đổi thành công từ nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” sang “kinh tế thị trường định hướng xã hội Chủ nghĩa (XHCN)”. Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng đã nhận định: “Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, có nhiều đặc điểm của nền KTTT hiện đại và hội nhập”. Tuy nhiên, Nghị Quyết của Đảng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế: "Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta thực hiện còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của KTTT và hội nhập quốc tế; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm”. Chính vì lý do đó việc hoàn thiện thể chế KTTT nói chung, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên (QLTN), bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam nói riêng phải được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đầy đủ, xuất phát từ thực tiễn vận hành của nền kinh tế và những hạn chế trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó BĐKH trong thời gian vừa qua. Phát huy những mặt đã đạt được, hạn chế và xử lý triệt để những rào cản liên quan đến thể chế trong công tác QLTN, BVMT và ứng phó BĐKH trong thời gian tới.

TS Lại Văn Mạnh - Phó Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường thuộc Viện trình bày nội dung đề án
Để đáp ứng yêu cầu của thể chế KTTT hiện đại và hội nhập hiện nay, trong lĩnh vực QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH cần phải rà soát đánh giá lại những nội dung liên quan đến thể chế, từ khâu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện và hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, từ đó có những đánh giá nhận định đúng về việc hoàn thiện ở nội dung nào, điểm nào trong một thể chế vận hành thống nhất của KTTT định hướng XHCN phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khắc phục dần những bất cập, hạn chế đã và đang xảy ra, cụ thể: tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn đến lãng phí, suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại còn chậm; đa dạng sinh học bị suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân; hoạt động ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản; trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, tham gia sâu vào các cam kết quốc tế về tài nguyên, môi trường, BĐKH..., đòi hỏi cần phải hoàn thiện thể chế, xóa bỏ các rào cản góp phần đưa tài nguyên thiên nhiên thành động lực cho sự phát triển, giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường và đáp ứng với các cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH.
Đề án tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống Luật pháp, tổ chức thực thi pháp luật và các công cụ để Nhà nước vận dụng cơ chế thị trường trong việc QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.Đề án tập trung vào các ngành và lĩnh vực quản lý như đất đai, nước, khoáng sản, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và tài nguyên biển; Các hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.



An Bình