Ngày đăng:
24 | 07 | 2018
Ngày 25/7/2018, tại Vĩnh Phúc, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo đào tạo “Áp dụng thử nghiệm hạch toán hệ sinh thái” nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết của các nhà hoạch định chính sách tại các Bộ ngành liên quan về các khái niệm cơ bản về hạch toán hệ sinh thái; cấu trúc, yêu cầu dữ liệu và việc sử dụng các tài khoản hạch toán hệ sinh thái; các công cụ cơ bản để hạch toán hệ sinh thái và áp dụng các kiến thức về hạch toán hệ sinh thái trong quá trình ra quyết định. Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 25-26/7/2018 do Viện trưởng ISPONRE - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên trở nên vô cùng cấp bách. Tiêu dùng năng lượng và tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường đã đạt tới giới hạn cho phép của khả năng tự tái tạo và tự làm sạch của thiên nhiên, đe dọa sự sống của toàn nhân loại. Trước tình hình đó, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong khu vực và trên thế giới đã tăng cường các hoạt động của mình để giải quyết vấn đề này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của đa dạng sinh học như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược Tăng trưởng xanh; Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; v.v… Việt Nam đã áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) từ năm 1993 nhằm phân tích các chỉ tiêu khác nhau của môi trường xung quanh và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo thông tin sinh thái, kinh tế cần thiết cho việc thực hiện các chính sách sinh thái ở mức độ quốc gia và so sánh quốc tế.
Hạch toán hệ sinh thái rất cần thiết với những quốc gia có tốc độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có như Việt Nam. Nó cho phép đánh giá được tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế có tính đến tác động và hậu quả về môi trường sinh thái. Đồng thời, đây là công cụ để tích hợp các giá trị về hệ sinh thái, các dòng dịch vụ hệ sinh thái với các giá trị về các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác của con người. Hạch toán hệ sinh thái được xây dựng dựa trên việc hạch toán các tài sản môi trường như được mô tả trong khung trung tâm của hệ thống hạch toán kinh tế môi trường (SEEA). Theo đó, tài sản môi trường được hạch toán là các nguồn tài nguyên thiên nhiên riêng lẻ như gỗ, tài nguyên đất, tài nguyên nước. Khung hạch toán SEEA cung cấp cơ sở cho việc tích hợp (i) thông tin về tài sản hệ sinh thái (tài khoản mở rộng hệ sinh thái, điều kiện hệ sinh thái, năng lực hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái) và (ii) các thông tin hiện có về hạch toán các hoạt động kinh tế và con người phụ thuộc vào hệ sinh thái và các đối tượng liên quan như hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.
An Bình