TIN TỨC-SỰ KIỆN

Hội thảo đào tạo “Áp dụng thử nghiệm hạch toán hệ sinh thái”

Ngày đăng: 25 | 07 | 2018

Ngày 25/7/2018, tại Vĩnh Phúc, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo đào tạo “Áp dụng thử nghiệm hạch toán hệ sinh thái”. Mục đích của Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết của các nhà hoạch định chính sách tại các Bộ ngành liên quan về các khái niệm cơ bản về hạch toán hệ sinh thái; cấu trúc, yêu cầu dữ liệu và việc sử dụng các tài khoản hạch toán hệ sinh thái; các công cụ cơ bản để hạch toán hệ sinh thái và áp dụng các kiến thức về hạch toán hệ sinh thái trong quá trình ra quyết định. Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 25-26/7/2018 do Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì.

Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì Hội thảo

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên trở nên vô cùng cấp bách. Tiêu dùng năng lượng và tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường đã đạt tới giới hạn cho phép của khả năng tự tái tạo và tự làm sạch của thiên nhiên, đe dọa sự sống của toàn nhân loại. Trước tình hình đó, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong khu vực và trên thế giới đã tăng cường các hoạt động của mình để giải quyết vấn đề này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của đa dạng sinh học như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược Tăng trưởng xanh; Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; v.v… Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1993 nhằm phân tích các chỉ tiêu khác nhau của môi trường xung quanh và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo thông tin sinh thái, kinh tế cần thiết cho việc thực hiện các chính sách sinh thái ở mức độ quốc gia và so sánh quốc tế.

Khung trung tâm của Hệ thống Hạch toán kinh tế môi trường (SEEA) đã được Ủy ban Thống kê Liên Hiệp Quốc (UNSC) thông qua trở thành tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2012. Các tài khoản Hệ sinh thái thử nghiệm của SEEA bổ sung cho Khung trung tâm và là minh chứng cho nỗ lực quốc tế trong việc nhất quán việc hạch toán hệ sinh thái. Hạch toán hệ sinh thái rất cần thiết với những quốc gia có tốc độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có như Việt Nam. Nó cho phép đánh giá được tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế có tính đến tác động và hậu quả về môi trường sinh thái. Đồng thời, đây là công cụ để tích hợp các giá trị về hệ sinh thái, các dòng dịch vụ hệ sinh thái với các giá trị về các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác của con người. Hạch toán hệ sinh thái được xây dựng dựa trên việc hạch toán các tài sản môi trường như được mô tả trong khung trung tâm của hệ thống hạch toán kinh tế môi trường (SEEA). Theo đó, tài sản môi trường được hạch toán là các nguồn tài nguyên thiên nhiên riêng lẻ như gỗ, tài nguyên đất, tài nguyên nước. Khung hạch toán SEEA cung cấp cơ sở cho việc tích hợp (i) thông tin về tài sản hệ sinh thái (tài khoản mở rộng hệ sinh thái, điều kiện hệ sinh thái, năng lực hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái) và (ii) các thông tin hiện có về hạch toán các hoạt động kinh tế và con người phụ thuộc vào hệ sinh thái và các đối tượng liên quan như hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

An Bình

NỘI DUNG KHÁC

Seminar khoa học: Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Đan Mạch

30-7-2018

Ngày 30/7/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức buổi Seminar khoa học với nội dung "Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Đan Mạch". Đây là kết quả thu được trong chuyến học tập ngắn hạn về quản lý môi trường tại Đan Mạch của TS. Hoàng Hồng Hạnh (theo quyết định số 1078/HTQT ngày 28/6/2017) - Trưởng Ban Môi trường và phát triển bền vững thuộc Viện và khóa học “Nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn” của  ThS. Phan Thị Trường Giang - Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường thuộc Viện (theo quyết định số 198/QĐ-VCLCS ngày 20/9/2017). Buổi Seminar thu hút được sự quan tâm của các cán bộ nghiên cứu trong Viện.

Hội thảo Khoa học Đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ về kinh nghiệm quốc tế về quản lý khu bảo tồn tư nhân và dựa vào cộng đồng

1-8-2018

Ngày 01/8/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo Khoa học Đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ về kinh nghiệm quốc tế về quản lý khu bảo tồn (KBT) tư nhân và dựa vào cộng đồng. Mục tiêu của Hội thảo là tìm ra được những khó khăn, thách thức trong việc tìm cơ chế, chính sách và công cụ quản lý hiệu quả và bài học đối với Việt Nam công tác quản lý bảo tồn. Hội thảo do TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng chủ trì với khách mời tham dự là các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực này.

Đoàn Kiểm tra 717-QĐNS của Bộ Chính trị làm việc với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị

8-8-2018

Ngày 08/8/2018, tại Trụ sở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã diễn ra buổi làm việc giữa Đoàn Kiểm tra 717-QĐNS của Bộ Chính trị với Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn TNCSHCM của Viện. Nội dung buổi làm việc xoay quanh việc chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị của cán bộ, đảng viên đang công tác tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trao Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

9-8-2018

Ngày 09/8/2018, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Dương Thanh An, Chuyên viên cao cấp Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường (nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường) giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ và toàn thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức của Viện.

Hội thảo Đề án Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu

23-8-2018

Ngày 23/8/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo Đề án Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án này để thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ ngày 22/7/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2016 đến 2020. Hội thảo do Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì. Tham dự Hội thảo, đóng góp ý kiến cho đề án có đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Trao giải cuộc thi ảnh “Đất ngập nước: Bảo tồn và Phát triển”

24-8-2018

Ngày 25/8/2018, tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội đã diễn ra Lễ Trao giải cuộc thi ảnh “Đất ngập nước: Bảo tồn và Phát triển” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Câu lạc bộ café ảnh đã tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai hoạt động truyền thông của Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (dự án Đất ngập nước) thực hiện tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Thái Bình do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, nhằm tăng cường nhận thức của các bên liên quan về vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái đất ngập nước.

Seminar Khoa học: Ocean Accounting

28-8-2018

Ngày 28/8/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Seminar Khoa học chủ với đề về Ocean Accounting – Hạch toán tài khoản đại dương: cách tiếp cận để hạch toán tài khoản đại dương, sự liên kết với BĐKH, kinh tế, xã hội và sự sẵn có của dữ liệu toàn cầu cho việc tính toán tài khoản. Sau khi tham sự Hội thảo chuyên gia khu vực châu Á và Thái Bình Dương lần đầu tiên về Tài khoản Đại dương được tổ chức tại Thái Lan vừa qua, Bà Kim Thị Thúy Ngọc – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Viện đã có bài trình bày, chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về Ocean Accounting. Đây là khái niệm còn khá mới mẻ đối với nhiều nghiên cứu viên, chính vì vậy, buổi seminar thu hút được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo và nghiên cứu viên trong Viện.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia giải thể thao Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018

7-9-2018

Ngày 6/9/2018, tại Nhà thi đấu Quận Cầu Giấy (Hà Nội), Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức giải thể thao Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018 chào mừng thành công Đại hội lần thứ V công đoàn viên chức Việt Nam và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tham dự buổi lễ khai mạc có lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam, lãnh đạo Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo Công đoàn Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ và hàng trăm vận động viên đến từ Công đoàn các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia với 02 nội dung là cầu lông và kéo co.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường họp Chi bộ thường kỳ tháng 9/2018

11-9-2018

Ngày 11/9/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức họp Chi bộ thường kỳ tháng 9. Trong cuộc họp lần này, các đảng viên được nghe phổ biến nhiều văn bản mới như Kết luận họp Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp ngày 29 tháng 8 năm 2018 và một số văn bản khác. Đặc biệt, Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh thay mặt Đảng ủy Bộ Tài nguyên và môi trường đọc quyết định chuẩn y chức vụ Phó Bí thư Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 cho Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng.

Seminar Khoa học: Khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh Sentinel-5 Precursor (Sentinel 5P) phục vụ nghiên cứu giám sát ô nhiễm không khí

17-9-2018

Ngày 17/9/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Seminar Khoa học chủ với đề về Khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh Sentinel 5P phục vụ nghiên cứu giám sát ô nhiễm không khí. Nghiên cứu viên Trần Xuân Duy-  Ban Đất đai thuộc Viện đã có bài trình bày, chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất. Theo thông tin nghiên cứu, Cơ quan Không gian châu Âu (European Space Agency – ESA) đã phóng vệ Sentinel-5 vào ngày 13 tháng 10 năm 2017 trong loạt nhiệm vụ trọng điểm của mình. Với những thông tin hữu ích, buổi seminar thu hút được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo và nghiên cứu viên trong Viện.

Hội thảo Khu công nghiệp sinh thái - xu thế toàn cầu và triển vọng tại Việt Nam

20-9-2018

Ngày 19 tháng 9 năm 2018, tại Hải Phòng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo Khu công nghiệp sinh thái – xu thế toàn cầu và triển vọng tại Việt Nam. Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh, Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ông Phạm Văn Mợi - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đồng chủ trì Hội thảo.

Seminar khoa học: Xây dựng mô hình lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm

27-9-2018

Ngày 27/9/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Seminar khoa học về Xây dựng mô hình lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí do ThS Nguyễn Thị Yến – Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường  (thuộc Viện) trình bày. Đây là vấn đề thuộc Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia số BĐKH.14/16-20. Trong những năm vừa qua, ở nước ta cùng với sự tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại cho con người và các loài sinh vật, xét về bản chất các loại ô nhiễm này do các chất gây ô nhiễm có trong không khí như CO2, CO, SO2, NOx, bụi vượt quá tiêu chuẩn quy định. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm do con người hoặc thiên nhiên, nhưng chủ yếu do hoạt động của con người xả chất thải vào không khí c từ hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông vận tải hay sinh hoạt.